Phân biệt các chức danh bác sĩ chuyên khoa 1, 2,…

Hiện nay, trong các tin tức sức khỏe có đề cập đến một chuyên gia y khoa nào đó, chúng ta rất thường bắt gặp các cụm từ như bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2, PGS, ThS, TS,… Đã bao giờ bạn tự hỏi những chữ đó là gì chưa? Sự khác nhau giữa các bác sĩ chuyên khoa 1 và 2 là gì? Trong bài viết này, Docosan sẽ giải thích tường tận ý nghĩa của các cụm viết tắt này trong lĩnh vực y tế nói riêng.

Hiện nay chúng ta vẫn gọi các bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau một cách đơn giản là “bác sĩ”. Tuy nhiên, trên thực tế lại có rất nhiều chuyên khoa hay chuyên ngành y tế khác nhau, ví dụ như: thần kinh, tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, thận, nhi, sản, huyết học và ung bướu,… Mỗi bác sĩ chuyên khoa sẽ đi sâu vào nghiên cứu một lĩnh vực chuyên môn nhất định.

Trước khi tìm hiểu về bác sĩ chuyên khoa, chúng ta cần phải biết về 2 khái niệm cơ bản đó là “học vị” và “học hàm”. Đây là hai cách gọi chung để chỉ về trình độ, bằng cấp hay học thức của một người. Mỗi cách gọi sẽ tương ứng với nhiều tiêu chí khác nhau. Học vị hay học hàm càng cao thì người bác sĩ đó sẽ cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe hơn.

Phân biệt “Học vị” và “Học hàm”

Học vị

Học vị là bằng cấp mà một người phải trải qua quá trình học tập mới có, được một cơ sở giáo dục hợp pháp nhà nước cấp, bao gồm:

  • Tiến sĩ (TS) – Doctor of Philosophy (Ph.D, PhD, D.Phil hoặc Dr.Phil)
  • Tiến sĩ khoa học – Doctor of Science (Sc.D, D.Sc, S.D hoặc Dr.Sc)

Trước đây do Việt Nam chịu ảnh hưởng của hệ thống bằng cấp ở Châu Âu, học vị có Thạc sĩ, Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ. Sau này, nước ta chuyển sang hệ thống của Mỹ phù hợp hơn thì “Phó Tiến sĩ” trở thành “Tiến sĩ”, và “Tiến sĩ” trở thành “Tiến sĩ khoa học”.

Một cơ sở giáo dục của nhà nước hoặc được nhà nước cấp phép để mở các chương trình đào tạo từ trung học phổ thông, đại học, sau đại học. Người tham gia các chương trình này và đủ điều kiện tốt nghiệp mỗi chương trình sẽ được nhà trường cấp văn bằng. Và loại văn bằng được cấp chính là học vị của người đó.

Quy trình để lấy học vị:

  • Đối với Thạc sĩ: Tốt nghiệp Đại học, học 2 năm Cao học, bảo vệ 1 đề tài thành công sẽ được nhận bằng Thạc sĩ.
  • Đối với Tiến sĩ: Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, trở thành nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công đề tài và có ít nhất 2 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành, sẽ được nhận bằng Tiến sĩ.
  • Đối với Tiến sĩ khoa học: tiếp tục nâng cao đề tài đã bảo vệ khi nhận bằng Tiến sĩ, mở rộng hơn nữa và bảo vệ thành công theo quy trình tương tự sẽ thành Tiến sĩ khoa học.
bác sĩ chuyên khoa

Học hàm

Học hàm là một chức danh được Hội đồng khoa học Việt Nam phong tặng dựa trên công lao đóng góp của người có học vị trong các công trình nghiên cứu khoa học. Hay người được cơ quan bổ nhiệm có năng lực hay đang làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu, bao gồm:

  • Phó Giáo sư (PGS) – Asscociate Professor (Assoc. Prof.)
  • Giáo sư (GS) – Professor (Prof.)

Với học hàm Phó Giáo sư, không được viết tắt là A. Prof. vì có thể nhầm lẫn với trợ lý giáo sư (Assistant Professor). Sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh là tiêu chuẩn chung của Phó Giáo sư và Giáo sư.

