Mặc dù hở van tim 3 lá là một trong rất nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm, nhưng nếu kịp thời phát hiện thì hở van 3 lá vẫn hoàn toàn có thể điều trị được bằng các phương pháp thích hợp. Bên cạnh đó, việc điều trị kịp thời và phù hợp sẽ là yếu tố quyết định kết quả điều trị.
Chính vì vậy, hôm nay Doctor có sẵn sẽ giúp bạn tìm hiểu xem hở van tim 3 lá có nguy hiểm không, nguyên nhân và cách điều trị, nơi điều trị bệnh hở van tim 3 lá.
Tóm tắt nội dung
- 1 Tổng quát về bệnh hở van 3 lá
- 2 Tim bình thường hoạt động như thế nào?
- 3 Triệu chứng bệnh hở van tim 3 lá
- 4 Khi nào cần liên hệ bác sĩ?
- 5 Nguyên nhân hở van tim 3 lá
- 6 Phân độ hở van 3 lá
- 7 Chẩn đoán hở van 3 lá như thế nào?
- 8 Các biến chứng của hở van 3 lá
- 9 Hở van 3 lá nên ăn gì?
- 10 Lời khuyên từ bác sĩ
- 11 Bệnh viện, phòng khám và điều trị hở van 3 lá
Tổng quát về bệnh hở van 3 lá
Hở van 3 lá là tình trạng lá van giữa hai buồng tim bên phải (tâm nhĩ phải và tâm thất phải) đóng lại không kín. Chính tình trạng bất thường lá van này khiến máu chảy ngược về buồng tim phía trên, bên phải (tâm nhĩ phải).
Hở van 3 lá có thể xảy ra ngay từ khi mới sinh (bệnh tim bẩm sinh) hoặc nó là một biến chứng van tim bị gây ra bởi các bệnh lý khác.
Tim bình thường hoạt động như thế nào?
Trái tim là trung tâm của hệ thống tuần hoàn, được chia làm bốn buồng. Hai buồng trên được gọi tâm nhĩ nhận máu từ hệ tĩnh mạch trở về tim. Hai buồng dưới hay còn gọi là tâm thất bơm máu và hệ động mạch để đưa máu đi nuôi các cơ quan của cơ thể.
Bốn van tim mở và đóng đều đặn giúp cho máu chỉ chảy theo một chiều qua tim của bạn. Và van 3 lá là một cấu trúc như một cái chốt chặn nằm giữa hai buồng ở bên tim phải.
Van 3 lá mở ra sẽ làm cho máu chảy từ tâm nhĩ xuống tâm thất phải. Sau đó, các lá van đóng lại để ngăn máu vừa đi vào tâm thất phải chảy ngược lại về tâm nhĩ.
Trong hở van tim 3 lá, van 3 lá không đóng kín. Điều này làm cho máu chảy ngược về buồng nhĩ phải trong mỗi lần co bóp của tim. Nếu hở van 3 lá nhẹ, việc điều trị có thể không cần thiết. Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ theo dõi định kì tình trạng của bạn. Tuy nhiên hở van 3 lá nặng và tình trạng hở van khiến bạn gặp phải các triệu chứng bất thường về sức khỏe, việc điều trị có thể là cần thiết.
Triệu chứng bệnh hở van tim 3 lá
Hở van tim 3 lá thường không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển nặng hơn. Bệnh nhân có thể tình cờ phát hiện mắc hở van 3 lá khi đang kiểm tra sức khỏe hoặc đang xét nghiệm cho các bệnh tim mạch khác.
Các triệu chứng đáng chú ý của hở van 3 lá có thể bao gồm:
- Giảm khả năng vận động.
- Dễ mệt mỏi.
- Phù vùng bụng, Phù chân hoặc nổi tĩnh mạch cổ.
- Bất thường nhịp tim.
- Khó thở khi gắng sức.
Bạn cũng có thể nhận ra các triệu chứng của bệnh lý nguyên nhân gây hở van tim 3 lá, chẳng hạn như tăng áp động mạch phổi. Các triệu chứng của bệnh tăng áp động mạch phổi bao gồm khó thở, mệt mỏi, suy nhược, giảm khả năng vận động.
Khi nào cần liên hệ bác sĩ?
