Đau ruột thừa: triệu chứng viêm ruột thừa, chẩn đoán và điều trị

Bài viết được tổng hợp và chia sẻ bởi Bác sĩ YHDP Trần Hoàng Giang



Viêm ruột thừa (hay còn được biết đến dưới tình trạng đau ruột thừa) là bệnh cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

Viêm ruột thừa là gì?

Viêm ruột thừa là cấp cứu hay gặp nhất trong bệnh lý ngoại khoa bụng. Tại Mỹ 1% các trường hợp phẫu thuật là do viêm ruột thừa. Tại Việt Nam, theo PGS. Tôn Thất Bách và cộng sự, viêm ruột thừa chiếm 53,38% mổ cấp cứu do bệnh lý bụng tại bệnh viện Việt Đức.

Triệu chứng lâm sàng của viêm ruột thừa rất đa dạng thay đổi tuỳ theo từng bệnh nhân nên có thể nhầm với các bệnh khác, dễ dẫn đến chẩn đoán sai, muộn. Tuy nhiên hay gặp nhất trong đó 70% số trường hợp viêm ruột thừa cấp có bệnh cảnh lâm sàng điển hình. Đau ruột thừa ở bụng bên phải âm ỉ liên tục, không đau thành cơn, sốt từ 37,5 – 38 độ C và một số triệu chứng thực thể khác.

Khi phát hiện, bệnh nhân viêm ruột thừa cần được chẩn đoán nhờ xét nghiệm công thức máu, chụp X-Quang hay siêu âm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

Tần suất mắc bệnh cao nhất ở lứa tuổi 20 – 30. Điều trị viêm ruột thừa thường áp dụng mổ nội soi cắt ruột thừa hay mổ kinh điển chọn đường Mac-Burney để cắt ruột thừa. Bệnh hiếm gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, tăng dần và hay gặp nhất ở thanh niên, giảm dần theo tuổi nhưng không hiếm gặp ở người già. bệnh cấp cứu ngoại khoa thường gặp.

Nguyên nhân dẫn đến viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa gây ra do nhiễm khuẩn trong lòng ruột thừa bị bít tắc. Sự quá sản tổ chức lympho (60%) ở thành ruột thừa là nguyên nhân chính gây ra viêm ruột thừa, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như: sỏi phân chiếm 35% số ca, ký sinh trùng như giun đũa chui vào lòng ruột thừa hoặc dị vật hạt hoa quả… chiếm 4%, và khối u ruột thừa hoặc manh tràng (1%).

Sỏi phân là khối sỏi tiêu hoá được hình thành từ phân. Đó là tình trạng phân cứng lại thành các cục có kích thước khác nhau và có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong đường ruột nhưng thường thấy ở ruột kết. Sỏi phân thường hay xảy ra trong ruột thừa và đôi khi đồng thời với viêm ruột thừa

Các dấu hiệu của viêm ruột thừa

viem ruot thua cap
Triệu chứng của viêm ruột thừa

Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm ruột thừa : Đau bụng hố chậu phải, cũng có trường hợp bắt đầu đau ở thượng vị, quanh rốn sau đó mới khu trú ở hố chậu phải. Đau âm ỉ, liên tục và tăng dần. Ít khi đau thành cơn, nếu có giữa các cơn vẫn đau. Các triệu chứng này thường được biết đến như đau ruột thừa bên phải. Có triệu chứng nôn và buồn nôn, tiêu chảy táo bón nhưng có nhiều trường hợp bệnh nhân không có biểu hiện này.

Triệu chứng toàn thân: Sốt 37,5-38 độ C, nếu sốt cao hơn phải nghĩ đến các nguyên nhân khác. Có các hội chứng nhiễm khuẩn như hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn hay hơi thở hôi.

