Sỏi túi mật: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Một trong số các bệnh lý gan mật thường gặp của người Việt Nam là sỏi túi mật. Nếu không được phát hiện sớm để theo dõi và điều trị đúng cách thì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về bệnh này để bảo vệ túi mật và sức khỏe của bạn nhé.

Sỏi túi mật là gì?

Hàng ngày, gan sản xuất dịch mật rồi tống xuất vào ống mật, dẫn đến túi mật. Túi mật có vai trò dự trữ và cô đặc dịch mật. Đây là một túi nhỏ hình bầu dục hay hình quả lê, thường nằm ngay ở bờ dưới bên phải của gan. 

Sỏi mật là tình trạng lắng đọng và kết tủa từ các chất có trong dịch mật. Vậy sỏi túi mật là một dạng sỏi của hệ thống đường mật.

hình ảnh sỏi túi mật
Hình ảnh sỏi túi mật

Phân loại sỏi túi mật

Sỏi cholesterol

Lượng cholesterol quá nhiều : do thành phần cholesterol trong dịch mật tăng nên acid mật không thể hòa tan tất cả lượng cholesterol này. Tình trạng dư thừa cholesterol trong dịch mật thường gặp ở người béo phì, người bị tăng tiết estrogen, người đã từng cắt đoạn hồi tràng, hoặc ở những người sau 40 tuổi, khi đó tỷ lệ xuất hiện sỏi túi mật sẽ tăng dần. 

Sỏi sắc tố 

Lượng bilirubin quá nhiều : Thành phần chính của sỏi là bilirubin. Khi lượng bilirubin tăng cao, bilirubin sẽ kết hợp với các thành phần khác trong dịch mật, chẳng hạn như calci để tạo nhân sắc tố, Lâu ngày, vật chất tích tụ dần và tạo ra những viên sỏi sắc tố đa hình đa dạng.

Sỏi hỗn hợp

Đây là loại sỏi túi mật chứa thành phần hỗn hợp cholesterol và bilirubin. Dạng này tương đối ít gặp vì có nhiều cơ chế hình thành khác nhau.

Nguyên nhân tạo sỏi túi mật

Nguyên nhân chính xác gây sỏi túi mật hiện chưa được làm rõ. Các bác sĩ cho rắn sỏi túi mật hình thành là do :

  • Dịch mật có quá nhiều cholesterol
  • Dịch mật có quá nhiều bilitubin
  • Túi mật bị ứ đọng dịch mật quá lâu : Nếu túi mật của bạn không tống xuất mật thường xuyên, dịch mật bên trong sẽ được cô đặc, đây là điều kiện để các vật chất tích tụ và hình thành sỏi.

Người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi túi mật

  • Tuổi: tuổi càng cao nguy cơ hình thành túi mật càng tăng. Từ 40 tuổi trở lên, chúng ta sẽ có sự gia tăng lượng cholesterol trong máu và có sự giảm vận động của túi mật.
  • Giới tính: do progesterone làm giảm vận động của túi mật, do đó dịch mật bị ứ đọng trong túi mật; trong khi estrogen làm giảm thành phần acid mật mà lại tăng cholesterol, do đó nữ giới có nguy cơ cao bị mắc bệnh hơn nam giới
  • Phụ nữ mang thai: Nguy cơ sỏi túi mật cao hơn do nồng độ estrogen và progesterone trong máu tăng cao hơn phụ nữ bình thường.
  • Thể trạng thừa cân, béo phì: Sẽ làm tăng cholesterol trong máu và dịch mật
  • Người bệnh tiểu đường: cholesterol trong dịch mật tăng, lượng acid mật giảm và có sự giảm vận động của túi mật
  • Những bệnh nhân xơ gan, cắt thần kinh X, nuôi ăn qua đường truyền tĩnh mạch: Tất cả sẽ gây giảm vận động túi mật
  • Tiền căn mắc các bệnh lý: Tán huyết, thiếu máu, cắt đoạn hồi tràng hoặc nối tắc ruột non, bệnh di truyền, … 

Sỏi túi mật có nguy hiểm không?

