Điều trị viêm nha chu hiệu quả với 3 phương pháp phổ biến

Viêm nha chu vốn dĩ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều đến sức khỏe, bệnh lý này hoàn toàn có thể được chữa khỏi và phòng ngừa với nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, viêm nha chu diễn tiến rất thầm lặng nên rất dễ bị bỏ qua, khi phát hiện trễ thì bệnh đã trở nặng. Vì vậy, hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu những liệu pháp điều trị bệnh viêm nha chu qua bài viết này.

viêm nha chu

Viêm nha chu là bệnh lý gì?

Viêm nha chu hay còn gọi là bệnh nha chu, thuật ngữ nha khoa còn gọi là bệnh Periodontitis, đây vốn dĩ là một trong những bệnh lý về răng miệng hay gặp ở mọi đối tượng, kể cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Viêm nha chu xuất hiện với tình trạng các tổ chức mô mềm xung quanh răng bị viêm, nhiễm trùng nghiêm trọng lâu dần có thể gây tổn thương mô mềm và phá hủy xương xung quanh răng. Dẫn đến chân răng bị lỏng và làm mất răng.

Theo dịch tễ học bệnh viêm nha chu của viện Răng Hàm Mặt Hà Nội, bệnh nha chu là một bệnh viêm nhiễm mạn tính hỗn tạp đa yếu tố ảnh hưởng đến 10 – 15% dân số trên thế giới, có tới 60% dân số ở độ tuổi trung niên từ 35 đến 45 tuổi mắc các vấn đề về răng miệng liên quan đến viêm nha chu. Mặc dù bệnh hay gặp đa số ở người trưởng thành nhưng đôi khi trẻ em cũng mắc phải với triệu chứng cao răng, viêm nướu, viêm lợi.

Tại sao lại dễ bị viêm nha chu?

Theo sinh bệnh học của viêm nha chu, bệnh bắt đầu bằng sự tích tụ vi khuẩn trong mảng bám răng, nhiều báo cáo khảo sát cho thấy có hơn 700 loại vi khuẩn bám trên bề mặt răng, kết tụ với nhau để tồn tại và lẩn tránh những cơ chế miễn dịch bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Những vi khuẩn này bình thường sẽ phát triển trong trạng thái cân bằng với hệ miễn dịch của cơ thể.

Tuy nhiên, khi có sự thay đổi môi trường trong khoang miệng như sụt giảm các vi khuẩn hoại sinh do tác dụng của thuốc kháng sinh, mảng bám dày trên răng, thay đổi dinh dưỡng, biến dưỡng hay sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể sẽ dẫn đến rối loạn hệ vi sinh khoang miệng, số vi khuẩn có hại gây bệnh tăng lên. Một số vi khuẩn gram (-) yếm khí gây bệnh viêm nha bao gồm:

  • Treponema denticola
  • Tannerella forsythia
  • Porphyromonas gingivalis
  • Prevotella intermedia
  • Campylobacter rectus
  • Aggregatibacter actinomycetemcomitans
  • Fusobacterium nucleatum
  • Eubacterium tinidum
  • Các chủng Bacteroides spp
  • Capnocytophaga spp
  • Peptostreptococcus spp
  • Eikenella spp

Với tình trạng vi khuẩn gây bệnh phát triển kéo dài trên các mảng bám răng, nếu không được vệ sinh sạch sẽ lâu dần mảng bám này trở nên dày và cứng dần thành vôi răng hay còn gọi là cao răng, phá hủy răng và mô nha chu, có thể gây viêm nha chu nặng. 

Mảng bám răng - nơi trú ẩn vi khuẩn có hại
Mảng bám răng – nơi trú ẩn vi khuẩn có hại

Tình trạng viêm nha chu nặng kéo dài có thể hình thành túi giữa nướu và răng. Vi khuẩn xâm nhập vào những túi này sẽ tạo gây ra phản ứng miễn dịch kéo theo phá hủy xương và mô liên kết, làm cho răng lung lay và dễ rơi ra ngoài. Ngoài nguyên nhân chính kể trên, một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc viêm nha chu như:

  • Người hút thuốc lá sẽ dễ bị bị viêm viêm nướu hơn, đồng thời còn làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.
  • Rối loạn nội tiết tố trong cơ thể thường xảy ra ở phụ nữ mang thai hay tuổi dậy thì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Người bị béo phì.
  • Người bị tiểu đường có tỉ lệ viêm nha chu cao hơn người cùng độ tuổi.
  • người bị AIDS, ung thư thường mắc viêm nha chu do liên quan đến sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể.
  • Một số người nhạy cảm với bệnh về nướu liên quan đến yếu tố di truyền.
  • Ngoài ra, một số loại thuốc gây tác dụng phụ giảm tiết nước bọt sẽ gây tăng nguy cơ viêm nha chu như phenothiazine, reserpine, atropine, scopolamine,…

Dấu hiệu viêm nha chu

Ở người bình thường, nướu răng khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt và chắc, nếu phần nướu này trở nên sưng đỏ tái phát nhiều lần, mềm và dễ chảy máu có nhiều khả năng đã mắc viêm nha chu nhẹ. Đáng chú ý hơn nếu quá trình viêm kéo dài sẽ dẫn đến viêm nha chu nặng làm phá hủy các mô nâng đỡ dưới lợi. Ngoài ra, có thể bắt gặp một số dấu hiệu viêm nha chu khác như:

  • Nướu đôi khi chuyển sang bầm tím, có cảm giác đau nhức khi dùng tay chạm vào.
  • Thân răng dài hơn bình thường do nướu răng bị tuột ra.
  • Hơi thở có mùi hôi khó chịu.
  • Giữa các răng có sự gia tăng khoảng cách, hình thành các ổ áp xe chứa mủ giữa nướu và răng.
  • Hay bị chảy máu khi đánh răng hoặc xỉa răng, dùng chỉ nha khoa.
Viêm nha chu dễ gây chảy máu răng
Viêm nha chu dễ gây chảy máu răng

Viêm nha chu có gây nguy hiểm không?

Dựa theo bệnh học viêm nha chu, biến chứng thường gặp nhất ở viêm nha chu là mất răng. Ngoài ra, viêm nha chu còn có thể liên quan đến những căn bệnh khác như bệnh hô hấp, biến chứng thai kỳ, bệnh tim mạch, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp và bệnh Alzheimer.

  • Biến chứng trên hô hấp: Bệnh nhân viêm nha chu có nguy cơ bị viêm phổi bệnh viện cao gấp ba lần so với người bình thường. Những vi khuẩn được cho là có liên quan biến chứng trên hô hấp như là Fusobacterium, C. peumoniae. 
  • Biến chứng thai kỳ: Năm 2006, một nghiên cứu trên 70 sản phụ ở bệnh viện đa khoa Cần Thơ kết luận sản phụ bị viêm nha chu có nguy cơ sinh non nhẹ cân gấp 2,86 lần so với sản phụ không bị bệnh và cân nặng trẻ sơ sinh thấp hơn.
  • Biến chứng trong đái tháo đường: Sự xâm nhiễm các vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu dẫn đến phóng thích và kích hoạt những yếu tố gây viêm như IL-1B, IL-6, TNF-α, PGE2, IL-8, IL-12, IL-18 làm tăng tính kháng insulin và ảnh hưởng trên biến dưỡng đường và lipid.
  • Biến chứng trên tim mạch: Các mảng xơ vữa cũng như loạn năng nội mô thành mạch đều là kết quả của tình trạng viêm toàn thân. Những yếu tố gây viêm được phóng thích khi có sự xâm nhập các vi khuẩn gây bệnh nha chu sẽ làm tăng đông máu do kết tụ tiểu cầu và các bệnh thành mạch.
  • Biến chứng trên xương khớp: Bệnh viêm nha chu và viêm khớp dạng thấp có điểm chung liên quan đến sự sản xuất các kháng thể tự thân protein citrulline hóa. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ viêm nha chu ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cao gấp 2,5 lần so với người bình thường.
  • Bệnh Alzheimer: Vi khuẩn P. gingivalis gây viêm nha chu liên quan đến quá trình phản ứng viêm làm thoái hóa thần kinh do tăng biểu hiện của protein citrulline hóa ở bệnh nhân bị Alzheimer.

