Bệnh sởi: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng bệnh

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm xuất hiện rải rác quanh năm trên toàn thế giới, đây là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao trong số các bệnh truyền nhiễm, nên nó có khả năng gây thành dịch. Vậy bệnh sởi có nguy hiểm không và phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu ngay sau đây.

Bệnh sởi là gì?

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, lây lan qua đường hô hấp, và do virus sởi gây nên. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn người lớn.

Dấu hiệu bệnh sởi khá điển hình gồm sốt, viêm long hô hấp và có dấu Koplik đặc hiệu trước khi hồng ban dạng sởi xuất hiện.

bệnh sởi
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch

Bệnh thường lành tính, tự khỏi bệnh, tuy nhiên có thể gây tử vong do biến chứng viêm phổi hoặc viêm não nếu không được điều trị kịp thời. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là tiêm phòng vắc-xin.

Bệnh sởi lây lan như thế nào?

Bệnh nhân sởi là nguồn lây bệnh duy nhất. Người bệnh có khả năng lây lan bệnh sởi cho người khác từ khoảng 1-2 ngày trước khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng và có khả năng lây cho tới khoảng 4 ngày sau khi ban xuất hiện.

Thời điểm lây lan bệnh sởi mạnh nhất là trong giai đoạn tiền triệu, tức là lúc triệu chứng viêm long nặng nề nhất và giảm nhanh khả năng lây lan khi ban xuất hiện.

Triệu chứng bệnh sởi là gì?

  • Sốt đột ngột 39 – 40 độ C, rất ít khi sốt nhẹ.
  • Viêm long (viêm + xuất tiết) là dấu hiệu bệnh sởi rất hay gặp ở niêm mạc mắt và niêm mạc hô hấp.
  • Viêm long niêm mạc hô hấp gồm chảy nước mũi, hắt hơi, ho khan hoặc ho đàm.
  • Viêm kết mạc mắt biểu hiện bởi dấu hiệu mắt đỏ, chảy nước mắt, mi mắt sưng lên và đổ nhiều ghèn.
  • Dấu hiệu viêm long được xác định khi bệnh nhân có hai trong 3 triệu chứng sau: ho, chảy mũi và viêm kết mạc
  • Tiêu chảy phân lỏng, kèm đau bụng nhẹ
  • Dấu Koplik: biểu hiện rất đặc trưng của bệnh sởi, nếu có dấu Koplik thì tỉ lệ mắc sởi khá cao trên lâm sàng.
  • Dấu Koplik là những chấm trắng nhỏ khoảng 1mm nằm rải rác trên nền viêm đỏ ở niêm mạc má hoặc bất kỳ nơi nào trong niêm mạc khoang miệng
  • Chấm Koplik xuất hiện nhiều sẽ gây cảm giác đau rát vùng miệng và thường đi kèm viêm nướu răng làm bệnh nhân ăn uống kém, giảm cảm giác ngon miệng
bệnh sởi
Người bệnh sởi có thể sốt cao đột ngột lên đến 40 độ C

Ban sởi cũng là đặc điểm nhận dạng của bệnh sởi:

Ban sởi có dạng hồng ban dát, sẩn, đường kính khoảng 3-6mm, đè biến mất, sờ được, không ngứa, có xu hướng kết hợp với nhau nhưng vẫn có những khoảng da hoàn toàn bình thường xen kẽ.

  • Bề mặt hồng ban sờ mịn.
  • Ban sởi mọc cả trên da đầu, ngón tay và lòng bàn chân

Ban xuất hiện theo thứ tự nhất định, ban luôn mọc từ đầu mặt xuống chân trong vòng khoảng 3 ngày với thứ tự như sau:

  • Ngày 1 bắt đầu ở đầu – cổ 
  • Ngày 2 ban lan xuống ngực và tay
  • Ngày 3 ban tới bụng thắt lưng và chân. Thường khi ban đã mọc hết ở chân thì ban vùng mặt bắt đầu sậm màu và biến mất dần cũng theo trình tự như trên.

Lưu ý: hai ngày đầu phát ban là giai đoạn nặng nhất của các triệu chứng toàn thân các triệu chứng nặng hẳn lên (triệu chứng toàn thân: sốt, tiêu chảy, viêm long)

Các biến chứng của sởi là gì?

  • Viêm phổi
  • Tiêu chảy
  • Viêm thanh khí phế quản
  • Viêm tai giữa
  • Viêm loét miệng
  • Viêm não
bệnh sởi
Bệnh sởi không sớm điều trị có khả năng gây ra biến chứng nguy hiểm, một trong số đó là viêm não

Đặc biệt cần lưu ý nhóm người bệnh sau rất dễ xảy ra biến chứng trong bệnh sởi nêu trên nếu không được điều trị kịp thời: 

  • Người bệnh bị suy giảm miễn dịch 
  • Phụ nữ đang mang thai 
  • Thiếu vitamin A hoặc suy dinh dưỡng nặng 
  • Trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt dưới 1 tuổi) hoặc người lớn trên 20 tuổi

Điều trị bệnh sởi như thế nào?

Chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng đỡ thể trạng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

  • Cân nhắc sử dụng kháng sinh ngừa bội nhiễm kịp thời và hợp lý vì giúp làm giảm tỉ lệ hai loại biến chứng là viêm phổi và viêm tai giữa
  • Bổ sung vitamin A giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 2 tuổi
bệnh sởi
Bổ sung vitamin A giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 2 tuổi

Khi phát hiện có triệu chứng bệnh sởi nên cách ly như thế nào để tránh lây lan bệnh?

  • Hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh trong vòng 7 ngày kể từ khi phát ban
  • Trẻ nhỏ thì nên nghỉ học ít nhất 4 ngày tính từ ngày phát ban.
  • Bệnh nhân sởi điều trị trong bệnh viện cần cách ly đường hô hấp cho đến ngày thứ 4 sau khi phát ban để tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Phòng bệnh sởi như thế nào?

  • Cách ly, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi bị nhiễm bệnh
  • Nếu có tiếp xúc với người bệnh cần rửa tay, sát khuẩn sạch sẽ
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở, nơi làm việc thoáng mát, sạch sẽ
  • Nếu dịch sởi bùng phát cần hạn chế đến nơi tập trung đông người
  • Tiêm ngừa Vaccine sởi được làm từ virus sống giảm độc lực
  • Tiêm phòng sởi gồm 2 mũi: Mũi 1 bắt đầu tiêm cho trẻ em từ 9 tháng tuổi. Mũi hai tiêm nhắc lại một lần khi trẻ đủ 18 tháng.
  • Chống chỉ định của vaccin sởi
  • Trẻ đang bị sốt cao 
  • Người có tiền căn bệnh lao tiến triển 
  • Mới được truyền máu trong vòng 3 tháng 
  • Bị dị ứng với trứng 
  • Phụ nữ mang thai 
  • Bệnh đang điều trị corticoid, xạ trị, hoá trị ung thư 
bệnh sởi
Tiêm vắc xin là phương pháp phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả

Bệnh sởi là một bệnh rất dễ lây lan tuy nhiên tỷ lệ tử vong tại các nước phát triển như Việt Nam là 0.2-0.3%. Bệnh sởi phổ biến ở trẻ em nhiều hơn so với người lớn. Ba mẹ cần đứa bé đi tiêm phòng Vaccine sởi quai bị từ sớm.

Xem thêm: Những bệnh lây qua đường nước bọt


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm