Chân bị phù – Top 11 nguyên nhân bạn có thể chưa biết

Chân bị phù là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một vài bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến tim, thận, gan hay một số cơ quan khác. Chúng làm tăng kích thước của chân, vị trí dễ phát hiện phù là mặt trước xương chày, mu bàn chân, hoặc ở mắt cá chân.

Vậy chân bị phù là bệnh gì? Chân bị sưng phù có nguy hiểm không? Cách chữa chân bị sưng phù như thế nào? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Chân bị phù là bệnh gì?

Chân bị phù
Chân bị phù là bệnh gì

Phù là tình trạng gia tăng thể tích dịch mô kẽ và mô ngoài mạch máu, vị trí phù có thể khu trú 1 nơi trên cơ thể hoặc toàn thân. Người bình thường không thể bị phù vì cơ thể luôn duy trì một sự cân bằng tương đối chính xác giữa các áp suất huyết động trong lòng mạch và sự dẫn lưu thông suốt của hệ thống bạch huyết.

Chân bị sưng phù là hiện tượng chân có kích thước tăng lên đáng kể, vị trí thường xuất hiện là ở mu bàn chân, mắt cá chân hoặc bắp chân bị phù. Điều này kiến cho việc đi lại trở nên khó khăn, bất tiện, có thể gây đau đớn cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như đời sống sinh hoạt thường ngày.

Hiện tượng phù chỉ xảy ra khi:

  • Huyết động của vùng mao mạch bị thay đổi, gây ra sự di chuyển của dịch từ lòng mạch thấm ra ngoài mô kẽ;
  • Dịch thấm ra ngoài mô kẽ không được dẫn lưu tốt vào đường bạch huyết để vào hệ thống tĩnh mạch;
  • Tình trạng ứ đọng muối và dịch (do truyền dịch, do chế độ ăn) gây tăng thể tích hệ tuần hoàn và từ đó tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng mạch.

Nguyên nhân phù chân

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh phù chân. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến có thể kể đến là mang thai, suy tim, phẫu thuật hay uống nhiều bia rượu. Chân bị sưng phù có thể chỉ là tình trạng tạm thời cơ thể tích nước, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng.

Chân bị phù khi mang thai

Vào những tuần cuối của thai kỳ, kích thước của thai đã khá to, có thể gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, dẫn đến sự gia tăng áp lực thủy tĩnh, đẩy dịch ra khỏi lòng mạch vào mô kẽ gây hiện tượng hai bắp chân bị phù hoặc cả chân bị phù. 

Tình trạng chân bị phù khi mang thai không hiếm gặp mà cực kì phổ biến. Chân sưng phù có thể nhiều hơn vào ban đêm hoặc vào những ngày thời tiết nóng nực. Tuy nhiên tình trạng chân bị phù này là tạm thời, sau khi sinh sẽ tự động khỏi bệnh.

Bên cạnh đó, nếu chân bị phù khi mang thai ở những đối tượng có bệnh tăng huyết áp, đau bụng vùng thượng vị, đau đầu, tiểu ít,…bạn cần đến ngay cơ sở y tế về sản khoa gần nhất để khám xem có nguy cơ bị chứng tiền sản giật hay không, vì tình trạng bệnh lý này có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Chân bị phù do suy tim phải

Khi bị suy tim phải, máu ở hệ thống tĩnh mạch trước tim không được lưu thông tốt nên bị ứ trệ lại, gây tăng áp lực thủy tĩnh trong hệ tĩnh mạch, mao mạch và đẩy dịch từ lòng mạch chảy vào mô kẽ. Ngoài ra, những tổn thương của thành mạch cũng gây tăng tính thấm thành mạch, kéo dịch trong lòng mạch ra ngoài gây phù.

Máu ứ ở tuần hoàn ngoại vi (hệ tĩnh mạch trước tim) gây sưng phù chân. Ban đầu có thể phù 2 chi dưới, sau đó có thể diễn tiến từ từ đến phù toàn thân, đứng lâu có thể khiến sưng phù chân nhiều hơn, tăng khi về chiều, giảm khi nằm nghỉ, ngoài ra bệnh nhân có thể kèm triệu chứng tiểu ít.

Chân bị phù do viêm tắc tĩnh mạch

Khi có cục máu đông (huyết khối) gây bít tắc lòng tĩnh mạch, khu vực thượng lưu nơi bị tắc nghẽn sẽ có tình trạng gia tăng nghiêm trọng áp lực thủy tĩnh, đẩy máu ra khỏi tĩnh mạch vào các mô kẽ gây phù chân, nếu tắc ở những vị trí quan trọng có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh.

Những yếu tố nguy cơ cao bị viêm tắc tĩnh mạch bao gồm: thừa cân, béo phì, nghiện rượu bia, thuốc lá, ung thư, suy tim, phụ nữ  có thai hoặc đang sử dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là những đối tượng do đặc thù công việc phải ngồi nhiều sẽ có nguy cơ cao hình thành cục máu đông – lý giải cho nghi vấn “ngồi lâu bị phù chân là bệnh gì?”.

