Sốt siêu vi là bệnh gì? Có dễ lây không?

Sốt siêu vi là tình trạng thân nhiệt tăng lên do nhiễm siêu vi. Sốt siêu vi biểu hiện là sốt cao trên 38 độ C kèm theo nhiều loại triệu chứng khác nhau như tiêu chảy, phát ban, đau đầu, … tùy thuộc vào loại siêu vi gây bệnh. Sốt siêu vi có lây lan hay không cũng tùy thuộc vào loại siêu vi người bệnh đang mắc, có những bệnh sốt siêu vi tự giới hạn, không nguy hiểm nhưng có những siêu vi lây lan nhanh và thậm chí có thể gây thành dịch. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu ngay sau đây.

Sốt siêu vi là gì ?

Sốt siêu vi hay còn được gọi với tên khác là sốt virus là một tình trạng tăng thân nhiệt bệnh lý do tác dụng của các siêu vi (hay còn gọi là virus) gây sốt làm rối loạn trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi khiến thân nhiệt phải tăng đến một điểm định nhiệt mới.

sot-sieu-vi
Sốt cao trên 38 độ là biểu hiện của sốt siêu vi

Sốt siêu vi ở trẻ em và người lớn tuổi thường gặp hơn cả do hệ miễn dịch yếu. Sốt siêu vi là một loại bệnh cấp tính, hiện tại, chưa có sự đồng thuận quốc tế về mốc thời gian của sốt cấp tính là bao lâu. Người ta chỉ định nghĩa sốt chưa rõ nguyên nhân ra đời với thời gian sốt trên 3 tuần nên từ cơ sở có một số tác giả định nghĩa sốt cấp tính là sốt kéo dài dưới 3 tuần. Tuy nhiên, cũng có vài tác giả định nghĩa sốt cấp tính là dưới 2 tuần hoặc ngắn hơn.

Virus hay siêu vi trùng gây bệnh ở người và động vật có nhiều hình dạng khác nhau (hình cầu, hình khối, hình sợi, …) Đây là những vi sinh vật có kích thước nhỏ nhất mà con người biết đến (kích thước chỉ khoảng từ 10 – 350nm).

Cấu tạo của siêu vi rất đơn giản chỉ gồm 1 lõi acid nucleic và 1 vỏ protein. Siêu vi không có hệ thống enzym như vi khuẩn nên không tự tổng hợp được các chất cần thiết cho nó mà phải bắt buộc sống ký sinh ở tế bào sống. Có khoảng 500 siêu vi gây bệnh cho người, tùy theo loại virus bị nhiễm mà gây ra các bệnh khác nhau.

Sốt siêu vi có lây không ?

Sốt siêu vi có lây lan hay không cũng tùy thuộc vào loại siêu vi người bệnh đang mắc, có những bệnh sốt siêu vi tự giới hạn, không nguy hiểm nhưng có những siêu vi lây lan nhanh và thậm chí có thể gây thành dịch.

Sốt siêu vi có thể lây từ người này sang người khác, siêu vi xâm nhập và lây lan vào con người phần lớn qua niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua các hoạt động như trò chuyện, ăn uống, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hay dịch mũi của người bệnh hoặc vào cơ thể trực tiếp qua đường máu (tiêm chích, truyền máu, sinh dục) hoặc qua côn trùng.

Lây truyền qua dịch tiết được bắn ra khi nói chuyện, hắt hơi, ho, sổ mũi là con đường lây truyền bệnh sốt siêu vi thường gặp nhất. Cũng chính vì vậy mà siêu vi có thể lây lan và bùng phát thành dịch một cách nhanh chóng.

Triệu chứng sốt siêu vi là gì?

Người bệnh sốt siêu vi thường sẽ có các Hội chứng nhiễm siêu vi gồm các triệu chứng:

  • Sốt, có thể sốt trên 38 độ C hoặc sốt cao đến 39 – 40 độ C, sốt có thể kéo dài liên tục hoặc ngắt quãng.
  • Nhức đầu
  • Đau nhức cơ
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Chảy nước mắt sống
  • Hắt hơi, chảy mũi, ho khan
  • Sốt virus ở trẻ nhỏ thường sẽ quấy khóc nhiều, bỏ bú. Lúc đang sốt cao, trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường. Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo và chơi đùa bình thường,
  • Sốt virus ở trẻ lớn thường kêu đau đầu, đau ở hai bên thái dương và sau gáy, kêu đau cơ bắp, đau khắp mình

Ngoài Hội chứng nhiễm siêu vi thì tùy theo loại siêu vi mà trẻ nhiễm phải sẽ có thêm các triệu chứng đặc trưng khác như:

  • Sốt kèm với đau khớp hoặc viêm khớp: Parvovirus B19, Rubella, Chikungunya, Zika, HIV, viêm gan siêu vi C…
  • Sốt kèm với phát ban xuất huyết: sốt xuất huyết do virus (Dengue, Hantavirus, Lassa fever, Ebola, Marburg, Rift Valley, SXH Venezuela, sốt vàng, SXH Crimean-Congo, và một số virus khác…)
  • Sốt kèm tiểu chảy: Rotavirus, Norovirus, …

Cách điều trị sốt siêu vi?

Hầu hết bệnh nhân sốt siêu vi chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày và bệnh tự giới hạn nếu được điều trị đúng cách và đầy đủ.

Điều trị triệu chứng của sốt siêu vi

  • Cần nghỉ ngơi hợp lý, hoạt động vận động thể lực ở mức vừa phải, không quá sức.
  • Có thể sử dụng một số thuốc điều trị triệu chứng để giảm bớt khó chịu cho người bệnh:
    • Thuốc hạ sốt: acetaminophen, aspirin, …
    • Thuốc kháng histamin để giảm nghẹt mũi
    • Thuốc điều trị ho như dextromethorphan, guaifenesin, codein
    • Thuốc kháng viêm như dexamethasone, prednisolone dùng để giảm viêm và phù nề đường hô hấp
  • Biên pháp vật lý: làm ẩm không khí, cởi bỏ quần áo, lau người bằng nước mát, …

Điều trị nguyên nhân gây sốt siêu vi

Tùy thuộc vào loại siêu vi gây bệnh sốt siêu vi mà ta có thể sử dụng một số thuốc kháng virus để trị bệnh.

Kháng sinh không có tác dụng diệt siêu vi nên không được sử dụng. Chính vì vậy khi sốt không nên tự ý mua thuốc kháng sinh ở các nhà thuốc tây để sử dụng vì việc sử dụng kháng sinh vừa khống giúp diệt được siêu vi, vừa liên quan đến một số tác dụng không mong muốn và có thể thúc đẩy đề kháng kháng sinh và nhiễm khuẩn thứ phát, nên kháng sinh cần được sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ.

Một số bác sĩ khám và điều trị sốt siêu vi

  • Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Bảo Xuân Thanh, hơn 10 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân
  • Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Kim Sang, hơn 30 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân

Kết luận

Sốt siêu vi hay còn được gọi với tên khác là sốt virus là một tình trạng tăng thân nhiệt bệnh lý do tác dụng của các siêu vi (hay còn gọi là virus). Sốt siêu vi ở trẻ em và người lớn tuổi thường gặp hơn cả do hệ miễn dịch yếu. Sốt siêu vi là một loại bệnh cấp tính. Bệnh sốt siêu vi có thể tự giới hạn, không nguy hiểm nhưng có những siêu vi lây lan nhanh và thậm chí có thể gây thành dịch.

Triệu chứng gồm Hội chứng nhiễm siêu vi và một số triệu chứng đặc trưng khác tùy thuộc vào loại siêu vi gây bệnh. Hầu hết bệnh nhân sốt siêu vi chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày và bệnh tự giới hạn.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

  • Sốt siêu vi – Vinmec
  • Sách vi sinh – Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
  • Bài giảng Sốt cấp tính Bộ môn Nhiễm Phạm Ngọc Thạch

Có thể bạn quan tâm