Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể trong mọi tình huống sinh hoạt của người bệnh. Mặc dù tỷ lệ tử vong của suy tim đang cải thiện do có thuốc trị liệu mới và các thiết bị hỗ trợ tim nhưng suy tim hiện vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Docosan sẽ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim cho các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

Định nghĩa suy tim 

  • Theo Hội tim mạch châu Âu (ESC)

Suy tim là một hội chứng mà bệnh nhân phải có các đặc điểm sau: các triệu chứng cơ năng của suy tim (mệt, khó thở khi gắng sức hoặc nghỉ ngơi); các triệu chứng thực thể của tình trạng ứ dịch (sung huyết phổi hoặc phù ngoại vi); và các bằng chứng khách quan của tổn thương thực thể hoặc chức năng của tim lúc nghỉ.

  • Theo Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (ACC)

Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả của tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng của tim, dẫn đến tâm thất không đủ tiếp nhận máu đến (Suy tim tâm trương) hoặc tống máu đi (Suy tim tâm thu).

Nguyên nhân và các yếu tố thúc đẩy suy tim 

  • Bệnh cơ tim giãn nở 

Đây là tình trạng tăng khối tế bào cơ tim, dẫn đến giãn nở các buồng tim và giảm chức năng co bóp thất trái. Bệnh thường gặp ở người trẻ, chiếm khoảng 25% các trường hợp suy tim.

Suy tim do bệnh cơ tim giãn nở không kèm theo thiếu máu cục bộ cơ tim thường đáp ứng tốt với điều trị nội khoa và có tiên lượng tốt hơn suy do bệnh mạch vành.

  • Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ

Tình trạng bệnh lý gây ra do bệnh động mạch vành, với biểu hiện rối loạn vận động vùng cơ tim và giảm chức năng tâm thu thất trái. Đây là bệnh thường gặp nhất, chiếm đến 2 phần 3 trường hợp của suy tim. 

  • Bệnh cơ tim do đái tháo đường và tăng huyết áp 

Tăng huyết áp lâu ngày gây ra phì đại thất trái và thiếu máu cục bộ cơ tim mức độ vi mạch, Nếu có bệnh đái tháo đường cũng làm tăng khả năng mắc bệnh mạch vành và bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.

  • Bệnh cơ tim do di truyền hay bẩm sinh 

Các bệnh như: thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch … Chiếm khoảng 20-30% các trường hợp bệnh suy tim, có tính chất gia đình và sẽ tiên lượng xấu.

chan-doan-suy-tim
Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ hay nhồi màu cơ tim là nguyên nhân thường gặp của Suy tim
  • Các bệnh van tim 
    • Hở van hai lá, hở van động mạch chủ: các bệnh này lâu dài gây nên tình trạng quá tải về thể tích máu mạn tính và sau cùng gây suy tim tâm thu.
    • Hẹp van động mạch chủ và nghẽn đường ra thất trái cũng gây suy tim tâm thu.

Tại Việt Nam, bệnh van tim hậu thấp vẫn còn là một trong những nguyên nhân thường gặp của suy tim ở người trẻ < 40 tuổi.

  • Các rối loạn về chuyển hóa 
    • Cường giáp: thường gặp khi bệnh nhân có tình trạng rung nhĩ, hoặc loạn nhịp tim nhanh.
    • Suy giáp: thường gặp ở bệnh nhân mắc suy tim. Suy giáp nặng gây ra và giảm cung lượng tim và suy tim. 
    • Thiếu vitamin B1 (Bệnh Beriberi): có thể gặp ở những người có chế độ dinh dưỡng kém, uống rượu lâu năm. Dấu hiệu sớm của bệnh như: viêm lưỡi, vùng da cứng tăng sừng hóa và bệnh lý thần kinh ngoại biên.

Các yếu tố nguy cơ gây suy tim

  • Ăn mặn, nhiều muối Natri 
  • Không tuân thủ điều trị 
  • Nhồi máu cơ tim cấp 
  • Huyết áp cao 
  • Nhiễm trùng nặng 
  • Thuyên tắc phổi 
  • Thiếu máu 
  • Mang thai 
  • Do thuốc: kháng viêm, …

Tầm soát suy tim ở đâu?

Chẩn đoán suy tim như thế nào?

Nguyên tắc chẩn đoán suy tim 

Để chẩn đoán xác định suy tim, cần phải dựa vào 

  • Bệnh sử: triệu chứng cơ năng của suy tim, ví dụ như khó thở 
  • Các dấu hiệu thăm khám của suy tim 
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: siêu âm tim, X quang ngực, Điện tâm đồ, Định lượng BNP, NT-proBNP trong máu, …

Tùy thuộc và suy tim trái, suy tim phải hay suy tim toàn bộ mà triệu chứng của bệnh nhân có thể khác nhau. Vì thế, trước khi chỉ định thêm một số cận lâm sàng, bác sĩ sẽ chẩn đoán suy tim dựa trên triệu chứng như sau:

chan-doan-suy-tim
Triệu chứng lâm sàng của suy tim rất đa dạng

Chẩn đoán Suy tim trái 

  • Khó thở khi làm việc gắng sức 
  • Cơn hen tim và phù phổi cấp: gây ra bởi sự tăng đột ngột áp lực mao mạch phổi do suy tim trái cấp. Bệnh nhân sẽ khó thở dữ dội, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp.
  • Các triệu chứng khác gợi ý: mệt mỏi nhiều, ho khan, đau tức ngực, tiểu ít.

Chẩn đoán Suy tim phải 

  • Khó thở: thường xuyên, ngày một tăng dần nhưng không có các cơn kịch phát như suy tim trái 
  • Có cảm giác đau tức vùng hạ sườn phải do gan to 
  • Mệt mỏi toàn thân, tiểu ít. 

Chẩn đoán Suy tim toàn bộ 

Thường là bệnh cảnh của suy tim phải ở mức độ nặng 

  • Khó thở thường xuyên hơn
  • Phù toàn thân 
  • Gan to nhiều, tĩnh mạch cổ nổi rõ 
  • Thường có thêm tràn dịch màng phổi, màng tim hay màng bụng gây cổ trướng 
  • Huyết áp tối đa hạ, huyết áp tối thiểu tăng, làm cho huyết áp trở nên kẹp.

Điều trị suy tim 

Nguyên tắc điều trị suy tim

  • Loại bỏ các yếu tố thúc đẩy của suy tim 
  • Điều trị nguyên nhân gây suy tim 
  • Điều trị triệu chứng: kiểm soát tình trạng suy tim sung huyết 
  • Giảm công suất hoạt động cho tim 
  • Kiểm soát tình trạng ứ muối và nước 
  • Tăng sức co bóp của tim. 

Những biện pháp hỗ trợ điều trị suy tim

chan-doan-suy-tim
Chế độ nghỉ ngơi và tập luyện phải phù hợp với mức độ suy tim của bệnh nhân (Hình minh họa)
  • Chế độ nghỉ ngơi
    • Nghỉ ngơi là một việc khá quan trọng vì góp phần làm giảm công của tim. Tuy nhiên, cần hiểu nghỉ ngơi theo ý nghĩa linh hoạt. Tùy mức độ suy tim mà có chế độ nghỉ ngơi, tập luyện khác nhau. 
    • Bệnh nhân suy tim nhẹ với nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch vẫn cần khuyến khích tập luyện thể lực nhưng không được gắng sức nặng hay thi đấu thể thao.
    • Khi suy tim nặng hơn cần hoạt động nhẹ hơn và trong trường hợp suy tim rất nặng thì phải nghỉ tại giường theo tư thế nửa nằm nửa ngồi.
    • Trong trường hợp suy tim mà người bệnh phải nằm điều trị lâu ngày, nên khuyến khích người bệnh xoa bóp tay chân, nhất là hai chân cho máu tĩnh mạch trở về tim được dễ dàng hơn.
  • Chế độ ăn giảm muối

Bệnh nhân chỉ được dùng ít hơn 3 gam muối NaCl mỗi ngày. Nếu suy tim nặng thì cần chế độ ăn gần như nhạt hoàn toàn là chỉ được ăn ít hơn 1,2 gam muối NaCl mỗi ngày.

  • Hạn chế lượng nước và dịch dùng cho bệnh nhân 

Cần hạn chế hàng ngày nhằm giảm bớt khối lượng tuần hoàn và giảm gánh nặng với tim. Nói chung chỉ nên dùng khoảng 500 – 1000ml lượng dịch đưa vào cơ thể mỗi ngày tùy mức độ suy tim nặng hay nhẹ. 

  • Loại bỏ các yếu tố nguy cơ khác 
    • Bỏ thuốc lá, cà phê, rượu bia 
    • Giảm cân ở bệnh nhân béo phì 
    • Trách các cảm xúc mạnh, căng thẳng 
    • Không dùng các thuốc giữ nước như corticoid, NSAIDs,…
    • Điều trị tốt các yếu tố làm nặng thêm tình trạng suy tim như thiếu máu, nhiễm trùng. 

Điều trị nguyên nhân gây suy tim

Cần phải được đánh giá đúng nguyên nhân và áp dụng các biện pháp dùng thuốc hay phẫu thuật hoặc thiết bị hỗ trợ tim. 

  • Tăng huyết áp: kiểm soát tốt huyết áp bằng thay đổi lối sống kết hợp dùng thuốc giúp ngăn ngừa sự xuất hiện và làm chậm sự tiến triển của suy tim. 
  • Bệnh van tim hoặc dị tật bẩm sinh: nếu có thể, cần xem xét sớm chỉ định can thiệp phẫu thuật sửa chữa các dị tật, thay van tim. 

Kết luận 

Suy tim là trình trạng bệnh lý phức tạp và do nhiều nguyên nhân đưa đến. Người bệnh cần quan tâm các chế độ chăm sóc sức khỏe tại nhà và cùng các bác sĩ chuyên khoa để theo dõi lâu dài. Tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ về lối sống, chế độ ăn uống, cách dùng thuốc an toàn và điều trị các yếu tố nguy cơ gây suy tim. 

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Bài viết hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có
chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Contact Me on Zalo
Call Now Button