Hội chứng ống cổ tay và những thông tin cần biết

Hội chứng ống cổ tay là một tình trạng phổ biến gây đau, tê, ngứa ran ở bàn tay và cánh tay. Tình trạng này xảy ra khi một trong những dây thần kinh chính của bàn tay – dây thần kinh giữa – bị ép hoặc đè nén khi nó di chuyển qua ống cổ tay. Docosan xin mời bạn tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Hội chứng ống cổ tay là gì, nguyên nhân từ đâu?

Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome) là bệnh lý gây chèn ép thần kinh ngoại biên thường gặp nhất, thần kinh bị chèn ép ở đây là dây thần kinh giữa – dây thần kinh vô cùng quan trọng của của chi trên.

Về mặt giải phẫu, dây thần kinh giữa đi cùng với gân cơ gấp các ngón tay trong ống cổ tay. Ống cổ tay là một cấu trúc hẹp, rộng khoảng một gang tay. Sàn và hai bên của ống được tạo bởi các xương cổ tay nhỏ. Thành trên của ống cấu tạo bởi một dải mô liên kết dày gọi là dây chằng cổ tay ngang, cấu trúc này khá chắc, cứng do đó ống cổ tay ít có khả năng kéo giãn hay tăng kích thước.

Do đó khi các gân gấp bị viêm hay hoạt động quá mức thì sẽ tạo một lực chèn ép lên các mạch máu nuôi nhỏ, gây ra tình trạng thiểu dưỡng, tổn thương dây giữa.

Nguyên nhân gây nên hội chứng ống cổ tay:

  • Cấp tính: chấn thương phần mềm vùng cổ tay, gãy xương cổ tay, bỏng
  • Mãn tính: mang đai cổ tay hoặc găng tay bó chặt, bất thường giải phẫu
    các thành phần trong ống cổ tay, sẹo cũ do đã từng mổ ống cổ tay
  • Nghề nghiệp và thói quen sinh hoạt: gấp duỗi cổ tay lặp đi lặp lại, nắm
    chặt, làm việc với máy tính, làm việc với các dụng cụ rung lắc mạnh.
  • Thoát vị bao hoạt dịch khớp cổ tay.
  • Viêm – xơ hóa các dây chằng vùng cổ tay.
  • Viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường

Triệu chứng thường gặp trong bệnh hội chứng ống cổ tay

  • Dấu hiệu “bàn tay khỉ”: Teo cơ ô mô cái, ngón cái nằm cùng mặt phẳng với các ngón khác, mất động tác dạng và đối ngón cái.
  • Dấu hiệu “bàn tay giảng đạo”: Mất động tác gấp ngón 1, 2 và một phần ngón 3; các ngón 4, 5 vẫn gấp được bình thường.
  • Mất động tác gấp, dạng, đối ngón cái, nếu tổn thương cao có thể dẫn đến sấp cẳng tay, gấp cổ tay yếu.
  • Tê, ngứa ran, bỏng rát và đau: Chủ yếu ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn
  • Cảm giác giống như cú sốc lan tỏa đến ngón cái và ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn.
  • Đau hoặc ngứa ran có thể lan sang cẳng tay và phía vai.
  • Tay yếu và vụng về, khó thực hiện các động tác như cài cúc quần áo
  • Đánh rơi đồ vật do yếu, tê hoặc mất khả năng nhận biết (nhận thức được vị trí của bàn tay trong không gian)

Phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay

  • Nhiều bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn nếu được phát hiện sớm. Một số phương pháp hỗ trợ bao gồm: mang máng nâng đỡ cổ tay, giữ ở tư thế trung tính, mang khi ngủ và khi thực hiện những hoạt động đòi hỏi sự vận động cổ tay nhiều.
  • Sử dụng thêm kháng viêm NSAIDs đường uống. Khoảng 90% bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay nhẹ đáp ứng với điều trị bảo tồn sau 4-6 tuần điều trị, sau đó duy trì tiếp ít nhất 2 tháng nữa
  • Nếu bệnh nhân không hề có đáp ứng khi điều trị bảo tồn với máng nẹp cổ tay thì lựa chọn tiếp theo là tiêm steroid vào ống cổ tay. Các triệu chứng sau mũi tiêm thứ nhất thường sẽ giảm, một số trường hợp cho phép tiêm đến 3 mũi, cách nhau 3-6 tuần. Khi tiêm đòi hỏi phải đúng kỹ thuật để tránh các biến chứng nhiễm trùng, tổn thương gân, tổn thương tạo sẹo cho dây thần kinh.
  • Thay đổi tư thế và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý khi làm việc để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.
  • Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với việc mang máng nẹp, uống thuốc kháng viêm NSAIDs và tiêm steroid vào ống cổ tay hoặc khi bệnh nhân bị giảm đáng kể các hoạt động sinh hoạt hằng ngày hoặc có tình trạng teo cơ rõ. Phẫu thuật cắt dây chằng ngang giải phóng thần kinh giữa có tỷ lệ thành công cao và giai đoạn hồi phục sau mổ cũng nhanh

Chăm sóc sau mổ điều trị hội chứng ống cổ tay

Thực hiện chương trình tập phục hồi chức năng hậu phẫu:

  • Tuần 1: Tập ngay sau mổ. Gấp duỗi cổ tay nhẹ nhàng, các ngón gấp duỗi tối đa. Mang nẹp cổ tay hỗ trợ.
  • Tuần 2: Cắt chỉ và chăm sóc sẹo mổ. Bắt đầu tập mạnh cơ và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
  • Tuần 3-4: Tiếp tục tập mạnh cơ. Bệnh nhân được phép thực hiện những hoạt động mạnh hơn và quay trở lại làm việc.

Chăm sóc vệ sinh vết mổ cẩn thận, tránh biến chứng nhiễm trùng hậu phẫu. Thực hiện nghiêm chỉnh các hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết dưới sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Hội chứng ống cổ tay rất hay gặp trong thực tế lâm sàng, bệnh có tiêu chuẩn chẩn đoán đơn giản, nhanh gọn bằng khám lâm sàng hay các xét nghiệm hỗ trợ phù hợp. Ðiều trị sớm giúp phục hồi nhanh chóng, nếu để muộn có thể teo cơ và hạn chế vận động bàn tay. Do đó người bệnh cần nhanh chóng thăm khám khi có các dấu hiệu của bệnh.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Hội chứng ống cổ tay và những thông tin cần biết”. Hy vọng qua bài viết này các bạn có thể nắm được những thông tin về hội chứng ống cổ tay và thăm khám bác sĩ ngay khi nghi ngờ bản thân mắc bệnh hay có bất kì dấu hiệu thương tổn hay rối loạn chức năng vận động để tránh xảy ra trình trạng bệnh nặng hơn hay các biến chứng không mong muốn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS