Chân vòng kiềng – Nhận diện nguyên nhân và cách khắc phục

Chân vòng kiềng thường là vấn đề quan ngại của nhiều người do ảnh hưởng xấu đến ngoại hình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tình trạng chân bị vòng kiềng không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Như vậy, làm thế nào để nhận biết chân vòng kiềng? Nguyên nhân và cách khắc phục là gì? Để tìm câu trả lời cho những thông tin này, hãy cùng Doctor có sẵn tham khảo bài viết dưới đây.

Chân vòng kiềng (genu varum) là gì?

Chân vòng kiềng (còn gọi là chân chữ O hay thuật ngữ La tinh là genu varum) là một biến dạng ở xương, được biểu hiện bằng triệu chứng cong đầu gối. Có nghĩa là cẳng chân bị tạo một góc ở đầu gối so với trục của đùi, khiến cho chân bị cong hình vòng cung khi nhìn tổng thể. Khi đó, hai đầu gối không thể chạm nhau dù người bệnh ở tư thế đứng thẳng. Theo thời gian, trọng lượng cơ thể đè lên chân sẽ khiến sự biến dạng khớp này ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nếu để tình trạng chân bị vòng kiềng diễn ra trong nhiều năm, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị các biến chứng gia tăng liên quan đến ngón chân, hông và mắt cá chân như: tăng nguy cơ tổn thương khớp bánh chè, viêm xương khớp chày – đùi, thay đổi ở khớp mắt cá chân và bàn chân, tăng nguy cơ gãy xương chày…

Không những thế, người bị chân vòng kiềng cũng có thể bị ảnh hưởng tâm lý do cảm thấy tự ti về ngoại hình hoặc do bị hạn chế đi lại, chạy nhảy hay chơi thể thao bình thường.

Sự biến dạng trục xương ở chân vòng kiềng
Sự biến dạng trục xương ở chân vòng kiềng

Nguyên nhân gây ra chân vòng kiềng?

Trẻ sơ sinh thường gặp tình trạng chân vòng kiềng do chân của chúng phải gập lại trong không gian chật hẹp của tử cung. Dù không có số liệu cụ thể về tần suất trẻ sơ sinh có chân vòng kiềng, nhưng theo đánh giá của các bác sĩ thì đây được xem là tình trạng chân bị vòng kiềng sinh lý phổ biến, thường gặp trong những tháng đầu đời của trẻ đến dưới 2 tuổi. Tình trạng này thường biến mất khi trẻ được ba hoặc bốn tuổi.

Tuy nhiên, ở trẻ trên 2 tuổi và tập đi nhưng hai đầu gối vẫn xa nhau thì ba mẹ cần lưu ý vì đây có thể là trường hợp chân vòng kiềng bệnh lý. Các bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra chân vòng kiềng bao gồm:

Chân vòng kiềng do còi xương

Còi xương là một bệnh về xương do thiếu canxi, vitamin D, phốt pho, là những yếu tổ cần thiết để xương phát triển chắc khỏe. Còi xương sẽ khiến xương mềm và yếu hơn bình thường, do đó không thể chịu được sức nặng của cơ thể và gây ra chân vòng kiềng cũng như nhiều vấn đề về xương khớp khác. Tình trạng còi xương do thiếu dinh dưỡng này thường xảy ra ở các nước kém phát triển, hiếm khi gặp các nước phát triển. Vì thế, các báo cáo về chân vòng kiềng thường gặp ở các nước Châu Phi.

Tuy nhiên, một số ít trẻ mắc các vấn đề về di truyền khiến cơ thể không thể hấp thu đủ vitamin D làm cho sự hình thành xương chậm lại cũng có thể xảy ra tình trạng chân bị vòng kiềng do còi xương.

Trẻ còi xương có nguy cơ bị chân vòng kiềng
Trẻ còi xương có nguy cơ bị chân vòng kiềng

Chân vòng kiềng do bệnh lùn

Chứng loạn sản xương – sụn hay còn gọi là bệnh lùn gây rối loạn tăng trưởng xương, khiến trẻ bị ngắn xương chi và làm ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Bệnh lý này cũng là một nguyên nhân dẫn đến chân vòng kiềng.

