Bệnh sán lá gan nhỏ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Sán lá gan nhỏ ở người là những ký sinh trùng thuộc lớp sán, hình dạng giống chiếc lá, gây bệnh ở ống mật và túi mật ở gan. Sán lá nhỏ có 2 loài và đặc điểm gây bệnh khá giống nhau. Người bị nhiễm sán lá nhỏ thường do thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, ăn cá chưa chín, tái sống. Chẩn đoán bằng cách tìm trứng của sán trong phân. Hiện tại đã có thuốc trị bệnh do sán lá nhỏ gây ra. Tuy nhiên, để rõ hơn về loại kí sinh trùng này, mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết dưới đây cùng Docosan.

Đặc điểm hình thể, cấu tạo của sán lá gan nhỏ

Tại Việt Nam, có hai loại sán la gan nhỏ chính thường gặp là Clonorchis sinensis và Opisthorchis viverrni có đặc điểm khá giống nhau về chu trình phát triển và sinh bệnh học. Sán trưởng thành thường sống trong ống dẫn mật của gan trong cơ thể ký chủ, sán dẹt có hình dạng giống chiếc lá, có màu đỏ nâu.

Clonorchis sinensis trưởng thành có màu hồng nhạt hoặc màu nâu vàng. Có 2 đĩa hút, đĩa hút miệng, đĩa hút bụng, tinh hoàn phân thành nhiều nhánh nhỏ.

Opisthorchis viverrni nhỏ hơn, vỏ có các sợi gai nhỏ, tinh hoàn chia thành 2-3 thùy hình búi tròn.

Trứng của hai loài khá giống nhau nên khó phân biêt. Trứng hình bầu dục, có nắp lồi, bên trong trứng có sẵn phôi bào ngay từ lúc mới sinh.

sán lá gan nhỏ
Hình ảnh sán lá gan nhỏ

Chu kì phát triển của sán lá gan nhỏ

Sán trưởng thành ký sinh ở đường dẫn mật, sau đó chúng đẻ trứng, trứng theo phân đi ra ngoài môi trường. Trứng đi vào môi trường nước ngọt và được ký chủ trung gian là ốc nuốt vào, nở ra ấu trùng lông và biến đổi thành bào tử nang, sau đó là dạng redia cuối cùng biến thành ấu trùng đuôi rời khỏi ký chủ ốc và bơi tựu do trong nước. Cá nước ngọt nuốt phải ấu trùng lông xâm nhập đống kén và tạo thành nang ấu trùng.

Con người ăn phải cá có nang ấu trùng chưa được chế biến kĩ, còn tái sống sẽ đưa ký sinh trùng này vào cơ thể. Nang ấu trùng xuất nang ở tá tràng, phát triển thành sán trưởng thành, di chuyển qua cơ vòng Oddi đi ngược lên ống dẫn mật chung rồi len vào các nhánh mật trong gan. Thời gian kể từ lúc ăn phải cá cho đến khi tạo thành sán trưởng thành mất khoảng 4 tuần.

sán lá gan nhỏ
Qúa trình phát triển của sán lá gan nhỏ

Yếu tố dịch tễ của sán lá gan nhỏ

Ở Việt Nam, Clonorchis sinensis có vùng dịch tễ chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Opisthorchis viverrni thì thường gặp ở các tỉnh miền Trung. Điều này giải thích do yếu tố kí chủ trung gian là các loại ốc phù hợp của từng vùng miền.

Các ký chủ trung gian ốc thường gặp là Bithynia striatula, Melaniodes tuberculata. Ký chủ trung gian II của sán lá gan nhỏ là các giống cá nước ngọt, thường gặp họ Cyprinidae, cá diếc Carassius carassius.

Người nhiễm do ăn thịt cá chưa chín chứa nang ấu trùng. Người miền Bắc thường thái cá lát mỏng, tái sơ và làm gỏi cá, người dân miền Trung có tập tục ăn cá sống hoặc làm gỏi cá diếc.

sán lá gan nhỏ
Bithynia striatula là ký vật trung gian của sán lá gan nhỏ

Dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm sán lá gan nhỏ

Bệnh lý cấp tính

Ít được ghi nhận, bệnh do Clonorchis sinensis kéo dài nhiều tuần, biểu hiện bằng sốt kéo dài, đau bụng, mệt, gan to, xét nghiệm thấy bạch cầu ái toan tăng cao, tìm thấy trứng sán lá gan nhỏ trong phân sau 3-4 tuần. Còn bệnh cấp do Opisthorchis viverrni gây ra thì biểu hiện sốt, đau bụng, nổi mề đay.

Bệnh lý mạn tính

Mức độ nặng biến đổi, kéo dài nhiều năm và thường ít có triệu chứng. Nhiễm nặng khi phát hiện hơn 10.000 trứng trong một gam phân, lúc này bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau bụng, mệt, ăn không tiêu, gan to, mệt từng cơn, đầy hơi, ăn uống không ngon miệng, sụt cân, tiêu chảy., gan to và đau. Các biến chứng có thể gặp bao gồm:

  • Viêm đường mật tái đi tái lại: sốt tái đi tái lại, run rẩy, vàng da, đau hạ sườn phải, nhiễm trùng gram âm (bội nhiễm), hình thành sỏi có sắc tố mềm, vụn như bùn tìm thấy ở nhánh mật và ống mật chủ, ghi nhận hình ảnh giãn ống mật, ổ áp xe có mủ. Bệnh có thể kéo dài nhiều năm,
  • Viêm tụy: có thể được phát hiện bằng hình thức nội soi tụy mật ngược dòng, ít khi xảy ra đơn độc.
  • Ung thư đường mật: nguy cơ ung thư đường mật tăng gấp 5 lần ở những đối tượng nhiễm sán lá và 15 lần đối với những người nhiễm nặng.
sán lá gan nhỏ
Cơn đau bụng cấp tính là triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm sán lá gan nhỏ

Phương thức điều trị bệnh do sán lá gan nhỏ

Thuốc được điều trị bệnh do sán lá gan nhỏ là praziquantel, thuốc dễ uống, ít tác dụng phụ và có hiệu quả tốt. Ngoài ra có thể sử dụng albendazole với tỉ lệ chửa khỏi là 93-100%. Trong trường hợp viêm đường mật có mủ tái đi tái lại cần can thiệp ngoại khoa để đề giải quyết tình trạng tắc nghẽn tỏng gan. Trong trường hợp bội nhiễm có thể sử dụng kháng sinh theo phác đồ.

sán lá gan nhỏ
Thuốc chứa thành phần hoạt chất praziquantel được sử dụng để điều trị nhiễm sán lá gan nhỏ

Biện pháp dự phòng nhiễm sán lá gan nhỏ

  • Tránh ăn cá sống, đặc biệt là các món gỏi cá do thường làm cá tái sống/ chưa nấu chín
  • Không đi đại tiện bừa bãi
  • Tiêu diệt/ không ăn các loại ốc là kí chủ trung gian
  • Phát hiện sớm những người có bệnh và điều trị ngay.
sán lá gan nhỏ
Tránh ăn cá sống nếu không mong muốn nhiễm sán lá gan nhỏ

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. ThS. BS. Lê Đức Vinh, Giáo trình Ký sinh trùng Y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh do sán lá nhỏ ở gan Clonorchis và Opisthorchis.
  2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán dây và bệnh ấu trùng sán lợn, Bộ Y tế
  3. Clonorchiasis, CDC.
  4. Opisthorchiasis, CDC.

Có thể bạn quan tâm