Suy tim sung huyết có nguy hiểm không? Điều trị ra làm sao?

Suy tim sung huyết là một tình trạng bệnh tim mạch mạn tính phổ biến, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim. Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển và có thể đe dọa tính mạng. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu những thông tin xoay quanh nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của bệnh lý này.

Suy tim sung huyết là gì?

Theo định nghĩa của Hội tim mạch học Việt Nam, “suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả của những tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng của quả tim dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu (suy tim tâm trương) hoặc tống máu (suy tim tâm thu)”.

Trước đây, thuật ngữ “suy tim sung huyết” thường được sử dụng, nguyên nhân vì tình trạng sung huyết phổi và phù ngoại vi là các triệu chứng phổ biến trên bệnh nhân suy tim. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân suy tim đều có ứ dịch, do đó thuật ngữ “suy tim” được sử dụng như một thuật ngữ chung nhất để phân loại thành những nhánh nhỏ hơn, từ đó xây dựng các hướng dẫn điều trị. Còn cụm từ “suy tim sung huyết” chỉ dùng khi bệnh nhân có tình trạng ứ máu tại phổi và các cơ quan ngoại vi. 

Triệu chứng suy tim sung huyết

Trong giai đoạn đầu của suy tim sung huyết, bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng do cơ chế tự bù trừ của tim. Khi tình trạng bệnh tiến triển, bệnh nhân sẽ trải qua những thay đổi dần dần trong cơ thể.

Các triệu chứng suy tim sung huyết có thể nhận thấy đầu tiên là cảm giác mệt mỏi, sưng/phù ở chân, tăng cân nhanh và tăng nhu cầu đi tiểu vào ban đêm. 

Khi bệnh đã tiến triển, sự ứ dịch xảy ra nghiệm trọng hơn, chất lỏng có thể tích tụ trong phổi khiến bệnh nhân thở khò khè, ho, nhịp tim không đều.

suy tim sung huyết
Suy tim sung huyết gây mệt mỏi và khó thở

Ở bệnh nhân trở nặng, cung lượng tim giảm nhiều khiến da tím tái do thiếu oxy, đau ngực lan khắp phần trên cơ thể, bệnh nhân sẽ thấy khó thở khi gắng sức hoặc cả khi nghỉ ngơi. Những triệu chứng này có thể đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân suy tim sung huyết

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy tim sung huyết, nhưng nổi bật nhất là các nguyên nhân dưới đây:

Bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành (như nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim) là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến suy tim. Nguyên nhân chính của bệnh mạch vành là do sự tích tụ các chất béo lắng đọng phía trong lòng mạch máu, gây hẹp động mạch vành và giảm lưu lượng máu đến nuôi tim. Khi một động mạch nuôi tim bị tắc nghẽn hoàn toàn, cơn đau thắt ngực sẽ xảy ra và cơ tim sẽ bị tổn thương. Điều này khiến cho tim không thể bơm máu tốt như bình thường.

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là nguyên nhân phổ biến thứ 2 của suy tim. Ở bệnh nhân tăng huyết áp, tim phải làm việc nhiều hơn bình thường để có thể bơm máu đi khắp cơ thể. Theo thời gian, do hoạt động gắng sức, cơ tim sẽ trở nên quá cứng hoặc quá yếu để bơm máu tốt như ban đầu.

Bệnh van tim

Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh van tim còn cao do đó nguyên nhân chính của suy tim ở người trẻ dưới 40 tuổi thường là bệnh van tim.

Các van tim được cấu tạo nhằm giữ cho máu chảy đúng cách, theo vòng tuần hoàn đi khắp cơ thể. Ở bệnh nhân có bệnh van tim, một hoặc một số van không hoạt động bình thường, dẫn đến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Cũng như các trường bệnh lý kể trên, theo thời gian tình trạng làm việc quá sức sẽ khiến cơ tim bị suy yếu theo thời gian và gây suy tim. Điều trị sự bất thường van tim có thể đảo ngược tình trạng suy tim.

suy tim sung huyết
Các bệnh về tim mạch thường là nguyên nhân dẫn đến suy tim sung huyết

Các bệnh lý khác

Một số bệnh lý khác cũng có thể dẫn tới suy tim, bao gồm:

  • Viêm cơ tim: Nhiễm trùng ở cơ tim, thường do virus gây ra.
  • Dị tật tim bẩm sinh: Dị tật bẩm sinh trong cấu trúc tim/ van tim khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, lâu ngày dẫn đến suy tim.
  • Rối loạn nhịp và tần số tim, loạn nhịp nhanh hoặc chậm mãn tính đều có thể dẫn đến suy tim.
  • Bệnh tim do phổi: Cục máu đông trong phổi có thể dẫn đến suy tim
  • Các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, cường giáp, nhiễm HIV, rối loạn dinh dưỡng (bệnh Beriberi),

Ở suy tim, việc tìm hiểu nguyên nhân là vô cùng quan trọng để có hướng điều trị phù hợp. Điều trị chấm dứt một số nguyên nhân bệnh lý có thể giúp đảo ngược tình trạng suy tim.

Phân độ suy tim sung huyết

Phân độ chức năng của suy tim theo Hội Tim mạch New York (NYHA) đã được sử dụng từ lâu do tính đơn giản và tiện dụng. Dựa vào triệu chứng cơ năng và khả năng gắng sức, suy tim được chia thành 4 độ là:

  • Độ I: Không hạn chế – Vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hay hồi hộp.
  • Độ II: Hạn chế nhẹ vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực.
  • Độ III: Hạn chế nhiều vận động thể lực. Mặc dù bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã có triệu chứng cơ năng. 
  • Độ IV: Không vận động thể lực nào mà không gây khó chịu. Triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra ngay khi nghỉ ngơi, chỉ một vận động thể lực, triệu chứng cơ năng gia tăng.

Ngoài ra, vì suy tim là một hội chứng của nhiều bệnh lý khác nhau và tiến triển theo thời gian nên theo các hướng dẫn mới của Hội tim Mạch Hoa Kỳ, suy tim còn được chia thành 4 giai đoạn từ A đến D. Trong đó, giai đoạn A được xem như “tiền suy tim” – chưa có tổn thương cấu trúc tim và giai đoạn D là giai đoạn nặng nhất cần can thiệp đặc biệt.

Điều trị suy tim sung huyết như thế nào?

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được coi là nền tảng đối với tất cả các bệnh nhân suy tim và cần phải được tối ưu hóa trước khi cân nhắc bất kì phương pháp can thiệp nào khác (như cấy ghép thiết bị).

Các thuốc thường được khuyến cáo sử dụng trong điều trị suy tim sung huyết bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACEI): Tác dụng giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi, hạ huyết áp. Thuốc ức chế thụ thể (ARB) hoặc thuốc ức chế kép (ARNI) là những lựa chọn thay thế nếu bạn không thể dung nạp thuốc ức chế ACEI.
  • Thuốc chẹn beta: Giúp làm giảm gánh nặng cho tim, đồng thời hạ huyết áp và điều chỉnh nhịp tim. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng thuốc chẹn beta giúp cải thiện sống còn, giảm tái nhập viện do đợt cấp và giảm đột tử do tim ở bệnh nhân.
  • Nhóm ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose tại ống thận (ức chế SGLT2): Giảm tái hấp thu/ tăng thải glucose và natri. Dù ban đầu đây là nhóm thuốc điều trị đái tháo đường nhưng nhiều nghiên cứu lớn đã chứng minh thuốc có tác dụng giúp giảm tử vong, giảm nhập viện vì suy tim, cải thiện triệu chứng suy tim. Hai thuốc trong nhóm này là dapagliflozin hoặc empagliflozin được khuyến cáo chỉ định bất kể người bệnh có kèm theo đái tháo đường hay không. 
  • Thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid hay kháng aldosteron: Gồm spironolacton và eplerenon, cũng đã được chứng minh có thể giúp người bệnh suy tim sống lâu hơn.
  • Thuốc lợi tiểu: Suy tim có thể khiến cơ thể tích trữ nhiều dịch hơn bình thường và gây phù, do đó sử dụng thuốc lợi tiểu có thể giúp làm giảm lượng dịch tích tụ ở những bệnh nhân suy tim sung huyết.
suy tim sung huyết
Điều trị nội khoa được xem là nền tảng trong điều trị suy tim sung huyết

Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa cần thiết trong trường hợp bệnh nhân cần điều trị các bệnh lý căn nguyên gây ra suy tim, hoặc khi điều trị nội khoa không hiệu quả. 

Các phẫu thuật hoặc các thủ tục khác cho bệnh suy tim có thể bao gồm:

  • Nong động mạch vành (đặt stent) hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Có thể cần thực hiện ở những bệnh nhân có bệnh mạch vành.
  • Sửa chữa hoặc thay thế van tim: Nếu suy tim do nguyên nhân từ van tim, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay van. Có nhiều loại sửa chữa van tim khác nhau. Loại cần thiết phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề về van tim.
  • Máy phá rung tự động cấy vào cơ thể (ICD): ICD được sử dụng để ngăn ngừa các biến chứng của suy tim, dự phòng đột tử do suy tim. ICD là một thiết bị tương tự như máy tạo nhịp tim, được cấy dưới da ở ngực với dây dẫn qua các tĩnh mạch và vào tim. ICD sẽ theo dõi nhịp tim và điều chỉnh nhịp tim trở về bình thường khi tim đập quá nhanh, quá chậm hay ngừng đập.
  • Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT): CRT một thiết bị tạo nhịp tim, là phương pháp điều trị suy tim ở những người suy tim nặng có các buồng tim dưới không bơm máu đồng bộ với nhau. CRT có thể được sử dụng với ICD.
  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD): VAD giúp bơm máu từ các ngăn dưới của tim đến phần còn lại của cơ thể. Nó còn được gọi là thiết bị hỗ trợ tuần hoàn cơ học. Bác sĩ thường đề nghị VAD với bệnh nhân đang chờ ghép tim. Đôi khi, VAD được sử dụng như một phương pháp điều trị vĩnh viễn cho những người bị suy tim nhưng không phải là đối tượng phù hợp để ghép tim.
  • Ghép tim: Một số bệnh nhân bị suy tim nặng đến mức không thể điều trị bằng thuốc hoặc các biện pháp kể trên có thể cần được thay tim bằng một trái tim hiến tặng khỏe mạnh. 
suy tim sung huyết
Nong động mạch vành

Chăm sóc bệnh nhân suy tim sung huyết

Để việc điều trị bệnh được hiệu quả, cần có sự hợp tác của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Hãy cho bác sĩ biết khi bạn cảm thấy tình trạng tệ hơn hoặc tốt hơn, trung thực về vấn đề liên quan đến ăn uống và lối sống không lành mạnh, thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng,… những điều này sẽ giúp bác sĩ biết phương pháp điều trị nào là phù hợp cho bệnh nhân.

Ngoài ra, những điều nhỏ được liệt kê dưới đây cũng có thể giúp bạn kiểm soát suy tim sung huyết:

  • Uống thuốc theo chỉ dẫn và tái khám đúng hẹn. Nếu xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc chi phí thuốc trở thành gánh nặng, hãy thảo luận với bác sĩ để tìm lựa chọn khác phù hợp. Không tự ý ngưng thuốc vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. 
  • Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc và chất bổ sung khác. Một số loại thuốc không kê đơn để điều trị đau để điều trị đau và sưng có thể làm cho bệnh suy tim trở nên tồi tệ hơn.
  • Tăng cân là dấu hiệu của sử tích tụ chất lỏng trong cơ thể. Bệnh nhân có thể tự cân hằng ngày và ghi chú lại, làm điều này khi bạn mới thức dậy, sau khi ăn sáng và sau khi đi tiểu. Viết cân nặng của bạn vào một cuốn sổ. Mang theo các ghi chú để kiểm tra y tế của bạn. Tăng cân có thể là dấu hiệu của sự tích tụ chất lỏng.
  • Kiểm tra huyết áp của bạn ở nhà. Làm như vậy sẽ giúp bạn và bác sĩ biết liệu việc điều trị có hiệu quả hay tình trạng của bạn đang trở nên tồi tệ hơn. Máy đo huyết áp tại nhà có bán tại các cửa hàng và hiệu thuốc địa phương.
  • Gắn bó với điều trị và thay đổi lối sống có thể là một thách thức đối với hầu hết bệnh nhân, do đó có thể hữu ích khi yêu cầu bạn bè và gia đình của bạn giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.

Làm sao để phòng ngừa suy tim sung huyết?

Để ngăn ngừa suy tim thì cách hiệu quả là cần phải kiểm soát và điều trị tốt các bệnh lý và tình trạng có thể gây suy tim bao gồm bệnh động mạch vành, huyết áp cao, tiểu đường và béo phì. Hãy thử những lời khuyên tốt cho sức khỏe tim mạch sau:

  • Không hút thuốc.
  • Tập thể dục hợp lý.
  • Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Giảm và quản lý căng thẳng.
  • Uống thuốc theo chỉ dẫn.

Câu hỏi thường gặp

u003cstrongu003eSuy tim sung huyết có nguy hiểm không?u003c/strongu003e

Suy tim sung huyết là một bệnh mạn tính tiến triển, khi ở giai đoạn nặng có thể đe dọa tính mạng nên cần được phát hiện sớm và điều trị để tránh biến chứng. 

u003cstrongu003eSuy tim sung huyết mất bù là gì?u003c/strongu003e

Khi suy tim trở nên nghiêm trọng đến mức gây ra các triệu chứng cần được điều trị ngay lập tức, được gọi là suy tim mất bù.

u003cstrongu003eNhóm thuốc điều trị suy tim sung huyết?u003c/strongu003e

Các nhóm thuốc được dùng để điều trị suy tim sung huyết như: thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta, thuốc đối kháng aldosteron, thuốc ức chế SGLT-2, thuốc lợi tiểu.

u003cstrongu003eSuy tim sung huyết phải làm sao?u003c/strongu003e

Bệnh nhân cần tuân theo các hướng dẫn điều trị của bác sĩ, quản lý các bệnh lý đi kèm và thay đổi lối sống để trái tim được khỏe mạnh.

u003cstrongu003eSuy tim sung huyết mãn tính là gì?u003c/strongu003e

Suy tim sung huyết mãn tính là tình trạng tim hoạt động kém hiệu quả, giảm chức năng bơm máu dẫn đến cơ thể không được cung cấp đủ nhu cầu oxy, đồng thời gây ra tình trạng ứ máu tại tim, phổi và các mô và cơ quan. 

u003cstrongu003eSuy tim và suy tim sung huyết?u003c/strongu003e

Suy tim là tình trạng tim hoạt động kém, dẫn đến không cung cấp đủ oxy cho cơ thể và sự ứ máu tại một số cơ quan. Cụm từ “suy tim sung huyết” dùng khi bệnh nhân có tình trạng ứ máu tại phổi và các cơ quan ngoại vi. 


Bài viết trên đây được Doctor có sẵn tham khảo từ ý kiến của bác sĩ và các nguồn thông tin tin cậy trong và ngoài nước. Hy vọng rằng qua bài viết, Doctor có sẵn đã giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị suy tim sung huyết. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu trên, xin vui lòng đặt lịch khám với hoặc bác sĩ của Doctor có sẵn trên docosan.com.