Đau xương chậu có nguy hiểm không? Những ai dễ mắc phải?

Đau xương chậu là vấn đề mà ai cũng có thể gặp phải. Cơn đau có thể thoáng qua hoặc trở thành bệnh mãn tính. Cơn đau này có thể do tổn thương cơ học gây nên và nhanh chóng hồi phục trong vài ngày. Tuy vậy, dấu hiệu đau này cũng có thể cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm nếu không kịp điều trị kịp thời. Do đó, Doctor có sẵn hy vọng bài viết này sẽ đem đến đầy đủ thông tin để người đọc nhận biết và có cách xử lý phù hợp khi xuất hiện dấu hiệu đau xương chậu.

Đau xương chậu là gì? Những triệu chứng đau xương chậu

Đau xương chậu được định nghĩa là cơn đau xảy ra ở phần bụng dưới của bệnh nhân (từ phần rốn trở xuống). Cơn đau có thể chỉ tại một vị trí nhỏ hoặc lan tỏa hết phần bụng dưới. Cụ thể, cơn đau xuất hiện tại vùng xương chậu, vùng bụng trước dưới rốn, vùng xương cụt sống lưng và vùng mông.

đau xương chậu
Đau xương chậu thường gặp ở phụ nữ

Đau xương chậu có thể được phân thành 2 loại: cấp tính và mãn tính. Đau xương chậu cấp tính có đặc điểm xảy ra đột ngột, cơn đau dữ dội và kéo dài trong thời gian ngắn. Đối với trường hợp, cơn đau lặp đi lặp lại kéo dài hơn 6 tháng và không cải thiện khi tiếp nhận điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán đau xương chậu mãn tính. 

Đau xương chậu mãn tính đa phần gặp ở phụ nữ, rất khó điều trị dứt điểm và gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống bệnh nhân. Các triệu chứng của đau xương chậu điển hình như:

  • Cơn đau như bị đâm, đau nhói dữ dội, nóng rát xảy ra một cách đột ngột ở vùng bụng dưới rốn
  • Cơn đau âm ỉ kéo dài 
  • Đau nhức ê ẩm, trì nặng vùng bụng dưới rốn
  • Đau quặn thắt 
  • Đau co rút từng cơn thoáng qua
  • Cơn đau chỉ xuất hiện khi vận động, quan hệ tình dục hay đi vệ sinh

Nguyên nhân gây đau xương chậu

Đau xương chậu, nhất là đau xương chậu mãn tính có thể do nhiều nguyên nhân cùng lúc gây nên, liên quan đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể như hệ thần kinh, hệ cơ xương, hệ sinh dục và hệ tiết niệu. Các nguyên nhân gây đau xương chậu sẽ được phân theo nguyên nhân cơn đau cấp tính và mãn tính, những nguyên nhân phổ biến nhất.

đau xương chậu
Có nhiều nguyên nhân gây đau xương chậu cấp và mạn tính

Nguyên nhân cho đau xương chậu cấp tính có thể là:

  • Có thể do tổn thương cơ học như té ngã, chấn thương gây đau khớp xương chậu, bầm tím, sung huyết.
  • Mang thai ngoài tử cung: Đau vùng chậu kèm chảy máu âm đạo bất thường là những dấu hiệu đặc trưng của mang thai ngoài tử cung.
  • Viêm vùng chậu là biến chứng do các bệnh lây truyền tình dục (bệnh lậu hoặc nhiễm chlamydia) gây nên. Đây là tình trạng nhiễm trùng hệ sinh sản gồm tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Nếu không kịp thời điều trị, viêm vùng chậu có thể gây biến chứng chức năng sinh sản của phụ nữ dẫn tới vô sinh.
  • Xoắn hoặc vỡ u nang buồng trứng
  • Sảy thai hoặc dọa sảy thai
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Gồm những bệnh nhiễm trùng liên quan hệ tiết niệu như viêm bàng quang, nhiễm trùng thận, viêm niệu đạo,.. Dấu hiệu đi kèm gồm có sốt cao, đi tiểu ra máu, đi tiểu nhiều lần, buốt tiểu,…
  • Viêm ruột thừa: Dấu hiệu thường thấy là những cơn đau tăng dần ở vùng bụng dưới bên phải. Ngoài ra còn đi kèm triệu chứng buồn nôn và sốt.
  • Vỡ ống dẫn trứng

