Đau xương cụt: Dấu hiệu bệnh lý hay sinh lý bình thường?

Đau xương cụt thường gặp ở nữ giới gấp 5 lần nam giới, thường xảy ra ở thanh thiếu niên và người lớn. Béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ cao do tải trọng của cơ thể tăng gây áp lực lên xương vùng chậu. Vậy có những yếu tố nào góp phần làm tăng nguy cơ đau xương cụt, hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu bài viết được chia sẻ dưới đây.

Đau xương cụt là bệnh gì? Triệu chứng như thế nào?

Cấu trúc cơ xương

Xương cụt là vùng thấp nhất của cột sống, nằm ở dưới xương cùng. Theo giải phẫu bình thường, xương cụt hướng về phía trước, vào trong xương chậu. Các cơ và dây chằng chèn vào xương cùng và xương cụt (bao gồm cơ nâng hậu môn và các bộ phận cấu thành của nó) hỗ trợ sàn chậu và tham gia vào quá trình kiểm soát hoạt động của ruột.

Bị đau xương cụt

Ở người bị đau xương cụt, cảm giác đau và nhạy cảm tăng lên khu trú ở vùng xương cụt. Triệu chứng đau thường xuất hiện khi ngồi, nhất là khi ngả người ra sau. Có thể xuất hiện đột ngột khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, đi đại tiện hay quan hệ tình dục. 

Ở những bệnh nhân bị đau xương cụt, không có nổi ban đỏ hoặc sưng tấy xung quanh, việc thăm khám bằng cách sờ nắn trực tiếp xương cụt sẽ được thực hiện. Chẩn đoán đau xương cụt sẽ dựa vào khám thực thể, tiền sử của người bệnh và đôi khi sử dụng X-quang để xác định mức độ bệnh.

Đau vùng xương cụt

Đau vùng xương cụt là triệu chứng đau không khu trú mà đau lan tỏa các cơ xương vùng chậu, có thể kèm đau các cơ quan khác như: bàng quang, phần phụ, trực tràng,…

Đau vùng mông, chậu có thể do sinh lý cơ thể khi hoạt động quá mức cho phép gây giãn cơ hoặc cũng có thể là một tình trạng bệnh lý cấp tính, mãn tính.

Một số bệnh lý khác gây đau vùng sàn chậu và các cơ quan vùng chậu như: viêm tuyến tiền liệt, viêm vùng chậu, thoát vị đĩa đệm,… cần được chẩn đoán phân biệt trước khi xác định đau xương cụt. 

Nguyên nhân gây đau xương cụt

Nguyên nhân phổ biến là do chấn thương, tuy nhiên một số trường hợp diễn tiến mà không có nguyên nhân cụ thể.

  • Chấn thương do va chạm: Chấn thương xương cụt do ngã ở tư thế ngồi, dẫn đến xương cụt bị bầm tím, gãy hoặc trật khớp. Một số trường hợp ghi nhận do trượt cầu trượt công suất lớn.
  • Chấn thương nhẹ, lặp đi lặp lại: Nguyên nhân do ngồi lâu một tư thế ngồi không đúng, ngồi trên bề mặt cứng, không vừa vặn (yên xe đạp). Nguyên nhân này thường gặp ở những người làm văn phòng do tính chất công việc.
  • Chấn thương ở phụ nữ sau sinh: Do áp lực từ em bé trong vùng chậu và tư thế nằm nghiêng của cơ thể tác động lên xương cụt trong cả quá chuyển dạ và sinh con. Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người mẹ khi mang thai cũng gây ra nhiều biến đổi, đặc biệt là vùng chậu, vùng sinh dục để giúp cho cuộc sinh nở thuận lợi.
  • Gai xương cụt: Gai xương cụt sẽ kích thích đau khi người bệnh ngồi, gây khó chịu giữa vùng xương cụt và bề mặt ngồi.
đau xương cụt
Nguyên nhân phổ biến của đau xương cụt là do chấn thương

Đau xương cụt ở nữ giới

Phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai trung bình tăng từ 10 – 20kg, do trọng lượng cơ thể tăng nên sẽ tạo ra áp lực lên vùng chậu, đặc biệt là xương cụt khi ngồi. Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố cũng tạo nên sự thay đổi vùng sinh dục ảnh hưởng đến chức năng cơ xương bình thường.

Một số thay đổi cơ xương có thể kể đến như sau: 

  • Lực lên khớp xương tăng gấp đôi
  • Lưng ưỡn quá mức kèm theo cổ gập về phía trước và chuyển động cơ thể thay đổi do thay đổi trọng tâm
  • Tăng khả năng vận động của các khớp cùng chậu và khớp mu để chuẩn bị cho cuộc sinh nở
  • Sự gia tăng đáng kể độ nghiêng về phía trước của xương chậu
  • Giữ nước gây chèn ép các cấu trúc dễ tổn thương như dây thần kinh
đau xương cụt
Phụ nữ có thai tăng trọng lượng và thay đổi nội tiết tố làm tăng nguy cơ đau xương cụt

Phụ nữ trưởng thành không mang thai

phụ nữ trưởng thành không mang thai, có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đau xương cụt. Tuy nhiên, rất khó để chẩn đoán phân biệt vì cơn đau có thể chồng chéo do người bệnh cùng lúc xuất hiện nhiều tình trạng gây đau. Một số nguyên nhân có thể kể đến như: 

  • Phụ khoa: Lạc nội mạc tử cung, dính vùng bụng, u xơ tử cung, viêm vùng chậu,…
  • Đường tiêu hóa: Viêm ruột, tắc ruột, hội chứng ruột kích thích, táo bón mạn tính,…
  • Đường tiết niệu: Viêm bàng quang,…
  • Cơ xương: Đau cơ vùng chậu, viêm xương mu, ngồi sai tư thế,…
  • Thần kinh: Tổn thương, chèn ép dây thần kinh,…

Đau xương cụt ở nam giới

Đau xương cụt thường gặp ở nữ giới hơn do thói quen vận động cũng như đau do sự thay đổi trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể gặp ở nam giới, đặc biệt là những người thường xuyên vận động, lao động mạnh hoặc dân văn phòng (do thói quen ngồi một chỗ, ngồi sai tư thế).

Một vài tình trạng dẫn đến đau xương cụt có thể có ở nam giới như: chấn thương do va chạm, chấn thương do sai tư thế trong sinh hoạt, gai xương cụt, viêm xương khớp, tăng vận động hoặc giảm vận động quá mức,…

Chẩn đoán phân biệt

Đau liên quan đến xương cụt có thể do các bệnh về cột sống. Bệnh lý cột sống, chẳng hạn như bệnh đĩa đệm thắt lưng có thể cùng tồn tại với triệu chứng đau xương cụt. Vì vậy, các bác sĩ lâm sàng nên chú ý đến vị trí đau cụ thể của bệnh nhân gây ra trong quá trình khai thác bệnh sử và khám thực thể. 

Nếu các triệu chứng và cảm giác đau khi khám thực thể khu trú ở các cơ sàn chậu hơn là khu trú ở xương cụt, các bác sĩ nên nghĩ nhiều đến các rối loạn chức năng cơ sàn chậu và các cơ quan vùng chậu (ví dụ: viêm tuyến tiền liệt, bệnh viêm vùng chậu, hội chứng cơ nâng hậu môn hoặc các hội chứng đau vùng chậu khác). Bệnh nhân mắc các bệnh về cơ quan vùng chậu nói chung sẽ bị đau không khu trú ở xương cụt và có các triệu chứng kèm theo khác.

Các nguyên nhân khác cần xem xét bao gồm: nhiễm trùng xoang lông và đau trực tràng. Nhiễm trùng xoang lông bao gồm đau dưới da, đỏ, ấm và sưng trên xương cụt, thường có thể nhìn thấy xoang và chảy dịch mủ. Đau trực tràng thường có các cơn đau trực tràng thoáng qua đột ngột mà không có bệnh lý nghiêm trọng. 

