Mách bạn những cách hạ sốt tại nhà đơn giản và hiệu quả

Sốt không phải là một thứ xa lạ với bất cứ ai trong chúng ta vì trong cuộc đời hẳn ai cũng từng trải qua triệu chứng này. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về sốt và biết hạ sốt đúng cách, nhất là khi hạ sốt cho trẻ nhỏ. Bài viết này của Doctor có sẵn sẽ giúp cho mọi người đặc biệt là quý vị phụ huynh có con em nhỏ biết được cách hạ sốt đơn giản và hiệu quả, cũng như tránh những sai lầm khi hạ sốt.

Hiểu đúng về sốt

Sốt là một tình trạng tăng thân nhiệt bệnh lý do tác dụng của các tác nhân gây sốt làm rối loạn của trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi khiến thân nhiệt phải tăng đến một điểm định nhiệt mới. Tăng thân nhiệt trong sốt là do cả tăng sinh nhiệt (ớn lạnh hoặc lạnh run) và giảm thải nhiệt (nổi da gà).

Phản ứng sốt là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang chống lại tác nhân gây bệnh nên thường không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng sốt cao có thể khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và cần được hạ sốt.

Vị trí đo thân nhiệt thường dùng là ở miệng và trực tràng. Đo thân nhiệt ở tai là phương pháp dùng tia hồng ngoại đo nhiệt lan tỏa từ bề mặt của màng nhĩ và ống tai. Nhiệt độ đo ở tai thường dao động nhiều hơn đo trực tiếp ở miệng và trực tràng. Đo thân nhiệt ở nách là một trong những vị trí được sử dụng đầu tiên và hiện nay vẫn còn sử dụng rộng rãi tại Việt nam. Nhiệt độ đo ở nách thường dao động thấp hơn thân nhiệt 0,5oC. 

Nhiệt độ cơ thể bình thường dao động trong khoảng từ 36,1 độ C đến 37,2 độ C, tuỳ thuộc vào thời điểm trong ngày, hoạt động của cơ thể, người già thân nhiệt thấp hơn người trẻ. Nên hạ sốt khi:

  • Nhiệt độ tại trực tràng, tai hoặc thái dương từ 38 độ C trở lên;
  • Nhiệt độ ở miệng từ 37,8 độ C trở lên;
  • Nhiệt độ tại nách từ 37,2 độ C trở lên.

Sốt là triệu chứng thường gặp của bệnh nhiễm trùng, nhưng sốt không đồng nghĩa với nhiễm trùng (vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng, nấm). Một số bệnh lý không phải nhiễm trùng như bệnh lý ác tính, bệnh lý tự miễn cũng có biểu hiện sốt. Ngược lại, một số trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc có thể không gây sốt như: bệnh tả, uốn ván.

Nguyên nhân của sốt

CNguyên nhân gây sốt cấp tính rất nhiều có thể do nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng. Nguyên nhân sốt cấp tính thường được định hướng theo tình hình bệnh tại địa phương, theo mùa. Tại Việt Nam nguyên nhân sốt cấp tính hay gặp Chikungunya (59,4%), sốt xuất huyết (28,2%), thương hàn (37,5%), Influenza (18,8), còn lại không rõ nguyên nhân sốt cấp tính.

Nguyên nhân sốt thì rất nhiều do đó khi tiếp cận nguyên nhân gây sốt nên kết hợp với các dấu hiệu hoặc triệu chứng lâm sàng khác theo phân loại như sau nhằm giúp định hướng chẩn đoán tốt hơn, ví dụ như:

  • Sốt kèm với xuất huyết: sốt xuất huyết Dengue, nhiễm Leptospira, nhiễm não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm Hantavirus,…
  • Sốt kèm với triệu chứng thần kinh trung ương: Viêm màng não mủ, não mô cầu, sốt rét
  • Sốt kèm với đau khớp hoặc viêm khớp: Viêm khớp nhiễm khuẩn: có thể do vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm; viêm khớp siêu vi: Parvovirus B19, Rubella, Chikungunya, Zika, HIV, viêm gan siêu vi C,…
  • Sốt kèm tăng bạch cầu đơn nhân hoặc những bệnh giống với tăng bạch cầu đơn nhân: Siêu vi: nhiễm Epstein-Barr virus (EBV), nhiễm Cytomegalovirus (CMV), Human Herpes virus 6, Herpes Simplex virus, HIV, Adenovirus. Ký sinh trùng: nhiễm Toxoplasma gondii.
  • Sốt có thể do những ổ nhiễm trùng tại những cơ quan khác như: hệ niệu, tim mạch, ổ bụng, xương khớp, da,…
  • Ở trẻ em, sốt còn có thể do tiêm chủng, mọc răng,…

Cách hạ sốt tại nhà

Việc hạ sốt có thể được thực hiện tại nhà bằng cách:

  • Dùng paracetamol hoặc ibuprofen theo hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ hoặc tờ thông tin thuốc
  • Uống vitamin C
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí
  • Nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, giảm nhiệt độ phòng
  • Uống nhiều nước hơn để tránh mất nước
  • Ăn trái cây
  • Lau mát

Đối với trẻ em cần chú ý thêm:

  • 0-3 tháng tuổi: Đưa đi khám bác sĩ ngay khi có sốt vì sốt ở giai đoạn này rất nguy hiểm.
  • Đưa đi khám ngay nếu bé sốt cao liên tục, quấy khóc, bỏ bú, li bì, lơ mơ, uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ. Không được để trẻ sốt trên 39 độ C vì trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi rất dễ bị sốt cao co giật.
  • Lau mát hạ sốt cho trẻ khi: Trẻ sốt cao trên 39 độ C, sốt cao kèm co giật. Trước khi lau cần chuẩn bị 5 cái khăn có khả năng thấm nước tốt, thau nước ấm như nước tắm trẻ, nhiệt kế. Nhúng cả 5 cái khăn vào thau nước và vắt hơi ráo. Dùng 2 khăn lau ở hai hõm nách, hai khăn lau ở hai bẹn và một khăn lau khắp người. Không đắp khăn lên trán và lên ngực bé. Cứ cách 2-3 phút thay khăn một lần, cách 15 phút nên kiểm tra nhiệt độ của trẻ, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C.

Những lưu ý khi hạ sốt tại nhà

Sốt thực chất là một phản ứng có lợi nên việc hạ sốt chỉ nên áp dụng khi nhiệt độ cơ thể ở 38 độ C. Việc hạ sốt tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều người thường mắc sai lầm do quá lo lắng hoặc muốn hạ sốt nhanh, cần lưu ý những điều dưới đây.

  • Không được hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cùng lúc hay uống thuốc hạ sốt quá nhiều, liên tục làm bệnh nhân bị quá liều thuốc hạ sốt, loét dạ dày, xuất huyết tiêu hoá,… Đối với trẻ em, không nên dùng Ibuprofen cho trẻ nếu không có chỉ định của bác sĩ vì dùng Ibuprofen có tác dụng hạ sốt tốt nhưng không được ưu tiên dùng cho trẻ em.
  • Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi thực sự sốt và dừng uống ngay khi không còn triệu chứng sốt.
  • Không tắm nước lạnh, chườm lạnh, đắp khăn lạnh vì việc này sẽ làm co mạch, bít lỗ chân lông khiến cơ thể không thể thoát nhiệt ra ngoài.
  • Không nên ủ ấm trẻ, đắp chăn kín khi trẻ đang sốt.
  • Không được vắt chanh, đổ thuốc vào miệng trẻ khi đang co giật vì có thể gây ngạt thở.

Qua bài viết này mong rằng mọi người đã có được cái nhìn chính xác hơn về sốt, sốt không phải là bệnh mà là đáp ứng miễn dịch bình thường của cơ thể, việc hạ sốt là cần thiết nhưng không cần quá lo lắng dẫn đến hạ sốt sai cách và nặng thêm tình trạng bệnh. Nếu hạ sốt không thành công, hãy đến ngay cơ sở y tế để tìm nguyên nhân và được chữa đúng bệnh.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS