Xuất huyết dưới da ở trẻ em: 18 nguyên nhân gây bệnh

Xuất huyết dưới da ở trẻ em là một triệu chứng khá phổ biến hiện nay do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau như: chấn thương, nhiễm trùng máu, thiếu vitamin,… Chính vì vậy, việc nắm những thông tin cần thiết về triệu chứng này sẽ giúp bố mẹ và gia đình hiểu được bệnh và biết phải làm gì khi trẻ mắc phải.

Xuất huyết dưới da ở trẻ em là gì ?

Thông thường máu tuần hoàn bên trong cơ thể chúng ta trong lòng các mạch máu. Vì một nguyên nhân nào đó khiến mạch máu bị vỡ, đứt, hay do tính thấm thành mạch, khi đó các thành phần của máu sẽ thoát ra khỏi thành mạch. Từ đó làm xuất hiện các nốt đỏ hoặc các mảng bầm tím, hay các khối tụ máu, nếu tổn thương các mạch máu dưới da thì mắt thường có thể nhìn thấy, còn nếu là các mạch máu nằm sâu trong cơ thể thì sẽ không nhìn thấy được. Đây gọi là hiện tượng xuất huyết dưới da.

Xuất huyết dưới da ở trẻ sơ sinh là đặc trưng của chứng xuất huyết, là dấu hiệu để chuẩn đoán rất nhiều bệnh khác nhau.

Xuất huyết dưới da cũng khá thường gặp ở trẻ 2 đến 9 tuổi ở giai đoạn con đang lớn. Bố mẹ không nên xem thường và nên đưa con đến thăm khám nhằm phát hiện nguyên nhân gây nên triệu chứng này để có cách điều trị phù hợp.

Nguyên nhân xuất huyết dưới da ở trẻ em

Nguyên nhân làm bé bị xuất huyết dưới da gồm rất nhiều bệnh lý, trong đó các nguyên nhân phổ biến hơn cả gồm:

  • Nhiễm virus, đặc biệt là nhiễm enterovirus.
  • Xuất huyết dạng thấp – Henoch-Schonlein
  • Mặc quần áo bó sát người.
  • Nôn hoặc ho mạnh, trong trường hợp này ban xuất huyết thường chỉ xuất hiện ở vùng mặt và trên ngực.
  • Các bệnh nhiễm trùng khác: sốt xuất huyết Dengue, nhiễm trùng huyết do não mô cầu, bệnh bạch hầu, bệnh sởi, bệnh thương hàn, viêm màng não, bệnh bạch cầu, viêm họng, …
  • Bệnh lý tiểu cầu do giảm chất lượng tiểu cầu hoặc giảm số lượng của tiểu cầu như bệnh giảm tiểu cầu nguyên phát, suy nhược tiểu cầu.
  • Cơ thể thiếu vitamin B12, C, K hoặc axit folic
  • Bệnh tự miễn, dị ứng như Lupus, viêm thành mạch dị ứng và các chứng dị ứng khác
  • Một số bệnh nội khoa cũng có thể xuất hiện triệu chứng xuất huyết dưới da như lao, đái tháo đường, xơ gan…
  • Các bệnh do thiếu hụt hoặc rối loạn các yếu tố đông máu của huyết tương như bệnh hemophilie A, B, C, giảm prothrombin, proconverti
  • Bị chấn thương, bầm tím
  • Tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc
  • Tác dụng phụ của điều trị hóa trị hoặc xạ trị bệnh ung thư
  • Viêm mạch máu, tổn thương thành mạch bẩm sinh hay do mắc phải
  • Một số loại ung thư như bệnh Hodgkin, bệnh bạch cầu cấp hoặc đa u tủy
  • Các bệnh gây ra hội chứng đông máu rải rác ngay bên trong lòng mạch.

Dấu hiệu và chẩn đoán xuất huyết dưới da ở trẻ em

Xuất huyết dưới da ở trẻ em có thể biểu hiện ở 2 dạng là:

  • Những đốm tròn nhỏ có kích thước < 3mm là các chấm xuất huyết màu đỏ, nâu, hoặc tím trên bề mặt da, hay các nốt xuất huyết có kích thước lớn hơn (khoảng 3-10mm). Ban đầu thường có những ban xuất huyết dạng chụm khiến người bệnh nhầm lẫn với phát ban. Nhiều khi, các nốt xuất huyết còn có thể xuất hiện trên mí mắt hoặc trong miệng.
xuất huyết dưới da - Thông tin về xuất huyết dưới da
Chấm xuất huyết
  • Dạng vết bầm tím hoặc mảng da màu xanh đen là các mảng xuất huyết có kích thước lớn hơn 10mm. Da có sự đổi màu là do các mạch máu bị vỡ, làm rò rỉ máu vào các mô bị thương.
Xuất huyết dưới da - Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
Vết bầm tím

Một trong những đặc điểm để nhận biết đó có phải là dấu xuất dưới da không, bố mẹ hãy ấn tay vào vùng da của nổi các chấm hoặc mảng bầm tim đó. Đối với da bình thường, khi ấn tay vào, vùng da đó sẽ trở nên nhợt nhạt và khi ta buông tay ra, màu da sẽ trở lại màu hồng đỏ. Khi có hiện tượng xuất huyết dưới da, ngay cả khi ấn vào thì vùng da đó cũng không nhạt đi. 

