Lở miệng có đáng lo không? Làm sao để nhanh khỏi?

Lở miệng là một tình trạng bệnh lý răng miệng không gây nguy hiểm nhưng lại khá phổ biến mà hầu hết mọi người đều phải gặp ít nhất một lần trong đời. Điều trị kịp thời giúp giảm đau, giảm tái phát và kéo dài thời gian không mắc bệnh. Vậy, cần xử lý như thế nào khi bị lở miệng? Cùng Doctor có sẵn tìm kiếm lời giải đáp trong bài chia sẻ dưới đây.

Lở miệng là gì?

Lở miệng hay còn gọi là nhiệt miệng là bệnh rất thường gặp, tỷ lệ tái phát cao tới 50%, thường gặp ở nữ hơn so với nam. 

Đa số các trường hợp (hơn 3/4) là lở miệng nhỏ, tự giới hạn vết loét, thường xuất hiện dưới dạng vết đơn lẻ hoặc thành từng đám. Những tổn thương có thể có đường kính lên đến 5 mm và xuất hiện với tâm màu trắng hoặc vàng và viền ngoài đỏ sưng viêm. Vị trí thường gặp là cạnh lưỡi, bên trong môi và má. Bệnh lở miệng có xu hướng kéo dài 5 đến 14 ngày. 

Nguyên nhân gây lở miệng

Cơ chế bệnh sinh của lở miệng vẫn chưa được biết và có khả năng là do kết hợp một hoặc nhiều yếu tố. Hầu hết các nghiên cứu đều ủng hộ nguyên nhân do rối loạn điều hòa miễn dịch liên quan đến niêm mạc miệng dẫn đến quá trình tiền viêm quá mức hoặc khả năng kháng viêm kém. Các yếu tố khởi phát gây ra lở được cho là: 

  • Tổn thương niêm mạc: Tổn thương niêm mạc miệng do tiêm thuốc gây tê cục bộ, răng sắc nhọn, giắt thức ăn, điều trị nha khoa hoặc do chải răng,…
  • Căng thẳng: Mặc dù stress không trực tiếp gây ra loét nhưng nó làm tăng cơ hội phát triển vết loét và làm chậm quá trình tự chữa lành vết lở miệng
  • Di truyền: Các vết lở miệng có tính di truyền có xu hướng xuất hiện sớm hơn và biểu hiện nghiêm trọng hơn so với những vết loét không có tiền sử gia đình.
  • Sự thiếu hụt một số vitamin và/hoặc khoáng chất: Như sắt, folate, vitamin B1, B2, B6, B12, kẽm.
  • Thực phẩm gây tổn thương vùng miệng: Một số đồ ăn và thức uống như cà phê, sôcôla, trứng và phô mai hoặc các loại thực phẩm có tính axit hoặc cay. 
  • Sodium lauryl sulfate: Một thành phần thường gặp trong kem đánh răng và nước súc miệng. Hợp chất này thường làm kéo dài thời gian cần thiết để làm lành vết loét.
lở miệng
Việc vệ sinh răng miệng không đúng cách có thể gây tổn thương niêm mạc

Còn nhiều yếu tố nguy cơ gây ra lở miệng trong đó có thay đổi nội tiết (kinh nguyệt, mang thai,…), hút thuốc lá, phản ứng dị ứng với một số vi khuẩn trong khoang miệng,… Ngoài ra, vết loét tái phát có thể là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng, bao gồm: bệnh Crohn, Coeliac, HIV/AIDS, Behcet,… Tuy nhiên những trường hợp này thường rất hiếm gặp..

Dấu hiệu và triệu chứng khi bị lở miệng

Thông thường khi mắc lở miệng tái phát biểu hiện bằng một hoặc vài vết lở miệng hình tròn hoặc bầu dục kích thước nhỏ từ 1 – 10mm ở trong khoang miệng, gây đau rát khó chịu và hay tái phát. Ba nhóm biểu hiện lâm sàng chính của lở miệng tái phát bao gồm: 

Lở miệng loại ổ nhỏ

Đây là loại lở miệng tái phát thường gặp nhất, chiếm 8/10 các trường hợp. Tổn thương là vết lở miệng nhỏ hình tròn hoặc ovan, đường kính nhỏ khoảng 8 – 10mm, màu vàng nhạt, rìa ổ lở miệng sưng nề, đỏ  thường thấy nhất ở các bề mặt niêm mạc không sừng hóa như niêm mạc môi, niêm mạc má và sàn miệng. 

Thông thường chỉ xuất hiện một ổ loét hoặc có thể nhiều hơn 5 ổ loét xuất hiện cùng lúc, gây đau đớn. Các ổ loét nhỏ thường tồn tại trong vòng 7 – 10 ngày, sau đó thường tự lành và không để lại sẹo.

lở miệng
Bệnh lở miệng khá dễ nhận biết thông qua mắt thường

Lở miệng loại lớn

Đây là loại lở miệng tái phát ít gặp hơn chiếm tỷ lệ ít khoảng 10 – 15% các trường hợp. Tổn thương có đường kính lớn hơn 10mm, thường chỉ có 1 hoặc 2 ổ loét xuất hiện cùng một thời điểm. Các tổn thương phổ biến nhất là ở môi, vòm miệng mềm và vòi. Niêm mạc nhai như lưng lưỡi hoặc nướu đôi khi có thể bị ảnh hưởng.

Các tổn thương này kéo dài 1 – 2 tuần cho tới vài tháng và khi lành để lại sẹo gây đau đớn nhiều và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, ăn uống.

Lở miệng dạng Herpes

Loại lở miệng tái phát này hiếm gặp hơn, chiếm tỷ lệ rất ít. Với tổn thương nhỏ xíu bằng đầu ghim, ổ loét thường có đường kính khoảng 1 – 2mm, có nhiều vết loét xuất hiện cùng một thời điểm. Các vết loét riêng lẻ có màu xám và không có viền ban và gây đau nhức nhiều. 

Đặc trưng rõ nét nhất là các vết loét này kết hợp với nhau tạo nên một ổ loét lớn có hình dạng bất thường. Và vết loét này thường tồn tại khoảng 1 tuần đến vài tháng.

Bệnh lở miệng tái phát có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào nhưng tỷ lệ cao nhất là ở khoảng từ 10 – 40 tuổi. Đặc điểm bệnh là tái phát lại sau ít ngày đến vài tuần hoặc vài tháng, hoặc nhiều năm mới tái lại.

Bị lở miệng phải làm sao mau khỏi?

Lở miệng không phải là bệnh lý nguy hiểm và hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng thuốc, mẹo vặt dân gian hoặc chỉ đơn giản là thay đổi chế độ ăn uống. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà người mắc phải có thể áp dụng một số cách điều trị sau:

Thuốc trị lở miệng

Nguyên nhân chính xác của lở miệng vẫn chưa được biết, do đó không có điều trị đặc hiệu cho bệnh lở miệng. Mục tiêu của điều trị chủ yếu là giảm đau, đẩy nhanh quá trình lành vết lở mép miệng và giảm tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các đợt. 

Trên thực tế, những lở miệng là tổn thương nhỏ, ít đau, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống, đôi khi cũng không cần điều trị gì và thường tự khỏi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên một số trường hợp lở miệng sẽ gây ra cảm giác sưng đau, có thể khiến bạn khó nói chuyện hoặc ăn uống và tổn thương có thể lâu lành nếu vết lở miệng lớn.

Một số thuốc có thể được dùng trong trường hợp lở miệng như:

– Nước súc miệng chlorhexidine gluconate: Do các nhiễm khuẩn thứ phát thường xuyên xảy ra khi bị lở miệng, sử dụng các tác nhân kháng khuẩn giúp ngăn ngừa bội nhiễm trong quá trình lành vết thương do đó làm giảm thời gian và độ nặng vết lở. 

Lưu ý khi dùng:

  • Nên dùng nước súc miệng 2 lần một ngày, mỗi lần dùng 10 ml, súc miệng trong 1 phút và tiếp tục súc sau khi hết triệu chứng 48 giờ .
  • Nước súc miệng có vị đắng và bạc hà, thường xuyên sử dụng có thể dẫn đến răng nâu. Nên chải răng trước sử dụng nước súc miệng và súc miệng kỹ lại bằng nước sau khi chải răng.

– Corticosteroid tại chỗ: Corticosteroid tác dụng tại chỗ trên vết loét để giảm viêm, đau, đồng thời rút ngắn thời gian chữa bệnh. Hiện có sẵn dạng kem bôi trong thành phần chứa triamcinolone acetonide.

– Thuốc giảm đau tại chỗ: Nước súc miệng hoặc khí dung benzydamine và gel nha khoa salicylate choline có tác dụng rất ngắn nhưng có thể hữu ích trong loét lớn, đau nhiều. Súc miệng 15 ml, ba lần/ngày. Khi sử dụng benzydamine có thể xảy ra tê, ngứa ran và đau nhức, có thể pha loãng các nước súc miệng với nước trước khi sử dụng để làm giảm đau nhức. Không sử dụng nước súc miệng benzydamine cho trẻ dưới 12 tuổi.

