Xét nghiệm D-dimer là gì? Ai cần xét nghiệm D-dimer

Xét nghiệm D-dimer là một xét nghiệm sinh hóa được dùng để kiểm tra tình trạng huyết khối trong máu. D-dimer là sản phẩm thoái giáng của fibrin liên kết chéo (bởi yếu tố đông máu XIII). Đây là chất phản ánh việc hệ thống đông máu đang được kích hoạt. Để hiểu rõ hơn về phương pháp xét nghiệm này, hãy cùng Docosan tham khảo nội dung dưới đây.

Xét nghiệm D-dimer là gì?

Xét nghiệm D-dimer giúp tìm D-dimer, một đoạn protein được tạo ra khi cục máu đông tan rã trong máu. D-dimer thường không hiện diện hoặc hiện diện với một lượng rất nhỏ trừ khi cơ thể hình thành và phá vỡ các cục máu đông, khi đó, nồng độ D-dimer tăng lên đáng kể.

Đông máu là một quá trình quan trọng giúp bạn không bị mất quá nhiều máu khi bị thương. Thông thường, cơ thể bạn có khả năng làm tan cục máu đông sau khi vết thương đã lành. Đối với người bị rối loạn đông máu, cục máu đông có thể hình thành khi không có chấn thương hoặc cục máu đông không tan ra sau khi vết thương lành. Những tình trạng này có thể rất nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Xét nghiệm D-dimer cho bác sĩ biết liệu bạn có bị rối loạn đông máu hay không.

xét nghiệm d-dimer
Tìm hiểu xét nghiệm D dimer cùng Docosan

Xét nghiệm D-dimer để làm gì?

Xét nghiệm D-dimer thường được áp dụng để xác định xem bạn có bị rối loạn đông máu hay không. Những rối loạn này bao gồm:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep vein thrombosis – DVT): Cục máu đông được hình thành ở những tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể. Thường gặp tình trạng này ở vùng cẳng chân.
  • Tắc mạch phổi (Pulmonary embolism – PE): Cục máu đông thường di chuyển từ một vị trí khác trong cơ thể đến phổi. Huyết khối tĩnh mạch sâu là nguyên nhân phổ biến gây thuyên tắc phổi.
  • Đông máu nội mạch lan tỏa (Disseminated intravascular coagulation – DIC): Cục máu đông có thể hình thành khắp nơi trong cơ thể, gây tổn thương nội tạng và các biến chứng nghiêm trọng khác. DIC có thể xảy ra do chấn thương, một số loại nhiễm trùng hoặc ung thư.
  • Đột quỵ, tắc nghẽn nguồn cung cấp máu lên não.
xét nghiệm d-dimer
Xét nghiệm D-dimer thường được áp dụng để xác định xem bạn có bị rối loạn đông máu hay không

Ai cần xét nghiệm D-dimer?

Bạn cần xét nghiệm D-dimer khi có các triệu chứng của tình trạng rối loạn đông máu, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hoặc thuyên tắc phổi (PE).

Các triệu chứng của DVT bao gồm:

  • Đau chân.
  • Chân bị phù lên.
  • Đỏ hoặc có vệt đỏ trên chân.

Các triệu chứng của PE bao gồm:

  • Khó thở.
  • Ho.
  • Đau ngực.
  • Tim đập loạn nhịp.

Thực hiện xét nghiệm D-dimer như thế nào?

Bạn không cần phải chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm D-dimer. Bạn sẽ được lấy mẫu máu từ tĩnh mạch để gửi đi xét nghiệm. Bạn có thể cảm thấy hơi đau tại vị trí lấy máu hoặc bị bầm tím tại nơi kim tiêm được đưa vào, nhưng tình trạng này sẽ biến mất nhanh chóng.

xét nghiệm d-dimer
Thực hiện xét nghiệm D-dimer như thế nào?

Kết quả xét nghiệm D-dimer

Nếu D-dimer trong máu có nồng độ dưới ngưỡng quy định, điều đó có nghĩa là bạn không bị rối loạn đông máu.

Nếu nồng độ D-dimer trong máu cao hơn giá trị ngưỡng, điều đó có nghĩa là bạn có nguy cơ bị rối loạn đông máu.

xét nghiệm d-dimer
Kết quả xét nghiệm D-dimer

Xét nghiệm này không xác định vị trí cục máu đông hoặc loại rối loạn đông máu mà bạn mắc phải. Ngoài ra, mức D-dimer cao không phải lúc nào cũng do các vấn đề về đông máu. Các tình trạng khác có thể gây ra mức D-dimer cao bao gồm mang thai, bệnh tim hoặc bạn vừa mới phẫu thuật. Nếu kết quả D-dimer của bạn bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm để chẩn đoán khác, bao gồm:

  • Siêu âm 2D kết hợp siêu âm Doppler: giúp khảo sát hệ thống tĩnh mạch để xác định vị trí cục máu đông ở vùng chi dưới.
  • Chụp CT: Bạn được tiêm thuốc cản quang để hệ thống mạch máu được quan sát dễ dàng và rõ ràng hơn trên phim.
  • Khảo sát tương quan thông khí – tưới máu phổi (V / Q): Đây là hai phương pháp có thể được thực hiện riêng biệt hoặc cùng nhau nhằm đánh giá phổi của bạn có hoạt động tốt không.

Phòng khám tư vấn và xét nghiệm D-dimer

  • Golden Healthcare, Tân Bình, TP.HCM.
  • Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm y khoa Điag, Quận 10 TP.HCM.
  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế TIMEC, Bình Tân, TP.HCM.

Xét nghiệm D-dimer thường được áp dụng để xác định xem bạn có bị rối loạn đông máu hay không. Bạn đọc nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi thực hiện.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: D-dimer test – medlineplus.gov