Tê đầu ngón tay là tình trạng đầu hoặc cả ngón tay bị tê rát, cảm giác như bị kim chích hay kiến cắn, ngứa ran. Triệu chứng này có thể do thói quen sinh hoạt chưa hợp lý hoặc bệnh lý. Vậy tê đầu ngón tay như thế nào mới là biểu hiện của bệnh lý. Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ra tình trạng tê đầu ngón tay này nhé.
Tóm tắt nội dung
Những biểu hiện phổ biến của tê đầu ngón tay
Tê là một tình trạng rối loạn cảm giác hay dị cảm một phần hoặc hoàn toàn ở một số vị trí trên cơ thể, người bệnh cảm thấy đau như có kim chích hay như bị kiến cắn. Trong đó tay và chân là 2 vị trí thường bị tê nhất trên cơ thể.
- Đầu ngón tay hoặc cả ngón tay bị tê rát, cảm giác như bị kim chích hay kiến cắn
- Mất cảm giác ở các đầu ngón tay: nếu tê ngón tay để lâu có thể dẫn đến mất cảm giác ở chi.
- Ngón tay tê buốt, đau nhức, ban đầu thường xuất hiện ở đầu ngón rồi sau đó, có thể lan sang cả ngón tay hoặc các vùng khác như bàn tay, cánh tay hay cả chân gây khó khăn cho quá trình vận động, cầm nắm, nhặt đồ hoặc khó khăn khi thực hiện một số động tác khéo léo.
- Triệu chứng của tê đầu ngón tay có thể xuất hiện thỉnh thoảng hoặc liên tục tới mức bạn không thể sinh hoạt bình thường.
Tại sao đầu ngón tay lại bị tê?
Bị tê đầu ngón tay là tình trạng đầu hoặc cả ngón tay bị tê rát, cảm giác như bị kim chích hay kiến cắn, ngứa ran. Đôi khi, tê đầu ngón tay còn kèm theo triệu chứng đau rát gây ảnh hưởng nhiều tới khả năng cầm nắm, nhặt đồ hoặc khó khăn khi thực hiện một số động tác khéo léo.
Đối với một số người việc tê đầu ngón tay là bình thường và người bệnh thường chủ quan về vấn đề này nhưng lưu ý rằng tê đầu ngón tay cũng như tê tay chân thông thường gồm có 2 loại:
- Tê đầu ngón tay sinh lý: xảy ra khi duy trì tư thế tĩnh quá lâu, làm cản trở quá trình lưu thông máu, gây căng thẳng và chèn ép lên các dây thần kinh. Từ đó dẫn đến cảm giác tê bì ở tay chân, bao gồm cả các đầu ngón tay. Khi thực hiện các tư thế như chạy xe liên tục trong nhiều giờ liền, nằm ngủ một tư thế, kê đầu lên tay, ngồi gõ máy tính liên tục, … trong một thời gian dài dẫn thường sẽ gây tê đầu ngón tay. Đối với loại này, triệu chứng tê đầu ngón tay sẽ tự biến mất mà không cần điều trị sau một khoảng thời gian để tay về lại vị trí bình thường
- Tê đầu ngón tay bệnh lý: mỗi nguyên nhân đều sẽ có các biểu hiện bệnh gây tê đầu ngón tay khác nhau, nó có thể là triệu chứng hoặc biến chứng của một bệnh lý nào đó.
Tê đầu ngón tay có thể do những bệnh lý nào?
Tê đầu ngón tay là dấu hiệu của một số bệnh lý xương khớp, dưới đây chúng tôi xin liệt kê các nguyên nhân bệnh lý thường gặp và triệu chứng của từng bệnh để người đọc dễ phân biệt hơn:
Thoái hóa khớp ngón tay
Tê đầu ngón tay có thể gặp trong bệnh cảnh thoái hóa khớp ngón tay, bệnh cảnh của thoái hóa khớp ngón tay thường có tê ngón tay kèm đau và sưng khớp. Cơn đau từng đợt, tăng khi vận động và khi thay đổi tư thế, giảm khi nghỉ ngơi, đau tăng dần trong ngày, đau nhiều về buổi chiều (sau 1 ngày lao động). Ngoài ra có thể sưng nhẹ khớp bàn ngón tay cái, khớp liên đốt gần và xa của ngón trỏ và ngón giữa cả 2 bàn tay.
Thoái hóa khớp ngón tay là bệnh lý xương khớp phổ biến thường liên quan tới quá trình lão hóa chung của cơ thể. Chính vì vậy mà người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao.
Viêm khớp dạng thấp
Tê đầu ngón tay xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh lý này khi đã có sự tổn thương cột sống cổ, biến chứng thần kinh.
Ban đầu bệnh có xu hướng ảnh hưởng tới các khớp nhỏ. Điển hình như khớp ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân. Sau đó mới bắt đầu tăng phạm vi ảnh hưởng tới các khớp lớn.
Bệnh lý này có tiến triển phức tạp, ảnh hưởng đến niêm mạc của khớp gây sưng đau và cuối cùng có thể dẫn tới xói mòn xương hay biến dạng khớp. Cảm giác tê bì xảy ra là do bệnh gây chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh khớp.
Thường sẽ có các biểu hiện sau: cứng khớp buổi sáng thường kéo dài ít nhất 1 tiếng, viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) các khớp bàn tay, cổ tay, có khi đối xứng cả hai bên.
Tiểu đường
Tiểu đường (đái tháo đường) được chẩn đoán khi xét nghiệm đường huyết đói lớn hơn hoặc bằng 126mg/dl, tê đầu ngón tay cũng có thể xuất hiện kèm các triệu chứng điển hình của Đái tháo đường: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân.
Tê đầu ngón tay là một biến chứng nghiêm trọng của tiểu đường type 1 và type 2. Các yếu tố rủi ro liên quan đến biến chứng này có thể bao gồm:
- Kiểm soát lượng đường trong máu kém
- Bệnh tiểu đường tiến triển mãn tính
- Có bệnh thận tiềm ẩn
- Thường xuyên hút thuốc lá
- Thừa cân – béo phì
- Thiếu vitamin B12
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay xuất hiện khi có áp lực lặp đi lặp lại gây chèn ép thần kinh chày giữa trong ống cổ tay.
Triệu chứng: Hội chứng ống cố tay là tập hợp các triệu chứng bệnh như:
- Cơn đau buốt, tê liệt, cảm giác ngứa ran dọc theo dây thần kinh giữa
- Tê bì, có cảm giác như kim châm, điện giật hoặc mất cảm giác ở đầu ngón tay
- Những cơn đau này thường xảy ra đột ngột, tăng lên về đêm và lúc di chuyển, giảm khi nghỉ ngơi.
- Mất dần khả năng vận động, cầm nắm của tay
Đa số các trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay đều có thể tự cải thiện trong 1 năm mà không cần điều trị. Tuy nhiên cũng có một số người bệnh phải cần đến sự can thiệp phẫu thuật để tránh các biến chứng.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên
Thần kinh ngoại biên là các dây thần kinh làm nhiệm vụ truyền tín hiệu từ não và tủy sống đến các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Khi các dây thần kinh ngoại biên này bị tổn thương sẽ dẫn đến làm rối loạn khả năng trao đổi thông tin của não với các cơ và cơ quan khác trong cơ thể thì được gọi chung là bệnh thần kinh ngoại biên.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên thường xảy ra do các nguyên nhân như chấn thương vật lý (nguyên nhân chủ yếu gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên), thiếu hụt vitamin B12, đái tháo đường (tiểu đường), lạm dụng bia rượu, nhiễm trùng, yếu tố di truyền, bệnh lý chuyển hóa hay tiếp xúc với hóa chất độc hại, …
Biểu hiện của bệnh thường tùy thuộc vào vị trí của dây thần kinh bị tổn thương mà sẽ có triệu chứng khác nhau ở mỗi người, có thể biểu hiện qua rối loạn cảm giác, thực vật hay vận động. Trường hợp bị tê đầu ngón tay thường liên quan đến dây thần kinh cảm giác, cũng là triệu chứng thường gắp nhất. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Tê bì ở đầu ngón tay, ngón chân sau đó lan ra bàn tay, bàn chân
- Người bệnh có thể bị đau nhức ở bàn chân và cẳng chân
- Mất cảm giác ở tay, chân
- Mất cân bằng và mất phối hợp giữa các chi
Hội chứng Raynaud
Hội chứng Raynaud là tình trạng mạch máu nhỏ ngoại biên co thắt nhanh và dữ dội một cách đột ngột khi gặp lạnh hay stress. Lúc này các mạch máu có thể bị thu hẹp lại và cản trở sự lưu thông tuần hoàn máu tới các mô trong cơ thể. Lâu ngày, dẫn đến tình trạng tê đầu ngón tay.
