Rối loạn lo âu trầm cảm: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Rối loạn lo âu trầm cảm là bệnh lý tâm thần nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến học tập, công việc và thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh đồng thời mắc cả hai dạng rối loạn tâm thần là lo âu và trầm cảm. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về rối loạn lo âu trầm cảm.

Rối loạn lo âu trầm cảm là gì?

Rối loạn lo âu trầm cảm là bệnh lý tâm thần thường gặp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Bệnh đặc trưng bởi 2 biểu hiện chính là lo âu và trầm cảm.

Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu làm người bệnh có cảm giác sợ hãi quá mức với các tình huống. Tuy nhiên, những nỗi sợ này lại không mang tính chất nguy hiểm trong thực tế, đôi khi nó còn trở nên rất vô lý. Sự sợ hãi, lo lắng kéo dài liên tục và lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày và sức khỏe của người bệnh. Rối loạn lo âu thường đi kèm với các bệnh lý tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra rối loạn tâm thần mãn tính và nếu không được sớm thăm khám cũng như điều trị kịp thời có thể gây trầm cảm, thậm chí khiến người bệnh có ý định tự sát.

Rối loạn lo âu trầm cảm
Rối loạn lo âu trầm cảm: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Trầm cảm

Trầm cảm là bệnh tâm thần nghiêm trọng ảnh hưởng một cách tiêu cực đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã, không có hứng thú với các hoạt động trong cuộc sống một thời gian dài, làm giảm khả năng học tập, làm việc hoặc đơn giản là khó khắn trong việc quyết định một vấn đề nào đó. Nếu chứng trầm cảm kéo dài và không được điều trị, người bệnh có thể không còn thiết tha với cuộc sống, dễ nảy sinh ý định tự tử.

Như vậy, rối loạn lo âu và trầm cảm là hai chứng bệnh khác nhau nhưng có thể cùng ảnh hưởng lên người bệnh, gây ra bệnh lý rối loạn lo âu trầm cảm. Người bệnh trầm cảm thường hay lo lắng và ngược lại, người bị rối loạn lo âu thường nảy sinh tâm lý chán nản.

Rối loạn lo âu trầm cảm
Rối loạn lo âu trầm cảm: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu và trầm cảm

Rối loạn lo âu và trầm cảm có thể gây ra do những nguyên nhân đặc trưng khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân gây rối loạn lo âu trầm cảm phổ biến bao gồm:

  • Di truyền: Nếu có người thân trong gia đình từng bị trầm cảm, bạn có thể có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu trầm cảm cao hơn người bình thường.
  • Các hoát chất chất hóa học trong não: gặp vấn đề, làm tăng hoặc giảm nồng độ bất thường gây ra rối loạn lo âu trầm cảm.
  • Có chấn thương tâm lý: biến cố có người thân qua đời hay đổ vỡ trong mối quan hệ tình cảm, công việc  gây căng thẳng nào kéo dài cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm. Ngoài ra, người bị lạm dụng tình dục hay thể xác, tinh thần, bốc lột sức lao động… cũng sẽ thúc đẩy quá trình hình thành rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm
  • Đặc điểm nhân cách có thể là tác nhân dẫn đến căn bệnh này. Những người quá nhạy cảm, khó tính, chi li, hoài nghi, tự ti, bi quan, … rất dễ mắc phải rối loạn lo âu trầm cảm.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Độ tuổi: Từ 15 – 30 tuổi, người ở độ tuổi này dễ mắc rối loạn lo âu, trầm cảm hơn người ở các độ tuổi khác.
  • Trầm cảm sau sinh: Phụ nữ sau sinh có nhiều thay đổi trong cơ thể, tâm lý cũng trở nên nhạy cảm hơn nên nhiều họ có xu hướng mắc phải chứng bệnh này.
  • Nghiện các loại chất kích thích: Lạm dụng thức uống có cồn và các loại thuốc có tính chất gây nghiện.
  • Một số bệnh lý của cơ thể chẳng hạn: đau nhức xương khớp, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống cùng một số vấn đề sức khỏe khác (ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch…) đều có nguy cơ khỏi phát rối loạn lo âu trầm cảm.

Triệu chứng rối loạn lo âu trầm cảm

Những dấu hiệu của trầm cảm lo âu là sự kết hợp triệu chứng của chứng rối loạn lo âu và căn bệnh trầm cảm:

Triệu chứng của rối loạn lo âu

  • Mệt mỏi, mất tập trung.
  • Sợ hãi, lo lắng quá mức và không thể kiểm soát với một việc hết sức bình thường.
  • Nghiến răng, căng cơ, tim đập nhanh, khó thở.
  • Khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình, uể oải khi thức dậy.
  • Khó chịu, bồn chồn, dễ cáu gắt.

Triệu chứng của trầm cảm

  • Buồn bã, chán nản hoặc bồn chồn, khó chịu, dễ cáu gắt.
  • Khó tập trung, suy giảm trí nhớ, thiếu quyết đoán trong công việc.
  • Mệt mỏi, uể oải kéo dài, thiếu sức sống, kém năng lượng
  • Cảm giác vô dụng, bất lực, tội lỗi
  • Khó ngủ, dễ thức giấc.
  • Có thể gây thèm ăn và cân nặng không kiểm soát.
  • Mất hứng thú với cuộc sống và không thể tìm thấy niềm vui trong những hoạt động yêu thích trước đây
  • Suy nghĩ tiêu cực, bi quan, u sầu, trống rỗng, tuyệt vọng làm lảy sinh ý định làm hại bản thân hay những người xung quanh.
Rối loạn lo âu trầm cảm
Rối loạn lo âu trầm cảm: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Chẩn đoán rối loạn lo âu trầm cảm

Các triệu chứng của rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm là sự kết hợp triệu chứng kể trên, trong đó, không có nhóm triệu chứng nào đủ nặng khi xem xét riêng biệt để đánh giá chẩn đoán nghiên hẳn về lo âu hay trầm cảm. Tuy nhiên, nếu tất cả triệu chứng của cả hai dạng rối loạn tâm thần này đều trở nên trầm trọng và phức tạp thì bác sĩ chuyên khoa sẽ ưu tiên điều trị căn bệnh trầm cảm.

Rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm có nguy hiểm không?

Khi mắc cả rối loạn lo âu lẫn trầm cảm, người bệnh thường phải đối mặt với các triệu chứng bệnh ở mức độ trầm trọng hơn. Tình trạng bệnh diễn biến khó lường hơn gây khó khăn cho việc điều trị. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống mà còn gây một loạt các bệnh lý khác như: Bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng do virus, vi khuẩn gây ra… Và nguy hiểm hơn hết là tăng nguy cơ tự tử ở bệnh nhân rối loạn lo âu trầm cảm.

Cách chữa rối loạn lo âu, trầm cảm

Phương pháp điều trị rối loạn lo âu trầm cảm, các bác sĩ sẽ phối hợp liệu pháp nhận thức hành vi, thuốc điều trị, xây dụng lối sống lành mạnh và có sự điều chỉnh cho phù hợp tình trạng của từng bệnh nhân.

Liệu pháp nhận thức hành vi

Các bác sĩ dùng liệu pháp này để định hướng người bệnh giúp suy nghĩ thực tế và giảm đi những suy nghĩ tiêu cực. Thực hiện phương pháp này trong một khoảng thời gian sẽ giúp cải thiện dần các triệu chứng và người bệnh vượt qua sự lo lắng và trầm cảm. Nguyên tắc của liệu pháp này là bệnh đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân, đưa ra hướng khắc phục và từ đó giảm dần nỗi sợ hãi.

Sử dụng thuốc điều trị

Bệnh rối loạn lo âu trậm cảm nhìn chung đáp ứng với điều trị bằng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine serotonin (SNRI).

Nếu việc sử dụng các loại thuốc SSRI hoặc SNRI không thể cải thiện được các triệu chứng, bác sĩ có thể cho bạn chuyển qua dùng các loại thuốc khác. Tuy nhiên, các loại thuốc khác sử dụng lâu dài lâu sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Chính vi vậy, bạn phải sử dụng thuốc điều trị rối loặ lo âu trầm cảm theo sự chỉ dẫn và theo dọi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

Xây dựng lối sống lành mạnh

Bên cạnh trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc, người mắc rối loạn lo âu trầm cảm nên áp dụng thêm một số biện pháp cải thiện để nâng cao sức khỏe thể chất và giữ tinh thần luôn lạc quan.

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh với những thực phẩm sạch, các loại rau xanh, củ quả, thịt, cá nhiều vitamin, khoáng chất. Hạn chế những món ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, các món ăn nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ.
  • Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, những bài đơn giản, nhẹ nhàng như chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, yoga, thiền,…(khoảng 30 phút mỗi ngày) để có được sức khỏe tốt, cân bằng cảm xúc, tâm lý ổn định.
  • Không lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, thuốc lá.
  • Ngủ đủ giấc, ngủ sớm để tinh thần được thoải mái.
  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/ lần.
Rối loạn lo âu trầm cảm
Rối loạn lo âu trầm cảm: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Tóm lại, rối loạn lo âu trầm cảm là bệnh lý tâm thần nghiêm trọng, cần được phát hiện, chẩn đoán và điều trị, tránh để lâu ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe và những sinh hoạt trong cuộc sống. Điều trị rối loạn lo âu trầm cảm có thể mất một khoảng thời gian dài và gặp nhiều khó khăn, bạn cần tuân thủ theo điều trị của bác sĩ để có kết quả tốt nhất.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.