Ở các nước Âu Mỹ, Giáo sư không phải là một học hàm hay một chức danh khoa học như chúng ta đang sử dụng mà đó là một chức vụ giảng dạy (như ở Việt Nam gọi là cô giáo chủ nhiệm, thầy giáo bộ môn) chức vụ này thường do các trường đại học tự chọn lựa và quyết định.

Quy trình nhận học hàm: Giáo sư và Phó Giáo sư đều phải trải qua quá trình suy xét của Hội đồng Giáo sư nhà nước và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Quá trình xét sẽ đánh giá các điều kiện cụ thể của 1 người như:

  • Lượng giờ giảng;
  • Số lượng Nghiên cứu sinh hướng dẫn;
  • Lượng sách đã viết;
  • Lượng bài báo đã đăng.

Ngoài ra, việc có học vị cao nhất là một trong những tiêu chuẩn để có thể ứng cử vị trí học hàm. Có thể hiểu một các đơn giản là học hàm là chức danh khó đạt hơn và cao hơn so với học vị.

Trong y khoa, chuyên môn nào được đào tạo được ghi bổ sung thêm sau học vị và học hàm, ví dụ như: Thạc sĩ Hô hấp, Giáo sư Tiến sĩ Huyết học và Ung bướu, v.v…

Các bác sĩ có học hàm giáo sư trên Docosan

PGS. TS Trần Quang Bính – Khoa Nội Tổng hợp

Với nền tảng kiến thức vững chắc và bề dày kinh nghiệm trong 35 năm nghiên cứu và điều trị trong lĩnh vực Y tế, đặc biệt là chuyên ngành Nội khoa cùng với kinh nghiệm trên 25 năm tại hệ thống tại Bệnh viện Quốc tế City. 

Đồng thời, bác sĩ có hơn 50 đề tài nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí y học trong nước và 42 đề tài được đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc chuyên ngành nghiên cứu. 

PGS. TS. Nhan Trừng Sơn – Khoa Tai Mũi Họng

Mặc dù đã ngoài 80 tuổi song bác sĩ Nhan Trừng Sơn vẫn tham gia công tác thăm khám và chữa trị tại bệnh viện Đa khoa Triều An và phòng khám tại nhà riêng. Bác sĩ Sơn có 50 năm kinh nghiệm trong khám chữa bệnh về tai mũi họng. Thế mạnh của bác là điều trị bệnh tai mũi họng cho trẻ em và trẻ sơ sinh.

PGS. TS. BS Nguyễn Thi Hùng – Chuyên khoa Thần kinh

Bác sĩ đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám và điều trị chuyên khoa Thần kinh. Trong đó, bác sĩ có hơn 30 năm kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý bệnh viện lớn trong và ngoài nước. Dù được giới chuyên môn đánh giá cao kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nhưng bác sĩ Hùng vẫn không ngừng cố gắng nghiên cứu và học hỏi.

Bác sĩ chuyên khoa 1 2 3 là gì?

Bác sĩ chuyên khoa (BSCK) là bác sĩ đã được đào tạo y khoa nâng cao trong một lĩnh vực cụ thể, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế. Họ tập trung vào một lĩnh vực y học cụ thể như thần kinh, hệ tiêu hóa, nhi… Các bác sĩ chuyên khoa được đảm bảo nắm vững các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu và có khả năng nghiên cứu, áp dụng những phương pháp điều trị mới trong ngành y vào việc chăm sóc, điều trị bệnh cho bệnh nhân.

Để trở thành bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ đều phải trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Cùng với kinh nghiệm, khả năng phản xạ tình huống phức tạp, họ sẽ đưa ra quyết định về phương pháp điều trị cụ thể cho từng ca lâm sàng cụ thể khác nhau.

Tại Việt Nam, khi một người học Đại học các chuyên ngành liên quan đến Y khoa trong 6 năm, thì lúc tốt nghiệp, người đó đã là bác sĩ nhưng vẫn chưa được hành nghề. Sau khi học thêm khoảng 18 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề thì các “bác sĩ tập sự” này mới chính thức được chữa bệnh cho người dân. Cần ít nhất phải từ 2-4 năm để đào tạo chuyên sâu, và trau dồi thêm kiến thức trong quá trình thực hành, làm việc.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa trình độ của bác sĩ chuyên khoa 1 và 2 (CKI, CKII) mà mọi người cần hiểu rõ. Nói đơn giản, những người có bằng bác sĩ chuyên khoa 2 được công nhận tương đương với Tiến sĩ còn bác sĩ chuyên khoa 1 thì giống như Thạc sĩ.

Phân biệt bác sĩ chuyên khoa 1 (BSCKI) và Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCKII)

BSCKI – Bác sĩ chuyên khoa 1 là gì?

Bác sĩ chuyên khoa là khái niệm phân cấp trình độ của các bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp Đại học, nếu muốn học nâng cao trình độ chuyên môn thì có 2 lựa chọn:

  • Thực hành lâm sàng
  • Nghiên cứu

Muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa 1 (BSCKI) thì phải học thêm 1 năm để thành bác sĩ chuyên khoa định hướng trước, và học tiếp khoảng 2 năm nữa để trở thành chuyên khoa 1.

Như vậy, một sinh viên tốt nghiệp trường Y cần học ít nhất là 3 năm học thêm để lấy chứng chỉ BSCKI. Điều kiện học có độ tuổi là nam không quá 50 tuổi, nữ không quá 45 tuổi.

BSCKI là người trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực hành lâm sàng chuyên về một lĩnh vực cụ thể trong ngành Y, có vị trí cao hơn bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa định hướng. Họ thường làm việc tại các phòng khám, bệnh viện công lập hoặc bệnh viện tư.

Các BSCKI trên Docosan

BSCKI Phí Thị Tuyết Nga – Sản Phụ khoa

Với hơn 30 năm trong lĩnh vực Sản phụ khoa, bác sĩ Phí Thị Tuyết Nga không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao tay nghề mà còn được đông đảo bệnh nhân thuộc phái nữ tin tưởng gửi gắm sức khỏe. Hiện nay, bác sĩ đang công tác chính tại phòng khám tư nhân của mình về lĩnh vực khám điều trị viêm nhiễm phụ khoa, bệnh lây qua đường tình dục, khám thai, tư vấn hôn nhân và nhiều vấn đề khác.

BSCKI Nguyễn Đại Hoàng Đức – Khoa Da liễu

Đã có hơn 15 năm kinh nghiệm khám và điều trị bệnh về da liễu. Những thế mạnh của bác sĩ có thể kể đến như khám chữa bệnh bệnh vảy nến, việm da cơ địa, bạch biến, nấm da, rụng tóc,… Hiện nay, bác sĩ Đức đang công tác tại Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Dr Michaels.

BSCKII – Bác sĩ chuyên khoa 2 là gì?

Bác sĩ chuyên khoa 2 là những người đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở những cơ sở y tế và các cơ sở thực hành lâm sàng. Sau khi trở thành BSCKI, nếu muốn nâng cấp trình độ chuyên môn, các bác sĩ phải học chuyên sâu thêm khoảng 2 năm để trở thành bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCKII). Cũng vì vậy, BSCKII thông thường sẽ nắm giữ các vai trò chủ chốt tại các cơ sở y tế.

Hình thức đào tạo là theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.Với điều kiện học có độ tuổi là nữ không quá 50 tuổi và nam không quá 55 tuổi.

Các ngành đào tạo cho BSCKII: Chấn thương chỉnh hình, Ngoại khoa, Nội khoa, Sản phụ khoa, Y học cổ truyền, Quản lý y tế,…

Các BSCKII trên Docosan

BSCKII Nguyễn Thị Băng Hải – Sản Phụ khoa

Với hơn 40 năm trong ngành, Bác sĩ Hải đã đóng góp cho sự phát triển y học ở nhiều cơ sở y tế uy tín, bao gồm Bệnh viện 30-4 Bộ Công An, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viên Đa khoa Vạn Hạnh, và Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare.

BSCKII Nguyễn Thị Băng Hải đã đạt được nhiều chứng chỉ và danh hiệu quan trọng trong sự nghiệp y học của mình, bao gồm Bằng chuyên khoa I và II từ trường Đại học Y Dược TPHCM, chứng chỉ siêu âm sản phụ khoa, chứng chỉ phẫu thuật nội soi trong Sản phụ khoa, chứng chỉ nội soi cổ tử cung, cùng với chứng chỉ cấy và rút que tránh thai và phá thai nội khoa.

BSCKII Bùi Thị Kim Châu – Sản Phụ khoa

Bùi Thị Kim Châu là một trong số ít bác sĩ Sản phụ khoa giỏi ở Thành phố Hồ Chí Minh chuyên khám và điều trị bệnh cho chị em phụ nữ. Bằng sự tận tâm, chu đáo cộng với kiến thức chuyên môn sâu rộng, bác sĩ luôn đưa ra phương pháp điều trị dứt điểm, trong đó bao gồm cả trường hợp khó. 

BSCKII.Lê Kim Sang – Khoa Tiêu hoá

Bác sĩ Sang đã có hơn 30 năm kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực nội soi và nội tiêu hóa, đồng thời là Giảng viên thỉnh giảng cho nhiều trường Đại học lớn: Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Quân Y phía Nam, Đại Học Y dược TPHCM, …

BSCKI hay BSCKII giỏi hơn? Nên đặt khám CKI hay CKII?

Đối với ngành y tế, cả bác sĩ chuyên khoa 1 và 2 đều đóng vai trò quan trọng, vì họ là nguồn lực tham gia vào quá trình thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân cũng như cho cộng đồng.

Vì BSCKII là học lên từ BSCKI nên xét về mặt trình độ, BSCKII có kiến thức cao và rộng hơn, giữ vị trí quan trọng hơn trong ngành so với BSCKI. Tuy nhiên, chất lượng thăm khám sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc tự trau dồi kiến thức thực tế, kinh nghiệm hành nghề và tình trạng của từng bệnh nhân, nên không thể khẳng định BSCKI hay BSCKII khám giỏi hơn.

Có bác sĩ chuyên khoa 3 không?

Trong thời điểm hiện tại, ở Việt Nam chỉ huấn luyện và đào tạo BSCKI, BSCKII và bác sĩ nội trú, vẫn chưa có nơi nào đào tạo “Bác sĩ chuyên khoa 3” (BSCKIII) và cũng chưa có người nào nắm giữ học vị này.

Câu hỏi thường gặp

Nên học bác sĩ chuyên khoa gì?

Bởi vì bác sĩ chuyên khoa là ngành học được đào tạo chuyên sâu trong một lĩnh vực cụ thể. Tùy theo mong muốn và khả năng của mình, bạn có thể chọn theo chuyên khoa mà bạn cảm thấy phù hợp với mình nhất.

Bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa?

Bác sĩ nội trú là bác sĩ vẫn còn đang trong quá trình đào tạo, còn bác sĩ chuyên khoa là người đã đủ kinh nghiệm, có bằng cấp đầy đủ, đủ điều kiện có thể hành nghề. Đồng thời chương trình đào tạo của các bác sĩ chuyên khoa phức tạp hơn. Vì vậy giữa bác sĩ nội trú và chuyên khoa 1 thì tất nhiên BSCKI sẽ có cấp bậc cao hơn.

Bác sĩ chuyên khoa học mấy năm?

Cần ít nhất 9 năm để có thể đào tạo ra một bác sĩ chuyên khoa. Điều này còn chưa kể đến kỹ thuật y học ngày càng phát triển, các bác sĩ luôn phải học tập và cập nhật liên tục kiến thức để có thể nâng cao kỹ năng và giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 và thạc sĩ?

Những người có bằng cấp chuyên khoa 1 có trình độ tương đương với thạc sĩ. Từ đó có thể nhận thấy được chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa 2 sẽ cao hơn thạc sĩ bác sĩ.

Hy vọng sau khi tham khảo thông tin mà Docosan cung cấp, mọi người sẽ hiểu rõ hơn khi đọc những bài báo, trích dẫn hay phỏng vấn các chuyên gia y khoa, và chọn lựa bác sĩ phù hợp nhất cho mình khi cần thăm khám.