Nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt là triệu chứng của một số tình trạng của da như nổi mề đay, vết côn trùng cắn, dị ứng hoặc bị viêm da. Thông thường các vết này sẽ tự khỏi sau vài ngày, tuy nhiên cũng không nên xem nhẹ tình trạng này. Cùng Docosan tìm hiểu tình trạng này qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Vì sao da nổi mẩn ngứa như bị muỗi đốt?
Da nổi mẩn ngứa như bị muỗi đốt là tình trạng có nhiều nốt mẩn đỏ nổi trên da gây cảm giác ngứa. Tình trạng này ở mỗi người là khác nhau có thể như nốt muỗi hoặc tạo thành từng mảng, thời gian ngứa cũng như tần suất cơn ngứa xuất hiện cũng khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây phát ban trên da, bao gồm:
- Chất gây dị ứng trong môi trường.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm họng liên cầu khuẩn.
- Các bệnh về da như bệnh chàm.
- Chất gây kích ứng.
- Virus.
Phát ban
Phát ban đỏ trên da là tình trạng trên da xuất hiện các mảng, đốm đỏ, gây ngứa rất khó chịu. Triệu chứng có thể kể đến như:
- Xuất hiện các nốt phát ban có màu hồng hoặc đỏ, có nổi mẩn hoặc mụn nước.
- Vết ban lan ra các bộ phận khác gây ngứa và đau rát.
- Trên da tổn thương có thể xuất hiện mụn nhỏ, tăng sừng và tróc vảy.
- Phát ban không đi kèm sốt.
Bạn có thể sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm kháng Histamin, các thuốc từ dược liệu như atiso để giải độc gan… Tuy nhiên các loại thuốc này chỉ có thể làm giảm cảm giác khó chịu do ngứa mà không tác động vào nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh cần gặp bác sĩ da liễu để thăm khám và nghe tư vấn để điều trị tận gốc bệnh, hạn chế tình trạng tái phát thêm.
Rệp cắn
Rệp là một loại ký sinh trùng có khả năng hút máu động vật và con người. Vết cắn của rệp thường xuất hiện ở những vùng da không được che chắn như cổ, mặt, cánh tay và chân với các biểu hiện là những vết sưng màu đỏ, gây ngứa. Các vết sưng ngứa này dễ khiến bạn nhầm lẫn giống như vết muỗi cắn, nên để phân biệt bạn cần kiểm tra thêm các dấu hiệu khác như:
- Rệp xuất hiện trên giường hoặc ga trải giường.
- Xác rệp trên giường.
- Vệt máu trên ga trải giường hoặc nệm do rệp để lại.
- Vết cắn xuất hiện trên da theo đường thẳng hoặc hình dạng ngẫu nhiên khác.
Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là phản ứng dị ứng khi da tiếp xúc với chất gây dị ứng như mủ cao su, một số kim loại,.. Dấu hiệu có thể mất 1-2 ngày mới xuất hiện triệu chứng, 2-4 tuần để các triệu chứng biến mất. Viêm da tiếp xúc có thể gây nổi mẩn ngứa, đỏ hoặc phồng rộp khiến bạn khó chịu.
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh lý viêm da mạn tính có thể tái phát. Bệnh này thường xuất hiện ở trẻ em, một số bệnh nhân sẽ tự hết khi qua 2 tuổi nhưng cũng có thể tiến triển thành viêm da cơ địa khi lớn lên. Triệu chứng ở bệnh này là xuất hiện các vết mẩn ngứa, đỏ, tổn thương dạng sẩn, mảng sẩn nổi cao hơn mặt da hoặc tổn thương dày da ở các nếp gấp ở cổ chân, nếp gấp khuỷu, cổ, nách, bẹn,… Tổn thương đối xứng 2 bên, ngứa nhiều, nặng hơn ở mùa khô.
Sử dụng các thuốc giảm ngứa, corticoid bôi tại chỗ, kết hợp với tắm rửa với sữa tắm dịu nhẹ và dưỡng ẩm hàng ngày có thể giúp giảm các triệu chứng này. Đồng thời bệnh nhân cần cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày như không mặc hay tiếp xúc với đồ len dạ, ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm, sắt, acid folic, vitamin A, vitamin B,…
Ghẻ
Bệnh ghẻ là bệnh ngoài da có tính lây lan, do Sarcoptes scabiei hay còn gọi là cái ghẻ xâm nhập làm tổn thương da. Triệu chứng của ghẻ là các nốt ngứa trên da, tương tự như vết muỗi đốt, chỉ nhỏ hơn.
Bệnh nhân cần tuân thủ chính xác hướng dẫn sử dụng thuốc và quan trọng hơn là những người bị ghẻ phải giặt và phơi khô kỹ tất cả quần áo, khăn tắm, ga giường và các vật dụng gia đình khác. Ngoài ra, khi thăm khám, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các nhóm thuốc giảm ngứa như thuốc kháng Histamin, corticoid kết hợp cùng thuốc tiêu diệt cái ghẻ.
