Thuốc điều trị sốt xuất huyết và những điều bạn cần biết

Thuốc điều trị sốt xuất huyết cần được sử dụng đúng loại, đúng liều và quan trọng nhất là đúng chỉ định. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về thuốc trị sốt xuất huyết trong bài viết dưới đây nhé!

Sốt xuất huyết là bệnh gì?

Sốt xuất huyết Dengue là tình trạng sốt do nhiễm virus Dengue do trung gian là muỗi vằn truyền bệnh. Triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện từ 3 đến 10 ngày sau khi bị muỗi cắn, bệnh kéo dài từ 5 đến 10 ngày, với nhiều mức độ khác nhau. Mỗi giai đoạn của bệnh sẽ có những biện pháp can thiệp riêng.

Mặc dù y học ngày càng phát triển nhưng hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết cũng như vaccine dự phòng bệnh, biện pháp điều trị chủ yếu xoay quanh điều trị triệu chứng. Thuốc điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là thuốc hạ sốt trong những ngày đầu. Tùy vào từng bệnh nhân và triệu chứng mắc phải mà bác sĩ điều trị có thể bổ sung thêm các thuốc điều trị khác nhau.

Các triệu chứng của sốt xuất huyết đầu tiên phải kể đến hội chứng nhiễm siêu vi như sốt cao, đau đầu, đau ổ mắt, đau nhức cơ xương khớp… Bệnh nhân có thể nổi các dấu xuất huyết đỏ trên da (ấn xuống không mất). Trong một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng với các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm như đau bụng dữ dội vùng hạ sườn phải, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu,…

Sốt xuất huyết nên không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể diễn tiến sang những giai đoạn nguy hiểm nếu bệnh nhân không vào viện kịp có thê tử vong. Các biến chứng có thể gặp là mất máu thiếu máu do xuất huyết, chảy máu không cầm do giảm tiểu cầu, rối loạn đông cầm máu, shock giảm thể tích, suy đa tạng,…

Đây là một bệnh lý không được chủ quan, nhiều bệnh nhân chỉ tự ý mua thuốc hạ sốt khi phát hiện sốt mà không đi viện ngay. Sau nhiều ngày tự điều trị không khỏi, bệnh diễn tiến nặng sang giai đoạn shock, khi đưa vào viện đã suy đa tạng , tỉ lệ sống sót không cao. Do đó, việc điều trị cũng nhu sử dụng thuốc điều trị sốt xuất huyết cần được chỉ định bởi bác sĩ. Người bệnh không tự ý điều trị tại nhà.

Thuốc điều trị sốt xuất huyết nhanh khỏi bệnh

Đối với bệnh nhân đang mắc sốt xuất huyết, đa số bác sĩ chỉ có thể can thiệp điều trị triệu chứng và điều trị giảm nhẹ, hạn chế xảy ra các biến chứng, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá biến chứng và tiên lượng bệnh. Các triệu chứng bộc lộ ra bên ngoài cũng là yếu tố giúp bác sĩ chẩn đoán được giai đoạn bệnh từ đó có những biện pháp điều trị phù hợp.

Đa phần các trường hợp bệnh được chỉ đinh thuốc điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là các loại hạ sốt, giảm đau, trong một số trường hợp có thể bổ sung thêm kẽm, vitamin, bù dịch bằng đường uống. Truyền dịch chỉ thực hiện khi bệnh nhân không uống được hoặc khi có chỉ định của bác sĩ trong các trường hợp bệnh nhân có shock giảm thể tích. Trong những trường hợp bệnh nặng có shock có thể sử dụng thuốc vận mạch.

Để giảm sốt và đau đầu, nhức mỏi cơ thể người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau như Paracetamol (Acetaminophen). Đây là một trong những thuốc điều trị sốt xuất huyết được chỉ định nhiều và thường xuyên nhất do sốt là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn 3 ngày đầu. Thuôc có thể dùng được cho mọi độ tuổi tuy nhiên cần lưu ý về liều lượng khi sử dụng ở trẻ em.

Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng đủ liều và tránh sử dụng quá liều vì có thể gây hại cho gan. Thường sử dụng khi sốt, không quá 4 viên một ngày. Thuốc dùng quá liều có thể gây độc gan, hoại tử gan cấp và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.

Đối với trẻ em, thuốc có các dạng bào chế khác nhau như thuốc viên, siro, bột pha uống, viên đặt hậu môn,… tùy từng độ tuổi và trường hợp bệnh bác sĩ sẽ có những chỉ định sử dụng thuốc khác nhau. Trẻ mệt ngủ nhiều có thể sử dụng viên đặt hậu môn, nếu trẻ thức có thể dạng bột hoặc siro đường uống. Đặc biệt ở trẻ em cần phải chú ý đặc biệt đến liều lượng mà bác sĩ chỉ định.

Sốt xuất huyết có thuốc đặc trị không?

Hiện nay không có thuốc điều trị sốt xuất huyết nào đặc hiệu và có thể khống chế bệnh. Việc điều trị hay sử dụng thuốc điều trị sốt xuất huyết là điều trị thuyên giảm các triệu chứng, nâng đỡ tổng trạng, nâng cao miễn dịch của bệnh nhân hơn để có thể chống lại bệnh.

Trong một số trường hợp người bệnh nhập viện do có những biểu hiện, triệu chứng cảnh báo mức độ nguy hiểm người bệnh có thể được chỉ định truyền máu hoặc truyền tiểu cầu để khắc phục tình trạng rối loạn đông cầm máu. Hầu hết các trường hợp bệnh sẽ khỏi từ ngày thứ 5 tuy nhiên cũng có một phần không ít bệnh nhân trải qua giai đoạn nguy hiểm thậm chí là shock, tử vong,…

Đó cũng chính là lý do mà người bệnh không nên chủ quan, lơ là khi mắc các biểu hiện của bệnh, đặc biệt là trong thời điểm dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, số ca tăng vọt, đặc biệt là địa phương nơi bạn đang sinh sống có ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, đây là yếu tố dịch tễ quan trọng để người bệnh có thể nhận biết.

Bên cạnh Paracetamol thì Aspirin cũng có thể giảm đau hạ sốt tuy nhiên loại thuốc này tuyệt đối không được sử dụng như một thuốc điều trị sốt xuất huyết. Đây là một căn bệnh mà giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sẽ có hiện tượng giảm tiểu cầu nghiêm trọng, gia tăng nguy cơ chảy máu hoặc chảy máu khó cầm. Aspirin với vai trò chống kết tập tiểu cầu có thể làm tồi tệ hơn tình trạng rối loạn đông máu này, do đó không nên sử dụng Aspirin trong bệnh sốt xuất huyết.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu, biện pháp điều trị chủ yếu điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau nhức, bù dijch,… Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế khi nghi ngờ mắc bệnh.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS