Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái: Chẩn đoán và cách điều trị 

Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái là bệnh thường xảy ra ở nam giới hiện này và hậu quả không quá nguy hiểm. Thực tế, có nhiều người đàn ông sống cả đời mà không ra rằng mình bị giãn tĩnh mạch thừng tinh trái vì họ không gặp bất cứ vấn đề nào. Vậy hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về căn bệnh này nhé!

Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái là gì?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái hay còn gọi là giãn tĩnh mạch tinh hoàn trái, là tình trạng đám rối tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh trong tinh hoàn bị giãn rộng bất thường. Tình trạng này gây ứ đọng máu tĩnh mạch tại tinh hoàn và có thể làm suy giảm chức năng sản xuất và chất lượng tinh trùng, thậm chí dẫn đến vô sinh.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái

Giãn tĩnh mạch thừng tinh bên trái đôi khi khiến tinh hoàn không phát triển bình thường hoặc teo lại. Tuy nhiên, căn bệnh này rất dễ chẩn đoán và nhiều người đàn ông không cần phải điều trị y khoa nếu không ảnh hưởng chức năng sinh sản. Còn nếu bệnh gây ra các biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật để điều trị.

Triệu chứng bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh trái

Nhiều người nam có tình trạng bệnh nhưng không thấy triệu chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh trái xảy ra nổi bật. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp xuất hiện vài biểu hiện giãn tĩnh mạch tinh hoàn bên trái như sau:

  • Đau âm ỉ: xảy ra ở bìu trái, thường cảm thấy đau rõ ràng hơn khi vận động hay đứng lâu và giảm bớt khi nằm. Đây cũng là triệu chứng giãn tĩnh mạch tinh hoàn dễ nhận biết nhất ở nam giới.
  • Teo hoặc co rút tinh hoàn: máu tĩnh mạch bị tụ lại ở bìu nên khiến nhiệt độ ở tinh hoàn sẽ tăng lên, làm chết tế bào ở tinh hoàn và khiến chúng bị teo hay co.
  • Giảm khả năng sinh sản: thực tế thì nhiều trường hợp nam giới vô sinh được phát hiện tình cờ có tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh trái.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái
Triệu chứng bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh trái gây giảm khả năng sinh sản

Ngoài ra đáng chú ý hơn là người bệnh cần gặp bác sĩ sớm nếu thấy các dấu hiệu giãn tĩnh mạch tinh trái sau:

  • Tinh hoàn và bìu có những thay đổi bất thường, chẳng hạn như thay đổi về kích thước, hình dạng…
  • Gặp vấn đề về sinh sản như hiếm muộn
  • Sưng to và đau ở bìu
  • Nhìn thấy tĩnh mạch ngoằn ngoèo lớn hoặc bị xoắn bất thường.

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh trái

Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh trái. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh bao gồm:

  • Béo phì
  • Thói quen ít vận động
  • Tiền sử gia đình có suy giảm chức năng tĩnh mạch
  • Suy tĩnh mạch mạn tính toàn cơ thể.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái

Bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh trái thường xuất hiện ở tuổi dậy thì. Ở nam giới, cấu trúc giải phẫu của bìu và tinh hoàn ở bên trái và bên phải không hoàn toàn giống nhau, nên giãn tĩnh mạch xuất hiện cùng lúc ở cả hai bên là cực kỳ hiếm mà đa phần sẽ chỉ bị giãn tĩnh mạch thừng tinh trái.

Chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh trái

Thi thoảng, một số người nam có cảm giác nặng nề hoặc đau nhói ở bìu và hầu hết người bị bệnh không nhận thấy điều gì bất thường. Cũng có nhiều người chỉ phát hiện ra bị giãn tĩnh mạch thừng tinh trái khi gặp vấn đề về sinh sản và tầm soát bệnh.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái
Siêu âm chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh trái

Các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh này bao gồm:

  • Bác sĩ thăm khám: Khi kiểm tra cơ thể của người bệnh, thì có thể chẩn đoán nhờ vào quan sát và nhận diện được các tĩnh mạch giãn bất thường ở vùng bìu.
  • Siêu âm: đây là kỹ thuật cho phép bác sĩ thấy được các tĩnh mạch thừng tinh bên trong bìu, ngoài ra còn được xem như chẩn đoán hình ảnh khá phổ biến và không gây đau đớn.
  • Xét nghiệm tinh dịch đồ: Nếu người bệnh gặp vấn đề về khả năng sinh sản, hiếm muộn thì chỉ định xét nghiệm tinh dịch sẽ giúp kiểm tra số lượng và chất lượng tinh trùng.

Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh trái

Các chỉ định điều trị

  • Người bệnh bị giãn tĩnh mạch thừng tinh trái nghiêm trọng và có số lượng tinh trùng thấp hoặc chất lượng tinh trùng kém.
  • Có những triệu chứng gây khó chịu trong cuộc sống như đau hoặc sưng, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
  • Cặp vợ chồng bị vô sinh mà không tìm được lý do và người chồng được chẩn đoán mắc bệnh này.
  • Bạn sẽ được bác sĩ tư vấn và có thể lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp cho từng người bệnh.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ

Không phải người bệnh bị giãn tĩnh mạch thừng tinh trái là cần phải phẫu thuật ngay lúc đó. Nếu bạn không xuất hiện triệu chứng đau hoặc không có vấn đề trở ngại nào trong vấn đề sinh sản, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên theo dõi tiếp trong một thời gian và tìm ra các yếu tố nguy cơ để kiểm soát tốt, từ đó làm giảm tình trạng giãn tĩnh mạch. 

Phẫu thuật thắt giãn tĩnh mạch thừng tinh trái

Nếu bệnh nhân bị đau nhiều vùng bìu, hoặc tĩnh mạch đã bị giãn ngoằn ngoèo gây mất thẩm mỹ; hoặc đang gặp trở ngại trong vấn đề sinh sản, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hoặc làm những thủ thuật chuyên sâu khác để điều trị.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái
Phẫu thuật thắt giãn tĩnh mạch thừng tinh trái

Phẫu thuật thắt giãn tĩnh mạch thừng tinh trái là các bác sĩ sẽ thắt tĩnh mạch thừng tinh giãn ở phía trên hoặc xung quanh tinh hoàn để chúng trở lại bình thường. Đây là phẫu thuật đơn giản, tiến hành phẫu thuật trong vài giờ và có thể về ngay trong ngày. 

Trong cuộc mổ, bác sĩ có thể gây mê hoặc chỉ cần gây tê, miễn sao tạo mọi điều kiện để bạn cảm thấy thoải mái và không đau. Để tiến hành phẫu thuật cần một vết rạch da nhỏ ở vùng bụng dưới hoặc trên nếp bẹn dài 2 đến 3 cm, nếu vết mổ lành tốt thì sẽ không để lại sẹo.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh trái là bệnh lý nam khoa thường gặp và có thể điều trị hoàn toàn giúp phục hồi khả năng sinh sản. Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu gợi ý bệnh thì nên đến gặp bác sĩ nam khoa càng sớm để được tư vấn các biện pháp kiểm soát bệnh và đánh giá điều trị kịp thời. 


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.