Bệnh chàm
Bệnh chàm là tình trạng viêm da dị ứng, gây ngứa, đỏ hoặc tím, da bị kích ứng và đôi khi có thể thành cục u. Lâu dài, vấn đề này khiến da dày hơn, có vảy và bong tróc và khiến da đổi màu. Điều trị bệnh chàm đòi hỏi phải kết hợp giữa việc tự chăm sóc và thuốc. Tắm rửa hàng ngày và sử dụng kem dưỡng ẩm cũng giúp ích trong việc điều trị bệnh chàm.
Dị ứng
Dị ứng cũng là nguyên nhân nổi mẩn đỏ ngứa. Dị ứng có thể do thời tiết, thực phẩm, mỹ phẩm hoặc thuốc. Tuy nhiên bệnh nhân dị ứng thường kèm theo các triệu chứng đi kèm, như là:
- Dị ứng thời tiết sẽ kèm theo sổ mũi, hắt hơi,…
- Dị ứng do thuốc có thể gây khó thở, nổi hồng ban, toàn thân đỏ ửng,…
- Dị ứng do thực phẩm bệnh nhân có thể đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy,…
- Dị ứng mỹ phẩm.
Trường hợp bị dị ứng, bệnh nhân cần tránh nguyên nhân gây dị ứng, gặp bác sĩ để điều trị các triệu chứng ban đầu.
Nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt có nguy hiểm không?
Thông thường, nổi mẩn đỏ như muỗi đốt không nguy hiểm. Đa phần các trường hợp gặp phải đều ở mức độ nhẹ tự thuyên giảm sau một khoảng thời gian. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với kích ứng da từ các tác nhân như côn trùng cắn, dị ứng, viêm da,…
Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng khác như: Khó thở, sưng cổ họng, sưng mí mắt, sưng môi, đau đầu, choáng váng,… bạn cần đến bác sĩ để tìm nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp.
Triệu chứng nổi mẩn đỏ
Nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt có thể dễ dàng nhận thấy thông qua một số triệu chứng:
- Cảm giác ngứa là triệu chứng điển hình.
- Da nổi cục, sưng và tạo thành nhiều đỏ nhỏ hoặc các nốt sần trên da.
- Có một số trường hợp người bệnh có cảm giác đau hoặc khó chịu khi nổi mẩn.
- Gãi quá nhiều khiến vùng da bị tổn thương, loét dẫn đến cảm giác đau.
- Nổi mẩn có thể lan rộng đến các vị trí khác trên cơ thể.
- Một số trường hợp vùng da bị nổi mẩn còn bị sưng và viêm nhẹ.
Các vết mẩn ngứa trên da không phải lúc nào cũng là do muỗi đốt, đôi khi là vì các nguyên nhân khác. Các nguyên nhân này có thể là vết cắn của các loại côn trùng, nhiễm trùng hoặc kích ứng da, các bệnh về da như vảy nến, nổi mề đay, ghẻ, tổ đỉa,…
Một số biện pháp phòng ngừa và mẹo chữa hiệu quả các mẩn ngứa
Mẹo chữa hiệu quả các nốt mẩn ngứa như muỗi đốt
Nếu như bị nổi mẩn đỏ và ngứa nhẹ hoặc bệnh mới bắt đầu thì có thể ứng dụng những nguyên liệu đơn giản, an toàn, tiết kiệm dễ thực hiện như là:
- Sử dụng lá khế: Lá khế rửa sạch, thái nhỏ, sau đó cho vào chảo sao vàng. Sau đó cho vào túi chườm, chườm lên vùng da bị mẩn đỏ. Theo y học cổ truyền lá khế giúp thanh nhiệt, tiêu viêm và đào thải độc tố sử dụng rất tốt trong các trường hợp dị ứng, mẩn ngứa, nổi mề đay. Theo y học hiện đại. Lá khế có tính vô trùng cao giúp giảm viêm, giảm ngứa ở các bệnh mề đay, rôm sảy.
- Tắm bằng lá trà xanh: Lá trà xanh có nhiều chất oxy hoá giúp tiêu viêm, kháng khuẩn, cải thiện mẩn ngứa, mụn nhọt, mề đay.
- Chườm mát: Một biện pháp nhanh chóng giảm ngứa và mẩn đỏ. Bạn có thể đắp khăn mát lên da, hoặc tắm bằng nước mát nếu bị ngứa, mẩn đỏ toàn thân.
- Tinh dầu bạc hà: Menthol trong tinh dầu bạc hà có khả năng kháng khuẩn, làm mát da và giảm triệu chứng ngứa ngáy trên da rõ rệt.
- Gừng: Gừng có chứa hoạt chất gingerol, là một chất oxy hoá mạnh. Hoạt chất này giúp giảm viêm hiệu quả. Sử dụng gừng tươi rửa sạch, đập dập hoặc thái lát mỏng pha với nước sôi.
Biện pháp phòng ngừa
Một số biện pháp phòng ngừa tránh nổi mẩn đỏ là:
- Chọn quần áo thoáng mát, sử dụng chất liệu cotton lụa.