– Gây tê tại chỗ: Gel lidocaine 2% có tác dụng gây tê tại chỗ, thuốc rất hiệu quả trong giảm đau tạm thời  nhưng việc duy trì sự tiếp xúc giữa gel với bề mặt vết lở là rất khó, do đó thuốc ít sử dụng khi tổn thương nằm sâu ở những nơi không thể tiếp cận trong khoang miệng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%, không nên súc miệng với nước muối tự pha quá mặn sẽ tăng kích thích, gây đau nhiều hơn.

Lưu ý: Khi dùng thuốc bôi viêm loét miệng, nên bôi thuốc vào trước các bữa ăn khoảng 1 giờ để vừa có tác dụng kháng viêm mà vừa có tác dụng giảm đau. Đồng thời bôi trước khi đi ngủ buổi tối 1-2 giờ để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.

Bị lở miệng nên ăn gì?

Sau đây là một số gợi ý thực phẩm nên ăn khi bị nhiệt miệng:

  • Sữa chua: Sữa chua giúp cân bằng bi khuẩn trong miệng và cơ thể.
  • Rau xanh, hoa quả: Ăn nhiều rau xanh, hoa quả giúp hạn chế các tổn thương niêm mạc và nhanh lành các vết lở miệng đã có.
lở miệng
Các thực phẩm nên ăn khi bị lở mép miệng
  • Các loại vitamin B, C, sắt, axit folic: Các loại vitamin này giúp phòng ngừa và làm lành vết thương nhanh hơn
  • Đồ ăn mềm, mát: Trong thời gian bị nhiệt miệng nên ăn các đồ ăn mềm như cháo, súp, rong biển,… để giảm tổn thương vết loét và các đồ ăn có tính mát như dưa chuột, dưa hấu, các loại nước thanh nhiệt giải độc như trà xanh, nhân trần, rau má,… 

Bị lở miệng nên kiêng gì?

  • Tránh bóp hoặc nặn các vết mụn nước.
  • Tránh dùng nước súc miệng có cồn, kích ứng mạnh.
  • Tránh ăn các loại thức ăn cay (ớt đỏ, tương ớt cay, các món ăn nhiều gia vị),  đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
lở miệng
Thực phẩm nên kiêng khi bị lở mép miệng
  • Tránh các thực phẩm có axit vì chất axit citric như  trái cây họ cam quýt (chanh, bưởi, cam,…)  sẽ kích thích vết lở miệng gây đau và nặng hơn.
  • Tránh uống cà phê, vì nó có chứa chất axit salicylic sẽ gây kích ứng các mô nhạy cảm trong miệng, tác động lên vết nhiệt miệng.
  • Tránh uống đồ rượu bia và nước ngọt có ga: lâu lành vết lở miệng và còn làm tăng cảm giác đau xót ở người bệnh.

Cách phòng tránh bệnh lở miệng

Để phòng tránh mắc loét miệng, nên tránh tất cả những nguyên nhân có thể gây ra chấn thương tại vùng miệng. Bao gồm:

  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt, dùng bàn chải mềm và đánh răng đúng cách. Tránh dùng các loại kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate nếu thường xuyên bị loét áp-tơ.
lở miệng
Thường xuyên súc miệng bằng nước muối để phòng ngừa lở miệng
  • Tránh các loại thức ăn cứng, thực phẩm có thể làm trầm trọng vết lở loét.
  • Không nói chuyện khi đang ăn, nhai để hạn chế cắn vào môi, lưỡi.
  • Giảm căng thẳng: stress là một nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh lở miệng. Nghỉ ngơi, sắp xếp lại công việc để giảm thiểu stress cũng góp phần giảm tần suất tái phát bệnh.
  • Bổ sung và chế độ dinh dưỡng như các chất như sắt, axit folic, hoặc các vitamin nhóm B đặc biệt là vitamin B12 giúp giảm nguy cơ phát triển vết loét.
  • Các yếu tố nội tiết đôi khi có thể kích hoạt một đợt bùng phát đợt lở miệng trước kỳ kinh nguyệt ở người nữ. Dùng thuốc tránh thai uống có thể xem là một biện pháp hữu ích.

Câu hỏi thường gặp

Lở loét miệng là bệnh gì?

Lở loét  miệng hay còn gọi là nhiệt miệng là bệnh rất thường gặp, tỷ lệ tái phát cao, đặc trưng với những vết loét xuất hiện với tâm màu trắng hoặc vàng và viền ngoài đỏ sưng viêm, thường xuất hiện ở lưỡi, lợi, má trong và mặt trong môi, với đường kính có thể lên đến 5mm. Đa số các trường hợp là lở miệng nhỏ, tự giới hạn vết loét, thường xuất hiện dưới dạng vết đơn lẻ hoặc thành từng đám. Bệnh lở loét miệng có xu hướng kéo dài 5 đến 14 ngày. 

Tại sao bị lở miệng liên tục?

Lở miệng liên tục có thể do nhiều nguyên nhân như stress kéo dài, thiếu hụt một số vitamin và/hoặc khoáng chất như sắt, folate, vitamin B1, B2, B6, B12, kẽm, ăn nhai và vệ sinh răng miệng không đúng cách làm tổn thương niêm mạc miệng, sử dụng thường xuyên các đồ ăn và thức uống như cà phê, sôcôla, trứng và phô mai hoặc các loại thực phẩm có tính axit hoặc cay. u003cbru003eNgoài ra, vết loét tái phát thường xuyên có thể là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng, bao gồm: bệnh Crohn, Coeliac, HIV/AIDS, Behcet,…

Bị lở miệng phải làm sao để nhanh hết?

Các mục tiêu chính cần tập trung khi bị lở miệng là vệ sinh khoang miệng sạch sẽ, hạn chế gây ra các tổn thương tại khoang miệng trong quá trình ăn nhai hoặc đánh răng và bổ sung dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch,… Ngoài ra có thể dùng một số thuốc giảm đau, giảm viêm để giảm bớt sự khó chịu cho người bệnh.

Lở miệng lâu ngày không khỏi

Nhiệt miệng rất hay tái phát, các biểu hiện có tính chất chu kỳ lặp lại gần giống nhau, bắt đầu bằng việc xuất hiện một hoặc vài ba đốm trắng nhỏ hơi đau, hơi nổi gồ lên trong niêm mạc miệng. Nếu không có biến chứng nặng vết loét tự lành dần sau 7 – 10 ngày.Tuy nhiên, nếu nhiệt miệng kéo dài trên 2 tuần hoặc kèm theo triệu chứng khác như sốt, thì cần đi khám bác sĩ để tìm hiểu đúng về tình trạng bệnh.u003cbru003eMột số nguyên nhân có thể làm bệnh lở miệng lâu khỏi như: hiểu sai về bệnh, chủ quan không điều trị, hoặc điều trị sai cách, tự ý sử dụng kháng sinh,…

Bà bầu bị lở miệng phải làm sao?

Bà bầu bị nhiệt miệng hầu như không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, tuy nhiên cần lưu ý các tình trạng bệnh gợi ý nếu bị lở miệng kéo dài trên 2 tuần. Chăm sóc bà bầu bị lở miệng như các trường hợp thông thường, tuy nhiên cần lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ mỗi khi dùng thuốc.

Chăm sóc trẻ khi bị lở miệng như thế nào?

Trẻ hay bị nhiệt miệng thường khó chịu, quấy khóc và biếng ăn, miệng chảy nhiều nước dãi. Thậm chí, nếu vết viêm loét nặng thì trẻ có thể bị sốt, đi kèm nổi hạch cổ, nướu răng bị sưng và chảy máu.u003cbru003eKhi trẻ bị nhiệt miệng, cha mẹ cần áp dụng các biện pháp dưới đây để giảm triệu chứng khó chịu và đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh cho trẻ:u003cbru003e- Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày (chải răng hoặc sử dụng miếng gạc để vệ sinh răng), có thể sử dụng nước muối ấm loãng hoặc sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh răng miệng.u003cbru003e- Giảm đau cho trẻ bằng các phương pháp dân gian như lấy mật ong, nha đam, sữa chua, nghệ,… bôi vào vết loét cho trẻ (chú ý không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi để tránh gây độc).u003cbru003e- Cần cho trẻ ăn uống hợp lý để đảm bảo dinh dưỡng, nên chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn các món lỏng, nêm nếm nhẹ nhàng.u003cbru003e- Cho trẻ uống nhiều nước, uống nước ép trái cây để bổ sung các vitamin cần thiết để trẻ nâng cao sức đề kháng, nhanh khỏi nhiệt miệng.u003cbru003e- Không cho trẻ ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ cay nóng, các loại nước có ga.u003cbru003eThông thường những loại viêm lở miệng nhẹ chỉ cần vệ sinh răng miệng, giảm đau, chống dị ứng, tăng cường sức đề kháng, bổ sung sinh tố nhóm B là khỏi trong vòng 7-10 ngày. Trường hợp vết lở miệng tái phát nhiều lần hoặc kéo dài không khỏi có kèm theo các triệu chứng khác như: sốt cao, mệt mỏi, sút cân, sưng thành đám cứng, chảy máu, có dấu hiệu nhiễm trùng cần đi thăm khám bác sĩ để điều trị kịp thời, dứt điểm.


    Hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về bệnh lở miệng. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những thắc mắc về bệnh lở miệng, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ chuyên khoa trên docosan.com.