Hở van tim 3 lá nặng có thể tiến triển đến biến chứng suy tim phải. Vì vậy nếu bạn nhận ra mình đang có các triệu chứng của suy tim phải bao gồm: khó thở ngay cả khi hoạt động bình thường lẫn cả khi gắng sức, dễ mệt mõi; bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay.
Bạn sẽ được giới thiệu đến những bác sĩ chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán kịp thời và điều trị tình trạng hở van tim 3 lá của bạn.
Nguyên nhân hở van tim 3 lá
Hở van tim 3 lá có nguyên nhân rất nhiều và đa dạng. Hở van 3 lá thường có cơ chế do sự gia tăng kích thước buồng tim phía dưới bên phải (tâm thất phải), có thể làm van 3 lá không còn hoạt động như bình thường. Các bệnh lý ảnh hưởng đến kích thước tâm thất phải bao gồm suy tim, tình trạng gây tăng áp động mạch phổi, hoặc tình trạng bất thường về cấu trúc cơ tim (bệnh lý cơ tim).
Hở van 3 lá cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng gián tiếp từ các bệnh lý tim trái, chẳng hạn như suy tim trái tiến triển thành suy tim phải.
Hở van tim 3 lá cũng có thể xảy ra do các bất thường về cấu trúc van tim như:
- Bệnh tim Ebstein hay dị dạng van ba lá bẩm sinh: là một tình trạng hiếm gặp, van 3 lá dị dạng nằm thấp hơn bình thường bên trong tâm thất phải và các lá van có cấu trúc khiếm khuyết bất thường. Điều này khiến cho lá van đóng không kín, làm máu bị chảy ngược lại vào tâm nhĩ phải (bình thường máu chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải).
Hở van 3 lá ở trẻ em thường do bệnh tim có sẵn từ lúc mới sinh (bệnh tim bẩm sinh) và bệnh tim Ebstein là bệnh tim bẩm sinh phổ biến nhất gây ra tình trạng này. Hở van 3 lá ở trẻ em thường có thể bị bỏ sót và không được phát hiện cho đến khi trưởng thành.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: là một tình trạng nhiễm trùng lớp nội mạc cơ tim, tiến triển làm hỏng dần cấu trúc của van 3 lá. Ngoài ra nó còn có thể ảnh hưởng đến các loại van tim khác.
- Hội chứng carcinoid: là một tình trạng hiếm gặp, khi các khối u phát triển trong đường tiêu hóa của bạn và di căn đến gan hay các hạch bạch huyết của bạn, chúng tạo ra một chất tương tự như nội tiết tố có thể làm hỏng cấu trúc van tim, mà các van tim thường bị ảnh hưởng nhất là van 3 lá và van động mạch phổi.
- Thủ thuật đặt thiết bị trợ tim: Quá trình đặt hoặc tháo rời máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim đôi khi gây tổn thương cho cấu trúc lá van của van 3 lá..
- Sinh thiết nội mạc cơ tim: Trong thủ thuật sinh thiết nội cơ tim, bác sĩ dùng kim để lấy một lượng nhỏ mô cơ tim và xét nghiệm giải phẫu bệnh để tìm kiếm các dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng. Đôi khi trong quá trình thực hiện thủ thuật sẽ gây tổn thương van 3 lá.
- Chấn thương ngực kín: một tai nạn xe hơi làm va đập thành ngực cũng có thể dẫn đến hở van 3 lá.
- Thấp khớp: Sốt thấp là một biến chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị, có thể làm tổn thương cấu trúc van tim, bao gồm cả van 3 lá, dẫn đến hở van 3 lá sau này.
- Hội chứng Marfan: là một rối loạn di truyền mô liên kết bẩm sinh, các nhà nghiên cứu khẳng định tình trạng này có liên quan đến hở van tim 3 lá.
- Tia xạ: chiếu xạ ở phần ngực có thể làm hỏng van 3 lá và gây bệnh.
Một số tình trạng sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hở van 3 lá, bao gồm:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng hoặc Sốt thấp khớp sau viêm họng liên cầu khuẩn.
- Cơn đau thắt ngực.
- Suy tim phải/ suy tim trái.
- Tăng áp động mạch phổi.
- Bệnh cơ tim và bệnh van tim.
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Sử dụng một số loại thuốc ví dụ như thuốc điều trị bệnh Parkinson, chẳng hạn như pergolide hoặc cabergoline, hoặc một số loại thuốc trị đau nửa đầu.
- Tia xạ.
Phân độ hở van 3 lá
Có 4 mức độ hở van 3 lá, bao gồm:
- Hở van 3 lá 1/4 (hở van nhẹ): Thường là hở van do sinh lý (không phải do kết cục của một bệnh lý nào đó), không nghiêm trọng và không cần thiết phải điều trị.
- Hở van 3 lá 2/4 (hở van trung bình): Bác sĩ sẽ cân nhắc chưa cần thiết phải điều trị nhưng cần tái khám để theo dõi định kỳ. Nếu kèm theo triệu chứng thực thể như đau ngực, khó thở, sốt,…thì mới cần điều trị.
- Hở van 3 lá 3/4: bệnh nhân có thể có triệu chứng nghiêm trọng như khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, dễ mệt mỏi, ngủ phải nằm gối cao, giảm khả năng vận động. Thậm chí những sinh hoạt hằng ngày như leo cầu thang, làm công việc nội trợ cũng trở nên khó khăn đối với bệnh nhân.
- Hở van 3 lá 3.5/4 và hở van 3 lá 4/4: Mức độ hở van này là mức độ nặng nhất. Thường bệnh nhân sẽ không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ khuyên bạn tiến hành một cuộc phẫu thuật nhằm sửa chữa van tim bị hư hỏng hoặc thậm chí thay van tim nhân tạo.
Chẩn đoán hở van 3 lá như thế nào?
Bác sĩ sẽ tiến hành khám thực thể để tìm những dấu hiệu của hở van 3 lá, quan trọng nhất là nghe tiếng tim để xác định có thực sự hở van 3 lá hay các bệnh tim khác kèm theo không.
Sau đó, một số xét nghiệm được tiến hành để đánh giá mức độ hở van 3 lá cũng như các biến chứng có thể xảy ra:
- Đo điện tâm đồ.
- X-quang ngực.
- Siêu âm tim qua thành ngực.
- Siêu âm tim qua ngã thực quản.
- Thông tim.
- MRI.
- Chụp xạ hình tim
Các biến chứng của hở van 3 lá
Nếu tình trạng hở van 3 lá không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành:
- Suy tim.
- Rung nhĩ (một số người bị hở van 3 lá kéo dài không điều trị có thể bị rối loạn nhịp tim).
Hở van 3 lá nên ăn gì?
Bệnh nhân hở van 3 lá nên có 1 chế độ ăn và lối sống lành mạnh, bạn nên tăng cường trong khẩu phần ăn các loại thực phẩm sau đây:
- Lúa mạch, yến mạch nguyên cám
- Các loại hạt như Hạt điều, lạc, óc chó…
- Trái cây họ cam, quýt và các loại trái cây giàu vitamin C
- Các loại đậu (đậu hà lan, đậu xanh, đậu đen..)
- Đạm thủy sản (cá hồi, cá ngừ..)
Lời khuyên từ bác sĩ
Tóm lại hở van 3 lá có thể có triệu chứng hoặc tiềm ẩn cho đến khi tình trạng bệnh diễn tiến xấu hơn. Vì vậy tốt nhất bạn cần nắm được những triệu chứng thực thể của hở van 3 lá, và nên khám tim mạch định kì, tái khám đúng hẹn.
Nếu bạn đang điều trị bệnh này bằng thuốc thì phải nhớ uống thuốc đúng cử đúng liều, cho dù bạn có hay không có những yếu tố nguy cơ của bệnh hở van 3 lá. Việc điều trị sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, và sẽ luôn có những phương pháp điều trị thích hợp cho mỗi giai đoạn của bệnh hở van 3 lá.
Bệnh viện, phòng khám và điều trị hở van 3 lá
- Bệnh viện Quốc tế City – Tầm soát tim mạch trong gói khám tổng quát giá chỉ từ 1.650.000
- Phòng khám tim mạch OCA – Tầm soát bệnh tim mạch giá chỉ 400.000
- Phòng khám Đa khoa Olympus Gia Mỹ – Tầm soát tim mạch giá chỉ 1.465.000
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Tricuspid valve regurgitation – Symptoms and causes – Mayo Clinic