Bệnh lý về gan

Khi bị xơ gan, có rất nhiều cơ chế gây phù chân cho bệnh nhân. Gan mất chức năng do tổn thương cấu trúc nhu mô, làm hạn chế lưu lượng máu chảy vào gan, từ đó tăng áp tĩnh mạch cửa dẫn đến cổ chướng và chân bị phù. 

Ngoài ra, chức năng cơ bản của gan là tổng hợp albumin – 1 protein có vai trò giữ áp suất keo (giữ dịch) trong lòng mạch cân bằng với áp suất thủy tĩnh. Xơ gan sẽ mất nguồn tổng hợp albumin, dẫn đến giảm áp keo, bệnh nhân dễ bị phù chân.

Bệnh lý về thận

Chân bị phù có thể do thận, cũng giống cơ chế do thiếu albumin, nhưng nguyên nhân là do thận không còn hoạt động tốt, trong quá trình lọc máu không giữ lại albumin được mà bài tiết phần lớn ra ngoài qua nước tiểu, điều này cũng gây giảm áp lực keo, tuy nhiên phù toàn thân bệnh nhân chứ không chỉ chân bị phù. Ở người bệnh thận, tình trạng này còn được gọi là tiểu protein (hay tiểu đạm).

Chân bị phù do tắc nghẽn hệ bạch huyết

Chân bị phù do tắc nghẽn hệ bạch huyết
Chân bị phù do tắc nghẽn hệ bạch huyết

Thông thường, quá trình thẩm thấu qua thành mao mạch cũng hình thành 1 lượng ít dịch ngoại bào (hay còn gọi là dịch mô kẽ). Phần lớn chúng được chảy trở lại về mao mạch nhờ sự chênh lệch áp suất thấp, số còn lại được dẫn lưu vào một hệ thống ống dẫn đặc biệt gọi là mạch bạch huyết. Tuy nhiên, dịch cũng sẽ được hệ bạch huyết đưa trở lại hệ tuần hoàn lớn.

Chân bị phù do tắc nghẽn hệ bạch huyết thường do đường dẫn lưu dịch vào mạch bạch huyết bị tắc nghẽn, nguyên nhân chủ yếu của bệnh thường là nhiễm ký sinh trùng như giun chỉ bạch huyết, chúng chủ yếu gây tắc nghẽn mạch bạch huyết ở chi dưới, gây ra một căn bệnh giống với tên gọi của nó – phù chân voi.

Chân bị phù do giãn tĩnh mạch chi dưới

Chân bị phù do giãn tĩnh mạch chi dưới
Chân bị phù do giãn tĩnh mạch chi dưới

Tình trạng suy giảm chức năng hoạt động của tĩnh mạch hay còn gọi là giãn tĩnh mạch: khả năng lưu thông  máu trở về tim của hệ tĩnh mạch tứ chi không tốt, tất yếu gây hiện tượng ứ đọng máu lại ở các chi, đặc biệt gây giãn tĩnh mạch chi dưới

Triệu chứng phổ biến là mỏi, nhức, đau, nặng chân, chân bị phù, tê hoặc dị cảm, cảm giác kiến bò, dễ bị chuột rút khi ngủ ban đêm… Biến chứng của bệnh nếu không được điều trị kịp thời bao gồm: loét chân, mạch máu vỡ, viêm tĩnh mạch nông do huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, giãn tĩnh mạch nông…

Những nguyên nhân khác làm chân bị phù

Chân bị phù vì trời nóng

Thời tiết nóng cũng khiến các tĩnh mạch phải giãn ra để tự làm mát cơ thể bằng cách tăng thải nhiệt. Chất lỏng đi vào các mô gần đó như một phần của quá trình. Tuy nhiên, sự giãn nở tạm thời đó của tĩnh mạch có thể không đảm bảo mang đầy đủ máu về tim, dẫn đến việc tích tụ máu ở hệ tĩnh mạch chi dưới, thể hiện qua việc phù mu bàn chân, mắt cá chân. Đây cũng là tình trạng thường gặp ở người có vấn đề về tuần hoàn.

Chân bị phù do uống rượu

Khi bạn sử dụng rượu bia, đó là khi bạn vừa tiêu thụ nước và ethanol cùng những chất khác như đường và chất béo. Cơ thể chúng ta có khả năng tích trữ được đường và các chất béo. Nhưng giữa nước và ethanol thì cơ thể mình ưu tiên đào thải ethanol trước, từ đó chúng ta tích nước trong người. Và nhờ trọng lực, nên nước có thể tích tụ ở tay hoặc chân, dẫn đến sưng phù chân và tay, triệu chứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày

Chân bị phù do chấn thương

Chân bị phù
Đừng nhầm lẫn phù chân với bong gân

Những chấn thương tại chân như bong gân, gãy xương thì sẽ có tình trạng viêm (sưng, đau, đỏ) tại nơi tổn thương, tuy nhiên tình trạng này khác hoàn toàn so với phù qua biểu hiện đau. Phù thực sự không gây đau dù bạn có ấn vào đi chăng nữa.

