Những chấn thương đầu gối thường gặp và cách điều trị

Khớp gối là một cấu trúc giải phẫu phức tạp, bao gồm xương, dây chằng, gân cơ, sụn chêm, sụn khớp… và là chấn thương đầu gối cũng là một trong những chấn thương hay gặp nhất trên cơ thể. Một số chấn thương phổ biến là đứt/rách dây chằng, gãy xương, trật khớp, rách sụn chêm,… Để hiểu rõ hơn về loại chấn thương này và phương pháp điều trị mời bạn đọc cùng Doctor có sẵn tham khảo nội dung dưới đây.

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ Trần Duy Viễn, chuyên khoa Nội Tổng hợp, hiện đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare.

Giải phẫu học khớp gối

Khớp gối là khớp dạng bản lề lớn nhất trong cơ thể, nằm ngay dưới da, có 4 thành phần cấu tạo chính: xương, sụn, dây chằng và gân.

  • Xương: Có 3 cấu trúc xương cấu tạo khớp gối, bao gồm đầu dưới xương đùi (lồi cầu đùi), đầu trên xương chày (mâm chày) và xương bánh chè.
  • Sụn khớp: Các đầu xương và mặt sau của xương bánh chè được bao phủ bởi sụn khớp. Sụn khớp đóng vai trò như một tấm đệm trơn giúp các đầu xương lướt nhẹ qua nhau khi cử động co, duỗi khớp gối.
  • Sụn chêm: Phần đệm giữa đầu dưới xương đùi (lồi cầu đùi – hình cầu) và đầu trên xương chày (mâm chày – phẳng) là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài, với chức năng giúp tăng diện tích tiếp xúc, phân bổ đều lực tác động lên gối, giữ cho cử động được trơn tru, linh hoạt và bảo vệ các đầu xương. Trong chấn thương đầu gối, khi nhắc đến rách sụn, thường mang ý nghĩa là rách sụn chêm.
  • Hệ thống dây chằng: Các xương được gắn kết với nhau bởi các dây chằng. Có bốn dây chằng chính chắc chắn giúp gắn kết các đầu xương và giữ cho khớp gối ổn định:
    • Dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau: Hai dây chằng này sẽ giữ cho đầu trên xương chày và đầu dưới xương đùi không bị trượt theo chiều trước sau trong khi vận động. Tổn thương dây chằng chéo, đặc biệt là dây chằng chéo trước rất thường gặp.
    • Dây chằng bên trong và bên ngoài khớp gối để giữ cho khớp không bị trượt sang bên.
    • Gân cơ: Cơ bắp sẽ bám vào xương nhờ các sợi gân cơ, từ đó co duỗi cơ để thực hiện các động tác.
chấn thương đầu gối
Giải phẫu học khớp gối

Các chấn thương đầu gối thường gặp và dấu hiệu nhận biết

Các chấn thương đầu gối thường gặp gồm có, chấn thương dây chằng đầu gối, chấn thương phần mềm, chấn thương sụn đầu gối, gãy xương…

Gãy xương

Như đã giới thiệu ở trên, khớp gối cấu tạo từ đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày và xương bánh chè. Cả ba thành phần này đều có khả năng nứt, gãy trong các tai nạn, chấn thương đầu gối trong đời sống hằng ngày.

Tuy nhiên, theo một số thống kê, tỷ lệ gãy kín xương bánh chè cao hơn hẳn so với hai xương còn lại. Bên cạnh đó, loãng xương ở người cao tuổi là một yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ gãy xương xảy ra.

chấn thương đầu gối
Gãy xương là một tình trạng chấn thương khớp gối thường gặp

Đứt dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước (Anterior Cruciate Ligament – ACL) bám từ lồi cầu xương đùi tới diện trước mâm chày, để giữ cho mâm chày không bị trượt ra trước và xoay trong

Cơ chế

Tổn thương dây chằng chéo trước thường xảy ra trong các tình huống chấn thương đầu gối như sau:

  • Chấn thương trực tiếp vào mặt trước đầu gối: va chạm trong các môn thể thao như đá bóng, hoặc tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt…
  • Đang chạy, dừng đột ngột và chuyển hướng nhanh.
  • Xoay người sang phía đối diện trong lúc bàn chân giữ nguyên.
  • Nhảy cao, rơi một chân tiếp đất trong tư thế không thuận lợi.