Hơn 50% các trường hợp người bệnh bị sỏi túi mật không có triệu chứng gì cả, chỉ khi sỏi gây tắc nghẽn đường dẫn mật thì mới bắt đầu có biểu hiện bên ngoài.

Khi sỏi túi mật có triệu chứng thì ban đầu cũng chỉ biểu hiệu mơ hồ với những rối loạn tiêu hóa hay gặp, cho đến khi sỏi gây tắc nghẽn hoàn toàn đường tống xuất của mật, bệnh nhân sẽ xuất hiện cơn đau quặn mật.

Cơn đau quặn mật là triệu chứng điển hình của bệnh lý sỏi đường mật, người bệnh sẽ đau bụng từng cơn tại vùng hạ sườn bên phải, đa số có lan lên vai phải và kéo dài không quá 2 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân có thể tự hết đau mà không cần dùng thuốc.

Biến chứng nguy hiểm của sỏi túi mật 

Những biến chứng nguy hiểm của sỏi túi mật bao gồm:

  • Viêm túi mật do sỏi kẹt cổ túi mật
  • Sỏi túi mật lọt vào ống mật chủ gây tắc mật, có hoặc không có viêm đường mật kèm theo
  • Tắc ống dẫn dịch tụy, có thể dẫn đến viêm tuỵ 
  • Tắc ruột non do sỏi 
  • Thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc do dịch mật
  • Chảy máu đường mật
  • Sốc nhiểm trùng đường mật
  • Ung thư túi mật.

Chẩn đoán sỏi túi mật như thế nào?

Để chẩn đoán chính xác tình trạng sỏi túi mật, các bác sĩ sẽ phải tiến hành rất nhiều phương pháp thăm khám khác nhau, trong đó bao gồm các biện pháp khám bệnh lâm sàng và các chẩn đoán cận lâm sàng, cụ thể là:

Những dấu chứng viêm toàn thân 

  • Sốt trên 38 độ C
  • Lạnh run
  • Rối loạn tiêu hoá
  • Xét nghiệm máu có số lượng bạch cầu tăng trên 10.000 tế bào/ dL
  • Sinh hóa máu có CRP tăng cao trên 3 mg/dL.

Dấu hiệu viêm khu trú tại vùng túi mật 

  • Khám điểm đau Murphy dương tính 
  • Có thể có phản ứng thành bụng khi có biến chứng viêm phúc mạc mật

Các xét nghiệm chẩn đoán sỏi túi mật

Một số xét nghiệm sỏi túi mật mà bác sĩ có thể thực hiện:

  • Siêu âm: là chọn lựa đầu tiên và không xâm lấn cho người bệnh 
  • CT – scan 
  • MRI tìm kiếm các tổn thương khác.
  • Xét nghiệm máu : đánh giá tình trạng nhiễm trùng, vàng da, và những biến chứng khác do sỏi túi mật gây ra

Điều trị sỏi túi mật 

Nếu sỏi túi mật không có triệu chứng thì bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân theo dõi định kỳ.

Nếu sỏi túi mật gây viêm túi mật cấp hoặc có những biến chứng khác, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân, bao gồm :

  • Nâng đỡ tổng trạng của bệnh nhân
  • Kiểm soát và loại trừ nguyên nhân tạo sỏi 
  • Sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa và điều trị bội nhiễm
  • Dẫn lưu dịch túi mật khẩn cấp hay tạm thời để thực hiện thủ thuật điều trị
  • Phẫu thuật lấy sỏi túi mật kích thước lớn hoặc cắt bỏ túi mật khi có biến chứng. 

Bác sĩ điều trị sỏi túi mật

  • Bác sĩ Nguyễn Bảo Xuân Thanh – Q. Bình Tân
  • Bác sĩ Trần Kinh Thành – Q. 10
  • Bác sĩ Lê Kim Sang – Q. Bình Tân

Kết luận

Sỏi túi mật là bệnh lý đang phổ biến ở người Việt Nam ngày nay do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ trong cuộc sống. Phần lớn bệnh không có triệu chứng. Vì vậy, những người có các yếu tố tăng khả năng bệnh sỏi túi mật nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa sớm hơn để tầm soát tình trạng sức khỏe của túi mật. 


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo