Hướng dẫn điều trị và xử lý khi tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch mạn tính phổ biến, được coi như là “kẻ giết người thầm lặng” trong nhiều thập kỷ qua. Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch tăng cao gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho người bệnh, đặc biệt là ở người cao tuổi. Người thường xuyên bị tăng huyết áp cần được theo dõi điều trị bởi bác sĩ tim mạch lâu dài.

dieu-tri-tang-huyet-ap
Bệnh tăng huyết áp cần được theo dõi và kiểm soát hằng ngày

Tăng huyết áp là gì?

Huyết áp được quyết định bởi cung lượng tim và tổng kháng lực ngoại biên của động mạch. Tim bơm máu càng nhiều và động mạch càng hẹp thì huyết áp của càng cao. Số đo huyết áp được tính bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg), gồm có hai số:

  • Số đầu (áp suất tâm thu): Số đầu tiên hoặc số trên đo áp lực trong động mạch khi tim co bóp.
  • Số thứ hai (áp suất tâm trương): Số thứ hai hoặc thấp hơn đo áp lực trong động mạch khi tim giãn ra để chuẩn bị cho lần co bóp tiếp theo.

Tăng huyết áp nhìn chung được chẩn đoán khi người bệnh được đo huyết áp 2 lần trên 2 cánh tay và cách nhau 5 phút tại phòng khám với huyết áp tâm thu (số đầu) lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Ngoài ra, tăng huyết áp còn có nhiều phân độ khác nhau theo Hội tim mạch Việt Nam 2014 để dễ dàng hơn cho các y bác sĩ trong việc theo dõi và điều trị.

Người bệnh có thể bị huyết áp cao trong nhiều năm mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Huyết áp cao không được kiểm soát làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm nhồi máu cơ tim và đột quỵ. May mắn thay, huyết áp cao có thể được phát hiện dễ dàng. Bác sĩ Tim mạch sẽ là người đưa ra lời khuyên hợp lý để tư vấn và điều trị giúp cải thiện chỉ số huyết áp của bạn.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Người ta chia nguyên nhân tăng huyết áp ra làm 2 nhóm chính:

  1. Tăng huyết áp nguyên phát (hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn): Đối với hầu hết người lớn, không có nguyên nhân nào được xác định gây cao huyết áp. Tăng huyết áp nguyên phát có xu hướng phát triển tăng dần trong nhiều năm và cần được kiểm soát kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng do cao huyết áp mang lại.
  2. Tăng huyết áp thứ phát: Một số người bị cao huyết áp do một bệnh lý có từ trước. Tăng huyết áp thứ phát có xu hướng xuất hiện đột ngột và gây ra huyết áp cao hơn so với tăng huyết áp nguyên phát. Các tình trạng và thuốc khác nhau có thể dẫn đến tăng huyết áp thứ phát, bao gồm:
    • Chứng ngưng thở khi ngủ.
    • Bệnh thận.
    • Khối u tuyến thượng thận.
    • Các vấn đề về tuyến giáp.
    • Một số khiếm khuyết bẩm sinh tại mạch máu.
    • Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai, thuốc cảm, thuốc thông mũi, thuốc giảm đau không kê đơn và một số loại thuốc theo toa.
    • Ma túy bất hợp pháp, chẳng hạn như cocaine và amphetamine.

Dấu hiệu và triệu chứng của tăng huyết áp

Hầu hết những người bị huyết áp cao không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, ngay cả khi kết quả đo huyết áp đạt mức cao nguy hiểm (hay còn gọi là tăng huyết áp khẩn cấp). Một số người bị huyết áp cao có thể bị đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam, nhưng những dấu hiệu và triệu chứng này không đặc hiệu và thường không xảy ra cho đến khi huyết áp cao đã đến giai đoạn nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng.

Tăng huyết áp đúng như tên gọi là một “kẻ giết người thầm lặng”, người bệnh khi bị cao huyết áp không hề xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng đặc hiệu cho đến khi bệnh trở nặng và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Hầu hết tăng huyết áp được phát hiện tình cờ qua những lần thăm khám sức khỏe vì các bệnh lý khác hoặc do người bệnh ý thức được và tự theo dõi tại nhà.

Điều trị tăng huyết áp

Thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát và quản lý bệnh tăng huyết áp. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên thay đổi lối sống bao gồm:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, có lợi cho tim mạch: Sử dụng chế độ ăn kiêng DASH, trong đó bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá và các loại thực phẩm từ sữa ít béo. Bổ sung nhiều kali, có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát huyết áp cao.
  • Giảm muối trong khẩu phần ăn uống: Cố gắng hạn chế natri xuống dưới 2.300 miligam (mg) mỗi ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên, lượng natri thấp hơn – 1.500 mg mỗi ngày hoặc ít hơn – là lý tưởng cho hầu hết người lớn.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm huyết áp, kiểm soát căng thẳng, kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tập luyện phù hợp với cường độ từ trung bình đến cao có thể làm giảm chỉ số huyết áp tâm thu khoảng 11 mmHg tâm trương khoảng 5 mmHg.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Giữ cân nặng hợp lý hoặc giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì có thể giúp kiểm soát huyết áp cao và giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan. Nhìn chung có thể giảm huyết áp khoảng 1 mmHg với mỗi kg trọng lượng giảm được.
  • Hạn chế uống rượu bia và bỏ thuốc lá: Rượu bia và thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.
  • Giảm căng thẳng: Giảm căng thẳng càng nhiều càng tốt. Thực hiện các phương pháp lành mạnh, chẳng hạn như giãn cơ bắp, hít thở sâu hoặc ngồi thiền kết hợp hoạt động thể chất thường xuyên và ngủ đủ giấc cũng có thể hữu ích trong việc kiểm soát huyết áp.

Nhưng đôi khi thay đổi lối sống là không đủ. Nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục không có tác dụng, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc để giảm huyết áp. Loại thuốc mà bác sĩ kê cho bệnh cao huyết áp phụ thuộc vào số đo huyết áp và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Hai hoặc nhiều loại thuốc huyết áp thường hoạt động tốt hơn một loại.

Người bệnh nên đặt mục tiêu điều trị huyết áp dưới 130/80 mm Hg nếu nằm trong các nhóm sau đây:

  • Người lớn khỏe mạnh từ 65 tuổi trở lên.
  • Người trưởng thành khỏe mạnh dưới 65 tuổi với 10% hoặc cao hơn nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm tới.
  • Người bệnh thận mãn tính, bệnh tiểu đường hoặc bệnh mạch vành.

Ngoài ra, mục tiêu điều trị huyết áp lý tưởng có thể thay đổi theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, đặc biệt đối với người trên 65 tuổi. Vì thế người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được điều trị phù hợp.

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu là loại thuốc giúp thận loại bỏ natri và nước ra khỏi cơ thể. Những loại thuốc này thường là những loại thuốc đầu tiên được dùng để điều trị huyết áp cao. Có nhiều loại thuốc lợi tiểu khác nhau, bao gồm lợi tiểu thiazide, lợi tiểu quai và lợi tiểu tiết kiệm kali. Loại thuốc nào mà bác sĩ đề xuất tùy thuộc vào số đo huyết áp và các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh thận hoặc suy tim.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Những loại thuốc này giúp giãn mạch máu bằng cách ngăn chặn sự hình thành của một chất tự nhiên trong cơ thể làm thu hẹp mạch máu.
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB): Những loại thuốc này làm giãn mạch máu bằng cách ngăn chặn hoạt động của một chất hóa học tự nhiên làm thu hẹp mạch máu.
  • Thuốc chặn canxi: Những loại thuốc này giúp giãn mạch máu, một số làm chậm nhịp tim. Thuốc chẹn kênh canxi có thể hoạt động tốt đối với người lớn tuổi hơn là chỉ dùng thuốc ức chế men chuyển ACE.

Bác sĩ giỏi điều trị tăng huyết áp

Kết luận

Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” từ xưa đến nay, người bệnh hầu hết không hề hay biết cho đến khi bệnh trở nặng và đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng. Ngày nay, với nền y học phát triển ngày càng tiến bộ nên tăng huyết áp không còn là bệnh lý đáng lo ngại nhưng những ai bị tăng huyết áp cần phải lưu ý đến việc kiểm soát huyết áp thông qua việc thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị.


High blood pressure (hypertension) – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic

Contact Me on Zalo
Call Now Button