Ngoại tâm thu nhĩ là gì? Có nguy hiểm không?

Ngoại thu tâm nhĩ là gì? Bạn có bao giờ có cảm giác như quả tim của mình “bỏ qua một nhịp”? Bạn có thể đã cảm nhận điều ít nhất một lần trong đời nhưng thực tế, quả tim của bạn không bỏ qua một nhịp, mà khả năng cao hơn là bạn trải qua một nhịp ngoại tâm thu nhĩ.

Nếu bạn quan tâm ngoại tâm thu nhĩ có nguy hiểm hay không, nguyên nhân và điều trị thế nào thì hãy cùng Docosan tìm hiểu ngay bài viết dưới đây.

Ngoại tâm thu nhĩ là gì?

Ngoại tâm thu nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp và được đặc trưng bởi một nhát bóp sớm hơn bình thường của một trong hai buồng nhĩ. 

Quả tim được cấu tạo bởi hai buồng nhĩ và hai buồng thất. Để có được tính tự động co bóp không ngừng nghỉ, quả tim còn có hệ thống dẫn truyền tự động trong khối cơ. Bình thường, nhịp tim của bạn được kiểm soát chặt chẽ bởi nút xoang, điểm xuất phát của hệ dẫn truyền của tim. 

Khi có một ổ phát nhịp nằm ngoài sự kiểm soát của nút xoang trên thành của buồng nhĩ hay buồng thất, một nhịp ngoại tâm thu sẽ xuất hiện. Nếu ổ phát xung bất thường này xuất phát từ tâm nhĩ thì nhịp này được gọi là ngoại tâm thu nhĩ.

ngoại tâm thu nhĩ
Hình ảnh ngoại tâm thu nhĩ (APC) trên điện tâm đồ, đặc trưng là nhịp xuất hiện sớm hơn bình thường và làm nhịp tim không đều đặn (như nhịp tim bình thường bên dưới)

Nguyên nhân của ngoại tâm thu nhĩ

Nguyên nhân của ngoại tâm thu nhĩ và ngoại tâm thu thất nhìn chung là tương tự nhau, nhưng cũng có một chút khác biệt. Trong khi ngoại tâm thu thất liên quan nhiều hơn đến các bệnh lý tim mạch có sẵn (như thấp tim, tăng huyết áp, bệnh tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim cũ,…), nguyên nhân của ngoại tâm thu nhĩ thường liên quan đến những thói quen lối sống hơn. Hầu hết những người mắc ngoại tâm thu nhĩ không có bệnh lý tim mạch kèm theo. 

Sau đây là những nguyên nhân thường gặp:

  • Uống nhiều chất có cồn, caffein (như rượu bia, cà phê, trà)
  • Stress, lo lắng, mệt mỏi, thiếu ngủ
  • Một số thuốc gây tác dụng phụ là rối loạn nhịp tim
  • Tình trạng mất nước
ngoại tâm thu nhĩ
Thói quen uống nhiều cồn có khả năng cao bị ngoại tâm thu nhĩ

Đôi khi nguyên nhân của ngoại tâm thu nhĩ có thể là một tổn thương cấu trúc ở tim hoặc bệnh lý tim mạch sẵn có. Nếu bạn có cảm giác tim bỏ qua một nhịp hay những triệu chứng tương tự của ngoại tâm thu, bạn cần đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác. 

Triệu chứng

Nhiều trường hợp không biểu hiện ra triệu chứng. Quả tim của bạn có thể phát một nhịp ngoại tâm thu nhĩ mà bạn không hề biết đến nó. Nhưng nháp bóp sớm của buồng nhĩ có thể gây ra một số biểu hiện sau:

  • Cảm giác tim bỏ qua một nhịp
  • Hồi hộp, đánh trống ngực
  • Tim đột ngột đập mạch và dồn dập trong thời gian ngắn
  • Cảm giác tim ngừng đập một thời gian ngắn
ngoại tâm thu nhĩ
Triệu chứng của ngoại tâm thu nhĩ

Một số triệu chứng sau đây có thể xảy ra đồng thời. Một điều cần lưu ý rằng những dấu hiệu này có thể là từ một rối loạn nhịp khác nguy hiểm hơn gây nhầm lẫn với ngoại tâm thu nhĩ. Do đó, nếu bạn cảm thấy một trong các cảm giác dưới đây, hãy tìm đến bác sĩ ngay vì đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nguy hiểm:

  • Cảm giác tim bỏ qua một vài nhịp hoặc đánh trống ngực kèm với chóng mặt và đau đầu
  • Vã mồ hôi và da vẻ nhợt nhạt khi cảm thấy nhịp tim thay đổi
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Nhịp tim (hay mạch ở tay) nhanh hơn 100 lần/phút khi đang nghỉ ngơi

Ngoại tâm thu nhĩ có nguy hiểm không?

Phần lớn trường hợp ngoại tâm thu nhĩ không triệu chứng hoặc chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ. Những trường hợp này không đe dọa tính mạng, nhưng vẫn cần được phát hiện và xem xét đến khi bệnh nhân được điều trị một vấn đề sức khỏe khác. 

Nếu bạn có sẵn bệnh lý tim mạch (như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim cũ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, thấp tim,…) và có triệu chứng của ngoại tâm thu, hãy đến cơ sở y tế uy tín để đánh giá chính xác tình trạng của mình. Vì đây là những đối tượng có nguy cơ diễn tiến xấu hơn người khỏe mạnh có ngoại tâm thu nhĩ. 

ngoại tâm thu nhĩ
Ngoại tâm thu nhĩ có nguy hiểm không?

Những nhịp ngoại tâm thu nhĩ nếu xuất hiện thường xuyên và dồn dập hơn thì sẽ làm tăng nguy cơ hình thành những rối loạn nhịp nguy hiểm hơn, như cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung nhĩ. Khi đó, tim bạn đập hoàn toàn không đồng bộ, lượng máu tống đi nuôi cơ thể giảm đi ở mỗi nhát bóp. Đột ngột hơn, cục huyết khối được hình thành trong buồng tim do những rối loạn nhịp này có thể đi vào mạch máu não, mạch vành (mạch máu nuôi tim) và gây ra đột tử. 

Chẩn đoán

Nếu triệu chứng của ngoại tâm thu nhĩ làm bạn lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm. Tùy theo mức độ và tính chất của các triệu chứng, bác sĩ có thể cần thêm một số công cụ chẩn đoán như sau:

  • Điện tâm đồ (băng ghi điện tim): Bạn sẽ được mắc các điện cực ở trước ngực và ở tay chân trong vài phút để ghi nhận hoạt động điện học của tim.
  • Máy đo điện tim liên tục (máy Holter): Nhiều trường hợp điện tâm đồ không bắt được những rối loạn nhịp chỉ trong vài phút mắc điện cực, bạn sẽ được yêu cầu đeo trên người máy Holter trong 1 đến 2 ngày để tìm ra rối loạn nhịp.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Đôi khi bạn sẽ cần vận động thể lực để biểu hiện ra rối loạn nhịp của tim. Bạn sẽ được mắc các điện cực trước ngực và thực hiện chạy bộ hoặc đạp xe trên dụng cụ thể dục chuyên dụng. 
  • Siêu âm tim: Công cụ này sẽ giúp bác sĩ đánh giá các van tim và cơ tim của bạn hoạt động tốt ra sao.
ngoại tâm thu nhĩ
Đo điện tim chẩn đoán ngoại tâm thu nhĩ

Điều trị

Hầu hết các trường hợp ngoại tâm thu nhĩ không cần điều trị. Nếu bạn được đánh giá có kèm những bệnh lý tim mạch khác, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị cho bạn. 

  • Thay đổi lối sống: Là điều trị cơ bản và rất quan trọng, bao gồm việc tránh những hành vi có liên quan đến ngoại tâm thu nhĩ. Bạn sẽ được khuyên không dùng thuốc lá, rượu bia, cà phê, trà đậm, ăn uống và rèn luyện thể chất điều độ, tránh những stress, căng thẳng và tìm cách thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Điều trị bệnh lý liên quan: Kiểm soát tốt những bệnh đi kèm sẽ giúp kiểm soát rối loạn nhịp. Những bệnh lý liên quan thường gặp là tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, cường giáp, ngưng thở khi ngủ, bệnh van tim,…
  • Thuốc chống loạn nhịp và kiểm soát nhịp tim: Các thuốc này giúp hạn chế tần suất hoặc ngăn ngừa các nhịp ngoại tâm thu.
  • Triệt đốt ngoại tâm thu qua ống thông: Đây là thủ thuật xâm lấn áp dụng cho những trường hợp nặng và nguy cơ cao.
ngoại tâm thu nhĩ
Điều chỉnh chế độ ăn uống nhằm phòng ngừa bệnh ngoại tâm thu nhĩ

Nơi khám và điều trị ngoại tâm thu nhĩ

Bệnh viện Quốc tế City – Tầm soát tim mạch trong gói khám tổng quát giá chỉ từ 1.650.000

Phòng khám tim mạch OCA – Tầm soát bệnh tim mạch giá chỉ 400.000

Phòng khám Đa khoa Olympus Gia Mỹ – Tầm soát tim mạch giá chỉ 1.465.000

Docosan hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về ngoại tâm thu nhĩ. Đừng quá lo lắng vì đây không phải một bệnh nghiêm trọng. Hãy tìm đến bác sĩ của bạn khi những triệu chứng xuất hiện thường xuyên và dồn dập dần theo thời gian, đặc biệt nếu bạn đang mắc nhiều bệnh lý khác.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo