Tổng quan về xét nghiệm HP

Helicobacter pylori (H. pylori) là một loại vi khuẩn sống và phát triển trong dạ dày. Loại vi khuẩn này có thể gây ra các bệnh lý đường tiêu hóa, bao gồm viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng và có liên quan đến ung thư dạ dày.

Có nhiều cách khác nhau để xét nghiệm tìm vi khuẩn H.pylori (HP), bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, test ure hơi thở và xét nghiệm qua nội soi. Nếu hệ tiêu hóa của bạn có một vài triệu chứng bất thường, việc xét nghiệm chẩn đoán và điều trị sớm vi khuẩn HP có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

1. Tại sao nên xét nghiệm HP?

Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau :

  • Đau bụng mơ hồ, lặp đi lặp lại, thường xảy ra sau bữa ăn
  • Đầy hơi
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Tiêu chảy
  • Ăn mất ngon
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân

Sau khi được chẩn đoán viêm dạ dày do vi khuẩn HP, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị với phác đồ chuẩn ngay lập tức. Việc điều trị viêm dạ dày ở giai đoạn đầu có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của vết loét dạ dày hoặc các biến chứng khác.

xet nghiem hp
Có nhiều cách khác nhau để xét nghiệm HP

2. Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP

Các phương pháp trong y học được áp dụng để phát hiện vi khuẩn HP bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm qua hơi thở
  • Xét nghiệm phân
  • Xét nghiệm qua nội soi

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm này sẽ tìm ra kháng thể do cơ thể bệnh nhân tổng hợp để chống lại vi khuẩn HP.

Quy trình thực hiện: Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay bằng ống tiêm và gửi mẫu đến phòng xét nghiệm.

Xét nghiệm qua hơi thở (hay xét nghiệm Ure hơi thở)

Vi khuẩn HP trong quá trình hoạt động sẽ sản xuất ra một loại enzyme, gọi là urease. Enzyme này phân huỷ ure thành amoniac và carbon dioxide. Carbon dioxide được hấp thụ qua niêm mạc dạ dày, vào máu, và thải ra ngoài ở phổi.

Quy trình thực hiện: Đầu tiên, bạn sẽ thở vào một túi chứa khí kín. Sau đó bác sĩ cho bạn uống một viên thuốc hoặc chất lỏng có chứa ure. Nếu có sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày, vi khuẩn sẽ có enzyme phân huỷ ure thành amoniac và carbon dioxide. Như vậy, sau khi uống thuốc, nếu trong khí thở ra của bệnh nhân có lượng carbon dioxide cao hơn so với trước khi uống thuốc, nghĩa là có sự hiện diện vi khuẩn trong dạ dày.

Xét nghiệm phân

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm tìm kháng nguyên của vi khuẩn trong phân hoặc xét nghiệm cấy phân để phát hiện vi khuẩn HP.

Quy trình thực hiện: Bệnh nhân sẽ cung cấp mẫu phân cho bác sĩ (đảm bảo mẫu phân không lẫn với nước tiểu), sau đó bác sĩ gửi mẫu đến phòng xét nghiệm để kiểm tra.

Xét nghiệm qua nội soi

Nếu bác sĩ cho rằng các xét nghiệm khác không cung cấp đủ thông tin để chẩn đoán, bạn có thể được khuyến nghị thực hiện nội soi dạ dày. Quá trình nội soi giúp bác sĩ quan sát trực tiếp thực quản, niêm mạc dạ dày, một phần ruột non và có thể thực hiện sinh thiết mẫu mô tại vị trí tổn thương để đưa ra chẩn đoán chính xác, đồng thời xác định được mức độ của các triệu chứng và vị trí bị tổn thương.

Quy trình thực hiện: Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm nghiêng. Bạn có thể được gây mê để tránh cảm giác đau đớn trong quá trình nội soi. Sau đó, bác sĩ đưa một ống nhỏ có gắn đèn và camera (được gọi là ống nội soi) vào thực quản và xuống dạ dày của bạn. Bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết một mẫu mô tại vị trí tổn thương để làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán sau thủ thuật.

4. Chuẩn bị trước khi xét nghiệm

Đối với xét nghiệm hơi thở, phân và nội soi, bạn có thể phải ngừng dùng một số loại thuốc từ hai tuần đến một tháng trước khi xét nghiệm. Hãy trao đổi với bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng.

Đối với phương pháp nội soi, bạn cần nhịn ăn hoặc uống trong khoảng 8 – 12 giờ trước khi làm thủ thuật.

Bệnh viện/ phòng khám tư vấn và xét nghiệm vi khuẩn HP

Xét nghiệm HP giúp cho bệnh nhân được điều trị sớm và chính xác, giúp phòng ngừa biến chứng nặng do vi khuẩn HP gây ra. Bên cạnh đó, xét nghiệm HP sẽ giúp bác sĩ xác định việc điều trị có hiệu quả hay không. Bạn đọc nên trao đổi với bác sĩ kỹ lưỡng trước khi thực hiện.


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Helicobacter Pylori (H. Pylori) Tests – medlineplus.gov