Sán lá ruột và những thông tin quan trọng bạn cần biết

Sán lá ruột là bệnh lý nhiễm sán lá phân bố chủ yếu ở khu vực châu Á như: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia,… Sán gây bệnh chủ yếu cho lợn, người, chó, mèo. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về những thông tin bổ ích xoay quanh sán lá ruột trong bài viết dưới đây nhé!

Sán lá ruột là loại kí sinh gì?

Sán lá ruột có màu đỏ, dẹt, đây là loại sán lá to nhất kí sinh ở người. Kích thước dao động từ 20 đến 70 x 8 – 20 mm, chiều dày không quá 3 mm. Mặt thân của sán lá ruột có những gai nhỏ xếp thành hàng, càng gần bụng càng có nhiều gai hơn. Sán lá ruột có cơ quan sinh dục cấu tạo bởi hai tinh hoàn chiếm phần lớn thân giữa và thân sau. Buồng trứng nằm ở bên phải của chân và có chia thành nhiều nhánh. Túi tạo trứng ở vị trí giữa thân có nhiều tuyến hoàng thể.

Sán trưởng thành có khả năng bám chắc vào thành ruột non đoạn tá tràng hay hồi tráng. Tại những vị trí này sán sẽ để trứng, trứng theo phân ra ngoài đi vào nguồn nước ở nhiệt độ bình thường sau khoảng 4 – 5 tuần trứng có thể nở thành ấu trùng lông. Ấu trùng lông bơi tự do trong nước và chui vào ký chủ trung gian I ở các loài ốc như Planorbis, Segmentica, Hippeutis. Trong cơ thể của ốc, ấu trùng lông phát triển thành nang bào tử, qua hai thế hệ tạo thành ấu trùng đuôi.

Khoảng thời gian phát triển của ốc rơi vào khoảng 30 ngày. Ấu trùng đuôi chỉ có một đuôi hình thẳng, sau khi ấu trùng rời khỏi ký chủ trung gian I là ốc chúng sẽ bơi trong nước và bám vào các thực vật sống dưới nước để có thể tạo thành các thể metaceraria, nếu người hoặc động vật ăn phải thể này thì nang ấu trùng sẽ chui vào dạ dày, đi xuống ruột và phát triển thành sán trưởng thành.

Bệnh do sán lá ruột gây ra xảy ra ở rất nhiều nơi trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Các nước thường gặp bệnh lý này là Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc. Tại Việt Nam bệnh sán lá ruột chủ yếu được tìm thấy ở lợn, tỷ lệ nhiễm ở dân số nước ta là tương đối thấp. Bệnh thường chỉ tập trung vào các khu vực nhiều ao hồ, thực vật thủy sinh phong phú làm nguồn thức ăn cho người và gia súc nhiễm bệnh.

Người và lợn chính là vật chủ đặc biệt của sán lá ruột. Cần khoảng 90 ngày để ấu trùng có thể phát triển sang giai đoạn sán trưởng thành. Sau khoảng 3 tháng, bệnh có thể lây truyền bằng trứng thải ra ngoài có trứng sán, nếu gặp điều kiện phát triển sẽ ký sinh tại vị trí ruột non. Sau khoảng thời gian 5 tuần thì các ấu trùng đuôi sau khi nở ra đã có thể bám vào các loại thực vật thủy sinh và gây bệnh nếu có bất kỳ ai ăn phải loại rau thủy sinh này.

Triệu chứng khi nhiễm sán lá ruột

Tại vị trí mà sán lá ruột kí sinh, đoạn ruột đó sẽ có tình trạng viêm loét. Số lượng sáng càng nhiều thì niêm mạc ruột càng tiết nhiều chất nhày, hậu quả có thể gây ra những ổ áp xe nhỏ ở thành ruột, tình trạng xuất huyết diễn ra kèm theo viêm hệ thống bạch mạch mạc treo. Đây là những đáp ứng của cơ thể khi sán xâm nhập vào đường tiêu hóa.

Độc tố do sán lá ruột tiết ra có thể gây phù nề toàn thân, tràn dịch ngoại tâm mạc, gan to lách to, có sự thay đổi về cấu tạo và chức năng. Bệnh nhân trong giai đoạn sán lá xâm nhập có thể bị thiếu máu, hồng cầu trong máu giảm kèm theo huyết sắc tố giảm, bạch cầu ái toan có thể tăng trong khoảng 15 – 30% tùy thuộc số lượng sán lá kí sinh trong cơ thể và mức độ biểu hiện bệnh của mỗi người sẽ có những kết quả, thông số khác nhau.

Biểu hiện đặc trưng lâm sàng của nhiễm sán lá ruột là cảm giác đầy hơi, đau thượng vị lúc đói, trường hợp nhiễm sán lá nặng có thể xuất hiện tình trạng đau lan toả toàn bộ vùng bụng, cảm giác đầy hơi diễn ra thường xuyên, buồn nôn nôn, đi lỏng có thể lên tới 10 – 15 lần/ngày. 

Những triệu chứng trên có thể khiến người bệnh cảm thấy suy sụp về mặt tinh thần đi kèm tình trạng suy dinh dưỡng, phù toàn thân. Sán tiết ra độc tố gây ra tình trạng thiếu máu hồng cầu nhược sắc, giảm bạch cầu đa nhân trung tính và làm tăng bạch cầu ái toan – một trong những chỉ điểm quan trọng trong chẩn đoán bệnh ký sinh trùng.

Cách điều trị nhiễm sán lá ruột

 Biện pháp phòng chống nhiễm sán lá ruột cần được phối hợp nhịp nhàng giũa các cấp lãnh đạo và người dân địa phương. Nếu có dịch xảy ra cần khoanh vùng và đập dịch ngay. Bệnh nhân nhiễm sán lá ruột cần được đưa tới cơ sở y tế để điều trị bệnh trong giai đoạn sớm đồng thời kiểm soát vật nuôi ở vùng có dịch vì đây có thể là nhóm đối tương mang kí sinh trong cơ thể. Hạn chế ăn các loại rau thủy sinh, đặc biệt là ở nơi có vùng nước ô nhiễm.

Biện pháp điều trị sán lá ruột:

  • Điều trị càng sớm càng tốt, thuốc điều trị đặc hiệu cần được bác sĩ kê toa và chỉ định. Người bệnh đồng thời cần tuân thủ đủ liều và uống đúng chỉ dẫn.
  • Điều trị hỗ trợ triệu chứng khi cần thiết để nâng cao, cải thiện thể trạng của bệnh nhân.
  • Một số lưu ý những đối tượng không nên sử dụng thuốc điều trị như phụ nữ có thai, đang mắc bệnh cấp tính, suy tim, suy gan, bệnh thận.
  • Thuốc điều trị: thuốc được lựa chọn trong thời gian gần đây là Praziquantel có dạng viên nén 600 mg liều 25 mg/kg/ngày dùng trong 3 ngày hoặc uống một liều duy nhất 40 mg/kg sau khi ăn no.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Sán lá ruột và những thông tin quan trọng bạn cần biết”. Hy vọng qua bài viết này bạn đọc đã có những thông tin thú vị và cần thiết về ký sinh trùng sán lá kí sinh ở ruột.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: CDC

Có thể bạn quan tâm