- Tránh dùng các loại mỹ phẩm, thực phẩm có thể kích ứng da.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, lông vật nuôi, tia UV,…
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, giặt sạch ga, gối thường xuyên.
- Giữ vệ sinh cơ thể.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nổi mẩn đỏ thì không nguy hiểm đến tính mạng nhưng trường hợp xuất phát hiện từ bệnh lý mà không được phát hiện kịp thời thì dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng da, sốc phản vệ, hạ huyết áp đột ngột, khó thở,…
Dấu hiệu nhận biết bất thường
Một số dấu hiệu nhận biết bất thường trong trường hợp nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt không rõ nguyên nhân:
- Vết ban đỏ ngứa ngày càng lan rộng.
- Da nổi mẩn đỏ ngứa kèm theo hiện tượng như sưng đỏ, sốt, có bọng nước xuất huyết, đau khớp,…
- Vùng nổi mẩn đỏ gây đau.
- Sưng mặt, môi lưỡi, cổ họng gây khó nói, khó nuốt,
- Chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu, mất thăng bằng.
- Sốt cao, ớn lạnh.
- Mẩn đỏ có mủ, chảy dịch xanh hoặc vàng.
- Triệu chứng không thuyên giảm sau 2 tuần điều trị tại nhà.
Các xét nghiệm chẩn đoán
Bác sĩ sẽ quan sát, sờ nắn vùng da bị tổn thương, kiểm tra tiền sử bệnh, tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, sau đó sẽ làm các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu hơn bao gồm:
- Xét nghiệm máu.
- Kiểm tra chức năng gan, thận.
- Xét nghiệm IgE là một trong 5 loại kháng thể được hệ miễn dịch tạo ra trong phản ứng dị ứng.
Test dị ứng:
- Prick test ( Test lẩy da): Giúp chẩn đoán các bệnh dị ứng như dị ứng không khí, thực phẩm, phấn hoa, nấm mốc, lông thú, thuốc hoặc nọc độc của ong.
- Patch test (Test áp bì): Giúp chẩn đoán chất gây dị ứng khi da tiếp xúc trực tiếp với các chất ngoại lai như hoá chất , mỹ phẩm.
- Sinh thiết da: Là thủ thuật lấy một mảnh da với kích thước khoảng 2mm – 5mm để thực hiện xét nghiệm mô bệnh học.
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Hiện nay nhu cầu điều trị về các vấn đề da liễu và làm đẹp của mọi người ngày càng gia tăng. Vì vậy, các bệnh viện, phòng khám da liễu cũng tăng ngày một nhiều hơn nhắm đáp ứng được nhu cầu khám và chữa bệnh của mọi người. Tuy nhiên, điều này cũng khiến việc tìm một địa chỉ uy tín, bác sĩ chuyên môn giỏi trở nên khó khăn. Hiểu được tâm lý của bạn, Docosan sẽ chia sẻ một số bệnh viện, phòng khám da liễu uy tín giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm mà bạn có thể tham khảo như:
Một số câu hỏi liên quan
Nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt thì nên bôi thuốc gì?
Để cải thiện tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ da liễu các loại thuốc kê đơn. Một số loại thuốc điều trị mẩn đỏ, ngứa như sau:
- Steroid bôi tại chỗ, bôi ngay khi xuất hiện các nốt mẩn đỏ.
- Thuốc bôi da hoạt chất từ kẽm, nồng độ 5-10% giúp giảm đỏ hiệu quả.
- Dùng các loại thuốc chống ngứa.
- Thuốc kháng Histamin.
- Thuốc sát trùng da để hạn chế tình trạng lây lan.
Nổi mẩn đỏ giống như muỗi đốt mà không ngứa là bị gì?
Một số trường hợp nổi mẩn đỏ nhưng không có cảm giác ngứa. Đó có thể là mụn, sừng hóa nang lông, phát ban nhẹ do nhiệt độ cơ thể tăng, hoặc cũng có thể do vết côn trùng cắn.
Trên đây là thông tin về nguyên nhân và cách điều trị nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt, hãy chia sẻ thông tin hữu ích này đến mọi người xung quanh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ gây ngứa, vì vậy để xác định được tác nhân chính xác và có phương pháp điều trị cụ thể cần lưu ý các vấn đề bất thường xảy ra nhất là ở trẻ em. Điều cần làm là gặp bác sĩ sớm để kịp thời chẩn đoán và điều trị nhé.
Xem thêm:
- Khám da liễu bao nhiêu tiền? – Chuyên gia giải đáp thắc mắc.
- 4 bước xử trí mặt bị dị ứng mỹ phẩm nhanh chóng tại nhà.
- Ghẻ nước: Dấu hiệu và cách chữa trị.
Tài liệu tham khảo:
1. What could itchy bumps on the skin like mosquito bites be?
- Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/itchy-bumps-on-skin-like-mosquito-bites.
- Ngày tham khảo: 12/08/2024.
2. Skin rash:
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17413-rashes-red-skin.
- Ngày tham khảo: 12/08/2024