Có nhiều hình thái tổn thương dây chằng chéo trước: từ tổn thương không hoàn toàn, tổn thương hoàn toàn đến bong chỗ bám của dây chằng, đi kèm với đó là biểu hiện lỏng gối.

chấn thương đầu gối
Hình ảnh mô phỏng đứt dây chằng chéo trước

Dấu hiệu nhận biết

  • Sưng, đau vùng đầu gối:
  • Ngay tại thời điểm chấn thương, người bệnh có thể nghe thấy tiếng “rắc”. Nhanh chóng sau đó, gối sẽ sưng, phù nề và đau tăng dần, hạn chế cử động co, duỗi của khớp gối. Người bệnh gần như chỉ có thể duỗi gối hoàn toàn, cần sự hỗ trợ của xe lăn, hoặc nạng để di chuyển.
  • Tuy nhiên, tình trạng sưng đau này, dù có điều trị hoặc không, cũng sẽ giảm dần và tự hết. Đây là một đặc điểm khiến người bệnh có thể chủ quan và không đi thăm khám kịp thời.
  • Lỏng gối, mất vững:
  • Cảm giác chân yếu khi đi lại.
  • Khó khăn khi đứng trụ một chân ở bên chân bị chấn thương.
  • Khi chạy nhanh có cảm giác ríu chân, dễ vấp ngã.
  • Lên xuống cầu thang cảm giác đầu gối không vững, nhất là khó khăn trong đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang.
  • Teo cơ:

Cơ đùi bên chân bị tổn thương sẽ teo dần và càng làm nặng thêm cảm giác yếu chân và mất vững đầu gối ở người bệnh.

Hậu quả

Hai tổn thương thường gặp theo sau tổn thương dây chằng chéo trước là rách sụn chêm và thoái hoá khớp gối.

Đứt dây chằng chéo sau

Ngược lại với dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau (Posterior Cruciate Ligament – PCL) giữ cho mâm chày không bị trượt ra sau và xoay ngoài.

chấn thương đầu gối
Đứt dây chăng chéo sau sẽ gây ra triệu chứng khó chịu, đặc biệt là cơn đau nhức

Cơ chế

Tổn thương dây chằng chéo sau thường gặp trong các tình huống chấn thương như sau:

  • Có tác động lực trực tiếp đến mặt trước đầu gối, ở mặt trên xương chày.
  • Ngã đập xuống mặt phẳng (mặt đường…) khi đầu gối đang gấp.
  • Trong môn bóng đá, tung cú sút mạnh nhưng hụt bóng.

Dấu hiệu nhận biết

Tương tự như các dấu hiệu của tổn thương dây chằng chéo trước, khi tổn thương dây chằng chéo sau, người bệnh sẽ sưng đau khớp gối ngay sau khi chấn thương, kèm cảm giác gối lỏng lẻo, mất vững và teo cơ. 

Hậu quả

Cũng giống như trong chấn thương dây chằng chéo trước, nếu không được chẩn đoán, điều trị và phục hồi phù hợp, tổn thương dây chằng chéo sau có thể dẫn đến rách sụn chêm hoặc thoái hoá khớp gối về sau. 

Chấn thương dây chằng đầu gối bên trong và bên ngoài

Chấn thương dây chằng bên trong và bên ngoài thường do một lực tác động vào đầu gối sang một bên. Những chấn thương này thường gặp trong thể thao, tuy nhiên tỷ lệ mắc phải thấp hơn nhiều so với tổn thương dây chằng chéo trước và chéo sau.

Dấu hiệu nhận biết

Tthường gặp là đau và yếu một mặt trong hoặc ngoài của khớp gối. Đôi khi có tụ máu đầu gối kèm theo.

Tổn thương một hoặc cả hai dây chằng này thường đi kèm với tổn thương các cấu trúc khác thuộc khớp gối, như gân cơ, dải chậu – chày, sụn chêm hoặc tổn thương dây chằng chéo trước, chéo sau.

Tổn thương sụn chêm

Trong số các chấn thương đầu gối xảy ra trong thể thao, tổn thương sụn chêm là thường gặp nhất. Bên cạnh đó, sụn chêm cũng rất dễ bị tổn thương do tai nạn giao thông.

Sụn chêm là một tấm sụn có hình chữ C (sụn chêm trong) và hình chữ O (sụn chêm ngoài). Sụn chêm lót giữa lồi cầu của xương đùi ở phía trên và mâm chày ở phía dưới, giúp phân bổ lực, giữ vững và bổ sung tính linh hoạt của khớp gối trong các cử động.

chấn thương đầu gối
Tổn thương sụn chêm là một dạng của chấn thương đầu gối

Cơ chế

Khi xoay khớp gối đột ngột, hoặc duỗi, gấp khớp gối quá mức, làm cho 2 đầu xương tác động một lực mạnh, ép chặt sụn chêm đột ngột, gây rách hoặc vỡ sụn chêm. Sụn chêm trong thường bị chấn thương nhiều hơn gấp 5 lần so với sụn chêm ngoài.

Dấu hiệu nhận biết

  • Đau khớp gối.
  • Sưng, phù nề, có tiếng lục cục khi cử động khớp sau khi đã giảm sưng.
  • Có thể teo cơ nếu tổn thương kéo dài mà không được điều trị phù hợp.

Tổn thương sụn khớp

Sụn khớp bao bọc lấy đầu xương, trơn nhẵn, giúp khớp gối cử động linh hoạt và trơn tru. Vì không có mạch máu nuôi, không có thần kinh chi phối và nhận cảm giác, nên trong các tổn thương sụn khớp, thường người bệnh không nhận ra, nhưng các tổn thương này lại không có khả năng tự phục hồi.

Dấu hiệu nhận biết tương tự với tổn thương sụn chêm: đau, sưng, kẹt khớp hoặc cảm thấy có tiếng lục cục ở đầu gối khi cử động.

Tổn thương sụn khớp cũng thường đi kèm với tổn thương dây chằng chéo, đặc biệt là dây chằng chéo trước.

Nguyên nhân là khớp gối chịu một tác động lực mạnh từ bên ngoài đột ngột, làm bong, vỡ sụn hoặc do khớp gối xoay đột ngột trong các tình huống chuyển động đổi hướng bất ngờ.

Trật khớp gối

Trật khớp gối là tình trạng mà đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày trượt ra khỏi vị trí ban đầu. Sự di lệch này khiến đầu gối bị biến dạng, có thể nhận ra rõ chỉ bằng mắt thường, và dẫn đến tổn thương các cấu trúc sụn, dây chằng xung quanh.

Nguyên nhân thường gặp là do các chấn thương, va chạm với lực mạnh tác động trực tiếp vào khớp gối.

chấn thương đầu gối
Trật khớp gối cần được tiến hành điều trị từ sớm nếu không mong muốn đối mặt với những cơn đau

Hội chứng dải chậu chày

Về mặt giải phẫu, dải chậu – chày là một mô liên kết, kéo dài từ chậu (xương chậu) xuống chày (xương chày) theo chiều dọc mặt ngoài của đùi. Cấu trúc này cũng tham gia trong các cử động của khớp gối.

Hội chứng dải chậu chày xảy ra do sự lặp đi lặp lại các cử động co duỗi khớp gối trong một thời gian dài, thường gặp nhất ở các vận động viên chạy bộ đường dài hoặc siêu dài. 

Dấu hiệu nhận biết chủ yếu là cảm giác đau ở mặt ngoài khớp gối, lan lên đùi và mông.

Chẩn đoán chấn thương đầu gối như thế nào?

  • Cơ chế chấn thương 

Cơ chế chấn thương là yếu tố quan trọng trong việc chẩn đoán các chấn thương nói chung, và đặc biệt là chấn thương đầu gối. Việc mô tả kĩ lưỡng hoàn cảnh chấn thương giúp bác sĩ hình dung được bối cảnh và hướng của lực tác động lên đầu gối, từ đó liên hệ đến cấu trúc giải phẫu khớp gối để định hướng trong việc chẩn đoán.

  • Khám lâm sàng: 

Bên cạnh việc hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng và thực hiện các nghiệm pháp đặc hiệu sẽ giúp bác sĩ xác định được thành phần tổn thương. Đồng thời, đánh giá toàn trạng của người bệnh để xác định các chấn thương ở các hệ cơ quan kèm theo nếu có.

chấn thương đầu gối
Khám lâm sàng chấn thương đầu gối
  • Các phương tiện hình ảnh:
  • X-Quang khớp gối thẳng và nghiêng: Người bệnh nên được đưa đến các cơ sở y tế ngay sau khi chấn thương để chụp X-Quang khớp gối, từ đó đánh giá có hay không gãy/nứt xương, bong chỗ bám dây chằng, trật khớp gối và các cấu trúc khác trong khớp gối có đúng vị trí hay không…
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối: Đây là phương tiện hình ảnh đặc hiệu giúp chẩn đoán các chấn thương mô mềm, sụn, hệ thống dây chằng. Tuy nhiên, khác với X-Quang, chụp cộng hưởng từ sẽ thường được thực hiện sau chấn thương vài ngày đến vài tuần – thời điểm khi khớp gối đã hết phù nề và máu tụ trong khớp. 

Cách điều trị chấn thương đầu gối

Xử trí ban đầu

Đối với một chấn thương bất kì, việc xử trí tại chỗ đúng cách, kịp thời luôn được chú trọng. 

  • Ngay sau một chấn thương đầu gối, người bệnh cảm thấy rất đau và đầu gối bắt đầu phù nề, việc cần làm là bất động khớp gối bằng nẹp hoặc băng thun. 
  • Chườm lạnh hoặc uống một số loại thuốc giảm đau không kê đơn sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. 
  • Nghỉ ngơi và kê cao chân cũng là biện pháp giúp đầu gối giảm phù nề. 
  • Nếu có tụ máu, tràn máu khớp gối, thường máu sẽ tự tiêu, không cần thiết phải chọc, rạch da để hút bớt dịch và máu. Việc chọc hút, rạch da có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng khớp cho người bệnh.

Nếu tình trạng đau gối kéo dài hơn 1 tuần và cơn đau không giảm hoặc diễn tiến nặng hơn, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.

chấn thương đầu gối
Xử lý ban đầu khi gặp chấn thương đầu gối trước khi có sự can thiệp của y khoa

Điều trị bảo tồn

Một số chấn thương phần mềm đầu gối có thể được điều trị bằng các biện pháp đơn giản, mà không cần đến phẫu thuật, ví dụ như:

  • Bất động: Nẹp, cố định khớp gối, hạn chế đi lại hoặc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như xe lăn, nạng để di chuyển để tránh gây áp lực lên đầu gối đang bị tổn thương.
  • Tập vật lý trị liệu: Một số bài tập cụ thể sẽ giúp phục hồi và bảo tồn chức năng vận động của cơ xương khớp của người bệnh trong thời gian sau chấn thương.
  • Thuốc chống viêm NSAIDs: Các loại thuốc như aspirin, ibuprofen… có thể giúp khớp gối giảm đau và bớt phù nề. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ và uống thuốc theo đúng chỉ định, để tránh quá liều hoặc các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.

Phẫu thuật

Với các chấn thương dây chằng đầu gối hoặc sụn chêm và không có khả năng tự phục hồi, phẫu thuật cần phải được thực hiện. Hiện nay, phẫu thuật nội soi khớp gối rất phổ biến và mang lại kết quả rất tốt. Các bác sĩ thường sẽ tiến hành phẫu thuật khi khớp gối đã hết sưng và cải thiện một phần biên độ vận động. 

Tập phục hồi sau mổ

Đối với các chấn thương đầu gối, việc tập luyện phục hồi đóng vai trò rất quan trọng trong kết quả của cả quá trình điều trị. Mỗi loại chấn thương sẽ có liệu trình và các bài tập chuyên biệt, tương ứng với quá trình hồi phục, tăng dần theo thời gian. Tập luyện đúng cách, phù hợp, sẽ giúp người bệnh dần dần lấy lại khả năng vận động trước đó, trở lại với cuộc sống sinh hoạt và tập luyện thể thao bình thường. 

Phòng tránh chấn thương đầu gối

  • Trong lao động, sinh hoạt, tham gia giao thông, luôn đặt an toàn lên vị trí hàng đầu.
  • Trong thể thao, cần khởi động kĩ lưỡng, đủ và đúng các bước trước khi bước vào tập luyện, thi đấu. Hạn chế các động tác, các tư thế bất lợi và các va chạm trên mức cần thiết có thể gây hại cho bản thân và người cùng thi đấu.
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và có kế hoạch tập luyện, nghỉ ngơi hợp lí.
chấn thương đầu gối
Thận trọng với những môn thể thao có khả năng khiến đầu gối bị tổn thương

Kết luận

Chấn thương nói chung, và chấn thương đầu gối nói riêng, là điều không ai mong muốn trong sinh hoạt cũng như tập luyện thể dục thể thao. Chúng ta cần nắm rõ các biện pháp phòng tránh để không xảy ra những chấn thương đáng tiếc cho bản thân, và cho người khác. Đồng thời trang bị các kiến thức đúng để biết cách xử trí khi gặp chấn thương và đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị phù hợp và kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.