Dị ứng thời tiết: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Dị ứng thời tiết thuộc nhóm bệnh dị ứng rất hay gặp ở con người. Bệnh tuy rằng khá lành tính và có thể tự thuyên giảm nhanh chóng sau vài ngày đến vài tuần nhưng tổn thương da và các triệu chứng ở đường hô hấp do bệnh dị ứng thời tiết này gây ra có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt, ngoại hình, …

Nếu người bệnh không chủ động điều trị, ngoài ra bệnh dị ứng thời tiết có thể chuyển biến sang giai đoạn mãn tính và tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý có cơ chế dị ứng khác. Vậy hãy cùng Docosan tìm hiểu xem dị ứng thời tiết là gì, nguyên nhân dấu hiệu và cách điều trị bệnh như thế nào.

Dị ứng thời tiết là gì?

Dị ứng thời tiết là một trong những bệnh dị ứng phổ biến, rất thường gặp trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Bệnh xảy ra khi hệ miễn phản ứng lại với các yếu tố của thời tiết một cách thái quá.

Các yếu tố thời tiết thường gặp như thay đổi nhiệt độ quá nóng – quá lạnh hoặc độ ẩm, chất dị ứng trong không khí, ánh sáng, sự phát triển của dị nguyên nấm mốc, sự thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí, … khiến cơ thể không kịp hoạt động để thích ứng với những yếu tố thời tiết này và gây ra các rối loạn trong cơ thể. Kết quả là biểu hiện ra bên ngoài hàng loạt các triệu chứng lâm sàng như phù, ngứa, nổi mẩn, nổi mề đay, xung huyết với các mức độ ảnh hưởng khác nhau.

di-ung-thoi-tiet

Dị ứng thời tiết thường xuất hiện nhiều hơn cả vào giai đoạn chuyển mùa (từ mùa nóng sang mùa lạnh). Dị ứng thời tiết có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là hay gặp những người có cơ địa nhạy cảm. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều không quá nguy hiểm nhưng vẫn phần nào ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ, hiệu suất lao động, học tập, vẻ ngoài …

Dị ứng thời tiết có thể tự thuyên giảm nhanh chóng nhưng cũng có khả năng tiến triển thành bệnh mãn tính, dai dẳng nếu không được điều trị tích cực. Dị ứng thời tiết có nhiều loại khác nhau như sau:

Dị ứng thời tiết nóng

Trong những ngày nắng nóng, cơ thể tiết ra rất nhiều mồ hôi khiến làn da luôn ở trong tình trạng ẩm ướt, dễ gây tình trạng viêm nhiễm, cơ thể bị mất nước.

Dị ứng thời tiết lạnh

Khi thời tiết lạnh, không khí hanh khô khiến làn da trở nên thô ráp hoặc ngày mưa ẩm ướt đều làm cho dị ứng thời tiết xảy ra.

Dị ứng thời tiết cấp tính

Bệnh thường chỉ kéo dài trong vòng 1 ngày đến 6 tuần. Triệu chứng thường xuất hiện ồ ạt nhưng giảm nhanh chóng ngay cả khi không điều trị. 

Dị ứng thời tiết mãn tính

Triệu chứng bệnh kéo dài hơn 6 tuần. Ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng của bệnh tiến triển dai dẳng, âm ỉ, ít bùng phát mạnh như trong giai đoạn cấp. 

Nguyên nhân của dị ứng thời tiết là gì ?

Các yếu tố thời tiết thường gặp như thay đổi nhiệt độ quá nóng – quá lạnh hoặc độ ẩm, chất dị ứng trong không khí, ánh sáng, sự phát triển của dị nguyên nấm mốc, sự thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí, … là những yếu tố trực tiếp kích thích dị ứng thời tiết bùng phát. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ bị bệnh khi thời tiết thay đổi mà chỉ có một vài cá thể phản ứng quá mức với những yếu tố này. Ở những người khỏe mạnh, hệ miễn dịch gần như không có phản ứng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết.

Vì vậy, dị ứng thời tiết chỉ xảy ra khi có những yếu tố thuận lợi sau:

  • Cơ địa dị ứng: Cơ địa dị ứng là yếu tố quan trọng trong cơ chế sinh bệnh của các nhóm bệnh dị ứng, khi hệ miễn dịch trở nên “nhạy cảm” và phán ứng thái quá với các tác động từ bên trong và bên ngoài cơ thể. Do đó, người có cơ địa nhạy cảm thường dễ dị ứng hơn so với người bình thường.
  • Yếu tố di truyền: Các bệnh lý có cơ chế dị ứng đều liên quan đến yếu tố di truyền, nguy cơ mắc bệnh tăng lên đáng kể nếu cả cha và mẹ đều có tiền sử dị ứng thời tiết, mề đay, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng,…
  • Hệ miễn dịch bị suy giảm: Hệ miễn dịch bị suy giảm là điều kiện thuận lợi để bùng phát dị ứng thời tiết, mề đay mẩn ngứa và các bệnh có cơ chế dị ứng khác, gây ra rối loạn hệ miễn dịch khiến cơ thể xuất hiện các phản ứng dị ứng, sản sinh ra hàng loạt các kháng thể, chất hóa học trong cơ thể nhằm chống lại các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài, gây hại tới cơ thể. 
  • Điều kiện thời tiết: Dị ứng thời tiết chỉ xảy ra vào giai đoạn chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột, có thể thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Đây là những giai đoạn độ ẩm, nhiệt độ và chất dị ứng trong không khí tăng cao. Vì vậy, hệ miễn dịch của cơ thể không kịp thời thay đổi để “thích nghi” và dễ bùng phát phản ứng dị ứng.

Biểu hiện của dị ứng thời tiết như thế nào?

Các triệu chứng của bệnh dị ứng thời tiết khá điển hình, thường bùng phát mạnh sau khi tiếp xúc với các yếu tố thời tiết như nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, phấn hoa hoặc độ ẩm cao có trong không khí,… 

Đa phần các trường hợp, làn da là nơi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên gây dị ứng da thời tiết. Đôi khi đi kèm với triệu chứng ở cơ quan hô hấp, mắt và cổ họng nhưng ít phổ biến hơn.

Các biểu hiện của dị ứng thời tiết thường gặp là:

  • Dị ứng thời tiết nổi mề đay, phát ban: là triệu chứng rất thường gặp ở hầu hết các trường hợp bị dị ứng thời tiết, nổi các đốm hoặc mảng đỏ/ hồng bằng phẳng hoặc nổi cộm so với vùng da lành, da bị sưng rộp hay tấy đỏ, phù lên và xung huyết, kèm theo ngứa âm ỉ, dai dẳng hoặc dữ dội. Phát ban và nổi mề đay do dị ứng thời tiết thường bùng phát trên diện rộng, tập trung nhiều ở những vùng da hở như bàn tay, bàn chân, mặt, cổ. Cần lưu ý nếu nổi mề đay, phát ban đi kèm với triệu chứng lơ mơ, khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột được gọi là sốc phản vệ, cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu khẩn trương.
Dị ứng thời tiết nổi mề đay
  • Chàm bội nhiễm: Ở những người bị chàm, dị ứng thời tiết là yếu tố kích thích triệu chứng của bệnh bùng phát. Đồng thời có thể đi kèm với phát ban da và nổi mề đay. Chàm biểu hiện là các mảng da đỏ, nổi mụn nước và ngứa ngáy, có nhiều vảy gầu ở đầu, khuỷu tay, đầu gối và mặt. Sau một thời gian, mụn nước vỡ, dịch vàng chảy ra dẫn đến trợt loét, da khô ráp, dày sừng và nứt nẻ.
  • Viêm mũi dị ứng do tác nhân thời tiết: Triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi 2 bên và ngứa mũi  thường đến nhanh và đột ngột. Có thể gặp các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng đi kèm. Một số trường hợp có thể bị viêm mũi dị ứng đơn độc nhưng cũng có thể đi kèm với mề đay mẩn ngứa và phát ban da.
  • Các triệu chứng khác: Ngoài ra, dị ứng thời tiết cũng có thể gây ra một số triệu chứng khác như ho nhiều, thở khò khè, đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, mệt mỏi, chán ăn,… Các triệu chứng này ít gặp ở người lớn mà chủ yếu xuất hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Cách chữa dị ứng thời tiết

Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố thời tiết khiến bệnh dị ứng thời tiết khởi phát là biện pháp quan trọng nhất khi chữa dị ứng thời tiết. Một số tác nhân làm khởi phát bệnh là:

  • Phấn hoa và các chất dị ứng trong không khí được xem là yếu tố phổ biến nhất kích thích triệu chứng của dị ứng thời tiết bùng phát. Do đó, bệnh nhân nên đeo khẩu trang và mặc quần áo dài tay khi đi ngoài trời.
  • Môi trường sống ô nhiễm, nhiều bụi mịn và chất dị ứng, nên sử dụng thiết bị lọc không khí để giảm tình trạng dị ứng da và đường hô hấp.
  • Khi thời tiết lạnh, nên giữ ấm cơ thể và dưỡng ẩm da thường xuyên. Ngược lại trong trường hợp thời tiết nóng bức, cần giữ vệ sinh cơ thể và mặc quần áo thông thoáng để giảm ma sát, đồng thời hạn chế tăng thân nhiệt và bài tiết nhiều mồ hôi.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài – đặc biệt là ánh nắng từ 10:00 – 15:00.
  • Dù không phải là yếu tố kích thích dị ứng thời tiết bùng phát nhưng bệnh nhân cũng nên hạn chế các yếu tố có thể khiến bệnh chuyển biến nặng như thức ăn dị ứng, rượu bia, cà phê, kích thích cơ học, thuốc lá, …

Khi đã áp dụng các biến pháp điều trị kể trên mà bệnh dị ứng thời tiết vẫn không thuyên giảm, còn gây ngứa nhiều hoặc kéo dài trong nhiều tuần, việc đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể và cho thuốc uống là vô cùng cần thiết. Một số thuốc điều trị bệnh dị ứng thời tiết thường được bác sĩ dùng như:

  • Thuốc kháng histamin H1 giúp giảm ngứa, đồng thời giảm mức độ của tổn thương da và các triệu chứng ở đường hô hấp. 
  • Corticoid đường uống được dùng khi dị ứng thời tiết bùng phát mạnh gây khó thở, ngứa cổ họng, mề đay lan tỏa rộng, phù mi mắt,… Tuy nhiên, corticoid đường uống có nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng trong trường hợp thật sự cần thiết. 
  • Thuốc ức chế leukotriene: leukotriene là chất trung gian trong phản ứng dị ứng. Việc sử dụng thuốc ức chế leukotriene sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh – đặc biệt là các triệu chứng ở đường hô hấp.
  • Ngoài những loại thuốc kể trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số loại thuốc khác tùy theo triệu chứng của từng bệnh nhân như corticoid dạng khí dung, thuốc giảm ho, long đờm, thuốc co mạch, Omalizumab,…

Kết luận

Bệnh dị ứng thời tiết là bệnh lý xảy ra khi hệ miễn phản ứng lại với các yếu tố của thời tiết một cách thái quá. Dị ứng thời tiết chỉ xảy ra khi có những yếu tố thuận lợi như cơ địa dị ứng, yếu tố di truyền, hệ miễn dịch bị suy giảm, điều kiện thời tiết. Các triệu chứng của bệnh dị ứng thời tiết khá điển hình gồm nổi mề đay, phát ban, chàm bội nhiễm, viêm mũi dị ứng, …  Cách chữa bệnh dị ứng thời tiết chủ yếu nhất là tránh tiếp xúc với các yếu tố gây khởi phát bệnh, đi khám bác sĩ nếu bệnh trở nặng và kéo dài.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.