Cách điều trị đau xương cụt

Trong một số trường hợp, một vài phương pháp điều trị sẽ được áp dụng nếu tình trạng đau xương cụt không thuyên giảm dù đã đảm bảo đúng tư thế vận động đúng. 

Điều trị bằng thuốc

Thuốc giảm đau

Cơn đau xương cụt được thuyên giảm ban đầu nhờ vào thuốc giảm đau. Các loại thuốc giảm đau có thể sử dụng như: NSAID, acetaminophen, giảm đau opioid,… Trong trường hợp bệnh nhân có gãy xương cấp tính, NSAID không được ưu tiên sử dụng do có nguy cơ làm chậm quá trình liền xương.

Glucocorticoid

Đối với bệnh nhân có triệu chứng đau dai dẳng, việc bổ sung glucocorticoids cùng với thuốc gây tê cục bộ bằng đường tiêm tại chỗ giúp quản lý đau xương cụt của người bệnh, thời gian giảm đau có thể kéo dài gần 6 tháng. 

đau xương cụt
Cơn đau xương cụt được thuyên giảm ban đầu nhờ vào thuốc giảm đau

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu sàn chậu hữu ích nhất ở những bệnh nhân bị đau đáng kể trong cơ, gân và dây chằng của sàn chậu. Một bài tập trị liệu sẽ được cá nhân hóa, được thiết kế cho các nhóm cơ cụ thể có liên quan và các rối loạn chức năng cơ xương khác. 

Phẫu thuật can thiệp

Phẫu thuật cắt bỏ xương chậu được xem như là biện pháp cuối cùng nếu tình trạng đau xương cụt vẫn còn dai dẳng dù đã dùng rất nhiều biện pháp chữa trị khác. Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn xương cụt sẽ loại bỏ xương cụt ngay gần chỗ nối xương cùng cụt, tránh trực tràng (nằm ngay phía trước). Một vài nghiên cứu cho thấy, cắt bỏ xương cụt có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, tụ máu,… Do đó, đảm bảo tư thế cũng như tuân thủ chế độ điều trị ban đầu để hạn chế phẫu thuật xương cụt nhất có thể.

Dấu hiệu đau xương cụt cần đến khám bác sĩ 

Nếu triệu chứng đau xương cụt kéo dài dai dẳng hơn 2 tháng, bệnh nhân nên được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm để được chăm sóc toàn diện.

Trong trường hợp đau cấp tính, cơn đau gây khó khăn trong sinh hoạt thường ngày hoặc nghi ngờ gãy, nứt xương cụt, bệnh nhân cũng nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời can thiệp. 

Các bài tập tốt cho cơ xương

Bài tập kegel

Bài tập Kegel: đây là bài tập giúp co và giãn cơ vùng chậu.

Tư thế tập luyện: 

  • Ngồi quỳ trên sàn, mông đặt lên hai gót chân, giữ thẳng lưng.
  • Hít sâu để co các cơ sàn chậu lại, sau đó thở ra để thả lỏng các cơ sàn chậu. 
  • Thực hiện bài tập mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10 động tác.

Bài tập Squat

Bài tập Squat: đây là bài tập cần có sự vận động của nhiều cơ lớn của cơ thể, ví dụ như: cơ đùi,…

Tư thế tập luyện:

  • Đứng thẳng, chân dang rộng hơn vai. Hơi khuỵu đầu gối, đẩy phần hông và mông ra phía sau. Giữ đầu và cằm hướng thẳng. Từ từ hạ thấp người cho đến khi đùi song song với mặt đất, dồn sức nặng cơ thể tập trung ở gót chân, đầu gối hướng về phía trước.
  • Đứng thẳng người, trở về tư thế ban đầu.
  • Thực hiện mỗi ngày, lặp lại động tác 10 – 15 lần.

Bài tập Bird Dog

Bài tập Bird Dog: bài tập giúp cơ thể vận động linh hoạt, bao gồm cả cơ sàn chậu. Các chi sẽ được phối hợp nhịp nhàng cùng nhau.

Tư thế tập luyện:

  • Quỳ chống tay trên sàn, giữ lưng thẳng, đầu ngang vai, đầu không đưa cao hoặc cúi thấp.
  • Siết chặt cơ bụng.
  • Từ từ duỗi thẳng chân trái, song song đó nâng cánh tay phải. Lưu ý vẫn giữ nguyên đầu.
  • Sau đó hạ chân, gập cánh tay xuống về vị trí ban đầu. Tiến hành đổi bên, duỗi thẳng chân phải, nâng cánh tay trái.
  • Thực hiện bài tập 3 – 5 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 động tác.

Câu hỏi thường gặp

Bị đau xương cụt ở nữ giới

Đau xương cụt ở nữ giới có nhiều nguyên nhân, cơn đau có thể chồng chéo với nhiều tình trạng bệnh lý. Bệnh nhân cần được đi khám chuyên khoa nếu đau xương cụt kèm theo các triệu chứng khác.

Gãy xương cụt bao lâu thì lành?

Gãy xương cụt cũng như gãy cơ xương khớp, phụ thuộc vào độ tuổi, dinh dưỡng mà thời gian lành sẽ ngắn hoặc kéo dài. Do đó, bổ sung đầy đủ canxi, vitamin và khoáng chất để bảo vệ sức khỏe tốt hơn cũng như ngăn ngừa tình trạng gãy, nứt xương nói chung.

Đau xương cụt có nguy hiểm không?

Đau xương cụt có nguy hiểm, tùy vào mức độ đau và thời gian đau mà có những biện pháp điều trị khác nhau. Nếu đau xương cụt kèm theo triệu chứng đau bụng lan tỏa, tiểu buốt, tiểu gắt, đau vùng chậu,… hãy thăm khám ngay cơ sở y tế gần nhất.

Có bầu đau xương cụt

Khi mang thai, tải trọng của cơ thể tăng đồng thời nội tiết tố thay đổi làm cơ thể người phụ nữ có nhiều biến đổi bất lợi cho hệ cơ xương, nhất là vùng xương cụt. 

Đau xương cụt có phải sắp sinh

Đau xương cụt ở phụ nữ mang thai cần có sự tư vấn của bác sĩ, diễn tiến bệnh nên được theo dõi để xác định chính xác đó có phải dấu hiệu sắp sinh hay không.

Đau xương cụt phải làm sao?

Trước tiên hãy đảm bảo tư thế đi, đứng, ngồi của bạn đúng cũng như chế độ dinh dưỡng của bạn. Nếu tình trạng đau xương cụt vẫn tiếp diễn, cụ thể kéo dài hơn 2 tháng, bạn nên đi thăm khám để kịp thời can thiệp nếu cần điều trị.

Nguyên nhân đau xương cụt ở nam giới

Nam giới thường xuyên vận động mạnh, hoạt động thể lực nhiều, do đó, tình trạng đau xương cụt có thể xuất hiện. Tuy nhiên, tình trạng đau xương cụt phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

Đau xương cụt là biểu hiện của bệnh gì?

Đau xương cụt là triệu chứng của nhiều bệnh lý, như: viêm bàng quang, viêm vùng chậu, hội chứng ruột kích thích,…

Tại sao sau sinh lại đau xương cụt?

Trong quá trình sinh nở, áp lực từ em bé trong vùng chậu kèm theo áp lực bên ngoài từ tư thế nằm nghiêng gây chèn ép các dây thần kinh chậu và vùng xương cụt gây đau xương cụt sau sinh.


Tình trạng đau xương cụt đơn độc có thể không phổ biến, tuy nhiên đây lại là triệu chứng của nhiều bệnh lý vùng chậu. Ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ trong thời kỳ hậu sản hay mãn kinh, cơ thể có nhiều sự biến đổi có thể làm cơ xương nhạy cảm, dễ tổn thương đặc biệt là xương cụt.