Tình trạng này có thể xảy ra ở ngón tay, ngón chân, tai, mũi hoặc núm vú. Tỉ lệ mắc bệnh ở cả nam và nữ giới là 1:1. Tuy nhiên ở phụ nữ trẻ trong khoảng từ 20 – 40 tuổi lại có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Thay đổi màu sắc da ở các vị trí mạch máu bị co thắt
- Tê bì, dị cảm, đau nhức xảy ra song song với tình trạng thay đổi màu sắc da
- Thiếu máu dẫn tới loét da và hoại tử
Chèn ép thần kinh trụ
Khác với dây thần kinh giữa ảnh hưởng đến ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, dây thần kinh trụ bị chèn ép sẽ làm mất xúc cảm ở ngón áp út. Trong một số trường hợp, ngón út cũng có thể bị tác động tương tự.
Dây thần kinh trụ có vai trò chi phối cả hoạt động và cảm giác ở bàn tay cùng các ngón tay. Dây thần kinh trụ bị chèn ép sẽ làm mất xúc cảm ở ngón áp út (ngón 4) và ngón út (ngón 5)
Các guyên nhân gây chèn ép dây thần kinh trụ có rất nhiều nhưng phổ biến nhất là do chấn thương hoặc vận động nhiều, không đổi tư thế, do viêm khớp hoặc do u bao hoạt dịch.
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Mất cảm giác ở ngón tay út và ngón áp út
- Cảm giác kim châm ở đầu ngón tay
- Hay làm rơi đồ vật
- Đau nhức, tê bì và ngứa ran
- Yếu cơ hoặc giảm phản xạ
- Ngón tay kém vận động
Các yếu tố sinh lý và cơ học khác
Bên cạnh các bệnh lý gây tê đầu ngón tay thì các yếu tố sinh lý và cơ học sau cũng có thể gây ra tê đầu ngón tay:
- Tuổi tác: tuổi càng cao, khiến xương khớp thoái hóa dần dễ mắc các bệnh cơ xương khớp kể trên hơn và xuất hiện triệu chứng tê đầu ngón tay. Bên cạnh đó, khả năng bơm máu từ tim tới các chi không còn nhanh như trước nên dễ gây ra hiện tượng tê đầu ngón tay cho người già.
- Sinh hoạt sai tư thế: một số tư thế trong sinh hoạt hàng ngày như: chạy xe liên tục trong nhiều giờ liền, nằm ngủ một tư thế, kê đầu lên tay, ngồi gõ máy tính liên tục, .. trong một khoảng thời gian dài cũng là nguyên nhân khiến tê đầu ngón tay.
- Thời gian biểu không khoa học: việc ngồi làm việc hoặc nằm quá lâu cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tê bì ở vùng đầu ngón tay, hoặc cả cánh tay và chân. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh cần thay đổi tư thế làm việc thường xuyên, cứ mỗi 45 – 60 phút, ta nên đứng lên đi lại, luyện tập cho tay chân.
- Chấn thương: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ngã,.. nếu không được điều trị triệt để, lâu dần cũng gây nên hiện tượng tê đầu ngón tay.
- Stress, áp lực công việc, cuộc sống kéo dài cũng có nguy cơ gây tê đầu ngón tay.
- Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin B12, canxi, sắt, kali, magie, kẽm, vitamin E gây nên tình trạng thiếu chất nghiêm trọng, có thể dẫn đến hiện tượng tê bì ở nhiều người.
- Thời tiết thay đổi cũng ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp, gây tê đầu ngón tay và chân.
Kết luận
Bị tê đầu ngón tay là tình trạng đầu hoặc cả ngón tay bị tê rát, cảm giác như bị kim chích hay kiến cắn, ngứa ran, có thể kèm theo triệu chứng đau rát gây ảnh hưởng nhiều tới khả năng cầm nắm, nhặt đồ hoặc khó khăn khi thực hiện một số động tác khéo léo. Tê đầu ngón tay là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý như thoái hóa khớp ngón tay, viêm khớp dạng thấp, chèn ép thần kinh trụ, hội chứng Raynaud, …
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu bệnh tê đầu ngón tay tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.