Viêm đại tràng mãn tính: nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Viêm đại tràng mãn tính là một bệnh lý ruột già thường gặp ở nước ta, đặc biệt ở những người cao tuổi. Hiện nay căn bệnh này vẫn còn là một thách thức y khoa khi khó điều trị dứt điểm, dễ tái phát và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, tạo gánh nặng tâm lý cho người bệnh. Hãy cùng Docosan Team tìm hiểu về khái niệm, nguyên nhân, dấu hiệu, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh lý viêm đại tràng mãn tính trong bài viết dưới đây nhé!

viem-dai-trang-man-tinh
Đau bụng và thay đổi thói quen đi tiêu là những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm đại tràng mãn tính

Viêm đại tràng mãn tính là gì

Viêm đại tràng mãn tính là một bệnh lý xảy ra nhiều ở người cao tuổi, là một trong những bệnh lý viêm ruột thường gặp nhất của nước ta. Bệnh thường xảy ra sau một đợt nhiễm trùng có thể là vi khuẩn hay kí sinh trùng. Bệnh diễn ra theo từng đợt, tiến triển, về lâu dài để lại những tổn thương khó hồi phục. Phản ứng viêm kết hợp loạn dưỡng sẽ làm thay đổi hình thái, cấu trúc của niêm mạc đại tràng đồng thời dẫn đến các rối loạn chức năng xuất tiết, co bóp, hấp thu và tái hấp thu của đại tràng.

Bệnh được biểu hiện bằng các dạng tổn thương như phản ứng viêm làm sưng tấy niêm mạc, phù nề, tổn thương dạng thâm nhiễm limphoxyt và plasmocyt, ngoài ra một số trường hợp ghi nhận hiện tượng teo đét niêm mạc; tổn thương tại các mao mạch.

Nguyên nhân viêm đại tràng mãn tính

Viêm đại tràng mãn tính bắt nguồn từ tình trạng viêm đại tràng cấp tính nhưng không được điều trị dứt điểm hoặc bệnh nhân tự mua thuốc điều trị mà, tổn thương không được hồi phục tạo thành viêm đại tràng mãn tính.

Hầu hết tác nhân gây bệnh viêm đại tràng mãn tính là nhóm ký sinh trùng như lỵ amíp (Entamoeba histolitica), Giardia, nấm Candida hoặc một sộ vi khuẩn thường gặp như lỵ trực khuẩn (Shigella), E.coli, Salmonella, M. tuberculosis hoặc do polyp đại tràng… Bệnh lỵ cấp nếu không được chẩ đoán và điều trị đúng cách, ký sinh trùng amip sẽ hình thành các kén ở dưới niêm mạc đại tràng và gây bệnh viêm đại tràng mãn tính.

Viêm đại tràng mãn tính do vi khuẩn lao có thể gặp ở một số bệnh nhân bị lao phổi đang được điều trị hoặc thứ phát sau khi điều trị lao phổi. Một số nghiên cứu cho thấy 50% số bệnh nhân mắc bệnh lao ruột cho hình ảnh tổn thương kiểu lao phổi khi chụp X-quang phổi.

viem-dai-trang-man-tinh
Viêm đại tràng mãn tính do vi khuẩn lao

Viêm đại tràng mãn tính có thể gặp trên cơ địa dị ứng, đặc biệt là các trường hợp dị ứng thức ăn hoặc bệnh lý viêm đại tràng tự miễn, sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài gây mất cân bằng của hệ vi khuẩn thường trú tại ruột. Viêm đại tràng tự miễn thường biểu hiện băng phản ứng viêm, loét không đặc hiệu (gặp trong nhiều bệnh lý khác) giống như viêm đại tràng mãn tính do kí sinh trùng hay vi khuẩn.

Một số nguyên nhân khác gây viêm đại tràng mãn tính là do rối loạn hệ thần kinh thực vật, ngộ độc thuốc dùng điều trị các bệnh lý khác như thyroxin (sử dụng trong điều trị bướu cổ) hoặc urê máu tăng cao liên tục và có thể do xạ trị vùng chậu.

Dấu hiệu viêm đại tràng mãn tính

Đau bụng kéo dài không thuyên giảm: người bệnh thường xuất hiện triệu chứng đau vị trí chạy dọc theo khung đại tràng, nửa khung đại tràng bên trái và lan xuống hai hố chậu hai bên. Đau diễn ra từng cơn, đau quặn bụng thường xuyên, ngoài ra còn có thể đau âm ỉ, cơn đau có xu hướng thuyên giảm sau khi đi tiêu.

Đặc biệt, bệnh viêm đại tràng mãn tính sẽ làm người bệnh cảm thấy bụng căng chướng, cảm giác căng tức khó chịu thường khu trú dọc theo khung đại tràng.

Thay đổi tính chất phân: viêm đại tràng mãn tính có những biểu hiện rõ ràng trong thay đổi tính chất phân, sự thay đổi rất đa dạng, thường gặp tiêu phân lỏng, nhiều lần trong ngày do sự tăng nhu động ruột, ruột co bóp nhiều hơn bình thường. Đồng thời cảm giác căng chướng bụng cũng làm người bệnh mắc đi tiêu nhiều hơn bình thường. Một số trường hợp ghi nhận tình trạng táo bón, mót rặn, tiêu phân đen, phân có máu, phân nhầy nhớt.

Cảm giác mệt mỏi, suy nhược, sa sút tinh thần: viêm đại tràng mãn tính là bệnh lý xảy ra tại đường tiêu hóa gây những ảnh hưởng trực tiếp đến cấu tạo và chức năng của hệ tiêu hóa đó là hấp thu các chất dinh dưỡng do đó khi tổn thương xảy ra sẽ khiến người bệnh biểu hiện các triệu chứng như suy nhược, mệt mỏi, sa sút tinh thần. Bệnh nhân có thể sẽ miêu tả cảm giác chán ăn, ăn uống kém không ngon miệng, mệt mỏi, đầy bụng, căng trướng bụng, suy giảm trí nhớ, ngủ không ngon giấc,… Từ đó tổng trạng của bệnh nhân sẽ suy kiệt dần.

Phòng khám điều trị viêm đại tràng mãn tính

Chẩn đoán viêm đại tràng mãn tính

Một số phương pháp cận lâm sàng thường được sử dụng để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng mãn tính:

  • Chụp đại tràng có thuốc cản quang sau khi hoàn thành thụt tháo cho bệnh nhân
  • Nội soi ngã trực tràng
  • Một số trường hợp có thể cần làm sinh thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân
  • Soi phân hoặc sinh thiết để tìm vi khuẩn lao nhuộm Ziehl Neelsen hoặc làm xét nghiệm sinh học phân tử PCR
  • Soi tìm bạch cầu hồng cầu trong phân

Điều trị viêm đại tràng mãn tính

Việc điều trị viêm đại tràng mãn tính sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị dứt điểm vẫn còn là một thách thức, bệnh còn có nguy cơ tái phát cao. Nguyên tắc chung là sử dụng các biện pháp nội khoa (dùng thuốc) kết hợp ngoại khoa (do u, polyp) đồng thời xây dựng một chế độ, lối sống lành mạnh, phù hợp để có thể ngăn ngừa các bệnh lý đường tiêu hóa khác đặc biệt là các bệnh cấp tính như viêm ruột cấp do nó có thể khởi phát lại bệnh lý viêm đại tràng.

Một số lời khuyên về dinh dưỡng bạn cần biết đó là nên bổ sung vào thực đơn các thực phẩm tốt cho đại tràng và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi các tổn thương tại ruột như sữa đậu nành, gạo, khoai tây, cá; nên ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây, củ quả có hàm lượng chất xơ cao, chuối, đu đủ để bổ sung Kali..

Hạn chế các thức ăn có hại cho hệ tiêu hóa như sử dụng nhiều rượu bia, thịt mỡ, thức ăn sống, chưa được chế biến kĩ càng.

Viêm đại tràng mãn tính là xảy ra tức là bệnh đã chuyển sang giai đoạn gặp nhiều khó khăn trong công tác điều trị. Do đó người bệnh cần tuân thủ gắt gao, kiên trì liệu trình điều trị của bác sĩ ngay từ những đợt bệnh đầu tiên. Bên cạnh đó cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng, xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu chứng viêm đại tràng mãn tính tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.