Hiện nay, ung thư máu là một trong những loại ung thư phổ biến nhất, với hơn 1 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh mỗi năm. Đây còn là loại ung thư trẻ em hay mắc phải nhất. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để nâng cao hiểu biết về ung thư máu và những dấu hiệu sớm nhất.
Tóm tắt nội dung
- 1 Ung thư máu là gì?
- 2 Các loại ung thư máu
- 3 Nguyên nhân gây ung thư máu
- 4 Các yếu tố nguy cơ mắc phải ung thư máu
- 5 Dấu hiệu nhận biết ung thư máu
- 6 Chẩn đoán ung thư máu như thế nào?
- 7 Điều trị ung thư máu như thế nào?
- 8 Tỉ lệ sống sót khi mắc phải ung thư máu
- 9 Chi phí điều trị ung thư máu là bao nhiêu tiền?
- 10 Câu hỏi thường gặp
- 10.0.0.1 Ung thư máu có chữa được không?
- 10.0.0.2 Ung thư máu giai đoạn đầu có chữa được không?
- 10.0.0.3 Ung thư máu có di truyền không?
- 10.0.0.4 Nhiễm trùng máu có phải là ung thư máu không?
- 10.0.0.5 Chi phí điều trị ung thư máu?
- 10.0.0.6 Ung thư máu ở trẻ em sống được bao lâu?
- 10.0.0.7 Ung thư máu ghép tủy sống được bao lâu?
- 10.0.0.8 Ung thư máu là đột biến gì?
- 10.0.0.9 Xét nghiệm máu tổng quát có phát hiện ung thư?
- 10.0.0.10 Chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư máu?
- 10.0.0.11 Phác đồ điều trị ung thư máu?
- 10.0.0.12 Bệnh ung thư máu có lây không?
- 10.0.0.13 Ung thư máu có mấy giai đoạn?
Ung thư máu là gì?
Ung thư máu là bệnh lý liên quan đến quá trình sản xuất và chức năng của tế bào máu. Tế bào máu bao gồm các thành phần: huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong đó, ung thư máu xảy ra chủ yếu trên bạch cầu và thường phát sinh tại tuỷ xương.
Trong hầu hết các bệnh ung thư máu, quá trình phát triển tế bào máu bình thường bị gián đoạn do sự phát triển không kiểm soát của một loại tế bào máu bất thường. Những tế bào ung thư này ngăn cản máu thực hiện nhiều chức năng của nó, như chống nhiễm khuẩn hoặc quá trình đông máu.
Ung thư máu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Mỗi năm ước tính có khoảng 1,24 triệu người mắc ung thư máu, chiếm khoảng 6% số người mắc các bệnh ung thư. Gần 720 000 ca tử vong mỗi năm do ung thư máu gây ra, chiếm 7% số ca tử vong do ung thư gây ra.
Các loại ung thư máu
Có hơn 100 loại bệnh ung thư máu khác nhau được quy thành 3 nhóm dựa trên loại tế bào bị tăng sinh:
Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu là loại ung thư máu thường gặp nhất. Đây là loại phổ biến nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh bạch cầu xảy ra do sự tăng sinh bất thường, tích luỹ quá mức của các tế bào bạch cầu trong tủy xương. Số lượng lớn các tế bào bạch cầu bất thường này làm suy giảm hệ miễn dịch và làm giảm khả năng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu của tủy xương.
Có nhiều loại bệnh bạch cầu khác nhau tùy thuộc vào loại tế bào máu bị ảnh hưởng và tình trạng phát triển như thế nào. Có một số phân loại bệnh bạch cầu như: bệnh bạch cầu dòng lympho (ảnh hưởng tế bào lympho), hay bạch cầu dòng tủy (ảnh hưởng tế bào miễn dịch khác),…
Một số bệnh bạch cầu phát triển nhanh, cần được điều trị sớm gọi là ung thư máu cấp tính. Một số khác phát triển chậm, tiên lượng điều trị khả quan hơn gọi là ung thư máu mạn tính.
Ung thư hạch bạch huyết (U lympho, lymphoma)
Loại ung thư này xảy ra khi có sự tăng sinh bất thường ở một loại tế bào bạch cầu gọi là tế bào lympho. Đây là dạng ung thư máu ảnh hưởng chủ yếu lên hệ bạch huyết, đặc biệt là các hạch bạch huyết (cấu trúc hình hạt đậu nhỏ của hệ bạch huyết giúp lọc, bẫy các chất ngoại lai có nguy cơ gây hại đến cơ thể). Hệ bạch huyết là một phần của hệ miễn dịch và trải khắp cơ thể. Do đó ung thư hạch bạch huyết có thể xảy ra tại bất kỳ vị trí nào.
Ung thư hạch bạch huyết được chia thành 2 loại: U lympho Hodgkin và U lympho không Hodgkin. Đây là dạng ung thư máu phổ biến nhất ở người lớn, chiếm hơn một nửa số trường hợp được chẩn đoán.
Đa u tuỷ
Đây là dạng ung thư máu ảnh hưởng đến tương bào (tế bào plasma). Thông thường, các tế bào này sản xuất ra kháng thể để thực hiện chức năng miễn dịch bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, khi mắc bệnh đa u tuỷ, những tế bào này tăng sinh bất thường và tạo ra các kháng thể không thực hiện chức năng bình thường khiến cơ thể suy yếu và dễ bị nhiễm trùng.
Bệnh này được gọi là đa u tuỷ do ảnh hưởng đến nhiều khu vực nơi tuỷ xương hoạt động trong cơ thể như cột sống, xương sườn, hộp sọ, khung chậu,… Hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán đa u tuỷ thường là nam giới, ở độ tuổi ngoài 70.
Nguyên nhân gây ung thư máu
Nguyên nhân ung thư máu là do đột biến gene trong tế bào gốc tạo máu dẫn đến sự tăng sinh bất thường không kiểm soát, cũng như cản trở việc thực hiện các chức năng bình thường của các tế bào máu. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của căn bệnh này, hay nói cách khác chính là con đường cụ thể của quá trình đột biến gene gây xuất hiện các tế bào ung thư máu.
Ngành y học hiện đại vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tiếp cận đến nguyên nhân dẫn đến các loại bệnh ung thư máu. Sự tương tác giữa gene di truyền và yếu tố môi trường đã kích hoạt quá trình tăng sinh không kiểm soát các tế bào máu như thế nào vẫn là câu hỏi gây nhiều thách thức cho các chuyên gia y tế.
Các yếu tố nguy cơ mắc phải ung thư máu
Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư máu có thể kể đến:
- Tuổi tác: Ung thư máu phổ biến ở trẻ em và người lớn tuổi.
- Giới tính: Ung thư máu thường xảy ra ở nam giới hơn là nữ giới.
- Tiền sử gia đình: Đối với bệnh bạch cầu dòng lympho cấp hoặc mãn tính, nếu gia đình có ba mẹ, anh chị em bị mắc bệnh, thì nguy cơ mắc các bệnh ung thư máu cũng tăng cao. Một số bệnh ung thư máu liên quan đến những đột biến bất thường mang tính di truyền.
- Rối loạn về máu: Ở người bị rối loạn sinh tủy, nguy cơ mắc ung thư máu cũng cao hơn so với người bình thường.
- Tiếp xúc với phóng xạ: Phơi nhiễm phóng xạ gia tăng nguy cơ đột biến gene dẫn đến ung thư máu.
- Hoá trị: Bệnh nhân điều trị hoá trị để chữa bệnh ung thư khác có nguy cơ cao bị bệnh bạch cầu cấp tính. Tuy nhiên lợi ích điều trị vẫn lớn hơn nguy cơ.
- Tiếp xúc với một số hoá chất: Các chất hoá học như benzen, chất độc màu da cam có thể gây đột biến gene dẫn đến ung thư máu. Benzen có thể có trong các nhà máy lọc dầu, khói thuốc lá, đồ dùng nghệ thuật như sơn dầu,…
- Hút thuốc: Trong thuốc lá chứa nhiều chất hoá học độc hại gây ảnh hưởng đến hệ gene của con người, gây gia tăng nguy cơ ung thư máu.
- Bệnh bẩm sinh: Người mắc hội chứng Down, hội chứng Bloom có nguy cơ cao mắc bệnh.
Việc xuất hiện các yếu tố nguy cơ cũng không thể khẳng định khả năng mắc ung thư máu. Nhiều người có nhiều yếu tố nguy cơ nhưng không bao giờ phát triển ung thư, trong khi những người khác bị ung thư có thể không có yếu tố nguy cơ đã biết.
Ngay cả khi một người mắc bệnh ung thư có một yếu tố rủi ro, thường rất khó để biết yếu tố rủi ro đó góp phần vào sự phát triển bệnh của họ ở mức độ nào. Tuy vậy, việc cố gắng loại bỏ những yếu tố nguy cơ từ thói quen và lối sống như hút thuốc, tiếp xúc hóa chất,… vẫn rất cần thiết để phần nào bảo vệ sức khỏe khỏi những loại bệnh ung thư máu.
Dấu hiệu nhận biết ung thư máu
Các triệu chứng ung thư máu khác nhau tùy thuộc dạng bệnh cũng như tình trạng bệnh lý bệnh nhân nhưng thường bao gồm:
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Bầm tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân
- Xuất hiện cục sưng hay khối u
- Khó thở
- Đổ mồ hôi ban đêm
- Nhiễm trùng dai dẳng, tái phát hoặc nghiêm trọng
- Sốt (38°C trở lên) không rõ nguyên nhân
- Phát ban hoặc ngứa da không rõ nguyên nhân
- Đau xương, khớp hoặc bụng (vùng dạ dày)
- Mệt mỏi không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc ngủ
- Da dẻ xanh xao
Có nhiều triệu chứng của ung thư máu cần được quan sát kĩ lưỡng tùy thuộc vào màu da. Bao gồm:
- Các vết bầm tím thường bắt đầu như những mảng màu đỏ dần trở nên sẫm màu hơn theo thời gian. Trên làn da đen và nâu, ban đầu có thể khó nhìn thấy vết bầm tím, do đó cần chú ý quan sát vùng da có màu sẫm hơn vùng xung quanh.
- Phát ban thường xuất hiện dưới dạng cụm đốm nhỏ (xuất huyết) hoặc đốm lớn hơn (ban xuất huyết). Trên da đen và nâu, chúng có thể có màu tím hoặc sẫm hơn vùng da xung quanh. Trên làn da sáng hơn, chúng thường có màu đỏ hoặc tím. Khi ấn vào, các đốm xuất huyết và ban xuất huyết không mất đi.
- Xanh xao do người bệnh có quá ít tế bào hồng cầu. Da nhợt nhạt thường dễ nhận thấy ngay lập tức ở da sáng, và khó hơn ở những người có làn da đen hoặc nâu. Ở tất cả các tông màu da, có thể nhìn thấy sự nhợt nhạt bằng cách kéo mí mắt dưới xuống. Nếu có màu hồng nhạt hoặc trắng thì đó là dấu hiệu của thiếu máu do thiếu hồng cầu.
Chẩn đoán ung thư máu như thế nào?
Khi bác sĩ nghi ngờ bạn bị ung thư máu, một số các xét nghiệm sau đây sẽ được để chỉ định để xác định liệu bạn có bị ung thư máu hay không, và bạn mắc phải loại ung thư máu nào:
- Xét nghiệm máu: Cụ thể là xét nghiệm công thức máu toàn phần để kiểm tra mức độ tăng sinh bất thường của bạch cầu so với hồng cầu và tiểu cẩu.
- Sinh thiết tủy xương: Chọc tuỷ xương để kiểm tra các tế bào máu trên kính hiển vi. Đây là xét nghiệm xâm lấn, cần gây tê để lấy mẫu. Tuy nhiên xét nghiệm này rất phổ biến và ít rủi ro.
- Sinh thiết hạch bạch huyết: Tương tự như sinh thiết tủy xương, đây là xét nghiệm để lấy mẫu hạch bạch huyết để quan sát trên kính hiển vi.
- Chụp X-quang, chụp MRI, chụp PET, chụp CT: Đây là các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh nhằm giúp bác sĩ xác định được vị trí các tế bào ung thư, mức độ tăng sinh lan toả của chúng cũng như vị trí di căn.
- Xét nghiệm di truyền: Các xét nghiệm di truyền thường được thực hiện trên mẫu tế bào máu từ xét nghiệm máu hoặc sinh thiết tủy xương để xác định loại ung thư máu cụ thể. Xác định những điểm đột biến trong gene cũng góp phần xác định phương pháp điều trị phù hợp và đưa ra tiên lượng cho các trường hợp bệnh.
Điều trị ung thư máu như thế nào?
Điều trị ung thư máu sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như loại ung thư máu, độ tuổi, tốc độ tiến triển của ung thư và liệu ung thư đã di căn hay chưa.
Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
Hóa trị
Thuốc chống ung thư được đưa vào cơ thể (thông qua tiêm vào tĩnh mạch hoặc đôi khi bằng cách uống thuốc) để tiêu diệt và ngăn chặn việc sản xuất tế bào ung thư. Hoá trị thường tiến hành theo chu kỳ gồm: thời gian hoá trị và thời gian nghỉ ngơi không điều trị. Không chỉ diệt tế bào ung thư, hoá trị cũng gây tác hại lên các tế bào khác trong cơ thể.
Một số tác dụng phụ của hoá trị như: rụng tóc, chán ăn, mệt mỏi, viêm răng miệng, độc tính lên xương, suy giảm trí nhớ,…
Xạ trị
Hình thức điều trị ung thư này sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Thường được dùng trong điều trị ung thư hạch Hodgkin hoặc ung thư hạch không Hodgkin.
Xạ trị cũng có nhiều tác dụng phụ lên sức khoẻ như mệt mỏi, buồn nôn, thay đổi trên da, rụng tóc,…
Các liệu pháp nhắm mục tiêu
Hình thức điều trị ung thư này sử dụng các loại thuốc đặc biệt tiêu diệt các tế bào máu ác tính mà không gây hại cho các tế bào bình thường. Các liệu pháp nhắm mục tiêu được sử dụng phổ biến nhất để điều trị bệnh bạch cầu.
Cấy ghép tế bào gốc, ghép tuỷ
Các tế bào gốc khỏe mạnh có thể được truyền vào cơ thể bạn để giúp tiếp tục sản xuất máu khỏe mạnh sau khi điều trị để tiêu diệt các tế bào máu ác tính. Có hai kiểu cấy ghép tế bào gốc: ghép tự thân (tế bào gốc của chính bệnh nhân) và ghép đồng loài (tế bào gốc được nhận từ người khác có thể cùng huyết thống hoặc không).
Phẫu thuật
Phương pháp điều trị này bao gồm việc loại bỏ các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng để điều trị một số u lympho. Tuy nhiên phẫu thuật hiếm khi được sử dụng khi điều trị ung thư máu
Liệu pháp miễn dịch
Phương pháp điều trị này kích hoạt hệ thống miễn dịch để tiêu diệt các tế bào ung thư một cách cụ thể. Một ví dụ về liệu pháp miễn dịch tiên tiến là liệu pháp CAR-T, trong đó các tế bào T của chính bệnh nhân(một loại tế bào bạch cầu thường chống lại nhiễm trùng trong cơ thể) được biến đổi gen để tăng khả năng tìm và tiêu diệt tế bào ung thư.
Tỉ lệ sống sót khi mắc phải ung thư máu
Các phương pháp điều trị ung thư máu đã được cải thiện rất nhiều trong vài thập kỷ qua, nhiều loại ung thư máu hiện có khả năng trị khỏi cao.
Nhìn chung, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh ung thư máu là khoảng 70%. Điều đó có nghĩa là một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu có 70% khả năng sống sót sau 5 năm so với những người ở cùng độ tuổi không mắc bệnh ung thư. 70% là mức trung bình chung cho tất cả các loại ung thư máu, các loại ung thư máu khác nhau có mức độ nguy hại khác nhau dẫn đến tỉ lệ sống sót có sự sai khác nhau.
Những thành tựu nghiên cứu trong chẩn đoán và khám chữa bệnh đã giúp gia tăng tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính, bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính và u lympho không Hodgkin là trên 85%. Nhưng với bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, u lympho tế bào lớp vỏ và đa u tủy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là dưới 50%. Đây là những con số thống kê từ website về ung thư máu tại Vương quốc Anh.
Còn đối với Việt Nam, theo Viện huyết học, bệnh nhân ung thư máu ác tính nếu điều trị đơn thuần thì tỉ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 20 – 30%. Trong khi đó, nếu bệnh nhân được tiếp cận phương pháp ghép tế bào gốc, tỉ lệ sống sót sau 5 năm có thể tăng lên đến 50-60%.
Một điều hết sức quan trọng cần được nhấn mạnh ở đây là tỉ lệ sống sót cũng chỉ là những phép toán thống kê dựa trên một nhóm bệnh nhân lớn được thu thập dữ liệu trong những khoảng thời gian khác nhau. Mỗi bệnh nhân là những cá thể riêng biệt có tình trạng bệnh lý cũng như tiền sử bệnh khác nhau.
Cơ hội để đạt được kết quả điều trị tốt nhất của một cá nhân sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngay cả hai người có cùng một điều kiện cũng có thể có kết quả điều trị khá khác nhau. Vì vậy, đừng quá tập trung vào những thống kê về tỷ lệ sống sót mà hãy cố gắng lắng nghe và phối hợp với các bác sĩ lâm sàng để tuân thủ theo phương án điều trị phù hợp với hoàn cảnh cũng như sức khoẻ của bản thân giúp cải thiện dần tiên lượng bệnh của bạn.
Chi phí điều trị ung thư máu là bao nhiêu tiền?
Việc điều trị ung thư máu đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và tiền bạc rất lớn. Chi phí điều trị ung thư máu dao động trong khoảng từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Mức chênh lệch chi phí điều trị chủ yếu do phương pháp điều trị được lựa chọn.
Với những phương pháp quen thuộc như hoá trị, xạ trị chi phí sẽ trong khoảng vài chục triệu đồng. Các phương pháp tiên tiến với ít tác dụng phụ và khả năng trị khỏi cao hơn như ghép tế bào gốc, liệu pháp miễn dịch chi phí điều trị sẽ đắt đỏ hơn và chỉ được thực hiện ở một số cơ sở y tế hàng đầu. Ngoài ra người bệnh ung thư máu còn tốn những khoản chi phí khác như chi phí xét nghiệm, chi phí nằm viện,…
Chi phí điều trị ung thư cũng được Bảo hiểm y tế chi trả một phần nếu người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế và điều trị theo đúng tuyến, đúng quy định của Bảo hiểm y tế. Ngoài ra việc phát hiện sớm bệnh ung thư máu cũng giúp giảm bớt phần nào chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Câu hỏi thường gặp
Ung thư máu có chữa được không?
Ung thư máu vẫn có thể chữa được nếu bệnh được phát hiện sớm và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Việc tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ sẽ góp phần cải thiện tiên lượng về bệnh ung thư máu của bệnh nhân.
Ung thư máu giai đoạn đầu có chữa được không?
