Huyết áp theo tuổi sẽ thay đổi ít nhiều, là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý nguy hiểm. Càng lớn tuổi, bạn càng cần tìm hiểu các vấn đề về huyết áp để có sức khỏe tốt hơn. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ giúp bạn hiểu được sự thay đổi của huyết áp theo tuổi.
Tóm tắt nội dung
Chỉ số huyết áp là gì?
Chỉ số huyết áp là con số nói lên áp lực của máu đối với thành mạch, bao gồm 2 số:.
- Huyết áp tâm thu: là số ở trên, lớn hơn, thể hiện áp lực trong động mạch khi tim đập và bơm máu.
- Huyết áp tâm trương: là số ở dưới nhỏ hơn, thể hiện áp lực trong động mạch giữa nhịp đập của trái tim, hay nói cách khác là lúc tim đang thư giãn.
Chỉ số huyết áp bình thường đối với người lớn khi số huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg. Ngoài ra các giai đoạn huyết áp cao được phân ra như sau:
- Huyết áp cao: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, hoặc huyết áp tâm trương 90 mmHg trở lên.
- Tiền cao huyết áp: Khi huyết áp tâm thu là từ 120 – 139 mmHg, hoặc huyết áp tâm trương 80-89 mmHg.
- Huyết áp thấp: Khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg, hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg.
Huyết áp theo tuổi thay đổi như thế nào?
Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA), mức huyết áp an toàn cho mọi người là ở mức thấp hơn 120/80 mmHg.
Có nghĩa là khi huyết áp tăng cao hơn hoặc thấp hơn mức chuẩn, thì nên cẩn thận trọng trong chế độ ăn uống, và sinh hoạt của mình để tránh tình trạng tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp.
Tuy nhiên trên thực tế, ở từng độ tuổi khác nhau sẽ có huyết áp ở mức an toàn là khác nhau, cụ thể huyết áp bình thường theo độ tuổi được thống kê dưới đây:
Huyết áp tối thiểu | Huyết áp trung bình | Huyết áp tối đa | |
Từ 15-19 tuổi | 105/73 mmHg | 117/77 mmHg | 120/81 mmHg |
Từ 20-24 tuổi | 108/75 mmHg | 120/79 mmHg | 132/83 mmHg |
Từ 25-29 tuổi | 109/76 mmHg | 121/80 mmHg | 133/84 mmHg |
Từ 30-34 tuổi | 110/77 mmHg | 122/81 mmHg | 134/85 mmHg |
Từ 35-39 tuổi | 111/78 mmHg | 123/82 mmHg | 135/86 mmHg |
Từ 40-44 tuổi | 112/79 mmHg | 125/83 mmHg | 137/87 mmHg |
Từ 45-49 tuổi | 115/80 mmHg | 127/64 mmHg | 139/88 mmHg |
Từ 50-54 tuổi | 116/81 mmHg | 129/85 mmHg | 142/89 mmHg |
Từ 55-59 tuổi | 118/82 mmHg | 131/86 mmHg | 144/90 mmHg |
Từ 60-64 tuổi | 121/83 mmHg | 134/87 mmHg | 147/91 mmHg |
Huyết áp tuổi 50 cần phải quan tâm nhiều hơn vì ở độ tuổi này chúng ta dễ bắt đầu mắc các bệnh tim mạch hơn. Huyết áp người trên 70 tuổi cần phải kiểm soát cẩn thận vì đây là đối tượng cao với các nguy cơ tim mạch.
Huyết áp người cao tuổi thay đổi như thế nào?
Khi lớn tuổi, sự lão hóa sẽ khiến nút xoang, hệ thống dẫn truyền bị xơ hoá và cấu trúc của tim cũng bị biến đổi làm con đường dẫn truyền không còn được nguyên vẹn, hệ quả là xảy ra các rối loạn nhịp tim và tăng hoặc hạ huyết áp bất thường.
Rối loạn nhịp tim có thể là tần số tim bị chậm hơn, tim đập không đều hay xảy ra những tắc nghẽn trên đường dẫn truyền do hệ tuần hoàn lâu ngày dễ bị xơ vữa. Mặt khác, việc xuất hiện các ổ phát nhịp khác làm lấn át vai trò chủ nhịp của nút xoang, khiến nhịp tim đập quá nhanh mà không kiểm soát được, dễ dẫn đến đột tử.
Những bệnh lý trên huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi
Hiện tượng huyết áp tăng dần ở người lớn tuổi là không thể tránh khỏi, bạn cần hiểu rõ những bệnh lý có thể xảy ra để có cách phòng ngừa điều trị hiệu quả nhất.
- Nhồi máu cơ tim: Huyết áp tăng khiến cơ tim phải tăng sức co bóp. Đối với những bệnh nhân có tình trạng xơ vữa động mạch sẽ gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân cảm thấy đau ngực rất dữ dội, vùng cơ tim bị hoại tử rộng sẽ gây ra nguy cơ suy tim hay ngưng tim xảy ra rất cao.
- Rung nhĩ: Hiện tượng rung nhĩ cũng thường thấy khi độ tuổi tăng dần. Rung nhĩ làm tim đập không đều và tăng sự hình thành huyết khối trong buồng tim. Tim co bóp bơm máu có huyết khối lên não sẽ làm tắc nghẽn mạch máu não, gây ra đột quỵ, yếu liệt tay chân và nguy hiểm tính mạng.
- Rung thất: rung thất, một loại rối loạn nhịp tim gây chết người nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đánh trống ngực, tụt huyết áp và cũng có xây xẩm, chóng mặt do giảm tưới máu lên não.
- Hội chứng suy nút xoang: sẽ làm nhịp tim đập chậm hơn hay thậm chí ngưng một khoảng thời gian đáng kể rồi mới khởi kích lại. Bệnh nhân sẽ thấy choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn có thể là lơ mơ, ngất xỉu và mất ý thức.
Cách hạ huyết áp cho người lớn tuổi
Huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi tuổi tác, đây là yếu tố tự nhiên mà hoàn toàn không thể thay đổi được. Tuy nhiên, chúng ta có thể cải thiện nhiều yếu tố khác giúp điều chỉnh huyết áp. Vì vậy, việc tầm soát, điều trị và phòng ngừa góp phần quan trọng giúp duy trì sức khỏe ổn định theo năm tháng.
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp. Bạn có thể kiểm tra huyết áp tại nhà. Nếu huyết áp cao, bạn cần hạn chế đứng hay ngồi dậy đột ngột khi đang nằm để tránh chứng hạ huyết áp tư thế. Bên cạnh đó, người bệnh cần khám bác sĩ để được điều trị thuốc hạ áp phù hợp.
- Khám sức khỏe định kỳ: mỗi 6 tháng đến một năm. Bạn cần tầm soát huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu cũng như các bệnh lý tim mạch khác nói chung. Trong trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng bất thường nêu trên mà đo không thấy huyết áp cao, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân bệnh tình. Từ đó, phát hiện bệnh lý sớm sẽ lập được kế hoạch điều trị tốt hơn.
- Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khuyến khích ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, rau xanh, quả chín. Lựa chọn acid béo omega 3 như cá hồi, cá thu… Tránh ăn mỡ, nội tạng động vật, các loại sản phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và các món ăn chứa nhiều muối. Hạn chế các loại đồ uống có cồn như bia, rượu và ngưng hút thuốc lá.
- Tập thể dục thường xuyên giúp giữ cho động mạch đàn hồi tốt. Ngoài ra, giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng cũng góp phần hạ được huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong.
Tóm lại, tuổi cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến huyết áp và dễ gây ra các bệnh lý nguy hiểm nếu bạn không kiểm soát tốt. Ngày nay với những tiến bộ y học, các biến cố tim mạch và huyết áp ở người cao tuổi từng bước được kiểm soát và phòng ngừa, giúp tuổi thọ kéo dài hơn. Hiểu rõ huyết áp theo tuổi thay đổi như thế nào, tuân thủ và theo dõi định kỳ sẽ giúp người cao tuổi có sức khỏe tốt hơn.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.