Tổng quan về giãn dây chằng chéo trước

Giãn dây chằng chéo trước là một tình trạng chấn thương khớp gối khá phổ biến ở các vận động viên thể thao, cũng như trong các tai nạn giao thông hoặc tai nạn sinh hoạt. Vậy giãn dây chằng chéo trước đầu gối có nguyên nhân là gì? Điều trị giãn dây chằng chéo trước khớp gối như thế nào? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về chấn thương giãn dây chằng chéo trước

Giãn dây chằng chéo trước
Tổng quan về chấn thương giãn dây chằng chéo trước

Khớp gối được cấu tạo bởi sự kết hợp của 3 xương: xương đùi, xương chày, xương bánh chè, riêng xương bánh chè thì nằm ở phía trước với vai trò như tấm khiên bảo vệ an toàn cho khớp gối.

Các dây chằng là cấu trúc sợi kết nối các xương với nhau. Khớp gối có 4 dây chằng chính, chúng hoạt động tương tự các sợi dây vững chắc để giữ tính ổn định cho khớp gối.

Các dây chằng bên

Dây chằng bên nằm ở phía hai bên gối, gồm 2 sợi dây chằng  là dây chằng trong và dây chằng ngoài. Chúng có vai trò kiểm soát những chuyển động ngang của khớp gối, bảo vệ khớp gối trước những tác động đột ngột, bất thường.

Các dây chằng chéo

Các dây chằng chéo nằm sâu bên trong khớp gối, có hướng đi bắt chéo nhau, tạo thành hình chữ “X” gồm dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. Chúng có vai trò kiểm soát vận động lui và tới của khớp gối.

Dây chằng chéo trước có hướng chéo từ trong ra ngoài ở giữa khớp gối, có vai trò ngăn xương chày trượt tới phía trước so với xương đùi, cũng như đảm bảo sự ổn định khi xoay khớp gối.

Phân loại tổn thương dây chằng chéo trước

Khoảng hơn 50% số chấn thương giãn dây chằng chéo trước có thể đi kèm với tổn thương những cấu trúc khác ở đầu gối như sụn chêm, sụn khớp hoặc những dây chằng khác.

Phân loại giãn dây chằng chéo trước dựa vào mức độ tổn thương của dây chằng:

  • Mức độ 1: Giãn dây chằng chéo trước mức độ nhẹ. Nó bị kéo căng tạm thời nhưng vẫn còn khả năng đảm bảo ổn định khớp gối.
  • Mức độ 2: giãn dây chằng chéo trước mức độ trung bình. Tình trạng giãn gây rách bán phần dây chằng, khớp gối cảm giác lỏng lẻo.
  • Mức độ 3: Dây chằng chéo trước bị đứt hoàn toàn, không còn giữ ổn định cho khớp gối được nữa.

Nguyên nhân giãn dây chằng chéo trước

Những trường hợp dưới đây có thể là nguyên nhân phổ biến gây giãn dây chằng chéo trước:

  • Đổi hướng chuyển động đột ngột, hoặc dừng chuyển động đột ngột;
  • Đứng lại đột ngột khi đang chạy
  • Tiếp đất không đúng kỹ thuật khi nhảy xa hoặc nhảy từ trên cao.
  • Tai nạn giao thông như va đập khớp gối trong các tai nạn xe honda, trường hợp khác là té đập khớp gối xuống đất trong sinh hoạt hằng ngày.
  • Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ giãn dây chằng chéo trước ở những vận động viên nữ thường cao hơn vận động viên nam trong đa số các môn thể thao. Nguyên nhân có thể được lý giải là do sự khác biệt trong khả năng vận động thể chất, cũng như sức mạnh của cơ bắp và sự chi phối hoạt động của hệ thần kinh cơ. Ngoài ra, sự khác biệt ở cấu tạo giải phẫu xương chậu và chi dưới làm gia tăng nguy cơ lỏng lẻo dây chằng, và còn chịu tác động của hormone estrogen lên cấu trúc của dây chằng.

Triệu chứng của giãn dây chằng chéo trước

Giãn dây chằng chéo trước
Triệu chứng của giãn dây chằng chéo trước

Ngay lúc bị giãn dây chằng chéo trước, có thể phát ra một tiếng “rắc” nhỏ, và cảm giác khớp gối bắt đầu trở nên lỏng lẻo.

Các triệu chứng điển hình của giãn dây chằng chéo trước khác bao gồm:

  • Đau và sưng tấy khớp gối trong vòng 24 giờ đầu kể từ khi chấn thương
  • Hạn chế cử động khớp gối, và mất dần tầm vận động tối đa;
  • Đau dọc theo khớp gối;
  • Đau tăng khi cử động nhẹ, hoặc cố gắng cử động.

Chẩn đoán giãn dây chằng chéo trước

Trong lúc khám bệnh, bác sĩ sẽ hỏi một số câu về tính chất các triệu chứng và hoàn cảnh xảy ra để có thể hình dung được cơ chế gây ra chấn thương giãn dây chằng chéo trước.

Sau khi hỏi bệnh, bác sĩ sẽ khám khớp gối bị tổn thương, đồng thời so sánh đối chiếu với bên lành. Đa số chấn thương giãn dây chằng chéo trước có thể chẩn đoán được chỉ bằng việc hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng.

Ngoài ra, những xét nghiệm hình ảnh học có thể bác sĩ đánh giá cụ thể hơn tình trạng giãn dây chằng chéo trước, chúng bao gồm:

  • X-quang: với ưu điểm đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện, XQ mặc dù không giúp đánh giá được tình trạng giãn dây chằng chéo trước, bác sĩ chỉ định chụp XQ để đánh giá có gãy xương đi kèm hay không.
  • Cộng hưởng từ MRI: MRI là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có thể cung cấp hình ảnh rõ nét nhất về các cấu trúc mô mềm như dây chằng chéo trước. Tuy nhiên, thường không cần thiết phải chụp MRI mới có thể chẩn đoán giãn dây chằng chéo trước, ngoài ra xét nghiệm này rất tốn kém, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế bệnh nhân.

Điều trị giãn dây chằng chéo trước

Phương pháp điều trị giãn dây chằng chéo trước sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu cá nhân người bệnh, như những vận động viên trẻ rất cần việc hồi phục nhanh để quay trở lại với việc tập luyện và thi đấu thì rất cần phẫu thuật. Mặt khác, với những bệnh nhân lớn tuổi và ít hoạt động có thể chỉ cần tập các bài tập vật lý trị liệu cũng có thể chữa khỏi mà không cần thiết phải phẫu thuật, chúng bao gồm các phương pháp:

Nẹp: Bác sĩ sẽ cho mang nẹp khép gối để giữ cố định khớp gối và còn để bảo vệ đầu gối của bạn. Việc bất động khớp gối có thể giúp tình trạng giãn dây chằng chéo trước nhanh hồi phục hơn, ngoài ra có thể dùng nạng hỗ trợ đi lại để giảm bớt áp lực lên khớp gối.

Vật lý trị liệu: Sau khi đầu gối bớt sưng, bạn có thể tập các bài tập phục hồi chức năng để khôi phục lại chức năng khớp gối và tăng cường sức mạnh cơ bắp vùng này.

Phẫu thuật

Giãn dây chằng chéo trước
Phẫu thuật tái tạo giãn dây chằng chéo trước

Tình trạng giãn dây chằng chéo trước mức độ nặng, nghĩa là dây chằng chéo rách bán phần hoặt đứt sẽ không thể lành nếu không được phẫu thuật:

Tái tạo dây chằng: Hầu hết các tình trạng rách dây chằng chéo trước không thể khâu nối lại. Thay vào đó, Bác sĩ sẽ tái tạo hoặc tạo hình lại dây chằng nhằm khôi phục lại ổn định của khớp gối. Phẫu thuật viên thay thế dây chằng bị tổn thương bằng cách ghép một cấu trúc mô có vai trò như một bộ khung “giàn giáo” để dây chằng nương theo và tái tạo lại.

Mô dùng để ghép có thể được lấy từ gân xương bánh chè , dây chằng gân kheo hoặc thậm chí gân cơ tứ đầu đùi cũng được sử dụng. Một số trường hợp đặc biệt bác sĩ có thể lấy mô ghép từ những người vừa chết não có nhu cầu hiến tạng.

Tất nhiên là mỗi nguồn mô ghép đều có những ưu và khuyết điểm khác nhau, bác sĩ luôn ưu tiên những thứ đem lại ít rủi ro nhất cho sức khỏe của bạn. Việc tái tạo mô dây chằng có thể mất từ hơn 6 tháng để có thể hoạt động thể thao bình thường trở lại.

Quá trình phẫu thuật: Ngày nay việc tái tạo dây chằng chéo trước có thể thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi khớp, phương pháp này xâm lấn ít với đường rạch dao rất nhỏ. Ưu điểm của phương pháp mổ nội soi khớp bao gồm ít đau hơn, thời gian nằm viện sau phẫu thuật ngắn hơn, hồi phục nhanh hơn so với mổ hở.

Phục hồi chức năng cho người bị giãn dây chằng chéo trước

Giãn dây chằng chéo trước
Phục hồi chức năng cho người bị giãn dây chằng chéo trước

Cho dù bạn có phẫu thuật hoặc không, việc tập luyện phục hồi chức năng khớp gối vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp khớp gối hồi phục được tối đa khả năng vận động như ban đầu. Bác sĩ sẽ lựa chọn những bài tập vật lý trị liệu phù hợp với khả năng của bạn.

Sau khi phẫu thuật, việc vật lý trị liệu sẽ tập trung vào mục tiêu hồi phục khả năng cử động bình thường của khớp gối và khả năng phối hợp với cơ bắp xung quanh. Sau đó, các bài tập mới được thay đổi để tăng dần sức chịu đựng của dây chằng vừa mới được tái tạo, và đảm bảo tính ổn định khớp gối. Cuối cùng, phục hồi chức năng sẽ giúp đưa khớp gối trở về tối đa với khả năng vận động thể thao trước chấn thương của người bệnh.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Giãn dây chằng chéo trước: 1 số điều có thể bạn chưa biết tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.comwebmd.com