Có thể chữa được nếu bệnh nhân được tư vấn phương án điều trị phù hợp.
Ung thư máu có di truyền không?
Chỉ một số loại ung thư máu là có tính di truyền. Hầu hết các loại không phải do di truyền mà do đột biến gene xuất hiện bất kỳ trong chu kỳ tế bào.
Nhiễm trùng máu có phải là ung thư máu không?
Không. Nhiễm trùng máu không phải ung thư máu mà là một biến chứng gây ra bởi ung thư máu.
Chi phí điều trị ung thư máu?
Chi phí điều trị ung thư máu dao động khác nhau tùy thuộc vào phương pháp điều trị, giai đoạn phát hiện cũng như tình trạng sức khoẻ bệnh nhân. Có thể từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu.
Ung thư máu ở trẻ em sống được bao lâu?
Trẻ em mắc bệnh ung thư máu vẫn có hi vọng chữa khỏi. Tuy vậy, tuỳ thuộc loại ung thư máu mắc phải mà tỉ lệ sống sót của bệnh nhân khác nhau. Trong trường hợp ung thư máu ác tính, diễn biến nhanh, thời gian sống có thể chỉ vài tháng cho đến vài năm.
Ung thư máu ghép tủy sống được bao lâu?
Tỉ lệ sống sót trên 5 năm của bệnh nhân ung thư máu ghép tủy sống là 50 – 60%. Tuy vậy, bởi mỗi người bệnh là một cá thể với nhiều yếu tố riêng biệt nên khả năng đáp ứng với mỗi phương pháp điều trị cũng có nhiều sự khác nhau.
Ung thư máu là đột biến gì?
Ung thư máu là đột biến gene gây tăng sinh không kiểm soát tế bào máu.
Xét nghiệm máu tổng quát có phát hiện ung thư?
Xét nghiệm máu tổng quát có thể phát hiện ung thư thông qua sự gia tăng bất thường của bạch cầu.
Chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư máu?
Xét nghiệm công thức máu toàn phần có bạch cầu gia tăng bất thường, có thể giúp phát hiện ung thư máu.
Phác đồ điều trị ung thư máu?
Các bác sĩ cần hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị ung thư máu tùy thuộc vào tình trạng cũng như nguyện vọng của bệnh nhân.
Bệnh ung thư máu có lây không?
Bệnh ung thư máu không lây. Chỉ một số ít loại ung thư máu có tính di truyền.
Ung thư máu có mấy giai đoạn?
Ung thư máu có thể được chia thành 4 giai đoạn tương tự như các loại ung thư khácu003cbru003e- u003cstrongu003eGiai đoạn 1u003c/strongu003e: Sự gia tăng tế bào ung thư, chưa xâm lấnu003cbru003e- u003cstrongu003eGiai đoạn 2u003c/strongu003e: Gia tăng tế bào ung thư, bắt đầu xâm lấn các cơ quan khácu003cbru003e- u003cstrongu003eGiai đoạn 3u003c/strongu003e: Tế bào di căn, xâm lấn các cơ quan khácu003cbru003e- u003cstrongu003eGiai đoạn 4u003c/strongu003e: Ung thư đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể
Ung thư máu là một căn bệnh nguy hiểm, có tiên lượng xấu. Tuy vậy, nếu phát hiện kịp thời, bệnh nhân vẫn có thể được chữa trị và cải thiện tỉ lệ sống sót. Nếu bạn và người thân có nghi ngờ mắc bệnh, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ trên docosan.com.
- https://bloodcancer.org.uk/understanding-blood-cancer/
- https://www.yalemedicine.org/conditions/blood-cancers
- https://www.cdc.gov/cancer/uscs/about/data-briefs/no30-hematologic-incidence-surv-prev.htm
- https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=34&contentid=17601-1
- https://vienhuyethoc.vn/sau-ghep-te-bao-goc-60-benh-nhan-ung-thu-mau-song-tren-5-nam/