Chẩn đoán bệnh viêm nha chu

Có thể dựa trên những cách chẩn đoán khác nhau trong y khoa theo Tây y hoặc Đông y để xác định bệnh viêm nha chu.

Chẩn đoán theo Tây y

  • Bác sĩ sẽ hỏi các tiền sử bệnh cũng như yếu tố gây viêm nha chu như hút thuốc lá, sử dụng các loại thuốc gây khô miệng. 
  • Bác sĩ sẽ kiểm tra răng miệng để tìm các mảng bám và cao răng, đánh giá xem có dễ chảy máu không.
  • Đo độ sâu túi nha chu giữa nướu và răng thông qua đặt một đầu do bên cạnh răng và bên dưới đường viền nướu. Bình thường túi có độ sâu từ 1 – 3mm, nếu > 4mm có thể chỉ ra viêm nha chu.
  • Chụp X – quang nha khoa để kiểm tra tình trạng mất xương ở những vị trí mà bác sĩ đã kiểm tra độ sâu túi nha chu.
Chụp X - quang để chẩn đoán viêm nha chu
Chụp X – quang để chẩn đoán viêm nha chu

Chẩn đoán theo Đông y

Theo chẩn đoán trong Y học cổ truyền, viêm nha chu sẽ chia thành hai dạng là viêm nha chu cấp và viêm nha chu mãn.

  • Thể viêm nha chu cấp: Bệnh viêm nha chu cấp xảy ra do tích nhiệt tại vị (dạ dày), kết hợp với phong nhiệt sẽ dẫn đến các biểu hiện trên lâm sàng:
    • Nướu sưng đỏ, phù nề mô mềm ở xung quanh răng, đau nhức thường xuyên, ấn vào chảy mủ hoặc dịch.
    • Hơi thở có mùi hôi.
    • Khô cổ họng.
    • Răng yếu, dễ lung lay.
    • Sốt.
    • Các biểu hiện khác: Táo bón, lưỡi sắc đỏ, bề mặt ít rêu, góc hàm nổi mạch, khó ăn uống,…
  • Thể viêm nha chu mãn: Các biểu hiện lâm sàng thường kéo dài, dễ tái diễn khi gặp điều kiện thuận lợi:
    • Chân răng đỏ, ít viêm.
    • Xuất hiện các cơn đau mức nhẹ, đôi khi nghiêm trọng.
    • Răng lung lay.
    • Hôi miệng nghiêm trọng.
    • Hình thành túi nha chu ở chân răng.
    • Miệng khô.
    • Lưỡi đỏ và ít đóng rêu.

Điều trị viêm nha chu

Hiện nay có nhiều cách để điều trị viêm nha chu hiệu quả, tùy thuộc vào mức độ viêm nha chu nhẹ hay nặng thì sẽ có cách điều trị sao cho phù hợp.

Phương pháp không dùng thuốc

Các bác sĩ Răng Hàm Mặt có thể chỉ định viêm nha chu bằng các thủ thuật nha khoa như:

  • Phẫu thuật giảm túi nha chu: Bác sĩ sẽ rạch các vết rạch nhỏ trong nướu, để lộ chân răng với mục đích tạo khoảng trống cạo vôi răng và mài gốc răng hiệu quả hơn.
  • Ghép mô liên kết: Bác sĩ sẽ lấy một lượng nhỏ mô từ vòm miệng hoặc chỗ khác và gắn vào bị mất nướu để cho răng vững chắc.
  • Ghép xương: Phương pháp này chỉ định khi viêm nha chu đã hủy xương quanh chân răng. Mảnh ghép xương lấy từ xương tổng hợp, mảnh xương nhỏ của bệnh nhân hoặc được hiến tặng. Điều này giúp giữ răng cố định và tạo điều kiện cho xương phát triển.
  • Protein kích thích mô: Phương pháp này dùng một loại gel đặc biệt bôi vào chân răng bị viêm nha chu. Gel chứa protein tương tự trong men răng giúp kích thích mô và xương phát triển khỏe mạnh.

Điều trị với thuốc Tây y

  • Nước súc miệng sát khuẩn chứa các chất như chlorhexidine gluconate 0,12% giúp kiểm soát vi khuẩn khi điều trị viêm nha chu cũng như trước khi phẫu thuật. Sử dụng như nước súc miệng 2 lần/ngày. Mỗi lần súc miệng với 15ml dung dịch, súc mạnh trong 30 giây để đảm bảo nước súc miệng tiếp xúc toàn bộ khoang miệng và các kẽ răng.
  • Chip sát khuẩn được tẩm đầy 2,5mg chlorhexidine gluconate được bơm vào túi nha chu sâu 5mm hoặc hơn để chống viêm, nhiễm trùng, giảm kích thước túi nha chu lại dưới tác động của chlorhexidine gluconate được giải phóng dần theo thời gian. Cách 3 tháng đặt 1 viên mới, có thể đặt 8 viên/lần khám.
  • Thuốc kháng sinh dạng uống:
    • Metronidazol: Uống 200mg x 3 lần/ngày. Uống liên tục trong 3 ngày sau khi ăn no. 
    • Doxycycline: Ngày đầu tiên dùng 100mg x 2 lần/ngày. Những ngày sau chỉ cần dùng 100mg x 1 lần/ngày.
    • Prednisolon: Uống 50 – 60mg x 2 – 4 lần/ngày.
    • Cefixim: Người lớn và trẻ em > 12 tuổi ngày dùng 200mg x 2 lần/ngày.
    • Ciprofoxacin: Uống 500mg x 2 lần/ngày
  • Một số thuốc dạng bôi, tra trực tiếp lên vị trí viêm nha chu như Metrogyl Denta, Emofluor Gel, Dentosmin P, Gentamycin 80mg, Periokin,…

Điều trị với thuốc y học cổ truyền

Căn cứ vào căn nguyên khởi phát và biểu hiện đi kèm, trong Đông y cũng có nhiều vị thuốc có tác dụng điều trị viêm nha chu với công năng dưỡng âm, thanh nhiệt, sơ phong, tiêu thũng. Mặc dù có thời gian tác dụng châm hơn nhưng phương pháp này được mọi người áp dụng vì độ an toàn cao, lành tính, hạn chế tác dụng phụ.

  • Bạch chỉ:

Theo YHCT, Bạch chỉ có vị cay, tính bình với tác dụng chỉ thống, hoạt huyết, sinh cơ nên dùng để giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm. Dược liệu được chỉ định đau răng phong thấp nhức xương,… Ngày dùng 4 – 12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Để chữa hôi miệng trong viêm nha chu dùng Bạch chỉ 30g, Xuyên khung 30g, tán thành bột mịn, vo viên bằng hạt ngô, ngậm 2 – 3 viên/ngày.

Bạch chỉ kháng khuẩn trong viêm nha chu
Bạch chỉ kháng khuẩn trong viêm nha chu
  • Huyền sâm:

Huyền sâm trong Đông y có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn nên có tác dụng tư âm, giáng hỏa, sinh tân dịch, chống khô khát, giải độc. Vị thuốc này được các lương y chỉ định chữa sốt nóng, khát nước, chống viêm miệng, viêm lợi. Ngày dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc hoặc cốm ngâm.

Điều trị triệu chứng viêm nha chu với Huyền sâm
Điều trị triệu chứng viêm nha chu với huyền sâm
  • Vỏ cây Sao đen:

Mặt trong của vỏ cây sao đen chứa nhiều tanin (14,57% trọng lượng khô) nên dược liệu có vị chát, tác dụng làm săn da, cầm máu, làm chắc chân răng. Do đó, người ta hay dùng vỏ sao đen để chữa viêm lợi, áp xe lợi và sâu răng.

Lấy 50g vỏ sao đen thêm 30ml nước vào nồi đun sôi, giữ 15 phút, dùng nước sắc xúc miệng, ngậm trong 10 – 15 phút. Ngày làm 2 – 3 lần, dùng 3 – 4 ngày liền.

  • Thảo quả:

Trong Thảo quả chứa 1 – 1,5% tinh dầu có vị cay, tính ấm dùng làm thuốc chữa hôi miệng, trị đau răng, viêm lợi. Liều dùng 3 -6g dạng thuốc bột, thuốc sắc hoặc thuốc viên.

Phòng khám nha khoa khám và điều trị viêm nha chu

  • Nha khoa Trồng Răng Sài Gòn – Quận 10, TPHCM vừa sở hữu đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm vừa có hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho việc điều trị viêm nha chu.
  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare – Tân Bình, TPHCM cung cấp đa dạng dịch vụ khám và điều trị sức khỏe răng miệng, thế mạnh của phòng khám là điều trị nha chu.
  • Nha Khoa Hoa Hồng Phương Đông – Quận 2, TPHCM quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, đã từng tu nghiệp và nghiên cứu ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Đức, Mỹ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc v.v.

Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm nha chu

Để nâng cao sức khỏe răng miệng cũng như phòng ngừa viêm nha chu phát sinh, các chuyên gia nha khoa khuyến khích mọi người nên duy trì các thói quen tốt như:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày bằng nước súc miệng chuyên dụng đồng thời không nên dùng tăm xỉa răng, thay vào đó dùng chỉ nha khoa, máy tăm nước để vệ sinh khoang miệng.
  • Cạo vôi răng và khám nha khoa định kỳ 4 – 6 tháng/lần để được tư vấn, vệ sinh răng miệng, phòng ngừa viêm nha chu.
  • Hạn chế các thói quen hút thuốc lá, chất kích thích như rượu, bia vì dễ gây các bệnh về răng miệng.
  • Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ khoáng chất, vitamin, đặc biệt là vitamin C để nâng cao sức đề kháng bảo vệ răng miệng khỏi các vi khuẩn có hại gây viêm nha chu, giúp răng chắc khỏe.
  • Hạn chế các thức ăn nhiều đường, tinh bột vì dễ tạo các mảng bám trên răng, tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm nướu, viêm nha chu.
Vệ sinh răng miệng phòng ngừa viêm nha chu
Vệ sinh răng miệng phòng ngừa viêm nha chu

Câu hỏi thường gặp

Viêm nha chu có chữa được không?

Viêm nha chu có thể chữa được nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Viêm nha chu bao lâu thì khỏi?

Thời gian để chữa khỏi viêm nha chu cần tầm từ 5 – 7 ngày.

Viêm nha chu có nguy hiểm không?

Trong giai đoạn viêm nha chu tiến triển sẽ gây tổn thương xương và răng. Nếu không được điều trị hoặc điều trị sai cách sẽ dẫn đến mất răng, tăng nguy cơ đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác.

Viêm nha chu kiêng ăn gì?

Hạn chế các loại thực phẩm nóng, lạnh để tránh làm tổn thương nướu răng như đá lạnh, kem, đá bào, các món lẩu, súp cay nóng,…

Bệnh viêm nha chu có lây không?

Vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu có thể truyền qua nước bọt, nghĩa là một người tiếp xúc với nước bọt của người bệnh viêm nha chu thì sẽ bị lây bệnh.

Điều trị viêm nha chu bao lâu?

Viêm nha chu thường được điều trị trong khoảng 5 – 7 ngày để hoàn toàn khỏi.


Như vậy, qua bài viết này mong rằng các bạn sẽ có thêm những kiến thức bổ ích xoay quanh bệnh viêm nha chu, cũng như các phương pháp điều trị và cách phòng tránh được bệnh lý này trong đời sống hàng ngày. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có các dấu hiệu của viêm nha chu, xin vui lòng đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt .