Bộ trưởng Y tế: Những người nguy cơ cao có thể tự xét nghiệm Covid-19

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến lược mới đã thay đổi cách thức tiếp cận và nâng cao năng lực xét nghiệm của Việt Nam.

Tối 17/5, trả lời VTV, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết gần đây, cơ quan này đã có sự thay đổi trong chiến lược xét nghiệm. Đó là khuyến khích xét nghiệm tầm soát trên diện rộng.

Theo ông Long, trước đây, chúng ta chỉ sử dụng phương pháp duy nhất là rRT-PCR. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế cấp phép thêm cho sinh phẩm kháng nguyên nhanh (test nhanh).

Với phương pháp này, các đơn vị có thể tự sử dụng để xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 cho lực lượng của mình. Điển hình là nhà máy, các cơ sở giải trí, dịch vụ, lưu trú.

Đặc biệt, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc nhiều người có thể mua bộ kit test nhanh và tự xét nghiệm.

“Chúng tôi khuyến khích các đơn vị trong nước tiếp tục tăng công suất sản xuất test kháng nguyên nhanh, đồng thời, nhập khẩu từ bên ngoài để đảm bảo đủ cho việc mở rộng xét nghiệm”, ông Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Bộ Y tế sẽ kết hợp hài hòa giữa xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh) và kháng thể (rRT-PCR), từ đó đánh giá tình hình dịch, đưa phương án cách ly y tế với chuyên gia, người nhập cảnh từ nước ngoài đã tiêm vaccine.

Ông Long nhận định: “Chiến lược xét nghiệm mới đã thay đổi cách thức tiếp cận, cách làm, huy động tổng lực xã hội trong vấn đề nâng cao xét nghiệm sàng lọc để đảm bảo an toàn cho sản xuất”.

Bộ trưởng Y tế cũng đánh giá cao năng lực, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Bắc Giang. Tỉnh này đã lấy tới hơn 200.000 mẫu xét nghiệm, sàng lọc Covid-19. Bắc Giang và Bắc Ninh là hai ổ dịch nóng nhất hiện nay vì liên quan đến các bệnh nhân trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, cả hai ổ dịch đều đang trong tầm kiểm soát, các ca mắc mới xuất hiện ở khu cách ly.

Về việc vì sao số ca mắc Covid-19 tăng cao hàng ngày, Việt Nam không giãn cách xã hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay hành động này phải được căn cứ trên tình hình thực tiễn, với quy mô hợp lý để không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Xét nghiệm nhanh hay test nhanh là phương pháp định tính kháng thể, tương tự que thử thai. Kỹ thuật này đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh. Chỉ cần 15-20 phút đã cho kết quả có hay không có kháng thể.

Xét nghiệm này quan trọng với cộng đồng, tuy nhiên, nó không dùng để chẩn đoán một người có đang nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

Đặc biệt, test nhanh nếu làm quá sớm có thể cho kết quả âm tính giả vì cơ thể chưa đủ kháng thể. Nếu làm muộn, kết quả nhiều khả năng bị dương tính giả, nhất là sau 2 tuần phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Do đó, nếu một người có kết quả dương tính với nCoV cần phải làm thêm rRT-PCR để khẳng định.

Nguồn: Zing.vn

Contact Me on Zalo
Call Now Button