Rối loạn lo âu toàn thể: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Rối loạn lo âu toàn thể là một rối loạn tâm thần thường gặp, với triệu chứng điển hình là người bệnh luôn thường trực những lo âu, căng thẳng. Nỗi lo âu có thể diễn ra hằng ngày và kéo dài trên 6 tháng nhưng nhiều người bệnh vẫn nhầm lẫn với những lo lắng thông thường. Bài viết của Docosan sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về rối loạn lo âu toàn thể.

Rối loạn lo âu toàn thể là gì?

Rối loạn lo âu toàn thể (hay còn gọi là GAD) làm người bệnh thường có tâm trạng lo âu đến mức không kiểm soát được về những tình huống, sự việc bình thường xảy ra hằng ngày. Những lo lắng này có thể kéo dài trong một khoảng thời gian dài từ 6 tháng trở lên và khác với cảm giác lo lắng bình thường.

Chẳng hạn như ai cũng có những lúc lo nghĩ về công việc, cuôc sống, tài chính và tình cảm của mình nhưng người mắc chứng rối loạn lo âu toàn thể sẽ lo lắng một cách thiếu kiểm soát và nhiều nhiều lần trong ngày. Họ lo lắng ngay cả khi không có lý do chính đáng và cũng thường nhận ra sự lo lắng của mình là vô lý.

Cũng có đôi khi những người bệnh chỉ có cảm giác lo lắng, bồn chồn, bất an mà không rõ mình lo về việc gì, không xác định được nguồn gốc của cảm giác lo lắng. Người bệnh cứ có cảm giác bất an, nghĩ rằng có chuyện không tốt sắp xảy ra và không thể giữ bình tĩnh.

Ở người bị rối loạn lo âu toàn thể, sự lo lắng này thường quá mức so với mức độ và vượt khỏi kiểm soát. Nỗi lo lắng luôn thường trực khiến người bệnh dành nhiều thời gian để suy nghĩ, có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ và hoạt động hằng ngày và khiến người bệnh xảy ra những trường hợp xấu như trầm cảm, tự sát.

Rối loạn lo âu xã hội
Rối loạn lo âu xã hội: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Nguyên nhân rối loạn lo âu toàn thể

Tương tự các dạng rối loạn lo âu khác, nguyên nhân chính xác gây rối loạn lo âu toàn thể vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên qua các nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng bệnh lý này có sự liên quan đến di truyền và môi trường sống.

Các nguyên nhân, yếu tố có thể gây ra chứng rối loạn lo âu toàn thể:

  • Di truyền (gen)
  • Gia đình có người thân mắc bệnh lo âu
  • Đặc điểm tính cách (hay lo âu, căng thẳng, nhạy cảm, sống khép kín, ít chia sẻ,…)
  • Môi trường (sinh sống trong điều kiện nghèo đói, luôn phải lo nghĩ về tài chính và có nhiều vấn đề, tuổi thơ ấu bị bạo hành, áp bức)
  • Sử dụng rượu bia và chất kích thích
  • Stress kéo dài

Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ có khả năng mắc rối loạn lo âu toàn thể cao gấp đôi so với nam giới. Ngoài ra ột số tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có liên quan đến tâm lý lo âu là: bệnh tim, phụ nữ tiền mãn kinh hay mãn kinh, rối loạn tuyến giáp, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Triệu chứng rối loạn lo âu toàn thể

Các dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu toàn thể bao gồm:

  • Thường xuyên lo lắng quá mức về những vấn đề trong cuộc sống. Người bệnh luôn nhìn nhận và đánh giá mọi việc theo chiều hướng tiêu cực, bi quan mặc dù trên thực tế, vấn đề đó không quá nghiêm trọng và khó giải quyết.
  • Do lo âu quá mức và kéo dài nên người bệnh thường gặp phải vấn đề như giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung và dễ gặp sai sót khi học tập, làm việc,…Về sau, người nhân thậm chí có những nỗi sợ mơ hồ mà không có nguyên nhân cụ thể.
  • Cơ thể người bệnh mệt mỏi, kiệt sức và tinh thần luôn căng thẳng, khó có thể thư giãn.
  • Tâm tính nhạy cảm, dễ cáu gắt, bực bội, khó ngủ và tâm lý thay đổi thất thường.
  • Đi kèm với các biểu hiện thực thể như đau nhức hốc mắt, đỏ bừng mặt, rối loạn giấc ngủ, đau thắt ngực, tim đập nhanh, hồi hộp, đau đầu, căng cơ, đau bụng, rối loạn tiêu hóa,…
Rối loạn lo âu xã hội
Rối loạn lo âu xã hội: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Chẩn đoán rối loạn lo âu toàn thể

Triệu chứng của rối loạn lo âu toàn thể tương đối điển hình. Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ thực hiện một số bước để đưa ra chẩn đoán xác định bệnh:

  • Khám sức khỏe tổng quát.
  • Khai thác kĩ các triệu chứng.
  • Khai thác tiền sử cá nhân và gia đình.
  • Các xét nghiệm chuyên sâu (xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm nồng độ hormone tuyến giáp,…).
  • Trắc nghiệm tâm lý.

