Hướng dẫn chữa nhiệt miệng tại nhà

Nhiệt miệng (hay lở miệng) là một vết loét nông và thường nhỏ trong miệng hoặc ở nướu răng, và có thể làm việc ăn uống trở nên khó khăn hơn bình thường. Tình trạng này không quá đáng lo trong đa số trường hợp, song nó vẫn gây khó chịu cho nhiều người.

Doctor có sẵn xin giới thiệu quý độc giả một số mẹo có thể giúp chữa khỏi nhiệt miệng tại nhà. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy điểm qua một số nguyên nhân phổ biến của nhiệt miệng.

Nguyên nhân nhiệt miệng

Các chuyên gia có thể không chắc chắn về nguyên nhân của hầu hết các trường hợp nhiệt miệng. Nhưng sau đây là một số yếu tố có thể thúc đẩy sự hình thành nhiệt miệng kích thước nhỏ:

  • Stress tinh thần, lo âu
  • Chấn thương mô, như từ chân răng, tăm xỉa răng
  • Một số thức ăn, bao gồm các rau củ và trái cây họ cam quýt hay chứa nhiều chất axit (như chanh, cam, khớp, táo, cà chua, dâu)
  • Thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen
  • Dị ứng với thức ăn, kem đánh răng, nước súc miệng
  • Vi khuẩn Helicobacter pylori, loại vi khuẩn cũng gây ra viêm loét dạ dày tá tràng

Một số nguyên nhân gây vết lở miệng to hơn:

  • Có sẵn một số bệnh nền như suy giảm hệ miễn dịch, bệnh HIV/AIDS, ban đỏ hệ thống (lupus), bệnh Behcet
  • Thiếu vi chất vitamin B12, kẽm, axit folic, sắt
  • Bệnh của ống tiêu hóa như bệnh Crohn, bệnh celiac
chua-nhiet-mieng
Hình ảnh nhiệt miệng

7 mẹo chữa trị nhiệt miệng tại nhà

Có nhiều lựa chọn để bạn áp dụng chữa trị nhiệt miệng tại nhà với những nguyên liệu dễ tìm. Một số mẹo giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương, nhưng chúng không phải một bài thuốc hiệu lực ngay trong đêm. Để chữa khỏi hoàn toàn nhiệt miệng, người bệnh có thể cần phải thay đổi cả lối sống sinh hoạt, giảm bớt căng thẳng và ăn uống phù hợp.

Nhiều mẹo trị nhiệt miệng với các nguyên liệu tại nhà không được nghiên cứu kỹ lưỡng. Do đó bạn cần thận trọng khi áp dụng những mẹo này. Hãy tham vấn bác sĩ nếu bạn thấy lo lắng về tình trạng của mình.

Nếu bạn có nhiệt miệng, sau đây là một số mẹo chữa trị tại nhà giúp giảm đau hiệu quả và thúc đẩy quá trình lành vết loét:

Thuốc bôi kháng viêm chữa nhiệt miệng

Thuốc bôi dạng kem có tác dụng giảm viêm có thể được thoa trực tiếp lên bề mặt vết loét. Một số loại thuốc uống hay thuốc ngậm dưới lưỡi có tác dụng giảm đau và kháng viêm. Hãy tham vấn chuyên gia trước khi sử dụng những loại thuốc này.

Ngậm nước đá chữa nhiệt miệng

Bạn có thể cho nước đá tan dần trong miệng để giảm đau và giảm viêm. Tuy nhiên, một số người không cảm thấy dễ chịu khi áp dụng cách này.

Thận trọng hơn khi vệ sinh răng

Bạn nên dùng bàn chải đánh răng mềm và kích thước sợi lông nhỏ. Đánh răng nhẹ nhàng và tránh chải trực tiếp vào vị trí ổ loét. Sử dụng kem đánh răng hay nước súc miệng không chứa thành phần muối natri lauryl sulfate. Vệ sinh răng sau ăn bằng chỉ nha khoa thay vì sử dụng tăm xỉa răng.

Súc miệng với nước muối hay baking soda

Đây là hai nguyên liệu rất dễ tìm tại nhà. Mặc dù có thể gây rát khi dùng, nước muối có tác dụng sát khuẩn và làm sạch vết loét. Trong khi baking soda (thành phần chứa natri bicarbonat) có tính bazơ, giúp trung hòa môi trường axit của vết loét, đưa pH về mức cân bằng và giảm viêm.

Cách dùng:

  1. Pha 1 muỗng nhỏ muối hay baking soda với nửa cốc nước ấm
  2. Khuấy đều dung dịch này và súc miệng trong 15 đến 30 giây, sau đó nhổ ra
  3. Có thể lập lại vài giờ một lần nếu cần thiết

Mật ong hỗ trợ chữa nhiệt miệng

Mật ong là một nguyên liệu tự nhiên được biết đến với khả năng kháng khuẩn và kháng viêm. Một số nghiên cứu còn chỉ ra mật ong có hiệu quả cải thiện các vết loét nhiệt miệng về cơn đau, kích thước và sung huyết (đỏ). Mật ong còn giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát lên vết loét.

Cách dùng là thoa mật ong trực tiếp lên vết loét 4 lần mỗi ngày. Tuy nhiên mật ong được sản xuất không giống nhau, hầu hết mật ong ở các cửa hàng đã được tiệt trùng ở nhiệt độ cao và nhiều chuyên gia cho rằng điều này làm phân hủy phần lớn chất kháng viêm tự nhiên trong mật ong.

Sữa chua hỗ trợ chữa nhiệt miệng

Nguyên nhân chính xác của nhiệt miệng không được chắc chắn. Vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc bệnh ruột viêm (inflammatory bowel disease) có thể là nguyên nhân.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các lợi khuẩn như lactobacillus có thể giúp loại trừ H. pylori và trị một số thể của bệnh ruột viêm. Theo giả thuyết, những tình trạng này gây ra nhiệt miệng, và ăn sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn như lactobacillus có thể giúp ích. Có thể ăn ít nhất 1 hũ sữa chua mỗi ngày.

Chữa nhiệt miệng bằng dầu dừa

Các nghiên cứu cho thấy dầu dừa cũng có khả năng kháng khuẩn. Dầu dừa có thể trị những nhiệt miệng gây ra bởi vi khuẩn và giúp ngăn ngừa vết loét lan rộng. Nguyên liệu tự nhiên này cũng có tính kháng viêm, giúp giảm đau và sung huyết.

Tương tự như mật ong, thoa trực tiếp dầu dừa lên vết loét. Sử dụng vài lần hằng ngày đến khi nhiệt miệng khỏi hẳn.

Nhiệt miệng nên ăn gì?

Trước hết, bạn cần tránh ăn những thức ăn gây kích ứng cho vết loét ở miệng như thức ăn cay nóng, thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, thức ăn ướp muối chua (thấu, dưa chua, cải chua), trái cây họ cam quýt.

Để giảm sự kích ứng cho vết thương đến khi nhiệt miệng lành hẳn, bạn nên ăn những thức ăn như sau:

  • Thức ăn mềm và chứa chất lỏng như sinh tố xay, canh, súp (nấu chín, nhưng đừng ăn khi còn quá nóng)
  • Sữa, phô mai
  • Sữa chua
  • Rau củ được nấu chín, không dùng rau sống
  • Khoai tây nghiền
  • Ngũ cốc được nấu và trộn ăn với sữa
  • Thịt nấu chín, hầm mềm như thịt gà, thịt bò, thịt heo
  • Trứng luộc
  • Bơ đậu phộng

Nhiệt miệng nên uống gì?

Khi có nhiệt miệng, nên uống nước ấm hoặc nguội, không được uống khi còn quá nóng sẽ gây tổn thương niêm mạc nhiều hơn. Nước lạnh cũng có thể giúp làm dịu cơn đau và giảm viêm.

Có thể xay nhiều loại trái cây làm sinh tố để bổ sung vi chất cho cơ thể, thúc đẩy sự lành vết thương. Cần lưu ý tránh dùng những trái cây họ cam quýt hoặc chứa nhiều chất axit.

Cần tránh dùng những thức uống sau đây vì tính kích ứng mạnh của chúng đối với nhiệt miệng:

  • Thức uống có cồn, như bia, rượu, rượu trái cây
  • Thức uống chứa caffeine, như cà phê, nước ngọt có ga, chocolate, trà

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Hầu hết nhiệt miệng không quá đáng lo ngại. Chúng hiếm khi để lại những hậu quả kéo dài. Tuy nhiên, một số loại nhiệt miệng có thể là gợi ý để bạn liên hệ bác sĩ của mình.

Hãy tham vấn bác sĩ nếu có một trong các dấu hiệu sau:

  • Vết loét to hơn bình thường
  • Có nhiều vết loét
  • Những vết loét mới hình thành trước khi vết loét cũ lành
  • Vết loét không lành sau hai tuần
  • Vết loét lan tới môi
  • Vết loét gây đau dữ dội
  • Vết loét làm cho việc ăn uống trở nên rất khó khăn
  • Có sốt kèm theo

Tổng kết

Nhiệt miệng là một tình trạng viêm loét trong miệng khá phổ biến. Có nhiều cách để chữa trị tại nhà đối với nhiệt miệng, bao gồm thuốc bôi kháng viêm, súc miệng với dung dịch nước muối hay baking soda, thoa lên vết loét mật ong hay dầu dừa. Bên cạnh đó, người bị nhiệt miệng cần tránh những thức ăn, đồ uống gây kích ứng vết thương.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.