Đặt vòng tránh thai là phương pháp tránh thai được nhiều người lựa chọn và có thể tháo ra bất cứ lúc nào khi phụ nữ muốn sinh con. Vòng tránh thai (IUD) là một dụng cụ nhỏ, thường có hình chữ T, được đặt vào lòng tử cung của phụ nữ, có hiệu quả ngừa thai 98-99% trong thời gian kéo dài khoảng từ 5 đến 10 năm. Vậy đặt vòng tránh thai có tốt không? Phụ nữ có nên đặt vòng tránh thai không? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu kĩ hơn về biện pháp ngừa thai này để trả lời những câu hỏi trên nhé!
Tóm tắt nội dung
Tác dụng của vòng tránh thai
Ở Việt Nam, hiện có 2 loại vòng tránh thai được sử dụng phổ biến là vòng tránh thai đồng và vòng tránh thai nội tiết.
Sau khi được đưa vào cơ thể, vòng tránh thai sẽ làm thay đổi môi trường của nội mạc tử cung. Điều này ngăn tinh trùng tiếp xúc với trứng, ngăn trứng làm tổ trong tử cung và phát triển thành bào thai. Khi đã đặt vòng tránh thai và sau thời gian kiêng cữ ban đầu, phụ nữ hoàn toàn có thể quan hệ tình dục bình thường. Tuy nhiên, lưu ý rằng dụng cụ này chỉ có tác dụng ngừa thai chứ không có khả năng bảo vệ các bệnh lây qua đường tình dục.

Chi phí đặt vòng tránh thai bao nhiêu tiền?
Đặt vòng tránh thai là phương pháp phòng ngừa thai không chỉ hiệu quả cao mà còn ít tốn kém. Thông thường mức chi phí một lần đặt vòng tránh thai dao động từ 300.000 đến 1 triệu đồng tùy thuộc vào cơ sở y tế, tình trạng sức khỏe phụ nữ và loại vòng tránh thai sử dụng.
Đặt vòng tránh thai khi nào là thích hợp?
Không phải bất cứ lúc nào cũng có thể đặt vòng tránh thai cho phụ nữ. Thời điểm thích hợp là ngày sau khi sạch kinh và chưa quan hệ tình dục. Lúc này, cổ tử cung chỉ hơi hé, quá trinh đặt vòng sẽ dễ dàng hơn, giảm cảm giác đau và ít chảy máu hơn cho người phụ nữ.
Đối với đặt vòng tránh thai sau sinh, thời điểm đặt là sau 6 tuần ở phụ nữ sinh thường và sau ít nhất 3 tháng ở phụ nữ sinh mổ. Điều này được giải thích vì sau sinh mổ, tử cung cần nhiều thời gian hơn để lành lại và các sợi chỉ khâu cũng hòa tan vào trong lớp cơ tử cung.
Đối với phụ nữ sau hút thai hay sau sảy thai nên đợi kinh nguyệt trở lại đều đặn mới đặt vòng tránh thai.
Quy trình đặt vòng tránh thai
Trước khi đặt vòng tránh thai
Việc đặt vòng tránh thai có thể sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu bên trong nếu người phụ nữ đang bị các bệnh viêm nhiễm. Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng nặng hơn vùng chậu, gây viêm dính vòi trứng, dẫn đến vô sinh sau này. Vì vậy, trước khi thực hiện thủ thuật, người phụ nữ sẽ được khám phụ khoa để đảm bảo có đủ điều kiện sức khỏe để đặt vòng.
Những trường hợp bị viêm nhiễm hoặc mắc các bệnh phụ khoa sẽ phải điều trị triệt để trước khi tiến hành đặt vòng.
Đặt vòng tránh thai

Bác sĩ sẽ thực hiện đặt vòng tránh thai bằng cách chèn 2 ngón tay vào âm đạo và tay còn lại đặt trên bụng người phụ nữ để cảm nhận các cơ quan vùng chậu. Từ đó, bác sĩ sẽ xác định vị trí và kích thước của tử cung để đặt vòng tránh thai.
Bác sĩ sẽ mở âm đạo ra bằng cách sử dụng một dụng cụ y tế (dụng cụ mỏ vịt). Sau đó, âm đạo được khử trùng làm sạch để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Trong một số trường hợp nếu cần thiết có thể chỉ định gây tê.
Vòng tránh thai được gấp nhỏ lại và đặt vào trong một ống có piston bằng chất dẻo rất nhỏ, có đường kính bằng que diêm, đưa vào cổ tử cung của người phụ nữ.
Bác sĩ ấn piston, đẩy vòng tránh thai luồn qua cổ tử cung. Khi đến tử cung, vòng sẽ mở ra thành hình chữ T.
Bác sĩ tiến hành rút ống ra và cắt sợi dây vòng. Dây sẽ được để lại một đoạn dài khoảng 5cm bên ngoài cổ tử cung. Thời gian thực hiện thủ thuật trên kéo dài từ 5 đến 10 phút.
Sau khi đặt vòng tránh thai
- Người phụ nữ nên nằm nghỉ ngơi 5-10 phút ngay sau khi đặt vòng.
- Tránh làm việc nặng nhọc sau đặt vòng ít nhất 1 tuần.
- Thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ về thời gian tái khám và chăm sóc, tái khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Phụ nữ có thể tự kiểm tra vòng tránh thai sau mỗi kỳ kinh nguyệt bằng cách:
- Rửa thật sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi kiểm tra vòng.
- Đặt ngón tay vào trong âm đạo đến khi cảm nhận được cổ tử cung của mình.
- Nếu cảm thấy sợi dây (khoảng 5cm) từ cổ tử cung đó là dấu hiệu vòng tránh thai đang được đặt ở vị trí thích hợp.
- Nếu dây ngắn hơn bình thường, rất có thể vòng đã bị lệch chỗ. Nếu không thấy sợi dây, có thể vòng đã bị tuột.
- Lưu ý là chỉ được chạm, không được kéo dây ra vì có thể làm thay đổi vị trí vòng tránh thai.
Đặt vòng tránh thai khi nào quan hệ được?
Khi được đưa vào cơ thể, vòng tránh thai có thể gây viêm nhẹ ở tử cung và âm đạo, do đó sau khi đặt vòng nên kiêng quan hệ từ 7 đến 10 ngày để vị trí vòng ổn định cũng như tạo thời gian cho cơ thể thích nghi.
Lưu ý cần tránh các tư thế quan hệ tình dục thô bạo vì có thể làm vòng tránh thai bị xê dịch, thậm chí là tuột ra.
Cần sử dụng thêm biện pháp tránh thai khác như dùng bao cao su khi nghi ngờ quan hệ không an toàn vì vòng tránh thai không thể ngăn chặn các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đặt vòng tránh thai có an toàn không?
Để trả lời được câu hỏi này, ta nên tìm hiểu về ưu – nhược điểm của vòng tránh thai, chống chỉ định và tác hại của đặt vòng tránh thai.
Ưu điểm của vòng tránh thai
- Hiệu quả ngừa thai cao (98-99%).
- Hiệu quả tránh thai ngay lập tức sau khi đặt vòng và kéo dài 5-10 năm tùy loại vòng sử dụng.
- Không làm ảnh hưởng tới các sinh hoạt cuộc sống và quan hệ tình dục.
- An toàn ở phụ nữ đang cho con bú.
- Có khả năng mang thai bình thường sau khi tháo vòng tránh thai.
- Không gây các tác dụng phụ về nội tiết như mụn, đau đầu hay căng ở ngực.
- Không bị ảnh hưởng bởi thuốc khác.
- Không có bằng chứng vòng tránh thai gây ảnh hưởng đến cân nặng hay tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung và ung thư buồng trứng.
- Ít tốn kém.
Nhược điểm của vòng tránh thai
Ngoài việc không có khả năng ngăn chặn các bệnh lây qua đường tình dục, sau đây là một số tác dụng phụ của đặt vòng tránh thai:
- Vào chu kỳ kinh nguyệt, máu có thể ra nhiều hơn, dài hơn và đau bụng hơn dù điều này có thể được cải thiện sau vài tháng đặt vòng.
- Có thể bị rong kinh, ra nhiều huyết trắng, co thắt tử cung…
- Một số nguy cơ hiếm gặp khác: nhiễm trùng vùng chậu, nhiễm nấm Candida, di lệch chỗ/tuột vòng tránh thai, phá hủy thành tử cung, thai ngoài tử cung.
Xem thêm:
Khi nào cần đến gặp bác sĩ sau đặt vòng tránh thai?
Người phụ nữ đang mang vòng tránh thai nên đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu sau:
- Bị sốt cao, sụt cân sau khi đặt vòng
- Nghi ngờ vòng bị tuột
- Đau khi quan hệ tình dục
- Rong kinh, huyết trắng (khí hư) có mùi khó chịu
- Chậm kinh hoặc nghi ngờ có thai.
Đặt vòng tránh thai được sử dụng rộng rãi vì tính hiệu quả cao, an toàn và kinh tế. Tuy nhiên, phụ nữ trước khi đặt vòng nên được thăm khám và tư vấn kĩ để nắm rõ tính phù hợp và ưu – nhược điểm của phương pháp này đối với chính bản thân mình. Sau khi đặt vòng tránh thai, phụ nữ cần làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Để được tư vấn trực tiếp, bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 638 082 hoặc CHAT để được hướng dẫn đặt hẹn.