4 sai lầm phổ biến trong việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường

Với người bị bệnh tiểu đường, bí quyết sống vui, sống khỏe, sống hòa bình với căn bệnh là kiểm soát đường huyết ổn định và hiệu quả. Mặc dù biết tầm quan trọng của dinh dưỡng và kiểm soát hàm lượng đường trong máu nhưng nhiều bệnh nhân vẫn chủ quan và mắc những sai lầm trong chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Chính điều này đã khiến quá trình tầm soát và điều trị bệnh trở nên khó khăn, thậm chí còn làm tăng nguy cơ gây ra biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Kiểm soát đường huyết không đúng cách

Một trong những sai lầm phổ biến nhất trong việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường là thực hiện các thao tác đo đường huyết không đúng cách. Việc đo đường huyết không đúng cách rất dễ khiến kết quả thu được bị sai lệch, ảnh hưởng đến việc dùng thuốc và chế độ sinh hoạt và luyện tập.

 Đo đường huyết không đúng cách sẽ khiến kết quả bị sai lệch ảnh hưởng đến phác đồ điều trị

Đo đường huyết không đúng cách sẽ khiến kết quả bị sai lệch ảnh hưởng đến phác đồ điều trị

Khi tiến hành đo huyết áp, hãy đảm bảo rằng đã gắn que thử khớp với đầu máy đo, mã code trên hộp que thử trùng khớp với mã máy. Trước khi tiến hành lấy máu đo, bệnh nhân cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc cồn sát khuẩn để loại bỏ các vi khuẩn và các tác nhân khác ảnh hưởng đến kết quả.

Rất nhiều bệnh nhân còn mắc sai lầm khi nghĩ rằng chỉ cần theo dõi đường máu vào buổi sáng khi đói mà quên rằng việc theo dõi đường máu sau ăn vô cùng quan trọng, bởi đường máu sau khi ăn cao và tăng nhanh gây ra rất nhiều biến chứng cho người bệnh. 

Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân còn mắc sai lầm trong việc chỉ kiểm soát đường huyết mà bỏ qua yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Theo các chuyên gia, đây là 2 yếu tố nguy cơ tác động qua lại, ảnh hưởng đến các biến chứng của người bệnh tiểu đường. 

Xem thêm: Hướng dẫn cách sử dụng máy đo đường huyết tại nhà hiệu quả

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Vấn đề dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công hay thất bại của của quá trình điều trị và kiểm soát đường huyết ổn định. Tất cả các loại thực phẩm mà bệnh nhân tiêu thụ đều có thể làm thay đổi mức đường huyết sau khi ăn. 

Kiêng khem quá mức, cơ thể không được cung cấp đủ nhu cầu năng lượng

Rất nhiều người bệnh tiểu đường nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường, tinh bột sẽ mang lại hiệu quả tốt trong việc kiểm soát đường huyết. Bên cạnh đó là nỗi sợ bị tăng đường huyết sau khi ăn khiến bệnh nhân kiêng khem quá mức, kiêng hoàn toàn tinh bột và đường trong thực phẩm. 

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát đường huyết của người bệnh

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát đường huyết của người bệnh

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, điều này là sai lầm, việc kiêng khem quá mức sẽ khiến bệnh nhân bị thiếu hụt các dưỡng chất. Trong thực đơn dinh dưỡng của bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo cân đối và đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu (Chất bột đường, béo, protein, vitamin và khoáng chất), cung cấp đủ năng lượng để sống và làm việc, hoạt động bình thường sau đó mới từ từ điều chỉnh để phù hợp với bệnh tật.

Cách lựa chọn thực phẩm chưa hợp lý

Với quan niệm “đã có thuốc rồi cứ ăn đi”, nhiều bệnh nhân đã “vô tư” lựa chọn các loại thực phẩm được cho là không tốt cho người tiểu đường. Đây là quan điểm sai lầm, các chuyên gia dinh dưỡng đã khẳng định rằng, chỉ số đường huyết (GI) thực phẩm ảnh hưởng lớn đến đường huyết trong máu của bệnh nhân tiểu đường sau khi ăn. 

Vì thế, bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý trong việc chọn lựa thực phẩm trong thực đơn hằng ngày. Nên ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết GI < 55 và hạn chế hoặc không sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số GI cao sẽ làm thay đổi đường huyết trong máu và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân.

Bỏ bữa sáng, ăn tối muộn

Theo các chuyên gia sức khỏe, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, đặc biệt đúng với bệnh nhân tiểu đường. Việc ăn sáng quá muộn có thể gây hạ đường huyết và làm đường huyết của bệnh nhân ở mức quá thấp có thể gây các biến chứng nguy hiểm.

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày của người đái tháo đường

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày của người đái tháo đường

Theo một số nghiên cứu khoa học trước đây đã chứng minh người bệnh bỏ bữa sáng có nguy cơ béo phì, tăng mỡ máu, nguy cơ bệnh tim mạch và đặc biệt tăng đề kháng insulin. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tiến trình điều trị của người bệnh. Bữa sáng của bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng một số món ăn nhẹ mà không làm thay đổi lượng đường huyết trong máu như: Một cốc sữa chua, hoa quả hoặc một quả trứng luộc, một lát bánh mì cùng ngũ cốc nguyên hạt,… 

Cũng giống với bỏ bữa sáng, việc ăn tối muộn, nhất là gần với giờ đi ngủ cũng là sai lầm mà nhiều bệnh nhân tiểu đường đang mắc phải. Theo Hiệp hội tiểu đường Mỹ, việc ăn khuya có thể làm tăng nồng độ đường trong máu vào sáng hôm sau, điều này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và việc kiểm soát đường huyết kém hiệu quả, ngoài ra việc ăn tối quá muộn còn làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành. Vì thế,người bệnh tiểu đường cần ăn uống đúng giờ và tuyệt đối không được bỏ bữa.

Số lượng bữa ăn trong ngày không phù hợp

Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường nên chia ăn thành nhiều bữa để tránh tình trạng tăng đường huyết quá mức sau khi ăn và hạ đường huyết khi đói. Bệnh nhân tiểu đường nên ăn 5 – 6 bữa/ngày với 3 bữa chính và 2 – 3 bữa phụ. Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường cũng nên chú ý đến lượng thức ăn và tổng mức năng lượng cung cấp trong mỗi bữa ăn. 

Lượng ăn bữa phụ không được nhiều hơn bữa chính, bữa phụ giúp ích trong việc kiểm soát hạ đường huyết khi khoảng cách giữa 2 bữa chính cách xa nhau, tuy nhiên việc ăn thêm bữa phụ để kiểm soát sự tăng giảm đường huyết còn phụ thuộc vào thời điểm tiêm insulin, thời gian vận động thể lực. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa chính nên chiếm 20% – 25% và bữa phụ là 10% trên tổng năng lượng của 1 ngày.

Lười vận động

Các chuyên gia sức khỏe đã khẳng định, lười vận động và chế độ ăn quá nhiều năng lượng là 2 yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường và khiến bệnh tiến triển nặng thêm. Vì thế, bệnh nhân tiểu đường cần tăng cường vận động, có kế hoạch luyện tập phù hợp để duy trì cân nặng ổn định và cải thiện hiệu quả sử dụng insulin của cơ thể. Bên cạnh đó, việc tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể trở nên dẻo dai, mang lại tinh thần sáng khoải. Điều này sẽ rất có ích trong việc ổn định, kiểm soát đường huyết và quá trình điều trị bệnh.

Vận động hợp lý giúp kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường

Vận động hợp lý giúp kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường

Khi mới bắt đầu, bệnh nhân tiểu đường nên chọn những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân như đi bộ, yoga,… Không vận động quá sức, đột ngột vì có thể khiến bệnh nhân bị hạ đường huyết quá mức.

Không tái khám định kỳ

Bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể như suy giảm thị lực, thận, răng miệng, tim mạch, thần kinh, nhiễm trùng. Vì thế, bệnh nhân cần phải tái khám định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu xuất hiện biến chứng và có hướng điều trị thích hợp.

Trên đây là những thông tin về những sai lầm trong việc kiểm soát đường huyết mà bệnh nhân tiểu đường thường mắc phải. Hy vọng đã cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích giúp người bệnh tiểu đường bảo vệ sức khỏe bản thân và có các giải pháp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.

Nguồn tham khảo: 

https://www.webmd.com/diabetes/features/how-to-wreck-your-blood-sugar https://www.ndtv.com/health/diabetes-management-avoid-these-4-common-mistakes-to-prevent-blood-sugar-spikes-4422314