Những nguyên nhân này đều có thể tiến triển thành tình trạng bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Bên cạnh đó, đau xương chậu mãn tính thường do một trong bốn nguyên nhân sau:

  • Lạc nội mạc tử cung: Tình trạng mô tương tự niêm mạc tử cung xuất hiện tại các khu vực khác như buồng trứng và ống dẫn trứng. Triệu chứng thường thấy là đau vùng chậu nghiêm trọng trong kỳ kinh nguyệt, kinh nguyệt bất thường, lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường
  • Viêm bàng quang kẽ: Một chứng viêm không do vi khuẩn gây nên và mang tính mãn tính. Hiện viêm bàng quang kẽ vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây nên. Triệu chứng phổ biến tương tự viêm bàng quang cấp tính do vi khuẩn gây nên như tiểu gắt, thường đi tiểu, đau xương chậu.
  • Hội chứng ruột kích thích: Nguyên nhân chính xác vẫn chưa cụ thể, có liên quan đến những thứ như thức ăn đi qua ruột quá nhanh hoặc quá chậm, các dây thần kinh quá nhạy cảm trong ruột, căng thẳng và tiền sử gia đình mắc IBS. Các triệu chứng đi kèm như co thắt dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón.
  • Dính vùng chậu: Các mô sẹo sau phẫu thuật phụ khoa hoặc từ các vết thương do bệnh lây truyền tình dục dính lại một cách bất thường. Tùy vị trí xuất hiện thuộc hệ tiêu hoá, tiết niệu hay sinh dục mà các triệu chứng điển hình xuất hiện như rối loạn kinh nguyệt, đầy hơi, táo bón, bí tiểu,…

Ngoài ra, những nguyên do về vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, chấn thương tâm lý do lạm dụng tình dục thời thơ ấu, cũng như chấn thương khớp xương gây đau khớp xương chậu,.. Cũng là những yếu tố góp phần gây đau xương chậu mãn tính. Hơn thế, có giả thuyết cho rằng tình trạng này có thể do môi trường và yếu tố di truyền tác động.

Những ai dễ bị đau xương chậu?

Đối tượng dễ bị đau vùng chậu nhất là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ có thai. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nữ giới bị đau xương chậu mãn tính khoảng 5,7% đến 26,6% trên toàn thế giới. Trung bình, khoảng 15% phụ nữ chịu cơn đau xương chậu mãn tính trong một khoảng thời gian trong năm, cơn đau tái đi tái lại kéo dài trong trung bình 2,5 năm. 

Bị đau xương chậu nam giới có tỉ lệ mắc từ 2% – 16% ở nam giới dưới 50 tuổi trên toàn thế giới. Đau xương chậu ở nam giới thường liên quan đến tuyến tiền liệt và các bệnh về sinh dục.

Tuy vậy, những con số thống kê trên có thể thấp hơn nhiều so với thực tế do đau xương chậu mãn tính rất khó chẩn đoán do thiếu định nghĩa về phân loại bệnh và dấu hiệu chẩn đoán cũng như nguyên nhân và sinh lý bệnh không rõ ràng. 

Đối với phụ nữ mang thai, đau vùng chậu khi mang thai được gọi là đau vùng chậu liên quan đến mang thai (PGP – pregnant-related pelvic girdle pain) hoặc rối loạn chức năng xương mu giao cảm (SPD – symphysis pubis dysfunction). Hiện tượng này gồm các triệu chứng liên quan đến sự cứng khớp xương chậu và chuyển động không đều của các khớp trước hoặc sau xương chậu. 

Nguyên do của hiện tượng này là do cơ thể sản sinh hormone relaxin giúp làm mềm và giãn các khớp chuẩn bị cho sự sinh sản. Cơn đau này hoàn toàn vô hại đối với thai nhi và là cơ chế sẵn sàng của cơ thể để có thể đẻ thương. Mặc dù vậy, đau vùng chậu khi mang thai có thể khiến các thai phụ đau đớn và gặp khó khăn trong quá trình đi lại vận động. Người ta ước tính rằng cứ 5 người phụ nữ mang thai thì có 1 người phụ nữ bị đau xương chậu khi mang thai.

Những nguyên nhân làm trầm trọng thêm cơn đau xương chậu khi mang thai bao gồm tổn thương vùng chậu trước đó, khớp xương chậu di chuyển không đều và trọng lượng hoặc vị trí của em bé.

đau xương chậu
Phụ nữ mang thai rất dễ bị đau xương chậu

Các yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ bị đau xương chậu khi mang thai có thể kể đến:

  • Tiền sử đau lưng dưới hoặc đau vùng chậu
  • Chấn thương trước đó đối với xương chậu (ví dụ, do ngã hoặc tai nạn)
  • Bị đau xương chậu trong lần mang thai trước
  • Làm công việc đòi hỏi thể chất
  • Thừa cân

Phụ nữ cũng có thể bị đau xương chậu sau sinh. Đây là vấn đề có thể gặp phải do vùng xương chậu giãn nở và chuyển dịch trong quá trình sinh đẻ. Ngoài ra cũng có thể do các vấn đề nhiễm trùng khi sinh do vết rách tầng sinh môn, vết thương sinh mổ. Phụ nữ bị đau xương chậu sau sinh cần được chăm sóc y tế và dành thời gian nghỉ ngơi phục hồi.

Chẩn đoán và biện pháp xử lý khi đau xương chậu như thế nào?

Khi bị đau xương chậu, đầu tiên bệnh nhân cần được chẩn đoán để xác định nguyên nhân. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị và hướng dẫn cụ thể.

Để chẩn đoán về đau xương chậu, bệnh nhân sẽ cần trả lời các câu hỏi thăm khám lâm sàng như: 

  • Cơn đau xảy ra khi nào và ở đâu?
  • Cơn đau kéo dài bao lâu?
  • Cơn đau có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, tiểu tiện và/hoặc hoạt động tình dục của bạn không?
  • Cảm giác đau như thế nào (ví dụ như đau nhói hoặc âm ỉ)? 
  • Cơn đau có xuất hiện cùng những triệu chứng bất thường nào không?
  • Cơn đau bắt đầu trong hoàn cảnh nào?
  • Cơn đau bắt đầu đột ngột như thế nào?

Việc cung cấp những câu trả lời rõ ràng cùng những mô tả cụ thể sẽ giúp bác sĩ đưa ra những suy đoán ban đầu về nguyên nhân đau xương chậu. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí đau cũng như yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu 
  • Thử thai
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Nuôi cấy tế bào từ cổ tử cung
  • Siêu âm vùng bụng dưới
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CT scan)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) 
  • Nội soi ổ bụng
  • Chụp X-quang
  • Nội soi đại tràng

Điều trị đau xương chậu dùng thuốc

Sau khi xác định được nguyên nhân, trọng tâm điều trị lúc này là giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng đau. Bước đầu tiên là dùng thuốc giảm đau không kê đơn (paracetamol, thuốc chống viêm không steroid) ở dạng uống hoặc dán trực tiếp vị trí đau. Những loại thuốc giảm đau này thường được dung nạp tốt. Sử dụng thêm kháng sinh đối với các trường hợp nguyên nhân xuất phát từ nhiễm khuẩn như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng đường sinh dục,… 

Nếu cơn đau vùng chậu của bệnh nhân liên quan đến cơ quan sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt, thì nên sử dụng liệu pháp thay thế nội tiết tố (thuốc tránh thai đường uống chứa estrogen,progesteron,…). Nếu đau xương chậu mãn tính liên quan đến vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn tâm thần, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc trị bệnh thần kinh. Tùy thuộc vào mong muốn và tình trạng bệnh lý, bệnh nhân có thể được chỉ định các thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs), chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI) như venlafaxine hoặc duloxetine. 

Nếu cơn đau không được kiểm soát với các lựa chọn điều trị khác nhau này, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến ​​​​chuyên gia về thuốc giảm đau và xem xét dùng thử thuốc giảm đau opioid. 

Điều trị đau xương chậu không dùng thuốc

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên tiếp cận những phương pháp điều trị không dùng thuốc như vật lý trị liệu vùng xương chậu và liệu pháp nhận thức-hành vi. Nó đã được chứng minh là làm giảm đau, căng thẳng và cải thiện chức năng. Các bài tập vận động nhẹ nhàng, thư giãn cũng như thiền định cũng là những phương pháp hỗ trợ hiệu quả giúp bệnh nhân vượt qua cơn đau xương chậu mãn tính. 

Chế độ dinh dưỡng, thay đổi môi trường sống cũng được khuyến cáo để giảm bớt đau đớn do đau xương chậu mãn tính đem đến. Đối với một số trường hợp đau khớp xương chậu, bệnh nhân cũng có thể được tiêm corticoid vào khớp để đạt được hiệu quả giảm đau như mong muốn, khắc phục những khó khăn trong đời sống do cơn đau mang lại.

đau xương chậu
Bệnh nhân cần được tư vấn phương pháp trị liệu đau xương chậu phù hợp

Bệnh nhân bị đau vùng chậu mãn tính được khuyến khích để cải thiện tình trạng sức khỏe của mình bằng cách tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và có một chế độ ăn uống cân bằng. Bệnh nhân cũng nên nhận thức được tầm quan trọng của việc trao đổi cụ thể với bác sĩ của họ và tuân thủ tất cả các loại thuốc được kê đơn và các phương thức điều trị khác nhau.

Biện pháp phòng ngừa đau xương chậu hiệu quả

Để phòng ngừa bị đau xương chậu nam giới lẫn nữ giới cần chú ý đến những vấn đề như sau: 

  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống luôn là một trong những vấn đề cần lưu tâm đối với mọi tình trạng bệnh lý. Bạn cần ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe đường ruột cụ thể như sữa chua cung cấp men vi sinh hỗ trợ hệ tiêu hóa, rau xanh, trái cây giàu chất xơ giảm tình trạng táo bón, các thực phẩm giàu canxi hỗ trợ hệ cơ xương như sữa, phô mai,…
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định: Thừa cân hay béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý. Trong trường hợp đau xương chậu, việc thừa cân nhất là ở phụ nữ có thai gây áp lực lên khớp xương chậu khiến nặng thêm tình trạng bệnh. Do đó bạn cần kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý.
  • Vận động thể dục, rèn luyện thân thể: Tập các bài tập tốt cho xương chậu như Kegels, squat, tập yoga giãn cơ hông, xương chậu,…
  • Quan hệ tình dục an toàn: Như đã nêu ở phần nguyên nhân, đau xương chậu có thể do các bệnh viêm nhiễm phát sinh từ bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, việc quan hệ tình dục an toàn giúp bạn tránh nguy cơ bị đau xương chậu nói riêng và các biến chứng sức khỏe khác nói chung.
  • Giữ vệ sinh vùng kín: Giữ gìn vệ sinh đường tiết niệu, đường sinh dục đặc biệt là đối với nữ giới độ tuổi dậy thì bắt đầu hành kinh.

Câu hỏi thường gặp

Đau xương chậu có phải sắp sinh?

Khi phụ nữ sắp sinh, các khớp xương chậu sẽ giãn dần để chuẩn bị cho việc sinh sản. Đau xương chậu có thể là một dấu hiệu sắp sinh, tuy nhiên không thể chỉ dựa vào một dấu hiệu này để phán đoán mà còn dựa vào tình trạng thai phụ và thăm khám cụ thể của bác sĩ.

Đau xương chậu có phải mang thai không?

Phụ nữ có thai dễ bị đau xương chậu. Nhưng dấu hiệu đau xương chậu không đặc trưng cho quá trình mang thai. Cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, xét nghiệm máu để kết luận chính xác.

Tại sao đau xương chậu?

Đau xương chậu có thể do nhiều nguyên nhân, bệnh lý khác nhau gây nên. Do đó cần được chẩn đoán tìm ra nguyên nhân để điều trị hiệu quả.


Hy vọng sau bài viết này bạn đã nắm được những thông tin cần thiết về đau xương chậu để kịp thời phát hiện và có cách xử trí phù hợp.