Loạn thị là gì? Top 5 triệu chứng không nên làm ngơ

Trong số các bệnh về mắt, loạn thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến. Theo thống kê, bệnh nhân loạn thị bị giảm chất lượng thị lực, tăng độ chói (53 đến 77%), tăng quầng sáng (28 đến 80%), khó khăn khi lái xe vào ban đêm (66%), té ngã và lệ thuộc vào kính (45 đến 85%). Do đó, nếu người bệnh không được xác định và điều trị loạn thị đúng cách thì sẽ làm giảm năng suất lao động và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Vậy nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị loạn thị là gì?. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Loạn thị là gì? Phân biệt loạn thị và cận thị

Mắt có hai cấu trúc với các bề mặt cong uốn cong (khúc xạ) ánh sáng lên võng mạc, tạo ra hình ảnh:

  • Giác mạc: bề mặt trong suốt cùng với màng nước mắt
  • Thủy tinh thể: cấu trúc trong suốt bên trong có thể thay đổi hình dạng để giúp mắt tập trung vào các vật ở gần

Thông thường, giác mạc và thủy tinh thể có hình tròn, đều nhau, các tia sáng sẽ được tập trung trên võng mạc giúp bạn có thể nhìn rõ. 

Tuy nhiên, đối với mắt bị loạn thị, giác mạc hoặc thủy tinh thể sẽ có các đường cong không khớp nhau. Nghĩa là thay vì một đường cong như quả bóng tròn, bề mặt lại có hình quả trứng. Điều này làm thay đổi cách tia sáng đi qua hoặc khúc xạ tới võng mạc làm cho các điểm ảnh không hội tụ tại một điểm trên võng mạc, mà chồng lấp lên nhau gây ra tầm nhìn mờ hoặc bị bóp méo. Như vậy mắt bị loạn thị, dù nhìn xa hay nhìn gần thì hình ảnh mà mắt thu được đều bị mờ, bóp méo hay biến dạng.

Mắt loạn thị có bề mặt giác mạc và thủy tinh thể cong không đều
Mắt loạn thị có bề mặt giác mạc và thủy tinh thể cong không đều

Vậy cận thị khác gì với loạn thị? Cận thị cũng là một tật khúc xạ của mắt, xảy ra khi giác mạc cong lên quá nhiều hoặc nhãn cầu dài hơn bình thường. Thay vì được hội tụ trên võng mạc các điểm ảnh lại hội tụ trước võng mạc, điều này làm cho các vật thể ở xa bị mờ. Như vậy, mắt bị loạn thị nhìn xa hay nhìn gần đều bị mờ hoặc biến dạng, còn mắt bị cận thị vẫn có thể nhìn rõ vật ở gần, vật càng xa thì càng mờ.  

Trong một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp gần đây, Hashemi và cộng sự đã xác định loạn thị là tật khúc xạ phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc ước tính là 40% ở người lớn, trong đó tỷ lệ loạn thị cao nhất ở Châu Mỹ (45,6%), tiếp theo là Đông Nam Á (44,8%) và thấp nhất ở Châu Phi (11,4%). 

Đối với trẻ em tỷ lệ loạn thị thấp nhất ở Đông Nam Á (9,8%) và cao nhất ở Châu Mỹ (27,2%). Loạn thị có thể xuất hiện từ khi mới sinh hoặc có thể phát triển sau chấn thương, bệnh tật hoặc phẫu thuật mắt.

Nguyên nhân loạn thị chưa được xác định rõ nên không thể phòng tránh. Vì vậy việc phát hiện và điều trị kịp thời rất quan trọng, góp phần cải thiện chất lượng nhìn của bệnh nhân.

Triệu chứng và dấu hiệu

Các triệu chứng và dấu hiệu loạn thị có thể bao gồm:

  • Tầm nhìn mờ hoặc biến dạng
  • Mỏi mắt hoặc khó chịu
  • Nhức đầu
  • Khó khăn khi nhìn ban đêm
  • Nheo mắt 

Tuy nhiên những triệu chứng này không phải lúc nào cũng có nghĩa là mắt bị loạn thị hoặc khi bạn bị loạn thị nhẹ, có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Đó là lý do tại sao việc khám mắt thường xuyên là rất quan trọng. Đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng thường không nhận ra mắt mình bị mờ.

Tình trạng mỏi mắt khi bị loạn thị
Tình trạng mỏi mắt khi bị loạn thị

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng, dấu hiệu loạn thị ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của bạn. Bác sĩ có thể xác định xem bạn có bị loạn thị hay không và nếu có thì ở mức độ nào. Sau đó có thể tư vấn cho bạn về các lựa chọn để điều chỉnh loạn thị.