Triệu chứng thực thể: là những triệu chứng có thể phát hiện trong quá trình thăm khám đau ruột thừa:

  • Phản ứng vùng hố chậu phải: Triệu chứng có giá tri quyết định chẩn đoán, phải thăm khám, theo dõi nhiều lần, so sánh hai bên. Chú ý ở những bệnh nhân già, béo, chửa đẻ nhiều lần thành bụng yếu nên dấu hiệu này khó phát hiện.
  • Điểm đau khu trú tại ba điểm:
    • Điểm Mac-Burney: điểm giữa đường nối gai chậu trước trên đến rốn
    • Điểm Clado: là nơi gặp của đường liên gai chậu trước trên và bờ ngoài cơ thẳng to phải. Điểm đau trên mào chậu phải: gặp ở viêm ruột thừa sau manh tràng.
    • Điểm Lanz: nơi nối giữa ⅓ phải và ⅔ trái đường liên gai chậu trước trên.

Ngoài ra, một số dấu hiệu có giá trị bổ sung trong chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa đó chính là (1) bệnh nhân đau khi thầy thuốc bỏ tay đột ngột khi đang đè ở hố chậu phải và (2) bệnh nhân đau bên phải khi đẩy dồn hơi trong đại tràng từ bên trái sang bằng cách chèn ép vào vùng hố chậu trái.

Các phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa

Xét nghiệm công thức máu: bạch cầu tăng trên 10000/mm3 chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính. Tuy nhiên bạch cầu không tăng song song với mức độ tổn thương, nếu ở người già số lượng bạch cầu có thể hoàn toàn bình thường.

Xét nghiệm công thức máu

Xquang: áp dụng kỹ thuật X-Quang chụp bụng không chuẩn bị không thấy dấu hiệu gì đặc biệt. Riêng ở trẻ nhũ nhi phát hiện viên ruột thừa bằng chụp Xquang bụng không chuẩn bị thấy hình ảnh mức nước hơi tập trung ở vùng hố chậu phải.

Siêu âm: có thể thấy ruột thừa to, có dịch quanh ruột thừa. Siêu âm có giá trị vì phát hiện ruột thừa viêm có độ nhạy lên đến 98,5%, độ đặc hiệu 98,2%, giá trị tiên đoán dương tính 98%. Ngoài ra cũng rất có giá trị để chẩn đoán các bệnh khác gây đau vùng hố chậu phải, nhất là bệnh lý phụ khoa và tiết niệu.

*Lưu ý phân biệt với bệnh khác: Chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác trong ổ bụng như thủng loét dạ dày-tá tràng, viêm tuỵ cấp, lồng ruột cấp ở trẻ em, ở phụ nữ chẩn đoán phân biệt với viêm phần phụ, chửa ngoài tử cung vỡ, vỡ nang hoàng thể,…, cơn đau quặn thận, viêm cơ đái chậu bên phải,… một số trường hợp phân biệt với viêm thuỳ dưới phổi phải hoặc sốt virus ở trẻ em có thể gây đau vùng hố chậu phải.

Bệnh viêm ruột thừa nguy hiểm như thế nào?

Viêm ruột thừa ở trẻ em

Viêm ruột thừa ở trẻ 2-5 tuổi khai thác bệnh sử vẫn còn khó khăn nên cần thăm khám kỹ, các triệu chứng có thể không điển hình, sốt, quấy khóc, ỉa chảy, co chân bên phải gập vào bụng là những triệu chứng có thể có của viêm ruột thừa. Bụng trướng hay gặp. Với bác sĩ có kinh nghiệm, thăm trực tràng nhẹ nhàng có giá trị chẩn đoán vì nếu thô bạo trẻ sẽ đau đớn mà mất hết mọi giá trị.

viem ruot thua o tre em
Viêm ruột thừa ở trẻ em

Viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai

Rất ít khi xảy ra nhưng khó phát hiện, chẩn đoán hơn đối với với người phụ nữ bình thường. Bệnh thường có diễn biến xấu, nhanh với các biến chứng như thủng và viêm màng bụng ruột thừa, sảy thai, đẻ non.

6 tháng đầu thai kỳ triệu chứng không có nhiều khác biệt so với phụ nữ bình thường. Ở giai đoạn 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai, hiện tượng nôn nhiều do viêm ruột thừa dễ gây nhầm lẫn với rối loạn ốm nghén. Khi đau vùng chậu, có thể do tư thế phát triển bất thường của thai hoặc viêm bể thận, giãn khớp và gây đau.

3 tháng cuối thai kỳ tử cung to và đẩy manh tràng lên cao và xoay ra ngoài, điểm đau dâng cao hơn và lệch ra thắt lưng. Do ảnh hưởng nội tiết tố gây giữ nước nên phản ứng thành bụng giảm nhạy cảm, khi thăm khám cần chú ý.

  • Đặt tư thế bệnh nhân nằm nghiêng bên trái, hai chân hơi co để tử cung rời xa vùng ruột thừa giúp kiểm tra hố chậu phải dễ dàng hơn.
  • Bệnh nhân nằm ngửa, đẩy tử cung bên trái sẽ gây đau ở hố chậu phải.

Lưu ý viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai rất nhanh chóng dẫn đến hoại thư vì vậy chẩn đoán đúng và có chỉ định mổ sớm trước khi hoại thư để bảo vệ tính mạng mẹ và thai nhi.

Viêm ruột thừa ở người cao tuổi

Người cao tuổi ít khi gặp phải bệnh viêm ruột thừa. Tuy nhiên, trường hợp này phát hiện, chẩn đoán hơi khó và xử trí can thiệp phẫu thuật thường muộn. Do đó, theo các nhà khoa học, viêm ruột thừa ở người cao tuổi có tỉ lệ tử vong cao hơn từ 8 – 16 lần so với người còn ít tuổi.

Thực tế thường gặp hai thể bệnh trên lâm sàng là (1) thể tắc ruột có kèm sốt không rõ nguyên nhân và (2) thể khối u có thể nắn thấy ở vùng hố chậu phải hoặc thăm khám trực tràng phát hiện, mổ ra thấy ruột thừa có hình chùy. Ở người cao tuổi, viêm ruột thừa thường kết hợp với nhiều bệnh khác như: phổi, tim, nội tiết… nên cũng đã góp phần làm tăng tỉ lệ tử vong.

Viêm ruột thừa theo thể tiến triển

Viêm ruột thừa thể nhiễm độc: hay gặp ở trẻ em hoặc người khoẻ mạnh.

Viêm ruột thừa thể tắc ruột: hay gặp ở người già, bệnh tiến triển chậm, bệnh nhân có đau bụng kèm theo sốt, Xquang thấy có bóng hơi, mức nước hơi ở hố chậu phải hoặc tiểu khung.

Viêm ruột thừa do ký sinh trùng: hay gặp ở trẻ em do giun đũa, đau bụng dữ dội, thường sau tẩy giun không đủ liều. Không sốt hay sốt nhẹ, khám vùng hố chậu phải thấy đau, phản ứng nhẹ khi mổ có thể thấy ruột thừa ngọ nguậy, nắn ngoài cứng, có thể ở đầu ruột thừa hoại tử có giun thò ra.

Viêm ruột thừa do lao: trên bệnh nhân đã biết đang bị lao hoặc không biết. Bệnh diễn biến chậm, đau và phản ứng hố chậu phải không rõ rệt.

Viêm ruột thừa thể lâm sàng vị trí

Viêm ruột thừa sau manh tràng: đau lan ra sau, vùng hố chậu phải đau không rõ. Có khi chân phải co lại do kích thích cơ đái chậu. Nắn điểm trên mào chậu bệnh nhân đau chói.

Viêm ruột thừa tiểu khung: thường có dấu hiệu về tiết niệu như đái dắt, đái buốt. Điểm đau lệch xuống thấp ở hố chậu phải. Thăm khám trực tràng hay âm đạo rất quan trọng để chẩn đoán.

Viêm ruột thừa dưới gan: do ruột thừa quay chưa hết, manh tràng nằm ngay dưới gan. Rất dễ nhầm với viêm túi mật vì có sốt, đau vùng dưới sườn phải. Siêu âm thấy túi mật, đường mật chính bình thường là phương tiện chẩn đoán rất tốt.

Viêm ruột thừa bên trái: ở người bị đảo ngược phủ tạng. Đảo ngược phủ tạng là tình trạng bẩm sinh trong đó các cơ quan nội tạng trong ngực, bụng đảo ngược phản chiếu theo mặt phẳng đứng dọc so với vị trí bình thường.

Viêm ruột thừa trong bao thoát vị: tránh nhầm với thoát vị nghẹt.

Viêm ruột thừa nguy hiểm như thế nào?

Viêm ruột thừa cấp cần được điều trị nhanh chóng và triệt để. Nếu không được mổ sẽ dẫn tới:

  • Viêm phúc mạc toàn bộ: Do ruột thừa vỡ chảy vào ổ bụng. Lâm sàng thể hiện: Hội chứng nhiễm trùng toàn thân tiến triển nặng. Tại chỗ, bệnh nhân đau khắp ổ bụng, bí trung đại tiện, chướng bụng do liệt ruột, phản ứng thành bụng lan rộng khắp ổ bụng.
  • Áp xe ruột thừa: Ruột thừa bị vỡ nhưng được mạc nối, các quai ruột bao bọc xung quanh làm hàng rào khu trú vùng viêm không lan ra ổ bụng. Lâm sàng thể hiện bệnh nhân vẫn đau hố chậu phải và sốt cao. Khám hố chậu phải có một khối không di động mặt nhẵn ấn căng đau. Xét nghiệm bạch cầu tăng cao. Áp xe ruột thừa có thể vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc thì 2.

Đám quánh ruột thừa: Do sức đề kháng tốt, các quai ruột và mạc nối đến bao bọc kín ruột thừa, ngăn cản sự tiến triển. Lâm sàng thể hiện: Đau và sốt giảm, hố chậu phải có khối chắc, không di động ấn đau nhẹ, không có phản ứng thành bụng. Bạch cầu giảm dần trở lại bình thường. Đám quánh cũng có thể tiến triển theo hai hướng hoặc tan dần hoặc tạo áp xe ruột thừa.

Cách điều trị viêm ruột thừa

Hình ảnh viêm ruột thừa

Với viêm ruột thừa đến sớm trong vòng 24h, mổ nội soi cắt ruột thừa hay mổ kinh điển chọn đường Mac-Burney để cắt ruột thừa.

Khi chẩn đoán viêm phúc mạc do viêm ruột thừa đường mổ cần phải đủ rộng để cắt ruột thừa, lau rạch và kiểm tra ổ bụng.

Áp xe ruột thừa: khi áp xe đã hình thành, trích dẫn lưu ổ mủ, ruột thừa sẽ cắt sau 3-6 tháng, với áp xe ruột thừa trong ổ bụng thì mổ loại bỏ ổ áo xe và cắt ruột thừa ngay.

Đám quánh ruột thừa: Duy nhất trường hợp đám quánh ruột thừa không mổ mà điều trị tích cực và theo dõi, nếu tiến triển thành áp xe ruột thừa thì sẽ xử lý như áp xe, nếu đám quánh ruột thừa giảm rồi hết sẽ mổ cắt ruột thừa sau 3-4 tháng.

Sau phẫu thuật viêm ruột thừa cấp, bệnh nhân cần tái khám sau khoảng 2 tuần kể từ khi xuất viện. Người bệnh nên sắp xếp tái khám đúng thời điểm để được thăm khám và hỗ trợ tốt nhất.

Bác sĩ điều trị viêm ruột thừa

BSCKII. Lê Kim Sang đã có hơn 30 năm kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực nội soi và nội tiêu hóa.

ThS. BS. Trần Quang Đại tốt nghiệp trường Đại học Y Dược TP HCM và đã có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị Ngoại tổng hợp.

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare là một trong những trung tâm khám bệnh chất lượng cao và đáng tin cậy tại TP. HCM.

Khi phát hiện những triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa hay đau ruột thừa, bệnh nhân hoặc người nhà cần tìm đến các phòng khám hay bác sĩ chuyên khoa ngoại hoặc tiêu hoá.

Đọc thêm: Đau ruột thừa bên nào? Nhận biết đau ruột thừa.


Nguồn tham khảo: Mayorclinic.org