Bệnh nhân bị viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không?

Viêm ruột thừa cấp là cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất, nếu phát hiện sớm bệnh có thể chỉ ở mức độ nhẹ. Vậy viêm ruột thừa nhẹ có cần phải mổ không, hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Viêm ruột thừa nguy hiểm như thế nào?

Mặc dù là một bệnh lý ngoại khoa rất phổ biến và có lẽ ai cũng từng nghe qua “viêm ruột thừa” ít nhất một lần trong đời, không phải ai cũng biết rõ về ruột thừa. Ngày trước người ta cho rằng ruột thừa là một cơ quan bị thoái hoá qua quá trình tiến hoá của con người hoặc không có chức năng rõ ràng. Mãi đến những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã chứng minh ruột thừa có chức năng là một cơ quan miễn dịch.

Các tế bào đài trong lòng ruột thừa tiết ra một lớp kháng khuẩn giúp bảo vệ niêm mạc ruột khỏi một số vi khuẩn, trong khi các tế bào ở nang bạch huyết ruột thừa tiết ra các kháng thể để kiểm soát vi khuẩn tại vùng và tiếp nhận các kháng nguyên trong đường tiêu hoá.

Ruột thừa rất dễ bị viêm do lòng ruột thừa nhỏ, dễ bị tắc, có thể do các nguyên nhân như sỏi phân, dị vật từ thức ăn, ký sinh trùng, khối u, thuốc cản quang sau chụp CT-scan đường tiêu hoá hay tăng sản xuất mô bạch huyết.

Tắc nghẽn lòng ruột thừa làm ứ đọng dịch, sung huyết, đồng thời vi khuẩn trong lòng ruột thừa tăng sinh nhiều hơn, sản sinh nhiều độc tố thậm chí trường hợp nặng có thể làm thủng ruột thừa.

Trong một số trường hợp khác viêm ruột thừa không do tắc nghẽn mà do loét, vết loét làm ruột thừa tăng tiết dịch, phù nề gây thiếu máu nuôi, hoại tử. Do đó, ruột thừa sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong (dù tỷ lệ rất thấp) nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Triệu chứng của viêm ruột thừa

Tự nhận biết sớm triệu chứng bệnh là rất quan trọng, hãy đến ngay cơ quan y tế gần nhất nếu bạn thấy mình gặp phải các tình trạng sau đây:

  • Đau bụng kiểu viêm ruột thừa:

Đau bụng là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và gặp trong hơn 95% trường hợp. Đau bụng trong viêm ruột thừa ban đầu thường khởi phát ở quanh rốn hoặc trên rốn, cơn đau âm ỉ và tăng lên theo thời gian. Sau 6-12 giờ, cơn đau di chuyển dần xuống vùng hố chậu phải. Đau tăng khi di chuyển hoặc dùng tay ấn vào vùng hố chậu phải. Bệnh nhân hạn chế di chuyển và đi lại do đau.

  • Rối loạn tiêu hoá:

Bệnh nhân thường chán ăn, ăn không ngon, cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói, đi ngoài phân lỏng. Các triệu chứng này thường nhẹ và cũng rất thường gặp.

  • Sốt trên 37,5 độ C:

Tình trạng viêm gây ảnh hưởng toàn thân, bệnh nhân thường sốt nhẹ đến 38 độ C trong giai đoạn sớm, nếu sốt cao trên 39 độ C có thể bệnh đã gây biến chứng. Một số trường hợp bệnh nhân có thân nhiệt bình thường, không sốt.

  • Môi khô, lưỡi dơ:

Chẩn đoán viêm ruột thừa dựa vào các triệu chứng kể trên và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng và CT-scan bụng cản quang. Nếu vào viện sớm, bệnh nhân viêm ruột thừa nhẹ có thể chưa có các triệu chứng rõ ràng, lúc này bác sĩ sẽ giữ lại theo dõi và thăm khám thường xuyên kết hợp các phương tiện cận lâm sàng cho đến khi chẩn đoán xác định hoặc loại trừ chẩn đoán.

Nếu vào viện trễ hoặc được chẩn đoán trễ, viêm ruột thừa nhẹ có thể diễn tiến đến các biến chứng gây gia tăng khả năng tử vong như:

  • Áp-xe ruột thừa: ruột thừa bị vỡ nhưng còn được mạc nối và các quai ruột bao bọc xung quanh nên trở thành ổ viêm khu trú, chưa lan ra ổ bụng. Bệnh nhân lúc này sốt cao, đau hố chậu phải nhiều hơn.
  • Viêm phúc mạc toàn thể: tiến triển nặng nề nhất của bệnh viêm ruột thừa, xảy ra khi ruột thừa vỡ vào ổ bụng, điều trị khó khăn và tỷ lệ tử vong cao. Nếu may mắn điều trị thành công, bệnh nhân vẫn có thể đối mặt với nguy cơ tắc ruột do dính sau mổ cả đời.

Viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không?

Hiện nay ở Việt Nam, viêm ruột thừa nói chung không phân biệt viêm ruột thừa nhẹ hay nặng mà vẫn xem phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị tối ưu, dù trên thế giới có nhiều trường phái khác. Bởi nếu điều trị nội khoa, viêm ruột thừa nhẹ khả năng cao không đáp ứng và có thể chuyển biến khó lường nếu bệnh nhân không được phẫu thuật ngay hay không theo dõi sát.

Mổ ngay khi còn viêm ruột thừa nhẹ giúp người bệnh tránh được rủi ro đáng tiếc và khả năng hồi phục nhanh hơn, khả năng biến chứng sau mổ thấp, tỷ lệ tử vong rất thấp chỉ khoảng 0,1%.

Đa số trường hợp bệnh nhân viêm ruột thừa sẽ được phẫu thuật nội soi, mổ nội soi ngày càng phổ biến và được ưu chuộng do có nhiều ưu điểm như bệnh nhân ít đau sau mổ hơn, khả năng hồi phục nhanh hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, vết sẹo nhỏ và mau lành, nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn so với mổ mở.

Thậm chí vài trường hợp mổ nội soi viêm ruột thừa có thể được cho về trong ngày nếu tình trạng sau mổ bệnh nhân ổn định.

Chỉ trong trường hợp ở một vài bệnh nhân có sức đề kháng tốt, viêm ruột thừa tiến triển thành đám quánh ruột thừa, đám quánh làm giảm và dập tắt tình trạng viêm ruột thừa. Vào thời điểm này mổ ruột thừa là không cần thiết vì tình trạng bệnh nhân đã ổn, mục tiêu là theo dõi tiếp diễn tiến của đám quánh và tái khám sau 6-12 tuần.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Bệnh nhân bị viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không?”. Hy vọng bài viết đã giúp bạn tìm được câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi này. Nếu phát hiện mình có triệu chứng viêm ruột thừa nhẹ hãy đến ngay bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS