Top Banner Top Banner

Bệnh sốt mò: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

sốt mò

Sốt mò là một bệnh truyền nhiễm khó chẩn đoán và rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. May mắn là bệnh có thể phòng ngừa được bằng nhiều phương pháp khác nhau và đáp ứng rất tốt với điều trị kháng sinh đúng cách. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé.

Tổng quan về bệnh sốt mò

Bệnh sốt mò (sốt bờ bụi) là bệnh nhiễm trùng cấp tính do ấu trùng mò mang vi khuẩn Orientia tsutsugamushi gây ra. Bệnh sốt mò tương đối phổ biến ở vùng nông thôn và rừng núi của nhiều nước trên thế giới, bệnh có liên quan đến các hành vi tiếp xúc với đất, bụi rậm như làm ruộng, làm rẫy, làm vườn, săn bắn. Ở Việt Nam, bệnh vẫn còn lưu hành và chẩn đoán dễ bị bỏ sót do biểu hiện lâm sàng rất dễ nhầm với bệnh khác hoặc do không quan sát kỹ nốt loét của bệnh nhân.

Dịch tễ

Việt Nam có yếu tố địa lý và khí hậu nhiệt đới gió mùa rất thuận lợi để lưu hành bệnh sốt mò. Vùng rừng núi có cây cối rậm rạp, đồng ruộng, vườn cây, đất mùn ẩm ướt, hang hốc núi đá, bờ suối, dọc bờ biển; nơi có nhiều thú vật đặc biệt là loài gặm nhấm thường ẩn chứa tác nhân gây bệnh. Thời điểm thích hợp cho bệnh bộc phát vào khoảng tháng 6-9 trong năm. Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, sốt mò là nguyên nhân đứng hàng thứ hai hoặc thứ ba trong các nguyên nhân gây sốt của lính Mỹ.

Theo một nghiên cứu tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thống kê có 251 trường hợp bị sốt mò từ năm 2001 đến năm 2003 chiếm khoảng 3,5% trường hợp nhập viện. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Tp. Hồ Chí Minh thống kê từ tháng 01 năm 2013 đến tháng 12 năm 2014 có 76 trường hợp sốt mò, phân bố chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ (35,5%), miền Trung Nam Bộ (26,3%), miền Đông Nam Bộ (25%) và Tây Nguyên (6,6%).

Tác nhân gây bệnh

Orientia tsutsugamushi là vi khuẩn gây bệnh sốt mò, được tác giả Hayashi tìm thấy lần đầu tiên ở Nhật Bản năm 1920. Chúng có kích thước 600 × 300 nm, hình dạng khác nhau tùy điều kiện ký sinh và giai đoạn phát triển, chúng có thể có hình que ngắn hoặc dạng cầu trùng xuất hiện đơn độc, xếp đôi, chuỗi ngắn, hình sợi,… O. tsutsugamushi ký sinh bắt buộc trong tế bào và có thể bị tiêu diệt nhanh bởi nhiệt độ cao, sự khô ráo và thuốc sát trùng.

Nguồn bệnh

Con mò phần lớn thuộc lớp Leptotrompidium spp, là trung gian truyền bệnh sốt mò. Mò là một loại tiết túc nhỏ, thân đỏ cam, ký sinh trên chuột, đẻ trứng. Chu kỳ cuộc sống của con mò gồm 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng, con trưởng thành.

Ấu trùng mò chính là trung gian truyền bệnh, ấu trùng mò suốt đời chỉ hút máu một lần. Mò trưởng thành không hút máu người và các động vật khác, vì vậy ấu trùng đã hút máu vật chủ có mầm bệnh chưa có khả năng truyền bệnh ngay, mà mà đến đời sau mới có khả năng truyền bệnh.

Mò đẻ trứng, trứng nở dưới đất mùn thành ấu trùng; ấu trùng bò lên ngọn cỏ, khi gặp dịp thuận tiện sẽ bám vào thú vật đi qua để hút máu. Nếu ấu trùng mò tình cờ hút máu thú vật đã mang mầm bệnh O. tsutsugamushi thì khi trưởng thành sẽ sinh sản một thế hệ ấu trùng mò có mang mầm bệnh và là vectơ truyền bệnh cho người. Ấu trùng mò thường chèn ống hút ở miệng vào nang lông hay lỗ chân lông, vị trí hay đốt là vùng da mềm, có nếp nhăn như nách, khuỷu, đầu gối…, nơi ít để ý tới.

Ổ chứa thứ yếu có vai trò nguồn truyền nhiễm không đáng kể là các loài gặm nhấm, thú nhỏ như chuột,… khả năng thường thấp. Bệnh không lây truyền từ người qua người.

Docosan

Triệu chứng của bệnh sốt mò

Sau khi xâm nhập qua da, O. tsutsugamushi sẽ tăng sinh và gây tổn thương vùng da chỗ xâm nhập tạo vết loét hoại tử đóng mày (tương ứng với giai đoạn ủ bệnh). Sau một thời gian O. tsutsugamushi bắt đầu vào máu, xâm nhập và tăng sinh trong các tế bào nội mô mạch máu ở khắp các cơ quan trong cơ thể như tim, phổi, não, gan, thận, tụy, da gây viêm mạch máu và làm cho các tế bào này bị hư hoại. Bệnh sốt mò thường trải qua các giai đoạn sau:

Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ này có thể từ 6 – 21 ngày. Có nốt mò đốt như sẩn đỏ có mụn nước ở giữa, sau đó mụn nước vỡ ra, để lại vết loét nổi gờ lên mặt da, có dịch tiết, không đau, xuất hiện hạch khu vực. Vào cuối thời kỳ ủ bệnh, bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, biếng ăn.

Thời kỳ khởi phát: Sốt đột ngột tăng đến 39oC – 40oC sau 2-3 ngày, tổng trạng thay đổi, và các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc thần kinh rõ rệt hơn: nhức đầu, đỏ mắt, đau mỏi toàn thân, mất ngủ, lưỡi dơ.

Thời kỳ toàn phát: Có 4 biểu hiện lâm sàng chính:

  • Sốt kéo dài 1-3 tuần, thường sốt cao 39oC – 40oC, sốt liên tục, có khi sốt 2 đợt: nhiệt độ giảm dần cuối tuần 1 và hết sốt, nhưng sau 1 tuần, sốt có thể tái lại 38,5oC đến 39oC trong vài ngày.
  • Nốt loét là một triệu chứng quan trọng gợi ý đến chẩn đoán bệnh sốt mò, xuất hiện khoảng 60% – 80% trường hợp. 24 giờ sau tại nơi mò đốt xuất hiện mụn nước đường kính 1-2mm; 4 ngày sau mụn nước hóa đục, 5 ngày tiếp theo mụn nước bể ra, tạo vết loét nông không đau sau đó đóng mày nâu, đen. Ngày thứ 15 kể từ khi mò đốt sang thương sẽ bong vảy để lại vết loét đáy sạch khô,màu đỏ tươi có viền cứng. Vết loét liền không để lại sẹo sau tuần thứ 3 kể từ khi xuất hiện mụn nước.
  • Nổi hạch toàn thân và gan lách to: Ngoài viêm hạch khu vực (gần nơi mò đốt), có thể gặp nổi hạch toàn thân ở giai đoạn toàn phát (nách, bẹn,…). Hạch cứng, ấn đau, di động được, da trên vùng hạch không nóng, đỏ.
  • Phát ban: Thường là những nốt dát sẩn, không đau, không ngứa, xuất hiện lúc đầu ở ngực, bụng rồi lan ra chân, tay, ít khi thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, sau 4-5 ngày rồi lạt dần, bay hết. Đôi khi có dấu xuất huyết: chấm xuất huyết ở da, xuất huyết dưới giác mạc, chảy máu cam.
  • Ngoài ra bệnh có thể tiến triển nặng và gây biến chứng suy đa cơ quan.

Thời kỳ lui bệnh: Bệnh sốt mò đáp ứng rất tốt nếu được điều trị kháng sinh thích hợp, thời gian cắt sốt trung bình sau khi điều trị khoàng 48 – 72 giờ. Bệnh không để lại di chứng. Miễn dịch không bền vững và có thể bị tái phát.

Docosan

Phòng ngừa bệnh sốt mò

Xử lý ổ dịch thiên nhiên:

  • Phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn sạch cỏ dại.
  • Diệt chuột và các loài gặm nhấm.

Bảo vệ cá nhân tránh bị ấu trùng mò đốt:

  • Khi vào rừng, chú ý tránh nghỉ ở những nơi có cây cối rậm rạp, có nhiều cỏ dại, đất mùn; mặc quần áo kín, mang giày cao cổ.
  • Khi ngủ nhớ treo võng cao trên mặt đất từ 50cm trở lên
  • Không nằm trên bãi cỏ vùng đất ẩm, không phơi quần áo trên bãi cỏ.
  • Có thể sử dụng thuốc xua đuổi côn trùng.
Docosan

Nhìn chung bệnh sốt mò hiện đã được đẩy lùi với số ca nhiễm thấp và tỷ lệ tử vong tại Việt Nam chỉ 1%, nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan vì bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây dịch. Hãy phòng chống bệnh sốt mò và đi khám bệnh ngay nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh kể trên để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Để được tư vấn trực tiếp, bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 638 082 hoặc CHAT để được hướng dẫn đặt hẹn.


Nguồn tham khảo: CDC

Có thể bạn quan tâm

Bài viết liên quan
Total
0
Shares