Nhiễm độc giáp có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?

Nhiễm độc giáp dẫn đến rối loạn nhiều chức năng của cơ thể và tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Vậy dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách điều trị bệnh lý này là gì? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

nhiễm độc giáp

Sơ lược về nhiễm độc giáp

Hội chứng nhiễm độc giáp là một tình trạng lâm sàng xảy ra khi nồng độ hormone tuyến giáp lưu hành trong máu tăng cao bất thường do bất kỳ nguyên nhân nào.

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình bướm, nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp tạo ra và giải phóng hai loại hormone giáp là: triiodothyronine (còn gọi là T3) và thyroxine (còn gọi là T4). Tuyến giáp và các hormone của nó đóng một vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể như: tăng nhiệt độ cơ thể, tăng hoạt động hệ tim mạch, tăng quá trình trao đổi chất và ảnh hưởng đến sự phát triển xương cũng như thần kinh trung ương.

Khi bị nhiễm độc giáp, lượng hormone tuyến giáp dư thừa trong cơ thể sẽ thúc đẩy quá mức các quá trình kể trên, gây ra các triệu chứng như nhịp tim nhanh, sụt cân và một số biến chứng nhất định.

Một số tài liệu thường sử dụng thuật ngữ “nhiễm độc giáp” thay cho “cường giáp”. Tuy nhiên hai khai niệm này có một chút khác biệt.

Để hiểu một cách đơn giản, nhiễm độc giáp (thyrotoxicosis) chỉ một hội chứng gồm các triệu chứng lâm sàng gây nên do tăng hormone giáp nói chung (có thể do nguyên nhân từ tuyến giáp hoặc không). Trong khi đó, bệnh cường giáp (hyperthyroidosis) là một loại bệnh nhiễm độc giáp do nguyên nhân từ tuyến giáp, khi nó tăng sản xuất và phóng thích hormone giáp quá mức bình thường.

Triệu chứng nhiễm độc giáp là gì?

Nhìn chung, các triệu chứng nhiễm độc giáp liên quan đến việc tăng chuyển hóa ở các cơ quan của cơ thể. Những triệu chứng này giống nhau ở các trường hợp nhẹ và trung bình, nhưng chúng thường trở nên dữ dội hơn khi nhiễm độc giáp trở nên nghiêm trọng.

Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm độc giáp nhẹ và trung bình bao gồm:

  • Sụt cân không giải thích được.
  • Có nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, nhịp tim thường cao hơn 100 lần/phút.
  • Có nhịp tim không đều (loạn nhịp tim), phổ biến là nhịp nhanh xoang, đôi khi gặp rung nhĩ ở bệnh nhân lớn tuổi có tiền sử bệnh van tim hoặc bệnh động mạch vành.
  • Trải qua tình trạng yếu cơ ở đầu chi.
  • Cảm giác run rẩy, hồi hộp, lo lắng và/hoặc cáu kỉnh.
  • Cảm giác nóng trong người, thích trời mát và thích tắm, tăng tiết mồ hôi, lòng bàn tay ướt và ẩm.
  • Ở phụ nữ có thể bị vô kinh hoặc thiểu kinh.
  • Ở nam giới có thể gặp tình trạng vú to (hiếm gặp).
  • Ở bệnh nhân lớn tuổi thường ít biểu hiện triệu chứng điển hình như trên và thay vào đó biểu hiện bằng trầm cảm, mệt mỏi và sụt cân.

Một trường hợp nhiễm độc giáp nặng thường được gọi là “cơn bão giáp”. Mặc dù tình trạng này rất hiếm xảy ra nhưng lại nghiêm trọng và bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay vì có thể đe dọa tính mạng.

Các triệu chứng của cơn bão tuyến giáp (nhiễm độc giáp nặng) bao gồm:

  • Có nhịp tim rất nhanh.
  • Có biểu hiện suy tim và suy giảm chức năng gan.
  • Bị sốt cao.
  • Bệnh nhân có thể bị liệt cơ cấp tính và hạ kali máu nặng.
  • Có các triệu chứng tiêu hóa.
  • Các triệu chứng trên thần kinh như: thay đổi trạng thái tinh thần, kích động, mê sảng, mất ý thức và hôn mê.
  • Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng tăng chuyển hóa xảy ra trầm trọng có thể khiến bệnh nhân hạ huyết áp, sốc tim và tử vong.

Nếu cơ thể xuất hiện một số biểu hiện trên, bạn nên chủ động thăm khám từ sớm:

Những nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc giáp

Nhiễm độc giáp là một hội chứng do tăng nồng độ hormon giáp trong cơ thể. Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng này. Nhìn chung có thể phân thành 2 nhóm nguyên nhân: nhiễm độc giáp có cường giáp và nhiễm độc giáp không có cường giáp.

Bệnh cường giáp

Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất và giải phóng quá nhiều hormone tuyến giáp, là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh nhiễm độc giáp. Bệnh cường giáp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Bệnh Graves
  • Bướu cổ đa nhân độc
  • U tuyến độc
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang di căn
  • Struma buồng trứng
  • Dư thừa iod
  • Đột biến kích hoạt thụ thể TSH
  • U tuyến yên tiết TSH
  • HCG qua trung gian từ các khối u tiết tuyến sinh dục mãn tính, mang thai
  • Nhiễm độc giáp thai kỳ

Nhiễm độc giáp không có cường giáp

Một số tình trạng khác cũng có thể gây ra nhiễm độc giáp như:

  • Viêm tuyến giáp: Viêm tuyến giáp xảy ra do một số vi khuẩn, nấm, các thuốc như lithium, interferon và có thể do chính hệ miễn dịch của bạn. Khi tuyến giáp bị viêm, các hormon sẽ bị rò rỉ vào máu dẫn đến lượng hormone cao hơn nhu cầu của cơ thể. Viêm tuyến giáp cũng có thể xảy ra sau khi sinh con.
  • Nhiễm độc giáp do tiêu thụ hormon giáp ngoại sinh: Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân suy giáp khi dùng thuốc. Những bệnh nhân này sẽ được kê các thuốc hormon giáp ngoại sinh và khi dùng quá liều (vô tình hay cố ý) những thuốc này, họ có thể gặp tình trạng nhiễm độc giáp. 
  • Nhiễm độc giáp do tiêu thụ mô tuyến giáp: Bạn cũng có thể có quá nhiều hormone tuyến giáp trong cơ thể do ăn thịt bò bị nhiễm mô tuyến giáp từ cổ bò. Tình trạng này thường được gọi là “viêm tuyến giáp bánh hamburger” và là nguyên nhân rất hiếm gặp gây nhiễm độc giáp.

Đặt lịch hẹn khám ngay nếu nghi ngờ bị nhiễm độc giáp:

Chẩn đoán nhiễm độc giáp

Các phương pháp chẩn đoán nhiễm độc giáp sẽ bao gồm việc thăm khám lâm sàng đi kèm với các xét nghiệm cận lâm sàng liên quan đến tuyển giáp và hormon giáp.

Thăm khám lâm sàng

Bệnh nhân nhiễm độc giáp thường có triệu chứng khá điển hình, do đó việc xem xét tình trạng lâm sàng của bệnh nhân thường khá hữu ích cho việc chẩn đoán. Các triệu chứng có thể gặp như: bệnh nhân bồn chồn, mệt mỏi, yếu, ra nhiều mồ hôi, kém chịu nhiệt, tăng hoạt động, hồi hộp, đánh trống ngực, gầy sút cân, rối loạn kinh nguyệt.

Các dấu hiệu mà bác sĩ có thể thăm khám nhanh bao gồm: mạch nhanh hoặc loạn nhịp, tăng huyết áp tâm thu, da mềm, nóng, ẩm, run tay biên độ nhỏ, tăng phản xạ gân xương, yếu cơ, có rút cơ mi, mắt nhìn chằm chằm.

Trong một số trường hợp đăc biệt, bệnh nhân còn có thể có bướu cổ lan tỏa hay bướu cổ nhân, tuyến giáp đau và mềm, mắt lồi, phù cục bộ.

Xét nghiệm huyết học

Xét nghiệm máu là bắt buộc trong chẩn đoán nhiễm độc giáp, nhằm định lượng các hormone liên quan đến tuyến giáp bao gồm:

  • TSH (Hormon kích thích tuyến giáp được sản xuất từ tuyến yên)
  • T3 (triiodothyronine)
  • T4 (thyroxine)

Trong hội chứng nhiễm độc giáp, nồng độ T3 và T4 thường tăng cao hơn mức bình thường trong khi đó nồng độ TSH thường thấp (dưới 0,01 mU/L). Bác sĩ cũng có thể chỉ định kiểm tra những thành phần khác trong máu nhằm xác định nguyên nhân chính xác gây ra nhiễm độc giáp. 

Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh là cần thiết để giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây hội chứng nhiễm độc giáp, từ đó xác định phương pháp điều trị thích hợp. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm hấp thu iod phóng xạ và quét tuyến giáp: Đối với xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ được cho uống một lượng nhỏ iod phóng xạ, sau 6 – 24 tiếng, bệnh nhân sẽ được quét tuyến giáp bằng một thiết bị đầu dò tia gamma để đánh giá lượng iod phóng xạ đã được hấp thu. 

Bệnh nhân có sự hấp thu iod phóng xạ lan tỏa sẽ được định hướng là nhiễm độc giáp do bệnh Graves. Mặt khác, trong u tuyến độc hay bướu cổ đa nhân nhiễm độc thì sự hấp thu sẽ khu trú tại một hoặc một số điểm. Còn bệnh nhân nhiễm độc giáp do viêm tuyến giáp thường sẽ không hấp thu iod phóng xa.

  • Siêu âm tuyến giáp: Đây là một xét nghiêm không xâm lấn và dễ thực hiện, cho phép bác sĩ quan sát được tình trạng to, nhỏ bất thường của tuyến giáp hay các nốt sần hoặc khối u nếu có.

Tìm một số địa chỉ khám nhiễm độc giáp tại đây:

Nhiễm độc giáp có nguy hiểm không?

Nhìn chung, nhiễm độc giáp có tiên lượng tích cực khi được điều trị nội khoa thích hợp. 

Tuy nhiên, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ, bệnh nhân rất có thể sẽ gặp phải tình trạng “cơn bão tuyến giáp”. Đây là một tình trạng cấp tính, khởi phát sau một sự kiện gây căng thẳng lớn, chấn thương hoặc bệnh tật. Bệnh nhân có biểu hiện nhịp tim nhanh, sốt, thay đổi trạng thái tinh thần, kích động, suy tim và suy giảm chức năng gan. Cơn bão giáp là một biến chứng gây đe dọa tính mạng với tỉ lệ tử vong rất cao.

Do đó, bệnh nhân nhiễm độc giáp cần được giáo dục về quá trình phát bệnh và tầm quan trọng của việc tuân thủ dùng thuốc cũng như theo dõi định kỳ tại phòng khám để theo dõi tiến triển của bệnh. 

Điều trị nhiễm độc giáp như thế nào?

Việc điều trị nhiễm độc giáp được khuyến nghị phụ thuộc vào nguyên nhân. Thông thường, các thuốc chẹn beta có thể được sử dụng để làm giảm các đặc điểm tăng giao cảm quá mức. Ngoài ra, 3 phương pháp điều trị chính sẽ là: thuốc kháng giáp, iod phóng xạ và phẫu thuật tuyến giáp.

Thuốc chẹn beta

Các thuốc chẹn beta (ví dụ như propranolol) dù không làm giảm nồng độ hormone giáp trong máu nhưng thường được sử dụng vì chúng giúp kiểm soát các triệu chứng tăng giao cảm khi nhiễm độc giáp như: nhịp tim nhanh, lo lắng, đổ mồ hôi,… Thuốc chẹn beta hữu ích khi bệnh nhân chỉ bị nhiễm độc giáp thoáng qua do viêm tuyến giáp, tuy nhiên lại không thể trị dứt điểm bệnh nếu nguyên nhân xuất phát từ tuyến giáp. 

Thuốc kháng giáp

Các thuốc kháng giáp hiện nay được sử dụng thuộc nhóm thionamide. Hai thuốc bạn có thể gặp là methimazole và propylthiouracil (PTU). Chúng có vai trò làm giảm sự sản xuất hormone từ tuyến giáp. Những bệnh nhân nhiễm độc giáp do cường giáp sẽ được chỉ định thuốc này, trong khi đó bệnh nhân bị viêm tuyến giáp sẽ không đáp ứng với liệu pháp này.

Iod phóng xạ

Iod phóng xạ cũng là một liệu pháp phổ biến trong điều trị nhiễm độc giáp do cường giáp. Cơ chế hoạt động của thuốc này là khi đưa được tuyến giáp hấp thụ, iod phóng xạ sẽ gây viêm mô đặc hiệu, dẫn đến xơ hóa tuyến giáp và phá hủy mô tuyến giáp, từ đó làm giảm nồng độ các hormone giáp được tiết vào máu. 

Tuy nhiên, do iod phóng xạ sẽ gây phá hủy vĩnh viễn mô tuyến giáp nên thường gây suy giáp sau đó. Vì thế, những bệnh nhân sử dụng liệu pháp này hầu hết sẽ cần điều trị bổ sung hormone giáp (levothyroxine) suốt đời để duy trì nồng độ hormone bình thường trong cơ thể. 

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt tuyến giáp một phần hoặc toàn bộ là phương pháp điều trị nhiễm độc giáp nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này vừa xâm lấn vừa tốn kém, đồng thời cũng gây suy giáp vĩnh viễn và cần điều trị bằng levothyroxine suốt đời. Các biến chứng khi phẫu thuật bao gồm hạ canxi máu do suy tuyến cận giáp (thường là thoáng qua) và liệt dây thanh âm do tổn thương dây thần kinh quặt ngược thanh quản.

Trao đổi với bác sĩ để biết phương pháp điều trị nhiễm độc giáp phù hợp với bạn:

Cơ sở y tế khám nhiễm độc giáp

Nếu bạn hoặc người thân có những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm độc giáp, hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số cơ sở y tế bạn có thể tham khảo khi muốn khám nhiễm độc giáp:

  • Phòng Khám Đa Khoa Saigon Healthcare: Phòng khám có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa I, II giàu kinh nghiệm và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại nhất với mục tiêu đặt khách hàng làm trọng tâm, phục vụ tận tình và chuyên nghiệp. 
  • Bệnh Viện Đa Khoa An Việt: Đây là một trong những bệnh viện tư nhân thuộc top đầu tại Hà Nội, có hệ thống trang thiết bị hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành từ các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức, K, Tai Mũi Họng Trung ương,…
  • Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Thu Cúc: Bệnh viện đứng top 3 bệnh viện tư và top 5 toàn bệnh viện có điểm chất lượng dẫn đầu Hà Nội. Trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn và y đức luôn được đánh giá cao.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh nhiễm độc giáp có chữa được không?

Nhiễm độc giáp hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu người bệnh khám và điều trị đúng cách.

Nhiễm độc giáp điều trị bao lâu?

Tùy vào nguyên nhân nhiễm độc giáp và đáp ứng của cơ thể với thuốc mà thhoời gian điều trị có thể khác nhau. Thông thường, bệnh nhân có thể ngừng thuốc sau 18 – 24 tháng nếu đáp ứng tốt. Cũng có những bệnh nhân phải dùng thuốc duy trì lâu dài.

Nhiễm độc giáp có nguy hiểm không?

Nhìn chung, nhiễm độc giáp có tiên lượng tích cực khi được điều trị nội khoa thích hợp. 
Tuy nhiên, nếu không điều trị hoặc điều trị không đầy đủ, bệnh nhân có thể sẽ gặp phải tình trạng “cơn bão tuyến giáp” gây đe dọa tính mạng.

Bệnh nhiễm độc giáp kiêng ăn gì?

Bệnh nhân nhiễm độc giáp nên hạn chế lượng iod nạp vào cơ thể, đồng thời nên kiêng các loại chất kích thích như caffein, rượu bia,… và các món ăn nhiều đường hay nhiều chất béo bão hòa,…

Nhiễm độc giáp và cường giáp

Nhiễm độc giáp là tình trạng tăng hormone giáp nói chung (có thể do nguyên nhân từ tuyến giáp hoặc không). Trong khi đó, bệnh cường giáp là một trong những nguyên nhân nhiễm độc giáp, xảy ra do tuyến giáp tăng sản xuất và phóng thích hormone quá mức bình thường.


Trên đây là những thông tin liên quan đến dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và biện pháp điều trị nhiễm độc giáp mà có thể bạn chưa biết. Bài viết này được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Nếu bạn có nhu cầu khám tuyến giáp, xin vui lòng đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn trên docosan.com