Hội chứng tăng ure máu là bệnh gì?

Hội chứng tăng urê máu (HUS) có thể được biết là hội chứng huyết tán tăng ure máu là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi suy thận tiến triển có liên quan đến thiếu máu tan máu vi thể và giảm tiểu cầu . HUS là nguyên nhân phổ biến nhất của chấn thương thận cấp ở trẻ em và ngày càng gặp nhiều ở người lớn. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh này, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của Doctor có sẵn nhé!

Hội chứng huyết tán tăng ure máu là gì?

Hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS) xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong thận của bệnh nhân bị tổn thương và viêm. Tình trạng này có thể gây ra các cục máu đông trong các mạch máu dẫn đến làm tắc nghẽn hệ thống lọc của thận gây hậu quả nặng nề như suy thận và nguy hiểm tính mạng.

hội chứng tăng ure máu
Cơ chế gây ra Hội chứng huyết tán tăng ure máu

Có hai loại HUS:

  • HUS điển hình liên quan nhiễm trùng tiêu chảy thường do E. coli OH157: H7 gây ra .
  • HUS không điển hình không liên quan đến nhiễm trùng đường tiêu hóa và có diễn tiến nặng nề hơn.

HUS là một tình trạng nghiêm trọng gây nguy hiểm tính mạng. Nhưng điều trị kịp thời theo chỉ định của bác sĩ, hầu hết sẽ hồi phục hoàn toàn, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Nguyên nhân mắc phải hội chứng ure huyết cao

Hầu hết các trường hợp hội chứng tăng ure máu xảy ra sau khi bị nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn E. coli, O157: H7. Loại vi khuẩn E. coli này có thể được tìm thấy trong thịt nấu chưa chín và là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến nhà hàng.

Trong đó, Chủng E.coli có tên STEC gây tiêu chảy và tạo ra độc tố Shiga. Độc tố này có thể xâm nhập vào máu và gây tổn thương, dẫn đến hội chứng tăng ure máu .

hội chứng tăng ure máu
Hầu hết các trường hợp hội chứng ure máu cao xảy ra sau khi bị nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn E. coli

Các nguyên nhân khác gây ra HUS bao gồm:

  • Nhiễm trùng do các tác nhân vi khuẩn và vi rút khác gây suy giảm miễn dịch.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc, đặc biệt điều trị ung thư và thuốc được sử dụng ức chế miễn dịch liều cao của những người được cấy ghép nội tạng.
  • Tăng huyết áp ác tính
  • Bệnh cầu thận nguyên phát
  • Một số nguyên nhân hiếm hơn như mang thai và thời kỳ hậu sản, rối loạn collagen mạch máu thứ phát do lupus ban đỏ hệ thống và hội chứng kháng thể kháng phospholipid, cấy ghép thận, tủy xương.
  • Trong một số trường hợp, HUS là kết quả của một số đột biến di truyền

Đối tượng dễ bị hội chứng tăng ure máu

Phần lớn các trường hợp mắc phải hội chứng tăng ure máu là do tiếp xúc với E. coli như là: ăn thịt hoặc sản phẩm bị ô nhiễm, bơi trong các hồ bơi hoặc hồ bị ô nhiễm phân

Đối tượng có nguy cơ mắc HUS cao nhất là:

  • Trẻ em từ 5 tuổi trở xuống
  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên
  • Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu
hội chứng tăng ure máu
Người già trên 65 tuổi dễ bị hội chứng tăng ure huyết

Bất cứ ai cũng có thể mắc phải hội chứng tăng ure máu , nhưng nó phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Nhìn chung, HUS ít phổ biến hơn ở người lớn, nhưng có thể xảy ra thường xuyên hơn ở người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, phụ nữ mới sinh con, có các vấn đề liên quan đến sinh nở hoặc phụ nữ đã sử dụng thuốc tránh thai.

Triệu chứng hội chứng tăng ure máu

Giai đoạn đầu của hội chứng tăng ure máu thường kéo dài từ 1 đến 15 ngày và có thể bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, chẳng hạn như:

  • Tiêu chảy ra máu
  • Đau bụng
  • Nôn mửa
hội chứng tăng ure máu
Đau bụng là triệu chứng thường gặp của hội chứng tăng ure máu

Giai đoạn sau, bệnh làm tổn thương mạch máu, làm cho các tế bào hồng cầu bị phá vỡ, dẫn đến hình thành cục máu đông trong mạch máu và tổn thương thận. Người mắc hội chứng tăng ure máu có thể tạo ra ít nước tiểu do các các yếu tố làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ trong thận hoặc gây ra sẹo ở thận. Điều này làm cho thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi máu. Có các triệu chứng như sau :

  • Khó thở
  • Lú lẫn, co giật hoặc đột quỵ
  • Bầm tím, chảy máu bất thường không rõ nguyên nhân
  • Giảm đi tiểu hoặc tiểu ra máu
  • Huyết áp cao
  • Sưng phù bàn tay và bàn chân
  • Phù nề do tích tụ chất lỏng

Biến chứng tăng ure máu

  • Suy thận
  • Đột quỵ
  • Hôn mê
  • Co giật
  • Chảy máu
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như các vấn đề về ruột, túi mật hoặc tuyến tụy

Xét nghiệm chẩn đoán

Các bác sĩ khi nghi ngờ bệnh sẽ dựa trên tiền sử và khám sức khỏe, đặc biệt là triệu chứng điển hình của hội chứng tăng ure máu như tiêu chảy ra máu. Các xét nghiệm bất thường trong phòng thí nghiệm giúp xác nhận chẩn đoán, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm này có thể xác định số lượng các tế bào hồng cầu, tiểu cầu của bạn có thấp hay bị hư hỏng hay không. Xét nghiệm máu cũng có thể cho biết mức ure, creatinine có cao vượt cao hơn bình thường không.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này giúp phát hiện nồng độ bất thường của protein và máu trong nước tiểu cũng như các dấu hiệu nhiễm trùng trong nước tiểu của bạn.
  • Xét nghiệm mẫu phân: có thể phát hiện vi khuẩn E. coli sinh độc tố và các vi khuẩn khác có thể gây ra HUS .

Nếu vẫn chưa chắc chắn về chẩn đoán hội chứng tăng ure máu, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm bổ sung để giúp xác định nguyên nhân.

hội chứng tăng ure máu
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán Hội chứng huyết tán tăng ure máu

Cách điều trị

Tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào việc bắt đầu điều trị kịp thời. Điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa các biến chứng cấp tính ( tổn thương thận cấp , hôn mê và tử vong ) cũng như sự tiến triển đến suy thận mạn tính. Hội chứng tăng ure máu điển hình ở trẻ em có xu hướng tự giới hạn và hồi phục tốt hơn người lớn.

Hầu hết các phương pháp điều trị đều nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh này và ngăn ngừa các biến chứng tiếp theo. Điều trị bao gồm điều trị huyết áp cao, duy trì mức chất lỏng và muối cụ thể, truyền máu, thuốc, lọc thận và ghép thận.

Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

Đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn hoặc con bạn bị tiêu chảy ra máu hoặc tiêu chảy nhiều ngày sau đó có các tình trạng :

  • Giảm lượng nước tiểu
  • Sưng tấy
  • Vết bầm tím không giải thích được
  • Chảy máu bất thường

Hội chứng tăng ure máu rất nguy hiểm. Bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng gây nguy hiểm tính mạng.

Phòng ngừa

Hầu hết các trường hợp mắc phải hội chứng tăng ure máu điển hình liên quan đến tiêu chảy có thể được ngăn ngừa bằng cách rửa và nấu kĩ thực phẩm.

Kỹ thuật rửa và nấu ăn đúng cách trong nhà bếp là chìa khóa để ngăn ngừa.

  • Ăn chín, uống sôi . Chúng ta nên tránh ăn thịt sống hoặc nấu chín một phần. Thịt bị nhiễm khuẩn hoặc nấu chín không đúng cách là nguồn tiềm ẩn của E coli O157: H7.
  • Hạn chế sữa, nước trái cây chưa tiệt trùng.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh và thay tã cho bé.
  • Thường xuyên lau chùi đồ dùng và bề mặt thực phẩm.
hội chứng tăng ure máu
Bạn cần lưu ý rửa và nấu kỹ thực phẩm nhằm phòng ngừa tăng ure trong máu

Phải xử lý thực phẩm an toàn và hợp lý.

  • Để thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền. Không đặt thịt đã nấu chín trên các đĩa đã bị nhiễm bẩn bởi thịt sống.
  • Bảo quản thịt bên dưới sản phẩm trong tủ lạnh ngăn đông để giảm nguy cơ chất lỏng như máu chảy ra trên sản phẩm.

Giám sát, xử lý nguồn nước sinh hoạt phải đảm bảo an toàn về sức khỏe. Tránh các khu vực bơi ở các hồ bơi không sạch sẽ.

Nông dân và các nhà cung ứng chuỗi sản phẩm phải có các biện pháp vệ sinh thích hợp, đặc biệt là ở các ruộng và trang trại chăn nuôi gia súc.

Kết luận

Tóm lại, hội chứng tăng ure máu là một tình trạng nguy hiểm gây tổn thương thận, suy thận và nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn có những triệu chứng của bệnh đã được đề cập ở trên, hãy nhanh tay liên hệ với Docosan.com, đội ngũ bác sĩ chúng tôi sẽ đưa đến bạn những tư vấn và điều trị kịp thời.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu hội chứng tăng ure máu tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Xem thêm: Xuất huyết dưới da: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.