Trẻ em và thanh thiếu niên

Trẻ em có thể không nhận thấy tầm nhìn của mình bị mờ. Do đó, phụ huynh cần cho trẻ đi khám sàng lọc bệnh về mắt và được bác sĩ kiểm tra thị lực ở các độ tuổi và khoảng thời gian sau đây:

  • Trong thời kỳ sơ sinh
  • Mỗi năm một lần theo lịch khám sức khỏe định kỳ.
Trẻ em nên được khám mắt định kỳ 
Trẻ em nên được khám mắt định kỳ 

Bác sĩ và phòng khám mắt uy tín

Phòng Khám Chuyên Khoa Mắt – BSCKII. Lê Hồng Hà

BS.CK2 Lê Hồng Hà, bác sĩ mắt tài năng ở TP.HCM, đã tích luỹ 15 năm kinh nghiệm điều trị và phẫu thuật mắt trong nhiều tình huống ngặt nghèo. Anh còn nổi tiếng trong giới y học Việt Nam với nhiều bài báo và xuất hiện trên các tạp chí uy tín. Bác sĩ Hà cũng đã nhận được nhiều giải thưởng và thành tích xuất sắc trong công tác khám, chữa bệnh và nghiên cứu y học. Hiện tại, anh đảm nhận vai trò Bác sĩ nhãn khoa tại Phòng khám chuyên khoa mắt Lê Hồng Hà và là giảng viên tại các trường đại học y khoa.

Phòng Khám Chuyên Khoa Mắt Thu Ba

Phòng khám mắt Bác Sĩ Thu Ba do Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Ba (đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc chữa và khám mắt cho bệnh nhân, nguyên Trưởng Khoa Mắt bệnh viện An Sinh từ năm 2006 đến năm 2019) trực tiếp thăm khám.

  • Phòng khám đặc biệt chuyên điều trị về:
  • Mổ mắt, cận thị, viễn thị, loạn thị
  • Bệnh glôcôm (cườm mắt)
  • Đục thủy tinh thể
  • Mổ mắt Lasik

Phòng khám Đa khoa Vigor Health

Phòng khám Vigor Health có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thăm khám sức khỏe và chữa bệnh ở nhiều chuyên khoa, trong đó có chuyên khoa mắt. Cơ sở vật chất hoàn toàn tự động dựa trên hệ thống Hitachi và nằm trong TOP 6 phòng khám đạt chuẩn chất lượng trong đợt kiểm tra năm 2019 của Sở Y Tế TP.HCM. Đội ngũ bác sĩ, y tá chuyên nghiệp, có nhiều năm kinh nghiệm (lên đến 30 năm) và được tu nghiệp và đào tạo ở các trường đại học lớn trong và người nước. 

Phân loại loạn thị

Loạn thị xảy ra khi giác mạc hoặc thủy tinh thể có hình dạng khác bình thường, loạn thị có thể phân dựa trên căn nguyên như sau:

  • Loạn thị giác mạc: phổ biến nhất, do độ cong bất thường của giác mạc
  • Loạn thị dạng thấu kính: loạn thị thấu kính cong (do độ cong bất thường của thấu kính), loạn thị vị trí (do độ nghiêng hoặc dịch chuyển của thấu kính), loạn thị chỉ số (do chỉ số khúc xạ thay đổi của các kinh tuyến khác nhau)
  • Loạn thị võng mạc: do vị trí xiên của võng mạc
  • Loạn thị đều: hai kinh tuyến vuông góc với nhau, kinh tuyến dọc dốc hơn kinh tuyến ngang 
  • Loạn thị không đều: kinh tuyến ngang cong hơn kinh tuyến dọc 
  • Loạn thị xiên: hai kinh tuyến vuông góc với nhau nhưng không nằm ngang hoặc dọc (ví dụ 45o và 135o)
  • Loạn thị đơn giản: khi các tia sáng hội tụ phía trước võng mạc theo một kinh tuyến gọi là loạn thị cận thị đơn giản và khi chúng hội tụ phía sau võng mạc gọi là loạn thị viễn thị đơn giản
  • Loạn thị phức hợp: khi các tia sáng ở cả hai kinh tuyến hội tụ phía trước võng mạc, gọi là loạn thị cận thị phức hợp và khi chúng hội tụ phía sau võng mạc, gọi là loạn thị viễn thị phức hợp
  • Loạn thị hỗn hợp: một kinh tuyến là cận thị và một kinh tuyến khác là viễn thị

Mức độ loạn thị được biểu thị bằng diopters (D), loạn thị cũng có thể được phân loại theo mức độ như sau:

  • Loạn thị nhẹ: dưới 1D
  • Loạn thị vừa: 1 đến 2D
  • Loạn thị nặng: 2 đến 3D
  • Loạn thị rất nặng: trên 3D

Nguyên nhân loạn thị

Nguyên nhân loạn thị là do giác mạc hoặc thủy tinh thể có hình dạng khác với bình thường. Hình dạng của giác mạc hoặc thủy tinh thể của mỗi người khác nhau nên việc xác định loạn thị cần phải thực hiện khám chuyên sâu. Tuy nhiên, nguy cơ bị loạn thị có thể là do di truyền từ bố mẹ.

Khoảng 40% trẻ sơ sinh bị loạn thị khoảng 1D kể từ khi sinh ra. Số này giảm xuống mức độ bình thường khi trẻ một tuổi do sự phát triển bình thường của mắt và nhãn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng chứng loạn thị cao trong giai đoạn đầu đời sẽ kích thích khả năng điều tiết của mắt.

Loạn thị có thể đến từ các nguyên nhân các bệnh về mắt, sau chấn thương mắt hoặc sau phẫu thuật. 

Có thể bạn chưa biết, đọc sách trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc ngồi rất gần tivi sẽ không gây ra loạn thị hoặc làm loạn thị trở nên tồi tệ hơn.

Biến chứng của loạn thị 

Loạn thị không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Tầm nhìn khiếm khuyết
  • Tầm nhìn bị biến dạng
  • Nhược thị
  • Cận thị
  • Lác
  • Viêm/ nhiễm trùng giác mạc do đeo kính áp tròng

Chẩn đoán loạn thị

Loạn thị được chẩn đoán bằng khám mắt. Khám mắt toàn diện bao gồm cả một loạt các xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe của mắt và khúc xạ, xác định cách mắt bẻ cong ánh sáng. Bác sĩ có thể sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau, chiếu đèn sáng thẳng vào mắt và yêu cầu nhìn qua một số thấu kính.

Đa số trường hợp loạn thị nếu được điều trị kịp thời đều mang lại kết quả tốt. Những bệnh nhân không được điều trị, đặc biệt là trẻ em, có thể dẫn đến giảm thị lực và nhược thị vĩnh viễn.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe mắt, chẩn đoán loạn thị
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe mắt, chẩn đoán loạn thị

Loạn thị được điều trị như thế nào?

Mục tiêu của điều trị loạn thị là cải thiện thị lực rõ ràng và mang lại sự thoải mái cho mắt. Phương pháp điều trị là đeo kính hoặc phẫu thuật khúc xạ.

Đeo kính

Đeo kính điều chỉnh điều trị chứng loạn thị bằng cách chống lại độ cong không đồng đều của giác mạc hoặc thủy tinh thể. Các loại kính điều chỉnh bao gồm:

  • Kính mắt: giúp bù đắp cho hình dạng không đồng đều của mắt, kính mắt cũng có thể điều chỉnh các tật khúc xạ khác như cận thị hoặc viễn thị.
  • Kính áp tròng: giống như kính đeo mắt, kính áp tròng có thể điều chỉnh hầu hết các chứng loạn thị. Kính áp tròng cũng được sử dụng trong một quy trình gọi là orthokeratology. Trong orthokeratology, kính áp tròng cứng được đeo vào ban đêm khi ngủ cho đến khi độ cong của mắt cân bằng. Sau đó, ít đeo hơn để duy trì hình dạng mới. Nếu ngưng điều trị, mắt trở lại hình dạng cũ. Đeo kính áp tròng trong thời gian dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở mắt.
Kính mắt và kính áp tròng điều trị loạn thị
Kính mắt và kính áp tròng điều trị loạn thị

Phẫu thuật khúc xạ

Phẫu thuật khúc xạ giúp cải thiện thị lực và giảm nhu cầu đeo kính mắt hoặc kính áp tròng. Chùm tia laser được sử dụng để định hình lại các đường cong của giác mạc, giúp điều chỉnh mắt bị loạn thị. 

Các loại phẫu thuật khúc xạ cho loạn thị bao gồm:

  • Thay đổi khúc xạ định hình nhu mô giác mạc – LASIK 
  • Thay đổi khúc xạ cắt bỏ biểu mô giác mạc – PRK 
  • Thay đổi khúc xạ định hình giác mạc vạt dưới biểu mô – LASEK
  • Mổ thấu kính bằng vết rạch nhỏ – SMILE 
  • Các loại phẫu thuật khúc xạ khác bao gồm thủy tinh thể trong suốt và kính áp tròng cấy ghép
Một số phương pháp phẫu thuật loạn thị
Một số phương pháp phẫu thuật loạn thị

Tuy nhiên một số biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật khúc xạ như:

  • Sửa sai hoặc sửa quá mức 
  • Các hiệu ứng phụ về hình ảnh, chẳng hạn như quầng sáng hoặc hiệu ứng tỏa sáng dạng sao xuất hiện xung quanh đèn
  • Khô mắt
  • Nhiễm trùng
  • Sẹo giác mạc
  • Mất thị lực (rất hiếm)

Như vậy tùy theo tình trạng loạn thị sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bạn.

Câu hỏi thường gặp

Loạn thị có phải đi nghĩa vụ không?

Theo Phụ lục 1 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định về tiêu chuẩn phân loại bệnh loạn thị thì các loại loạn thị đều có điểm là 6. Từ quy định trên thì bệnh loạn thị sẽ có sức khỏe loại 6 mà theo tiêu chuẩn sức khỏe tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP thì chỉ tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3. Như vậy, bị loạn thị sẽ được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự vì không đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe để tham gia nghĩa vụ quân sự theo quy định.

Loạn thị không đeo kính có sao không?

Loạn thị có thể được điều trị bằng phương pháp đeo kính hoặc phương pháp phẫu thuật. Nếu bạn không tiện hoặc không thích đeo kính, bạn có thể cân nhắc về các phương pháp phẫu thuật tùy theo tình trạng cụ thể của mắt bạn. Hãy khám bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.

Loạn thị có hết được không?

Nếu bạn phát hiện sớm và được điều trị đúng cách, tình trạng loạn thị có thể được cải thiện. Kết quả của việc điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm các bệnh về mắt kèm theo, độ tuổi, thói quen sinh hoạt,…

Loạn thị mấy độ là nặng?

Loạn thị nặng được xác định khi mắt có độ loạn trên 2D.

Loạn thị có phải cận thị không?

Loạn thị không phải là cận thị. Loạn thị và cận thị là hai tật khúc xạ khác nhau. 
Loạn thị là tình trạng giác mạc và thủy tinh thể có các đường cong không khớp nhau, điều này làm cho các điểm ảnh không hội tụ tại một điểm trên võng mạc, mà chồng lấp lên nhau gây ra tầm nhìn mờ hoặc bị bóp méo dù nhìn xa hay nhìn gần.
Cận thị là tình trạng giác mạc cong lên quá nhiều hoặc nhãn cầu dài hơn bình thường, vậy nên thay vì được hội tụ trên võng mạc các điểm ảnh lại hội tụ trước võng mạc, điều này làm cho các vật thể ở xa bị mờ.

Cận thị với loạn thị cái nào nặng hơn?

Cận thị và loạn thị đều là các tật khúc xạ của mắt, đều có thể được điều trị bằng phương pháp đeo kính hoặc phẫu thuật. Cận thị có thể xuất hiện cùng loạn thị và ngược lại. 
Vậy nên không thể đưa ra đánh giá cái nào nặng hơn, mà còn tùy thuộc vào tình trạng mà bạn mắc phải. Tuy nhiên, loạn thị không thể phòng tránh vậy nên hãy thường xuyên đi khám mắt định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị.

Loạn thị có bao nhiêu độ?

Mức độ loạn thị có thể được phân loại như sau:
Loạn thị nhẹ: dưới 1D
Loạn thị vừa: 1 đến 2D
Loạn thị nặng: 2 đến 3D
Loạn thị rất nặng: trên 3D
Hãy đến bác sĩ khám mắt toàn diện để xác định chính xác tình trạng loạn thị của mắt bạn.

Loạn thị có bị lé không?

Ở trẻ em, loạn thị có thể dẫn đến mắt lác (lé), do sự khác biệt về thị lực giữa hai mắt.

Khi nào nên mổ loạn thị?

Việc quyết định mổ loạn thị phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Các bác sĩ sẽ dựa vào đánh giá lâm sàng, tiên lượng, biến chứng và khả năng phục hồi sau mổ để đề xuất phương pháp tối ưu cho bạn.

Vì sao bị loạn thị bẩm sinh?

Các chuyên gia cho rằng chứng loạn thị cao trong giai đoạn đầu đời sẽ kích thích khả năng điều tiết của mắt. Thêm vào đó nguyên nhân loạn thị chưa được xác định rõ ràng tuy nhiên nguy cơ bị loạn thị bẩm sinh có thể là do di truyền từ bố mẹ.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn có thể phần nào hiểu rõ và nhận biết về dấu hiệu, nguyên nhân loạn thị cùng các phương pháp chẩn đoán và điều trị loạn thị. Cần phân biệt loạn thị với các tật khúc xạ khác của mắt, tốt nhất là nên đi khám mắt định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK582142/#article-145062.s3 
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/astigmatism/symptoms-causes/syc-20353835
  3. Hashemi, H., Fotouhi, A., Yekta, A., Pakzad, R., Ostadimoghaddam, H., & Khabazkhoob, M. Global and regional estimates of prevalence of refractive errors: Systematic review and meta-analysis. Journal of current ophthalmology. 2019; 30(1), 3-22.
  4. https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/astigmatism 
  5. Zhang J, Wu Y, Sharma B, Gupta R, Jawla S, Bullimore MA. Epidemiology and Burden of Astigmatism: A Systematic Literature Review. Optom Vis Sci. 2023;100(3):218-231.