Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ: Chẩn đoán và điều trị

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là bệnh lý đường tiêu hóa. Tuy không thường gặp nhưng lại là bệnh nguy hiểm nếu để sót và không điều trị sẽ có nguy cơ dẫn đến thủng ruột và viêm phúc mạc, gây đe dọa tính mạng người bệnh. Sau đây hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ qua bài viết dưới đây.

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là gì?

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu đến đại tràng bị giảm, không cung cấp đủ máu gây thiếu oxy cho mô, tế bào thường là do các cục máu đông từ vị trí khác trong cơ thể theo máu đến gây hẹp hoặc tắc các mạch máu nuôi đại tràng hoặc do bệnh lý viêm nhiễm của đoạn ruột già hoặc tình trạng xơ vữa mạch máu tại chỗ gây giảm lưu lượng máu đột ngột.

viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ: Chẩn đoán và điều trị

Bệnh thường biểu hiện các triệu chứng như đau và có thể gây tổn thương tại đại tràng, thường xảy ra trong bối cảnh cấp tính, tiến triển nhanh, chiếm trên 80% trong tổng số các trường hợp.

Khi đại tràng không được cung cấp đủ máu, nhu cầu oxy mô không được đảm bảo, nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, nguy hiểm nhất là hoại tử đại tràng cần phải cắt bỏ hoặc loét, thủng đại tràng gây chảy máu dai dẳng; viêm ruột (viêm loét đại tràng từng đoạn); tắc ruột (thiếu máu cục bộ)… Một số hiếm các trường hợp, bệnh nhân có thể không còn triệu chứng sau vài ngày và phục hồi dần, từ lành trong khoảng 2 tuần. 

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ có thể bị ở bất cứ đoạn nào của đại tràng nhưng bệnh thường bị ở phần bên trái, dưới rốn nhiều nhất.

Nguyên nhân gây viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Nguyên nhân gây ra tình trạng giảm lưu lượng máu đến đại tràng không phải lúc nào cũng nhận biết được. Tuy nhiên các nguyên nhân thường gặp sau có thể gây ra viêm đại tràng thiếu máu cục bộ:

  • Tích tụ các chất béo trên thành động mạch – xơ vữa động mạch nuôi dưỡng đại tràng, mảng xơ vữa lớn dần gây hẹp lòng mạch và giảm lưu lượng máu đến ruột già.
  • Một cục máu đông trong động mạch cấp máu cho đại tràng hoặc ít phổ biến hơn là trong tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch).
  • Tắc ruột do thoát vị bẹn nghẹt hoặc do u phân, do mô sẹo cũ hay do khối u, xoắn ruột, cũng có thể là nguyên nhân của bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ vì khi đó các mạch máu nuôi dưỡng đại tràng bị chèn ép.
  • Phẫu thuật liên quan đến tim hay mạch máu, hoặc hệ tiêu hóa hay sản phụ khoa.
  • Các tình trạng y tế khác ảnh hưởng đến máu như viêm mạch máu, lupus ban đỏ hoặc hồng cầu hình liềm.
  • Sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích như cocaine hoặc methamphetamine, heroin, rượu bia, thuốc lá.
  • Ung thư đại tràng
  • Huyết khối hình thành từ các vị trí khác trong cơ thể do hẹp van hai lá, rung nhĩ, viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim, huyết khối tĩnh mạch, … theo hệ tuần hoàn trong cơ thể đến làm tắc nghẽn các nhánh động mạch chịu trách nhiệm dinh dưỡng cho ruột già.
  • Một số bệnh lý toàn thân có thể gây tắc mạch máu nhỏ, bao gồm viêm khớp dạng thấp, bệnh lý xơ cứng bì, bệnh lý tăng đông máu, viêm mạch máu …
  • Giảm lưu lượng tuần hoàn trong cơ thể, huyết áp thấp liên quan với các bệnh như suy tim, phẫu thuật lớn, chấn thương hay sốc nhiễm trùng, xuất huyết nặng, sốc phản vệ, suy tim nặng. Khi đó cơ thể sẽ tập trung máu nuôi dưỡng cho các cơ quan thiết yếu như não, tim, thận và đồng thời co mạch ngoại vi cũng như những vị trí khác trong cơ thể.
viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ: Chẩn đoán và điều trị
  • Lạm dụng thuốc: một số nhóm thuốc được chứng minh có ảnh hưởng làm suy giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng gây bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ nếu sử dụng kéo dài một cách không hợp lý như: kháng sinh, nhóm các thuốc lợi tiểu, kháng viêm không steroid, thuốc an thần, thuốc điều trị bệnh tim mạch hay bệnh Migraine, các thuốc nội tiết tố như estrogen ngoại sinh, một số thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích, thuốc hóa trị.

