Tìm hiểu về xét nghiệm HPV

Xét nghiệm HPV là phương pháp phát hiện sự hiện diện của HPV – vi rút u nhú sinh dục ở người (một loại vi rút có thể dẫn đến sự phát triển của mụn cóc sinh dục, tế bào cổ tử cung bất thường hoặc ung thư cổ tử cung). 

1. Ai nên xét nghiệm HPV?

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm HPV nếu:

  • Xét nghiệm Pap của bạn có kết quả bất thường, cho thấy có các “tế bào vảy không điển hình có ý nghĩa chưa được xác định (ASCUS)”.
  • Phụ nữ 30 tuổi trở lên.
  • Xét nghiệm HPV chỉ dành cho phụ nữ. Chưa có xét nghiệm HPV để phát hiện virus ở nam giới. Tuy nhiên, nam giới vẫn có thể bị nhiễm virus HPV và truyền cho bạn tình của họ.
Bài viết giải đáp Xét nghiệm HPV là gì ?
Bài viết giải đáp Xét nghiệm HPV là gì ?

2. Tại sao nên xét nghiệm HPV

Xét nghiệm HPV là một xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, nhưng xét nghiệm này không cho bạn biết liệu bạn có bị ung thư hay không. Thay vào đó, xét nghiệm này phát hiện sự hiện diện của HPV (virus gây ung thư cổ tử cung). 

Biết được liệu bạn có đang nhiễm loại HPV gây nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung hay không sẽ quyết định các bước tiếp theo trong quá trình chăm sóc sức khỏe, bao gồm tiếp tục theo dõi, kiểm tra thêm hoặc điều trị các tế bào bất thường.

Xét nghiệm HPV định kỳ dưới 30 tuổi không được khuyến khích và cũng không mang lại lợi ích. HPV lây lan qua quan hệ tình dục và rất phổ biến ở những người trẻ tuổi, tuy nhiên nhiễm trùng HPV thường tự khỏi trong vòng một hoặc hai năm.

Những thay đổi ở cổ tử cung dẫn đến ung thư thường mất vài năm (thường là 10 năm hoặc hơn) để phát triển. Vì vậy bạn có thể cần theo dõi cẩn thận thay vì tiến hành điều trị ngay lập tức.

3. Kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả

Tương tự bất kỳ xét nghiệm sàng lọc nào, xét nghiệm HPV có nguy cơ cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả.

  • Dương tính giả. Kết quả xét nghiệm dương tính giả cho thấy bạn nhiễm HPV trong khi bạn không mắc bệnh. Kết quả dương tính giả có thể khiến bạn lo lắng và dẫn đến các thủ tục không cần thiết, chẳng hạn như soi cổ tử cung hoặc sinh thiết.
  • Âm tính giả. Kết quả xét nghiệm âm tính giả có nghĩa là bạn thực sự bị nhiễm HPV nhưng kết quả xét nghiệm lại chỉ ra rằng bạn không nhiễm.

4. Chuẩn bị xét nghiệm HPV

Vì xét nghiệm HPV thường được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm Pap Smear, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để cả hai xét nghiệm cho kết quả chính xác nhất có thể:

  • Tránh giao hợp, thụt rửa, sử dụng thuốc âm đạo, bọt, kem hoặc thạch diệt tinh trùng trong hai ngày trước khi xét nghiệm.
  • Tránh xét nghiệm khi đang hành kinh.

5. Thực hiện xét nghiệm HPV

Xét nghiệm virus HPV thường được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm Pap (xét nghiệm thu thập các tế bào từ cổ tử cung để phát hiện ung thư cổ tử cung). Xét nghiệm HPV có thể được thực hiện bằng cách sử dụng cùng một mẫu tế bào từ xét nghiệm Pap hoặc bằng cách thu thập mẫu thứ hai từ ống cổ tử cung.

Xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV thường được kết hợp thực hiện, quá trình này chỉ mất vài phút. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm ngửa, gót chân đặt trên các giá đỡ được gọi là kiềng.

Sau đó bác sĩ nhẹ nhàng đưa một dụng cụ gọi là mỏ vịt vào âm đạo của bạn. Mỏ vịt giữ các thành âm đạo tách rời nhau để bác sĩ có thể dễ dàng nhìn thấy cổ tử cung. Bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào cổ tử cung bằng bàn chải mềm và dụng cụ nạo phẳng được gọi là thìa.

Xem thêm: Tiêm HPV bao nhiêu tiền

6. Kết quả xét nghiệm HPV

Kết quả từ xét nghiệm virus HPV có thể là dương tính hoặc âm tính.

  • Xét nghiệm HPV dương tính. Kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là bạn nhiễm một loại HPV làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị một buổi kiểm tra khác trong vòng một năm để xem xét liệu bạn còn nhiễm virus HPV không hoặc để kiểm tra các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.
  • Xét nghiệm HPV âm tính. Kết quả xét nghiệm âm tính có nghĩa là bạn không nhiễm bất kỳ loại HPV nào gây ung thư cổ tử cung.

Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Theo dõi thường xuyên. Nếu bạn trên 30 tuổi, xét nghiệm HPV có kết quả âm tính và xét nghiệm Pap có kết quả bình thường, bạn sẽ được khuyến nghị thực hiện lại cả hai xét nghiệm trong vòng 5 năm.
  • Soi cổ tử cung. Phương pháp này được khuyến nghị nếu xét nghiệm Pap cho kết quả bất thường, bác sĩ sẽ sử dụng máy soi cổ tử cung để kiểm tra kỹ hơn cổ tử cung.
  • Sinh thiết. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào cổ tử cung để kiểm tra kỹ hơn dưới kính hiển vi.
  • Loại bỏ các tế bào cổ tử cung bất thường. Để ngăn chặn các tế bào bất thường phát triển thành tế bào ung thư, bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật loại bỏ những vùng mô có chứa các tế bào bất thường.

Bác sĩ tư vấn và thực hiện xét nghiệm HPV

Bạn có thể tham khảo danh sách các bác sĩ sản khoa nổi tiếng trên Docosan.

Xét nghiệm HPV là một thủ thuật quan trọng và vô cùng hữu ích để bảo vệ sức khỏe người phụ nữ.


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Doctor có sẵn khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám bệnh với bác sĩ có chuyên môn để điều trị hoặc gọi vào hotline 1900 638 082 để được tư vấn.

Những thông tin trên mang tính chất tham khảo, hãy đặt lịch khám để được tư vấn tốt nhất