Những vị trí thường gặp của bệnh bao gồm: ở tứ chi, mặt, đầu, thân mình và cẳng chân, thường gặp trong bệnh lý tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu. 

Nếu xuất huyết dưới da đi kèm một trong những triệu chứng dưới đây bố mẹ cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay để được thăm khám:

  • Sưng các chi
  • Vùng da bị ảnh hưởng có màu tối hơn
  • Đau vùng da bị chảy máu
  • Chảy máu nhiều từ vết thương hở
  • Có u cục gây chảy máu 
  • Sưng tấy ở tứ chi
  • Chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, có máu trong nước tiểu hoặc phân

Cách chữa xuất huyết dưới da ở trẻ em

Điều trị xuất huyết dưới da là điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể dẫn tới triệu chứng này mà bác sĩ sẽ đưa ra những lựa chọn điều trị khác nhau với các thuốc khác nhau. Điều quan trọng bố mẹ cần nhớ là khi phát hiện bệnh xuất huyết dưới da ở trẻ em thì phải đưa con tới gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe và được kê đơn phù hợp giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh càng sớm càng tốt.

Dưới đây là một số biện pháp điều trị đơn giản tại nhà mà bố mẹ có thể làm cho con (chỉ áp dụng cho những trường hợp bệnh nhẹ hay mới bắt đầu có dấu hiệu bệnh) như sau:

  • Chờ đốm xuất huyết lành lại: Đối với những bé mới có những dấu hiệu ban đầu về bệnh, việc đầu tiên cần làm là theo dõi các đốm xuất huyết trong vài ngày, xem ngoài xuất huyết dưới da thì bé còn có triệu chứng nào khác đi kèm không, cũng như xem xét các yếu tố nguyên nhân như có bị chấn thương, có đang sử dụng loại thuốc nào đó dẫn tới xuất huyết…, có thể chúng sẽ tự mờ dần do tính chất của bệnh chưa quá nghiêm trọng.
  • Nếu xuất huyết trên da là do chấn thương, bố mẹ có thể áp dụng một số cách dưới đây để giảm đau và giúp tan các vết bầm tím, xuất huyết:
    • Nâng cao chân bị thương
    • Chườm lạnh có thể giúp làm biến mất những đốm xuất huyết do chấn thương, làm giảm viêm và những đốm xuất huyết về sau. Để thực hiện, bố mẹ cần sử dụng một túi đá rồi quấn thêm lớp khăn bên ngoài rồi chườm lên vùng da xuất huyết của bé trong khoảng thời gian từ 5 – 10 phút tùy vào sức chịu lạnh của bé. Không nên chườm túi đá trực tiếp lên bề mặt vùng da xuất huyết tránh làm tổn thương da.
    • Nếu các triệu chứng của trẻ không được cải thiện trong vòng 7 đến 10 ngày thì nên đi khám sớm, đặc biệt cần đi khám khi triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ cũng giúp ngăn ngừa và phục hồi bệnh: bổ sung thực phẩm giàu vitamin A giúp hỗ trợ chức năng tiểu cầu và một số loại thực phẩm giàu axit folic đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển một số các mô, bao gồm cả tiểu cầu. Những thực phẩm này bao gồm:
    • Các loại rau giàu vitamin K: Rau diếp cá, ô liu, mùi tây, cải bông xanh,…
    • Thực phẩm giàu vitamin A: Dầu cá, cà rốt, khoai lang, bí ngô,…
    • Thực phẩm tươi sống: giá trị dinh dưỡng cao, giúp kích thích cơ chế nội bộ của cơ thể và làm tăng số lượng tiểu cầu
    • Chất axit folic có nhiều ở ngũ cốc, rau bina, các loại đậu, măng tây, cà chua,…
  • Trong trường hợp bé đang sử dụng một loại thuốc nào khác mà có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng xuất huyết ở dưới da thì bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để ngưng sử dụng thuốc đang dùng hoặc chuyển thuốc khác cho con ngay.

Kết luận

Xuất huyết dưới da là hiện tượng các thành phần của máu thoát ra khỏi thành mạch do mạch máu bị vỡ, đứt, hay do tính thấm thành mạch thay đổi. Những nguyên nhân gây xuất huyết dưới da gồm rất nhiều bệnh lý như nhiễm trùng huyết, sốt xuất huyết, bệnh lý mạch máu và đông máu, … Điều trị xuất huyết dưới da là điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể dẫn tới triệu chứng này mà bác sĩ sẽ đưa ra những lựa chọn điều trị khác nhau với các thuốc khác nhau.

Xem thêm: Nhiễm trùng máu ở trẻ em


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn của Doctor có sẵn để điều trị.

Nguồn: