Viêm chân răng hàm là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm chân răng hàm là một bệnh lý nha khoa thường gặp. Bệnh diễn tiến âm thầm, nếu không kịp điều trị có thể tổn thương đến tủy răng. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về bệnh lý này trong bài viết dưới đây nhé.

Viêm chân răng hàm là gì?

Viêm chân răng hàm là một bệnh lý tại các tổ chức xung quanh răng, chân răng. Bệnh là biến chứng của tình trạng nhiễm trùng răng miệng trước đó do không giữ gìn sức khỏe răng miệng tốt, khi bị nhiễm trùng không điều trị kịp thời, gây ảnh hưởng tới nướu răng. Viêm chân răng hàm có thể lan xuống chân răng, đây là biến chứng viêm tủy răng.

Biểu hiện ban đầu của viêm chân răng hàm trên và cả viêm chân răng hàm dưới là hiện tượng chảy máu chân răng, nướu sưng đỏ, đau nhức răng nhiều mức độ. Bệnh lý này không chỉ gây nguy hiểm cho răng mà còn có thể tấn công các cấu trúc khác xung quanh răng.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến người bệnh mắc phải viêm chân răng hàm trong đó có thể kể do thói quen sinh hoạt hoặc một bệnh lý gây biến chứng như viêm nướu răng, sâu răng, viêm tủy răng… Bệnh lý viêm chân răng có thể gặp ở mọi lứa tuổi với những nguyên nhân sau:

  • Vi khuẩn từ mảng bám răng không được vệ sinh sạch sẽ: nhiễm trùng chính là thủ phạm chính dẫn tới bệnh lý viêm răng hàm. Yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng răng miệng đó là hiệu quả vệ sinh răng miệng kém, không lấy cao răng định kì, chính những điều này khiến cặn thức ăn đóng thành mảng bám, là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
  • Bất thường cấu trúc hàm răng: răng mọc ngược hoặc mọc lệch vị trí làm tăng khả năng hình thành của mảng bám và vôi răng. Hình thành vôi răng là yếu tố nguy cơ quan trọng khiến việc vệ sinh răng miệng không đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất.
  • Sâu răng: những phần mô răng bị tổn thương do sâu răng cần được điều trị, loại bỏ để hạn chế tổn thương, sau đó tiến hành trám bít lỗ sâu; trường hợp răng sâu mức độ nặng cần tiến hành nhổ răng để ngăn chặn các biến chứng.
  • Giảm tiết nước bọt: Một số loại thuốc có thể gây khô miệng, hoặc khi có tình trạng thiếu nước trong cơ thể sẽ tạo điều kiện cho các mảng bám được hình thành gây ra các bệnh lý răng miệng.
  • Ngoài ra, sự biến động của các hormone trong cơ thể trong giai đoạn dậy thì, mang thai hoặc tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin C cũng có thể gây viêm chân răng.

Xem thêm: 8 cách trị sưng chân răng tại nhà đơn giản và hiệu quả

Viêm chân răng hàm có nguy hiểm không?

Triệu chứng của bệnh trong giai đoạn nhẹ có thể làm người bệnh chủ quan, tuy nhiên nếu bắt gặp các triệu chứng này người bệnh cũng nên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì nếu tình trạng viêm nướu kéo dài sẽ khiến vi khuẩn lan rộng ra các cấu trúc xung quanh, phá hủy gây tụt nướu để lộ chân răng, răng tách rời khỏi nướu.

  • Người bệnh sẽ mắc phải tình trạng viêm nướu, sưng đỏ, không còn màu hồng hà như bình thường
  • Tình trạng sung huyết có thể làm chảy máu ở chân răng khi đánh răng, điều này có thể làm người bệnh gặp khó khăn trong vấn đề vệ sinh răng miệng, dẫn đến tình trạng hôi miệng.

Viêm chân răng nếu không được xử lý có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh như.

  • Giảm chức năng nhai: cảm giác đau răng khi ăn uống khiến người bệnh khó khăn trong việc nhai nuốt thức ăn nếu không được điều trị theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc răng cũng như khả năng nhai của bệnh nhân.
  • Xơ vữa động mạch và bệnh tim: đây là biến chứng xa ít gặp của bệnh lý viêm chân răng, một số ý kiến cho răng bệnh lý răng miệng là yếu tố nguy cơ gây tắc nghẽn mạch máu và một số bệnh lý tim mạch.
  • Sinh non: một số nghiên cứu cho thấy sản phụ mắc viêm chân răng có thể chuyển dạ trước ngày dự sanh, em bé chào đời có thể có cân nặng thấp hơn.
  • Bệnh đái tháo đường: bệnh lý viêm chân răng cũng là yếu tố nguy cơ khiến người bệnh gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát đường huyết của bản thân, ảnh hưởng đến việc điều trị.
  • Bệnh hô hấp: vi khuẩn gây viêm chân răng có thể gây nhiễm trùng ở những vị trí khác, trong đó có bệnh lý viêm phổi tuy nhiên xác suất không thường gặp do đường vào không thuận lợi.

Cách điều trị viêm chân răng hàm

Ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe răng miệng, người bệnh cần đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám một cách kĩ lưỡng. Phần lớn các trường hợp viêm trong giai đoạn sớm có thể được điều trị đơn giản như:

  • Cạo vôi răng: loại bỏ mảng bám tích tụ trên bề mặt răng cả 2 hàm và dưới nướu răng sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm chân răng hàm trên và hàm dưới.
  • Làm nhẵn bề mặt chân răng: giúp ngăn chặn sự bám dính của thức ăn thừa và vi khuẩn, giúp người bệnh giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt hơn.
  • Uống thuốc kháng sinh: kháng sinh điều trị cần phải được kê đơn bởi bác sĩ điều trị, tránh tự ý mua thuốc ở quầy thuốc hay các loại thuốc không rõ loại. Sau khi được kê đơn, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định về liều lượng và thời gian uống thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị.
  • Điều trị tại nhà: hạn chế các thức ăn cứng nhọn trong thời gian điều trị bệnh vì có thể gây xướng, đau răng. Thường xuyên vệ sinh răng miệng, có thể súc miệng với nước muối sinh lý bổ sung.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Viêm chân răng hàm là gì, nguyên nhân và cách điều trị”. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm những thông tin bổ ích về bệnh lý viêm chân răng, khi nghi ngờ mắc bệnh bạn cần đi khám nha sĩ ngay để kịp thời điều trị.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.

Nguồn tham khảo: NHS