Ung thư giai đoạn cuối bị phù chân

Các tình trạng ung thư khi đã vào giai đoạn cuối có thể cho di căn vào ổ bụng, và gia tăng kích thước khối u. Nếu xảy ra phù chân, khả năng cao là tĩnh mạch chủ dưới hoặc tĩnh mạch chậu bị các khối u đó chèn ép, làm gia tăng áp lực thủy tĩnh gây phù.

Cách chữa chân bị sưng phù

Việc điều trị tình trạng chân bị phù còn tùy thuộc nhiều vào căn nguyên gây ra nó. Nếu thực sự tình trạng phù chân chỉ là tạm thời, chúng tôi đề xuất một số cách chữa chân bị sưng phù có thể giúp giảm phù chân như sau:

  • Cắt giảm bớt lượng muối trong bữa ăn hàng ngày, hạn chế dùng nước chấm;
  • Uống đủ nước;
  • Nằm kê cao chân;
  • Tập thể dục chân thường xuyên từ 10 đến 15 phút, khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày để hỗ trợ lưu thông máu ở chân. Cứ mỗi 1 đến 2 giờ ngồi, hãy đứng dậy để đi bộ xung quanh chứ không nên ngồi 1 chỗ quá lâu;
  • Tránh lạm dụng thuốc nhuận trường;
  • Chú ý tác dụng gây phù của một số loại thuốc như kháng viêm;
  • Ngâm chân trong nước mát nếu chân bị sưng phù do trời nóng;
  • Hạn chế uống rượu bia.

Nếu bị phù chân do chấn thương, tai nạn lao động dẫn đến bong gân hay rạn xương thì cơ thể sẽ ngay lập tức cho hiện tượng sưng nóng đỏ đau. Lúc này cần bình tĩnh, nghỉ ngơi, chườm mát, kê chân cao, băng ép hạn chế chảy máu cho người bệnh. Nên đưa bệnh nhân đến với cơ sở y tế để được sơ cứu là điều trị hiệu quả.

Đặc biệt đối với các mẹ bầu bị phù chân cần kết hợp với massage chân nhẹ nhàng, mang vớ nén hay có thể chườm lạnh nếu cảm thấy khó chịu.

Câu hỏi thường gặp:

Chân bị sưng phù có nguy hiểm không?

Chân bị sưng phù không nguy hiểm, tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về tim hay gan hay thận.

Sốt xuất huyết có gây sưng phù chân không?

Phù chân không phải triệu chứng của sốt xuất huyết, nhưng trong nhiều trường hợp bị sốt xuất huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến phù cả tay và chân. Người bệnh cần chú ý và đến cơ sở y tế ngay khi thấy các triệu chứng liên quan.

Bắp chân bị phù do đâu?

Nguyên nhân dẫn đến bắp chân bị phù là do ăn quá nhiều muối, đứng hay ngồi quá lâu, có thể do bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu.

Cách chữa chân bị sưng phù do bệnh gan gây ra là gì?

Với bệnh nhân bị phù chân do mắc phải bệnh lý về gan như xơ gan, bệnh nhân cần phải kiêng đồ uống chứa cồn như rượu bia, cần giảm cân nếu bệnh nhân bị béo phì. Nhưng không thể chủ quan, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và cho uống thuốc theo toa, thậm chí nếu tình trạng nghiêm trọng hơn có thể phẫu thuật nếu cần thiết.

Chân bị phù kèm theo cảm giác đau thì cần làm gì?

Nếu chân bị phù kèm theo cảm giác đau thì đây không phải phù chân do tích nước mà có thể là bong gân, bị phù do chấn thương. Lúc này bệnh nhân cần nghỉ ngơi, chườm lạnh và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời.

Chân bị phù nên ăn gì?

Người bệnh cần bổ sung thêm nhiều rau xanh, trái cây, những vitamin cần thiết cho cơ thể. Đồng thời cần tập thể dục đều đặn, thường xuyên để có một cơ thể khỏe mạnh, tránh được nhiều bệnh.

Mẹ bầu bị phù chân vào những tháng tháng cuối thai kỳ có nguy hiểm không?

Phụ nữ mang thai bị phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên có một số nguyên nhân bệnh lý ít gặp cũng gây phù chân vào cuối thai kỳ nhưng khá nghiêm trọng ví dụ như tiền sản giật, huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh lý cơ tim hay viêm mô tế bào. Các mẹ cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và hỗ trợ điều trị phù hợp.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Chân bị phù: 8 nguyên phổ biến bạn có thể chưa biết tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

    Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

    Nguồn tham khảo: healthline.comwebmd.com

    Contact Me on Zalo
    Call Now Button