Chân vòng kiềng do bệnh Blount

Đây là bệnh lý do sự rối loạn tăng trưởng của đầu trên đĩa xương chày, xảy ra khi các mảng tăng trưởng xung quanh đầu gối chậm lại hoặc ngừng tạo xương mới trong khi các mảng tăng trưởng gần bên ngoài đầu gối tiếp tục phát triển như bình thường.

Bệnh Blount có thể khiến đầu gối cong ra (vòng kiềng) hoặc tình trạng xoắn xương chày. Thông thường, nếu bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh thì cả 2 đầu gối đều bị ảnh hưởng, trong khi ở độ tuổi vị thành niên thì nhiều khả năng chỉ ảnh hưởng 1 đầu gối. Trước 3 tuổi, bác sĩ có thể khó xác định chẩn đoán. Sau độ tuổi đó, tình trạng này sẽ có các triệu chứng rõ ràng hơn và có thể nhìn thấy trên phim X – quang.

Có thể chẩn đoán chân vòng kiềng do bệnh Blount bằng X - quang
Có thể chẩn đoán chân vòng kiềng do bệnh Blount bằng X – quang

Bệnh Paget

Một trong những nguyên nhân chân vòng kiềng ở người lớn là bệnh Paget. Bệnh Paget là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính ảnh hưởng đến sự phát triển và quá trình hồi phục của hệ thống xương ở người trưởng thành, làm cho quá trình chu chuyển xương tăng nhanh khu trú ở một số vùng.

Bệnh có thể không có triệu chứng hoặc phát triển từ từ gây đau và biến dạng xương ở nhiều bộ phận của cơ thể. Trong đó, nếu sự biến dạng xương tại khớp gối có thể khiến người mắc bệnh bị chân vòng kiềng. Xét nghiệm X – quang thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh Paget xương.

Nguyên nhân khác

  • Cân nặng quá mức hoặc bị béo phì ở trẻ em.
  • Nguyên nhân chân vòng kiềng ở người lớn có thể là do những tổn thương vùng khớp gối như thoái hóa khớp, chấn thương, gãy xương không lành tốt, nhiễm trùng quanh cẳng chân.
  • Bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến sự phát triển của xương xung quanh khớp gối.
  • Bệnh celiac và các rối loạn tiêu hóa khác.
  • Nhiễm độc chì hoặc florua.
  • Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu niên nam chơi đá bóng từ 16-18 tuổi có nguy cơ mắc chân vòng kiềng cao hơn bình thường dù không xác định được cơ chế cụ thể cho trường hợp này.

Chân vòng kiềng được chẩn đoán như thế nào?

Dị tật chân vòng kiềng có thể được nhận biết một cách dễ dàng thông qua biểu hiện chân cong ra ngoài, tạo thành một khoảng trống giữa hai đầu gối, dù bàn chân và mắt cá chân chạm nhau. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp của chân vòng kiềng bao gồm:

  • Đầu gối không ổn định.
  • Giảm chuyển động ở hông.
  • Đau đầu gối hoặc hông.

Để chẩn đoán chính xác dị tật chân vòng kiềng, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, tiến hành khám sức khỏe và có thể chỉ định xét nghiệm máu hoặc chụp X – quang xương chân từ hông đến mắt cá chân.

Thông thường, bác sĩ sẽ quy ước hình dáng của một đôi chân thẳng bình thường phải có khoảng cách giữa hai chân nằm trong một giới hạn nào đó. Nếu vượt giới hạn đó, có thể chẩn đoán là chân vòng kiềng. Ngoài ra, bác sĩ có thể quan sát dáng đi, chú ý góc tiến của bàn chân và lực đẩy bên của chân. Ở tư thế nằm sấp, đo độ xoay hông từ trong ra ngoài (xoắn xương đùi) và trục đùi – bàn chân (xoắn xương chày).

Ngoài ra, bác sĩ có thể sờ nắn đầu xương, quan sát dáng đi, chú ý góc tiến của bàn chân, lực đẩy bên của chân, tính đối xứng ở hai bên chân và chiều dài thực tế của mỗi bên để phân biệt một số nguyên nhân chân vòng kiềng. Ở tư thế nằm sấp, đo độ xoay hông từ trong ra ngoài (xoắn xương đùi) và trục đùi – bàn chân (xoắn xương chày).

Nếu nghi ngờ chân vòng kiềng do các vấn đề về xương chuyển hóa thì cần phải tiến hành các xét nghiệm máu và nước tiểu có liên quan, cùng với sự tư vấn của bác sĩ nội tiết. Trong đó, nồng độ phosphatase kiềm (ALP) trong huyết thanh là một xét nghiệm hữu ích để chẩn đoán trẻ bị chân vòng kiềng do thiếu vitamin D. Ở một số bệnh nhân chọn lọc, có thể cần tiến hành đo mật độ xương.

Các dấu hiệu trên X – quang có thể giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng cũng như phân biệt được chân vòng kiềng ở trẻ em là do quá trình sinh lý bình thường hay do các bệnh lý về xương như bệnh Blount…

Dị tật chân vòng kiềng được chẩn đoán càng sớm thì càng tốt. Những người trưởng thành không được chẩn đoán bị biến dạng chân vòng kiềng khi còn nhỏ và để tình trạng này diễn tiến trong nhiều năm có thể bị đau chân, đi đứng không vững, hạn chế khả năng vận động, thể thao…

Do đó, nếu bạn có con nhỏ có biểu hiện chân vòng kiềng trên ba tuổi, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm, ngay cả khi chân vòng kiềng không gây khó chịu hay hạn chế khả năng đi lại của con khi đó.


Chân vòng kiềng gây đau và hạn chế khả năng vận động
Chân vòng kiềng gây đau và hạn chế khả năng vận động

Cách khắc phục chân vòng kiềng

Phương pháp điều trị chân vòng kiềng phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của tình trạng này và có thể bao gồm: nẹp chân, vật lý trị liệu, phẫu thuật hoặc điều trị nội tiết. Ngoài ra, điều chỉnh tư thế, vận động hợp lý và bổ sung đủ chất dinh dưỡng cũng góp phần khắc phục tình trạng này.

Bổ sung đủ chất dinh dưỡng

Sự phát triển bình thường của xương phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng. Chính vì thế, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ là vô cùng quan trọng đối với trẻ em bị chân vòng kiềng. Trẻ cần được bổ sung các loại protein, vitamin, khoáng chất thiết yếu… và đặc biệt là bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D3 và MK7 từ các loại tôm, cua, trứng, sữa, hoặc các thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trường hợp trẻ béo phì cũng mang đến nguy cơ bị tật chân vòng kiềng, do đó, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhưng phải hợp lý là điều được khuyến khích.

Nếu chân vòng kiềng là kết quả của một trường hợp còi xương di truyền, trẻ sẽ cần được điều trị chuyên khoa từ bác sĩ nội tiết.

Trẻ em bị chân vòng kiềng cần được bổ sung đủ canxi
Trẻ em bị chân vòng kiềng cần được bổ sung đủ canxi

Vật lý trị liệu

Tại phòng khám, bác sĩ sẽ có những phương pháp vật lý trị liệu và thiết bị đặc biệt giúp rèn luyện khớp gối để điều chỉnh khớp gối xoay trở lại vào trong. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được hướng dẫn các bài tập vận động để rèn luyện cơ chân, giữ chân được giữ ở tư thế đúng. Phương pháp này cũng rất hiệu quả trong việc điều trị chân vòng kiềng.

Ngoài ra, ở trẻ em, người ta cũng có thể dùng một thiết bị khuôn chỉnh hình đầu gối – mắt cá chân – bàn chân để nắn chân cho trẻ và trẻ sẽ sử dụng khuôn đó trong khi ngủ. Trẻ mắc bệnh Blount có biến dạng chân vòng kiềng chưa nghiêm trọng cũng có thể sử dụng phương pháp này.


Điều trị chân vòng kiềng bằng vật lý trị liệu
Điều trị chân vòng kiềng bằng vật lý trị liệu

Điều chỉnh tư thế

Dáng đi cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng để khắc phục chân vòng kiềng. Hãy tập bước đi thật vững chắc, thẳng nhau, không đi quá nhanh. Sửa dáng đi từ sớm sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng chân vòng kiềng hơn khi lớn. 

Phẫu thuật

Bác sĩ sẽ sử dụng hình ảnh X – quang để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dị tật và vị trí của nó. Tùy theo mức độ biến dạng của chân vòng kiềng mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp. Nếu biến dạng vừa phải, có thể sử dụng phương pháp vật lý trị liệu kết hợp với điều trị nội khoa để bảo tồn khớp. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân bị vẹo trục nghiêm trọng nhưng điều trị bảo tồn không hiệu quả, bệnh nhân bị chân vòng kiềng sẽ cần được phẫu thuật đục xương chỉnh trục hoặc phẫu thuật cắt xương chày để điều trị. Hoặc trong trường hợp dị tật chân vòng kiềng khiến một chân ngắn hơn chân còn lại thì có thể tiến hành phẫu thuật kéo dài chi.


Biến dạng chân vòng kiềng nghiêm trọng cần phẫu thuật chỉnh hình
Biến dạng chân vòng kiềng nghiêm trọng cần phẫu thuật chỉnh hình

Dù sử dụng phương pháp điều trị nào thì kết quả điều trị vẫn phụ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân và thời gian điều trị. Thông thường, phải cần ít nhất 6 tháng (hoặc tốt nhất là 12 tháng) điều trị mới thấy được hiệu quả. Do đó, bệnh nhân cần tái khám đúng hẹn (thường là mỗi 3 tháng) để được theo dõi điều trị. Ở trẻ em, lý tưởng nhất là nên theo dõi hằng năm đến khi trẻ trưởng thành.

Câu hỏi thường gặp:

u003cstrongu003eChân vòng kiềng có chữa được không?u003c/strongu003e

Chân vòng kiềng có thể được khắc phục và điều trị khỏi thông qua việc ăn uống đủ chất, điều chỉnh tư thế, vật lý trị liệu, dùng nẹp chân hoặc một số trường hợp nghiêm trọng có thể được chỉ định phẫu thuật để điều trị.

u003cstrongu003eCách nhận biết chân vòng kiềng ở người lớn?u003c/strongu003e

Dị tật chân vòng kiềng có thể được nhận biết thông qua biểu hiện chân cong ra ngoài, tạo thành một khoảng trống giữa hai đầu gối, dù bàn chân và mắt cá chân chạm nhau. Bệnh nhân cũng có thể thấy đau đầu gối hoặc hông.

u003cstrongu003ePhẫu thuật chân vòng kiềng hết bao nhiêu tiền?u003c/strongu003e

Chi phí mỗi ca phẫu thuật chỉnh hình chân vòng kiềng thường dao động ở mức 40 đến 80 triệu đồng tùy cơ sở khám chữa bệnh và tùy tình trạng xương. 

u003cstrongu003eChân vòng kiềng có di truyền không?u003c/strongu003e

Chân vòng kiềng do nguyên nhân di truyền từ cha mẹ thường rất hiếm gặp (chân vòng kiềng do còi xương di truyền). Hầu hết trường hợp dị tật chân vòng kiềng không di truyền.

u003cstrongu003eNguyên nhân chân vòng kiềng ở trẻ?u003c/strongu003e

Trẻ được sinh ra với đôi chân vòng kiềng vì đôi chân của chúng đã bị gập lại để vừa với không gian nhỏ trong bụng mẹ. Thông thường, tình trạng này sẽ biến mất dần khi trẻ lớn lên.

u003cstrongu003eChân vòng kiềng có ý nghĩa gì?u003c/strongu003e

Chân vòng kiềng không chỉ làm ảnh hưởng về thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng chức năng vận động và gây ra một số bệnh về cơ xương khớp.

Bài viết trên đây được Docosan tham khảo từ ý kiến của bác sĩ và các nguồn thông tin tin cậy trong và ngoài nước. Hy vọng rằng qua bài viết, Doctor có sẵn đã giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và phương pháp điều trị chân vòng kiềng. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu trên, xin vui lòng đặt lịch khám với hoặc bác sĩ của Doctor có sẵn trên Docosan.com