Sau đó, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn DSM-5 để chẩn đoán xác định rối loạn lo âu toàn thể và các chứng bệnh tâm thần đi kèm.

Điều trị rối loạn lo âu toàn thể

Rối loạn lo âu toàn thể có thể chuyển biến nặng dần theo thời gian. Nếu không được điều trị sớm, bệnh lý này có thể gia tăng nguy cơ bị trầm cảm. gặp phải các dạng rối loạn lo âu khác và tự sát.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của chứng rối loạn lo âu toàn thể, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và điều trị. Điều trị rối loạn lo âu toàn thể bao gồm trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc và xây dựng lối sống lành mạnh.

Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý qua các buổi gặp mặt thường xuyên với một bác sĩ hay chuyên gia tâm thần về sức khỏe tâm thần. Mục tiêu của những buổi gặp này là lắng nghe người bệnh, mong muốn họ bộc lộc cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức. Qua đó, nhà trị liệu sẽ cố gắng thay đổi suy nghĩ và hành vi của người bệnh, ổn định cảm xúc, giảm bớt sự lo âu, căng thẳng và dần hình thành những thói quen tích cực.

Trị liệu tâm lý thường được áp dụng song song với điều trị bằng thuốc. Dùng thuốc có thể cải thiện các triệu chứng thể chất và tâm thần nhưng không tác động đến căn nguyên. Do đó, cần phải phối hợp giữa trị liệu tâm lý và dùng thuốc đối với bệnh nhân mắc rối loạn lo âu toàn thể.

Dùng thuốc kê toa

Dùng thuốc là một trong những phương pháp điều trị chính đối với bệnh rối loạn lo âu toàn thể. Thuốc được sử dụng nhằm cải thiện tâm trạng lo âu, căng thẳng, phiền muộn và làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Các loại thuốc được dùng để điều trị rối loạn lo âu toàn thể:

  • Các loại thuốc chống trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA), thuốc ức chế serotonin + norepinephrine (SNRIs), thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs),…
  • Thuốc giải lo âu như Benzodiazepine và non-Benzodiazepine
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc ức chế beta
  • Thuốc kháng histamin H1

Thuốc điều trị rối loạn lo âu toàn thể cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, đúng loại thuốc, đúng liều lượng và thời gian sử dụng. Bạn không được nên tự ý mua dùng dẫn đến sử dụng không đúng cách và lạm dụng thuốc.

Xây dựng lối sống lành mạnh

Lối sống lạnh mạnh có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe:

  • Cân bằng thời gian học tập, công việc và nghỉ ngơi với kế hoạch, thời gian biểu phù hợp. Tránh tình trạng học tập và làm việc quá mức dẫn đến stress, lo âu, căng thẳng.
  • Nên dành 30 phút mỗi ngày để thực hiện các bài tập có cường độ vừa phải như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga, bơi lội,…
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh tình trạng thức khuya và lo âu quá mức dẫn đến mất ngủ, khó ngủ.
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý với nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và axit béo lành mạnh. Hạn chế dùng món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, nhiều đường và nên hạn chế quá nhiều lượng đạm trong chế độ ăn.
  • Thực hiện các biện pháp giải tỏa căng thẳng, thư giãn như đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch, liệu pháp mùi hương, dành thời gian cho các hoạt động yêu thích (viết sách, vẽ tranh, chơi đùa cùng thú cưng,…).
Rối loạn lo âu xã hội
Rối loạn lo âu xã hội: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

Rối loạn lo âu toàn thể là chứng rối loạn tâm thần khá thường gặp. Cá nhân người bệnh cần chủ động đến gặp bác sĩ để được thăm khám sớm và điều trị để bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm thần. Ngoài ra, xây dụng lối sống lành mạnh và phát hiện sớm các vấn đề tâm lý là biện pháp hiệu quả giúp hạn chế các tác động xấu do rối loạn lo âu toàn thể mang lại.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.