Chẩn đoán viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Các triệu chứng và dấu hiệu người bệnh có thể gặp trên lâm sàng bao gồm:

  • Đau, căng tức vùng bụng, đau quanh rốn nếu có biến chứng viêm phúc mạc có hoặc không có thủng ruột kèm theo.
  • Đau khởi phát đột ngột hoặc từ từ, từng cơn và có xu hướng nặng dần nếu không được can thiệp điều trị kịp thời
  • Tiêu phân lẫn máu, đôi khi, tiêu máu không kèm phân.
  • Cảm thấy sôi bụng.
  • Tiêu chảy phân lỏng, có máu màu đỏ tươi hoặc nâu đỏ
  • Táo bón.
  • Buồn nôn, nôn mửa kéo dài
viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ: Chẩn đoán và điều trị

Khi các triệu chứng xuất hiện ở bụng phải, điều đó có thể có nghĩa là bệnh đã tiến triển tới biến chứng nặng nề hơn. Do các động mạch cấp máu cho đại tràng bên phải cũng cấp máu cho một phần ruột non, do đó phần đại tràng có thể bị nặng hơn do nhận ít máu hơn nữa.

Ngoài ra khi lưu lượng máu đến nuôi ruột non bị chặn, sẽ nhanh chóng dẫn đến hoại tử mô ruột – là một tình trạng đe dọa tính mạng, và nếu xảy ra, cần phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn và phần ruột bị tổn thương ngay.

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng thì bác sĩ còn cần sự hỗ trợ của một số xét nghiệm cận lâm sàng sau:

  • Siêu âm bụng và chụp cắt lớp (CT scan) để loại trừ các bệnh lý khác như hội chứng ruột kích thích.
  • Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn
  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu cung cấp thông tin về mạch máu cấp máu cho ruột non và đại tràng.
  • Nội soi đại tràng giúp chẩn đoán bệnh, tầm soát ung thư và đánh giá hiệu quả điều trị.

Điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Cách điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, và các đặc điểm liên quan tới bệnh nhân như: tuổi, giới, nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát.

Điều trị nội khoa

Đối với các trường hợp bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ nhẹ, các dấu hiệu và triệu chứng bệnh thường giảm dần trong 2-3 ngày. Bác sĩ có thể kê toa một số thuốc sau:

  • Kháng sinh: để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Truyền dịch đường tĩnh mạch, nếu bạn có dấu hiệu mất nước.
  • Giải quyết các bệnh lý tiềm ẩn. Như suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim.
  • Tránh các thuốc có khả năng làm co thắt mạch máu. Như thuốc điều trị Migraine, hay thuốc nội tiết tố, thuốc điều trị bệnh tim mạch.
  • Thuốc giảm đau kháng viêm giúp điều trị triệu chứng đau.
  • Thuốc khác dùng để điều trị nguyên nhân cũng được sử dụng cho người bệnh như thuốc làm tan huyết khối, tăng sức bền thành mạch, …

Ngoại khoa

Mặc dù hầu hết các trường hợp tự khỏi, nhưng với những ca nặng với các triệu chứng nghiêm trọng hoặc đại tràng bị tổn thường, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để:

viêm đại tràng thiếu máu cục bộ
Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ: Chẩn đoán và điều trị
  • Loại bỏ mô chết, mô hoại tử
  • Sửa các lỗ loét trên đại tràng, khâu nối nếu có biến chứng thủng đại tràng.
  • Loại bỏ tác nhân gây tắc nghẽn mạch máu.
  • Loại bỏ phần ruột bị hẹp do sẹo và tắc nghẽn.

Những trường hợp này tiên lượng thường nặng hơn, bệnh nhân cần nhập viện theo dõi và điều trị trong khoảng thời gian dài hơn.

Việc điều trị nội khoa và ngoại khoa thường được bác sĩ dùng phối hợp cùng nhau trên thực hành lâm sàng nhằm giúp người bệnh khỏe lại nhanh chóng hơn. Sau khi kết thúc điều trị, người bệnh lưu ý tái khám thường xuyên theo lịch hẹn hoặc tái khám ngay nếu thấy có triệu chứng nguy hiểm, thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt hợp lý, không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi cũng như dự phòng bệnh có thể quay trở lại bất cứ khi nào.

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu đến đại tràng bị giảm, không cung cấp đủ máu gây thiếu oxy cho mô, tế bào dẫn đến hoại tử. Việc điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, và các đặc điểm liên quan tới bệnh nhân như: tuổi, giới, nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát. Có thể áp dụng phương pháp điều trị nội ngoại khoa kết hợp để đạt được kết quả điều trị hiệu quả nhất.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.