Xơ phổi có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách điều trị

Xơ phổi là một bệnh lý mạn tính thường gặp ở người lớn tuổi từ 50 trở lên. Bệnh xơ phổi thường dẫn đến khó thở và những biến chứng nguy hiểm khác, từ đó làm giảm chất lượng sống của người bệnh hoặc tệ hơn là gây ra tử vong. Chủ động tìm hiểu kiến thức về căn bệnh này là một điều rất cần thiết. Cùng Docosan tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Bệnh xơ phổi là gì?

Xơ phổi là một nhóm các bệnh lý phổi làm nhu mô phổi bị tổn thương. Những bệnh lý này để lại mô sẹo khiến phổi trở nên dày và xơ hoá, mất tính đàn hồi nguyên thủy của phổi khi hô hấp. Như vậy, phổi bị giảm chức năng trao đổi khí bình thường. Tổn thương xơ hoá phổi ngày càng trầm trọng, bệnh nhân sẽ ngày càng khó thở hơn ngay cả khi bệnh nhân thực hiện những sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh xơ phổi do rất nhiều yếu tố gây ra. Nhưng hầu hết các trường hợp, các bác sĩ không thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra tổn thương phổi. Khi không tìm được nguyên nhân, tình trạng này được gọi là xơ phổi vô căn (IPF – Idiopathic Pulmonary Fibrosis). Xơ phổi vô căn là dạng thường gặp nhất của bệnh phổi mô kẽ.

Tổn thương phổi do xơ phổi gây ra không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng thuốc và các liệu pháp y tế đôi khi có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống của người bệnh. Trong một số trường hợp, cấy ghép phổi là cần thiết.

xơ phổi
Hình ảnh phổi bình thường và phổi bị xơ

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây nên xơ phổi

Xơ hóa phổi để lại mô sẹo và làm dày thành các túi phế nang trong phổi của bệnh nhân. Điều này làm cho oxy khó đi vào máu hơn. Hầu hết các trường hợp không xác định được chính xác nguyên nhân của bệnh xơ phổi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một vài nguyên nhân có thể kể ra như:

  • Các yếu tố nghề nghiệp, môi trường: tiếp xúc lâu dài với một số chất độc và chất ô nhiễm có thể làm hư hại lá phổi của bạn như bụi silic, sợi amiang, bụi kim loại cứng, bụi than, phân chim và động vật.
  • Xạ trị: một số người được xạ trị ung thư phổi hoặc ung thư vú có dấu hiệu tổn thương phổi sau những đợt trị liệu.
  • Thuốc: một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ làm hại đến lá phổi của bạn như thuốc hóa trị, thuốc trị bệnh tim, thuốc kháng viêm và kháng sinh. Vì thế trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào bệnh nhân cần phải đến thăm khám bác sĩ để được kê toa phù hợp.
  • Bệnh đi kèm: có nhiều căn bệnh có thể dẫn đến tình trạng xơ cứng phổi như: viêm da cơ địa, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, sarcoidosis, viêm phổi, lao
xơ phổi
Môi trường bị ô nhiễm là có thể là nguyên nhân gây xơ phổi

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, bệnh xơ phổi còn do nhiều yếu tố nguy cơ tác động khiến cho phổi dễ xơ và làm cho bệnh ngày càng trầm trọng hơn, chẳng hạn như :

  • Tuổi: bệnh thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi .
  • Giới tính: nam giới thường gặp nhiều hơn nữ giới.
  • Hút thuốc lá: bệnh xơ phổi có tỉ lệ xuất hiện nhiều hơn ở những người đã từng hoặc hút thuốc lá lâu năm. Đặc biệt xơ phổi thường xảy ra ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Yếu tố di truyền: một số loại xơ hóa phổi có tính chất gia đình.

Vậy bệnh xơ phổi có lây không? Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây xơ phổi, chẳng hạn nếu nguyên nhân của bệnh là do lao phổi thì người bệnh và người nhà cần phải cẩn thận vì khả năng lây lan từ người này sang người khác của vi khuẩn lao là rất cao.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh xơ phổi

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh xơ phổi bao gồm:

  • Khó thở: tình trạng thở khó lúc đầu có thể gặp khi bệnh nhân gắng sức nhưng khi xơ phổi tiến triển nặng thì bệnh nhân có thể bị khó thở thường xuyên hơn. Đây thường là than phiền chính của người bệnh và gây giảm chất lượng cuộc sống của họ. 
  • Ho khan kéo dài
  • Mệt mỏi, chán ăn, đau nhức cơ.
  • Sụt cân mà không giải thích được.
  • Ngón hình dùi trống: hình ảnh các đầu ngón tay và ngón chân to bè ra.
  • Da niêm nhợt : do tình trạng thiếu oxy kéo dài khiến cho da bệnh nhân nhợt nhạt, môi hơi thâm tím, niêm mạc miệng và mắt nhạt.
xơ phổi
Sụt cân không rõ nguyên do là triệu chứng thường gặp của xơ phổi

Quá trình xơ hóa phổi và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người. Một số người bệnh diễn tiến rất nhanh và dễ trở nặng hơn, số khác lại có diễn tiến chậm vừa phải trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Một số người có thể cảm thấy triệu chứng xấu đi nhanh chóng khiến cho họ phải nhập viện để điều trị (đợt cấp). Khi đó họ cần phải được sự can thiệp y tế khẩn cấp để có thể vượt qua đợt cấp của bệnh.

Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không?

Bệnh xơ phổi sẽ không phục hồi mà tiến triển nặng dần theo thời gian, tùy mỗi người mà bệnh có thể diễn tiến nhanh chậm khác nhau. Xơ phổi không chỉ gây khó thở cho người bệnh mà còn có thể dẫn đến các biến chứng vô cùng nghiêm trọng như:

  • Huyết áp động mạch phổi tăng cao: không giống như huyết áp cao toàn thân, tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến các động mạch trong phổi của bạn. Do phổi bị xơ hoá, làm tăng sức cản trở máu lưu thông từ tim lên phổi của bệnh nhân. Tình trạng này nếu không được điều trị, lâu dần sẽ dẫn đến tăng áp lực cho buồng tim phải.
  • Suy tim phải: đây là một tình trạng nghiêm trọng khi thất phải hoạt động gắng sức hơn bình thường để đẩy máu qua các động mạch lên phổi do huyết áp động mạch phổi tăng lên trong tình trạng phổi xơ hoá.
  • Suy hô hấp: đây thường là giai đoạn cuối của bệnh phổi mãn tính nói chung và tình trạng xơ phổi nói riêng. Khi nồng độ oxy trong máu xuống thấp, bệnh nhân sẽ gắng sức hô hấp nhưng phổi không giãn nở đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Dần dần, các cơ hô hấp suy kiệt do thiếu oxy, khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
  • Ung thư phổi: xơ phổi lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ tiến triển của ung thư phổi.
  • Các biến chứng khác ở phổi: tình trạng xơ hóa phổi tiến triển có thể dẫn đến các biến chứng khác ở phổi như thuyên tắc phổi do cục máu đông, nhiễm trùng phổi, xẹp phổi.
xơ phổi
Xơ phổi có thể dẫn đến ung thư phổi

Do ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh, nên tiên lượng sống của người bệnh thường chỉ từ 3 – 5 năm nếu không được điều trị tích cực. Tùy vào yếu tố nguy cơ, việc tuân thủ điều trị cũng như diễn tiến bệnh của từng người mà tiên lượng cũng như việc lựa chọn các phương pháp điều trị cho từng bệnh nhân là hoàn toàn khác nhau.

Bệnh xơ phổi được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán tình trạng xơ phổi của bệnh nhân, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử cũng như tiền căn của bệnh nhân và gia đình người bệnh, và thảo luận về các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân, đặc biệt các triệu chứng đường hô hấp để đưa ra chẩn đoán sơ bộ. Sau đó dựa vào chẩn đoán sơ bộ bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện thêm các cận lâm sàng sau đây để đưa ra chẩn đoán cuối cùng: 

  • Phương tiện chẩn đoán hình ảnh
    • Chụp X-quang vùng ngực: đây là một phương tiện quan trọng giúp các bác sĩ chẩn đoán, điều trị cũng như theo dõi tiên lượng cho người bệnh.
    • Chụp cắt lớp điện toán vùng ngực (CT-scan): giúp xác định mức độ tổn thương phổi. Ngoài ra còn giúp xác định một số loại xơ hóa có mô hình tổn thương đặc trưng.
    • Siêu âm tim: đánh giá chức năng tim, đặc biệt là chức năng thất phải trong bệnh lý xơ phổi có biến chứng tăng áp lực động mạch phổi.
  • Phương tiện đánh giá chức năng phổi
    • Hô hấp ký: đây là một xét nghiệm đánh giá tình trạng thông khí ở phổi cơ bản thường được áp dụng nhất.
    • Đo SpO2: giúp đo nồng độ oxy bão hòa trong máu.
    • Đo khí máu động mạch: giúp đánh giá nồng độ oxy và cacbonic trong máu, gián tiếp đánh giá khả năng hô hấp bệnh nhân.
    • Test gắng sức: một bài tập gắng sức được đề xuất cho bệnh nhân như đi bộ trên thảm lăn hoặc đạp xe tại chỗ để đo tình trạng hô hấp của người bệnh khi vận động.
  • Sinh thiết phổi
  • Xét nghiệm máu
xơ phổi
Xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh xơ phổi

Điều trị bệnh xơ phổi

Cho đến nay, chưa phương pháp điều trị nào được đề ra để điều trị dứt điểm hoàn toàn bệnh xơ phổi cũng như ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Một số phương pháp điều trị có thể cải thiện các triệu chứng tạm thời hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh, hạn chế các biến chứng mà xơ phổi gây ra từ đó làm cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của bệnh nhân, chẳng hạn như:

  • Thay đổi lối sống: bỏ hút thuốc lá nếu có, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao, thời gian ngủ nghỉ phù hợp, tiêm vaccine phòng cúm, tuân thủ điều trị của bác sĩ. 
  • Liệu pháp oxy: phương pháp này không thể ngăn chặn sự tổn thương phổi ngày càng tiếp diễn của bệnh nhân nhưng có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.
  • Phục hồi chức năng phổi: bao gồm tập thể dục để cải thiện sức bền, luyện kỹ thuật thở đúng, dinh dưỡng phù hợp.
  • Dùng thuốc: người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa Hô hấp để được thăm khám và dùng thuốc phù hợp, tránh tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoắc thuốc chưa kê toa, điều đó có thể làm nặng thêm bệnh và đẩy bệnh nhân vào đợt cấp nguy hiểm.
  • Ghép phổi: đây có thể là một trong các lựa chọn của người bị xơ phổi giúp kéo dài sự sống. Nhưng bên cạnh đó ghép phổi có thể bao gồm các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng và hiện tượng đào thải cơ quan ghép. Người bệnh cần phải được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.
xơ phổi
Điều trị bệnh xơ phổi bằng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa

Một số bác sĩ khám và điều trị bệnh xơ phổi

  • Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Khắc Bảo, 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, 15 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh

Kết luận

Xơ phổi là một bệnh lý mãn tính thường hay gặp ở người lớn tuổi từ 50 tuổi trở lên. Xơ phổi hầu hết không phải là bệnh lây lan tuy nhiên nếu nguyên nhân gây ra xơ phổi là vi khuẩn lao thì khả năng lây lan rất cao. Bệnh xơ phổi cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Nếu phát hiện các triệu chứng kể trên, bạn hãy liên hệ ngay với các bác sĩ hô hấp trên hệ thống Docosan.com để nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ những y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm.


Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Hứa Huy Thông, Đinh Xuân Anh Tuấn (2017), Bệnh xơ phổi: từ sinh lý bệnh đến thăm dò chức năng hô hấp, Hội Y học TP. Hồ Chí Minh