Tổng quan về giãn dây chằng chéo sau

Giãn dây chằng chéo sau là một tổn thương của nhóm bệnh lý chấn thương dây chằng khớp gối, chúng khá phổ biến với những người chơi thể thao, lao động tay chân hoặc xảy ra sau tai nạn. Vậy triệu chứng của giãn dây chằng chéo sau là gì? Cách chữa giãn dây chằng chéo sau như thế nào? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan bệnh giãn dây chằng chéo sau

giãn dây chằng chéo sau
Tổng quan bệnh giãn dây chằng chéo sau

Dây chằng là cấu trúc mô liên kết sợi rất dày, có vai trò kết nối xương này qua xương khác. Hệ dây chằng chéo có chức năng nối xương đùi ở trên với xương chày ở dưới, chúng tạo thành hình chữ “X” ở chính giữa khớp gối.

Nếu một trong hai dây chằng chéo trước và chéo sau bị giãn hoặc rách, bệnh nhân sẽ bị đau rất nặng nề, sưng viêm khớp gối và bị bất thường dáng đi. Chấn thương giãn dây chằng chéo sau thường ít gặp hơn so với chấn thương giãn dây chằng chéo trước.

Mặc dù giãn dây chằng chéo sau thường ít đau đớn hơn, cảm giác lỏng lẻo khớp gối ít hơn so với giãn/ rách dây chằng chéo trước, bệnh vẫn cần được điều trị trong vòng từ vài tuần đến vài tháng.

Nguyên nhân giãn dây chằng chéo sau

Dây chằng chéo sau thường sẽ bị căng giãn khi có lực tác động mạnh và đột ngột từ trước ra sau, đẩy cẳng chân hướng về phía sau, nếu quá ngưỡng chịu đựng sẽ khiến dây chằng chéo sau có thể bị rách hoặc đứt, được gây ra bởi các nguyên nhân sau:

  • Tai nạn giao thông: xảy ra khi va chạm, theo quán tính đầu gối của tài xế/ hành khách sẽ đập vào vô lăng/ bảng điều khiển hoặc ghế ở phía trước, đẩy cẳng chân ngược về phía sau.
  • Thể thao: Các vận động viên bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền có thể bị giãn hoặc đứt dây chằng chéo sau nếu họ té ngã theo tư thế đầu gối hướng xuống mặt đất, cũng làm đẩy mạnh xương chày di chuyển hường về phía sau của cơ thể.
  • Ngoài ra, bất cứ chấn thương, va đập nào có cơ chế tương tự 2 trường hợp trên, đẩy xương chày đột ngột về phía sau cũng có khả năng gây giãn dây chằng chéo sau.

Triệu chứng giãn dây chằng chéo sau

giãn dây chằng chéo sau
Triệu chứng giãn dây chằng chéo sau

Chấn thương giãn dây chằng chéo sau có thể biểu hiện qua các triệu chứng sau đây:

  • Đau khớp gối với mức độ từ nhẹ, vừa đến nặng, cơn đau khiến người bệnh đi khập khiễng hoặc khó khăn trong việc đi lại, thậm chí hạn chế biên độ cử động khớp do đau.
  • Trong vòng vài giờ kể từ khi chấn thương, xuất hiện tình trạng sưng, tấy đỏ khớp gối.
  • Khớp gối có cảm giác lỏng lỏe giống như bị tách rời ra.

Nếu sau khi bị chấn thương, bệnh nhân không có tổn thương nào liên quan đến các tổ chức khác của khớp gối thì các triệu chứng của giãn dây chằng chéo sau có thể nhẹ đến nỗi người bệnh không cảm nhận bất kỳ cảm giác bất thường nào. Sự xuất hiện các cơn đau theo thời gian có thể nhiều và nặng hơn, cảm giác khớp gối ngày càng lỏng lẻo.

Nếu các cấu trúc khác của khớp gối cũng tổn thương đi kèm, những triệu chứng của giãn dây chằng chéo sau có thể ở mức độ nghiêm trọng hơn, gây sưng đau nhiều hơn cho bệnh nhân.

Biến chứng giãn dây chằng chéo sau

Trong những trường hợp các cấu trúc khác của khớp gối, bao gồm cả sụn chêm cũng bị tổn thương đi kèm với tình trạng giãn dây chằng chéo sau, thì tùy vào số lượng cấu trúc bị chấn thương, cơn đau khớp gối có thể kéo dài rất, và gia tăng nguy cơ viêm khớp gối.

Đề phòng giãn dây chằng chéo sau

  • Khi tham gia thể thao, bạn cần mang theo những dụng cụ bảo hộ thích hợp như giày thể thao, bó gối…
  • Trước khi chơi thể thao cần khởi động kĩ và làm nóng người.
  • Tập những bài tập nhẹ bổ trợ và tăng cường sức chịu đựng cho khớp gối, đơn giản như squat, chạy bộ.
  • Căng dãn khớp gối cả trước và sau khi tập thể thao
  • Áp dụng chế độ ăn khoa học, bổ sung nhiều canxi, vitamin D và protein để duy trì sức mạnh của hệ cơ, xương khớp và dây chằng của cơ thể.

Chẩn đoán giãn dây chằng chéo sau

giãn dây chằng chéo sau
Khám giãn dây chằng chéo sau

Khi nghi ngờ bệnh nhân giãn dây chằng chéo sau, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử về cơ chế chấn thương cũng như thực hiện một số nghiệm pháp như dấu hiệu cẳng chân bị võng ra sau hoặc kéo chân ra sau, ấn khớp gối để đánh giá sự lỏng lẻo hoặc xem có dịch tụ trong ổ khớp hay không, di chuyển khớp gối, cẳng chân và bàn chân nhiều hướng khác nhau, thậm chí yêu cầu bệnh nhân cố gắng đứng lên và bước đi để có thể so sánh cử động của 2 chân với nhau.

Để kiểm tra xem có giãn dây chằng chéo sau hay không, bác sĩ sẽ tiến hành làm nghiệm pháp ngăn kéo sau. Bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, đầu gối gấp 1 góc khoảng 90 độ, bác sĩ dùng 2 ngón tay ấn vào lồi củ xương chày và đẩy nó về phía sau. Nếu có dây chằng chéo sau bị tổn thương, lồi củ chày chuyển động ra sau so với đầu gối, càng ra sau thì mức độ tổn thương dây chằng chéo sau càng nghiêm trọng. Đồng thời bác sĩ cũng thực hiện nghiệm pháp ở bên lành tương tự, sẽ không xảy ra tình trạng này.

Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện các khảo sát chẩn đoán hình ảnh sau đây:

  • Chụp X-quang: mặc dù phương pháp này không thể phát hiện được tổn thương giãn dây chằng, mục tiêu của nó là tìm xem có tình trạng gãy xương đi kèm hay không. Phần lớn người bị giãn, rách dây chằng chéo sau do tai nạn có thể bị một mẩu xương nhỏ găm vào dây chằng.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh chi tiết về các cấu trúc mô mềm của cấu trúc cần chụp, có thể thấy rõ vị trí vết rách dây chằng chéo sau và đánh giá thêm các tổn thương sụn, dây chằng khác đi kèm.
  • Nội soi ổ khớp: Kỹ thuật này hỗ trợ cho bác sĩ có thể nhìn trực tiếp vào trong ổ khớp gối bằng một camera nhỏ, thông qua một vết cắt nó được đưa vào trong ổ khớp, từ đó đánh giá trực quan và rõ nét hơn tình trạng dây chằng hiện tại của bệnh nhân.

Điều trị giãn dây chằng chéo sau

Điều trị giãn dây chằng chéo sau phụ thuộc vào mức độ tổn thương dây chằng, đa số các trường hợp không cần thiết phải phẫu thuật, trừ khi tình trạng khá nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự sống còn khớp gối của bệnh nhân.

Thuốc giảm đau

Bác sĩ thường chỉ định thuốc giảm đau, kháng viêm cho bệnh nhân để làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh như ibuprofen, paracetamon.

Vật lý trị liệu

Bác sĩ chuyên về vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sẽ cho người bệnh tập các bài tập tăng dần sức chịu đựng cho khớp gối, giúp nó khỏe hơn, cải thiện biên độ chuyển động và sự ổn định của khớp. Ngoài thời gian tập vật lý trị liệu, có thể cần nẹp bất động khớp gối để đẩy nhanh quá trình phục hồi dây chằng chéo sau.

Phẫu thuật

Khi chấn thương dây chằng chéo sau mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là rách dây chằng chéo sau và có gãy xương hoặc tổn thương sụn đi kèm, cần phải phẫu thuật khớp gối để có thể tái tạo dây chằng cho bệnh nhân. Phẫu thuật cũng có thể được tiến hành nếu tình trạng lỏng khớp gối không đáp ứng với các biện pháp vật lý trị liệu. Phẫu thuật giãn dây chằng chéo sau thường được tiến hành bằng phương pháp nội soi.

Chăm sóc bệnh nhân giãn dây chằng chéo sau

  • Nghỉ ngơi, tránh vận động khiến khớp gối chịu áp lực thêm, thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi dây chằng và ngăn ngừa tổn thương thêm các cấu trúc khác. Bệnh nhân được khuyến khích sử dụng nạng hỗ trợ việc đi lại.
  • Chườm lạnh vết thương để giảm sưng, giảm viêm, cải thiện triệu chứng đau.
  • Khi nằm có thể kê một chiếc gối dưới khớp gối bị giãn dây chằng chéo sau để cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Giãn dây chằng chéo sau: 1 số kiến thức có thể bạn chưa biết tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.comwebmd.com