Tiêm Meso là gì? Liệu phương pháp này có an toàn?

Tiêm meso là phương pháp tiêm đang được sử dụng nhiều trong lĩnh vực làm đẹp thẩm mỹ. Với rất nhiều ứng dụng trong điều trị các vấn đề về da, tóc cũng như vóc dáng. Tiêm meso đã trở nên phổ biến và được nhiều người nổi tiếng cũng như các tín đồ làm đẹp tin tưởng lựa chọn. Liệu phương pháp tiêm meso này cũng có thể là con dao hai lưỡi có thể đem đến những rủi ro hay biến chứng không ngờ? Liệu lựa chọn tiêm meso có thật sự phù hợp cho bạn? Hãy đọc bài viết này để cùng Doctor có sẵn giải đáp các thắc mắc ấy.

Tiêm meso là gì?

Tiêm meso (mesotherapy) là một phương pháp trị liệu được tìm ra bởi vị bác sĩ nổi tiếng người Pháp Michel Pistor vào năm 1952. Pistor đã thành lập Hiệp hội Mesotherapy của Pháp vào năm 1964 và mở rộng kỹ thuật này để ứng dụng cho lĩnh vực y tế, thú y và thẩm mỹ nói chung. Năm 1987, Viện khoa học Hàn lâm Pháp chính thức công nhận tiêm mesotherapy là một phương pháp trị liệu y khoa. Cho đến nay, phương pháp này đã được phổ biến rộng khắp trên khắp thế giới, nhất là tại các quốc gia phát triển ở Châu Mỹ, Châu Âu.

Tiêm meso có thể được hiểu là một phương pháp tiêm vi điểm nhằm đưa một lượng thuốc hoặc dưỡng chất nhỏ vào lớp trung bì của da (mũi tiêm sâu khoảng 1 – 4 mm). Ban đầu tiêm meso được sử dụng chủ yếu trong giảm đau khi điều trị bệnh về tim mạch, các bệnh tổng quát. Sau đó, phương pháp này được phát triển để đưa các dưỡng chất như vitamin, hormon, enzym và các tinh chất được chiết xuất từ dược liệu để phục vụ cho mục đích làm đẹp và trẻ hoá làn da.Các dược chất thường được sử dụng trong tiêm meso có thể kể đến: vitamin A,C,D, E,K, acid hyaluronic, các chất khoảng, nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể (Selen, kẽm,..), các enzym tiêu sợi mỡ hyaluronidase và collagenase,…

Các ứng dụng của tiêm meso trong thẩm mỹ, trị liệu có thể kể đến:

  • Tan mỡ các vùng bụng, đùi, mông, cánh tay
  • Kích thích mọc tóc
  • Làm mờ vết nhăn, vết rạn da
  • Trẻ hoá làn da
  • Làm sáng da
  • Loại bỏ mụn trứng cá, bạch điến
  • Săn chắc da, thon gọn cơ thể
Kích thích mọc tóc bằng phương pháp tiêm meso
Kích thích mọc tóc bằng phương pháp tiêm meso

Quy trình thông thường khi thực hiện tiêm meso gồm các bước như sau:

  • Bước 1: Gặp bác sĩ tư vấn. Bạn sẽ được hướng dẫn về một số loại thuốc không nên dùng trước khi tiến hành trị liệu như thuốc chống viêm không steroid (NSAID),..
  • Bước 2: Trước khi tiêm, bạn sẽ có thể được ủ tê 30 phút hoặc không tuỳ thuộc vào mục đích trị liệu và loại thuốc được dùng.
  • Bước 3: Bạn sẽ được tiêm bằng một loại kim tiêm ngắn đặc biệt. Mũi tiêm sẽ được đâm vào độ sâu khác nhau tuỳ vào mục đích và tình trạng của bạn. Thông thường kĩ thuật tiêm được thực hiện trong 30 – 60 phút và chỉ đưa một lượng dược chất rất nhỏ vào da
  • Bước 4: Vệ sinh vị trí tiêm. Các bác sĩ sẽ dặn dò các lưu ý và lên lịch hẹn cho lần tiêm tiếp theo. Thông thường để đạt được hiệu quả mong muốn, bạn sẽ cần tiêm meso vài lần. Lần tiêm sau sẽ cách lần tiêm đầu khoảng 7 – 10 ngày. Sau đó nếu bạn đáp ứng tốt với phương pháp trị liệu, làn da dần cải thiện, lần tiêm tiếp theo sẽ được giãn ra khoảng 2 tuần cho đến 1 tháng. Tổng số lần trị liệu bằng tiêm meso trong khoảng từ 3 – 15 lần.

Những đối tượng phù hợp với phương pháp tiêm meso

Tiêm meso là phương pháp trị liệu da liễu thẩm mỹ được nhiều người sử dụng, đặc biệt là những chị em phụ nữ yêu thích làm đẹp. Đây là phương pháp trị liệu không xâm lấn và ít gây đau nên về cơ bản, những đối tượng khoẻ mạnh trên 18 tuổi đều có thể tiếp cận và sử dụng phương pháp tiêm meso. 

Tuy nhiên, phương pháp tiêm meso vẫn có những chống chỉ định cụ thể như sau: 

  • Đối tượng có chỉ số khối cơ thể lớn hơn 30
  • Đối tượng có tiền sử quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong dược chất được đưa vào cơ thể
  • Đối tượng dưới 18 tuổi
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Bệnh nhân dùng các loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc trợ tim (như amiodarone, hydralazine, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn beta )
  • Các đối tượng có các bệnh kèm theo như tiểu đường phụ thuộc insulin, rối loạn và suy giảm chức năng gan và thận, HIV/AIDS, động kinh hay rối loạn co giật và các bệnh miễn dịch như lupus ban đỏ.
  • Đối tượng có tổn thương ngoài da như sưng mủ, trầy xước tại vùng da trị liệu

Do đó, trước khi tiến hành trị liệu tiêm meso, bạn cần được tư vấn bởi bác sĩ hoặc người có chuyên môn về tình trạng sức khoẻ, vị trí và cách thức tiêm meso phù hợp.

Những đối tượng khoẻ mạnh trên 18 tuổi đều có thể tiêm meso
Những đối tượng khoẻ mạnh trên 18 tuổi đều có thể tiêm meso

Những tác dụng phụ sau khi tiêm meso

Tác hại của phương pháp tiêm meso vẫn có và đôi khi gây khó chịu cho người sử dụng. Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm meso có thể kể đến: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau nhẹ, phù, ngứa, ban đỏ và các nốt sần mềm tại chỗ tiêm. Ngoài ra chảy máu thoáng qua và viêm nhẹ cũng có thể xuất hiện trong vài ngày sau khi tiêm.

Với đối tượng có cơ địa dị ứng, các phản ứng quá mẫn tức thời hoặc chậm (đặc biệt với các enzym hyaluronidase, collagenase), ngứa hay phát ban da tại khu vực tiêm đều có thể xảy ra. Đối với một số thành phần dược chất, bạn cũng có thể gặp các tác dụng phụ cụ thể như lo lắng, run, đánh trống ngực, chuột rút cơ,.. Trong một số ít trường hợp, các vấn đề không nghiêm trọng về sắc tố bao gồm tăng sắc tố da, nổi mày đay có thể xuất hiện và tồn tại trong nhiều tháng và gây khó chịu cho người bệnh.

Tuy vậy, tiêm meso là một liệu pháp được đánh giá an toàn và rất ít mắc phải các tác dụng phụ nếu được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm.

Rủi ro và các biến chứng khi tiêm meso

Tiêm meso được đánh giá an toàn và rất ít gặp phải tác dụng phụ nếu được thực hiện bởi bác sĩ có nhiều kinh nghiệm. Rủi ro khi thực hiện phương pháp trị liệu này rất thấp và chưa ghi nhận ca tử vong nào. Biến chứng của tiêm meso không nhiều nhưng vẫn tồn tại và cần được cân nhắc.

  • Nhiễm trùng da: Nhiễm trùng da  tạo áp xe trên da có thể xảy ra sau khi tiêm từ 1 đến 12 tuần. Nguyên nhân nhiễm trùng da thường do kĩ thuật khử trùng khi tiêm kém và thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra, các dược chất đưa vào da không đảm bảo chất lượng và không rõ xuất xứ cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng.
  • Nổi mẩn bất thường, u hạt: Đối với một số đối tượng có hệ miễn dịch phản ứng mạnh, có bệnh tự miễn, sử dụng thuốc về miễn dịch, thường xuyên cử động vị trí tiêm có thể sẽ xuất hiện nốt sần và phản ứng u hạt. Ngoài ra, lượng dược chất đưa vào, đường kính mũi tiêm và góc tiêm cũng gây nên tình trạng sưng tấy bất thường tạo u hạt ở một số bệnh nhân. Đây là biến chứng viêm khởi phát muộn và có thể xơ cứng thành nốt sần không tan trên da.
  • Nhiễm các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan B,..: Nguy cơ nhiễm các bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra nếu các biện pháp sát khuẩn, khử trùng không được thực hiện đúng quy trình, nhất là ở những cơ sở thẩm mỹ hành nghề trái phép.
  • Hoại tử mô mỡ: Các trường hợp hoại tử mô mỡ thường xảy ra do áp lực tiêm, tổn thương sẵn có tại khu vực tiêm và nhất là loại dược chất tiêm vào. Tuy vậy, phương pháp tiêm meso vẫn được đánh giá cao về tính an toàn hơn so với các phương pháp hút mỡ khác.
Nổi mẩn bất thường có thể là biến chứng tiêm meso
Nổi mẩn bất thường có thể là biến chứng tiêm meso

Phòng ngừa và lưu ý khi tiêm meso

Phần lớn các biến chứng xảy ra do bác sĩ thực hiện thiếu kinh nghiệm, cơ sở trị liệu không đảm bảo qui trình vệ sinh sát khuẩn và an toàn y tế. Do đó, để phòng ngừa biến chứng khi tiêm meso, đầu tiên bạn nên lựa chọn cơ sở da liễu thẩm mỹ có uy tín cùng đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, bạn cần yêu cầu tư vấn cụ thể về tình trạng sức khoẻ, tiền sử dị ứng của bản thân, vị trí tiêm, loại dược chất sử dụng, các loại thuốc được khuyến cáo không dùng khi tiêm meso,…

Sau khi tiêm, bạn cần đảm bảo các biện pháp vệ sinh cần thiết như:

  • Không chạm hay cử động quá nhiều vị trí tiêm để tránh tình trạng viêm nhiễm
  • Rửa vùng tiêm nhẹ nhàng bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý
  • Tránh trang điểm hay bôi các hoạt chất dễ kích ứng vào vết tiêm
  • Tránh uống rượu bia hoặc dùng các thuốc giảm đau dễ gây xuất huyết như Asprin hay ibuprofen
  • Tránh hoạt động mạnh gây ra mồ hôi, dính bụi bẩn vào vết tiêm
  • Sử dụng các tinh chất và sản phẩm dưỡng da theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Có thể chườm lạnh để giảm sưng tấy

Ngoài ra, bạn nên quan sát và theo dõi tình trạng da tại vị trí tiêm và tình trạng sức khoẻ của bản thân để kịp thời có các biện pháp xử lý phù hợp. Các phản ứng sưng tấy có thể xuất hiện trong 1-2 ngày đầu rồi biến mất. Nếu kéo dài và nổi nốt sần, có thể bạn đã bị phản ứng u hạt. Lúc này, bạn cần liên lạc với bác sĩ hoặc người có chuyên môn để được tư vấn cách xử lý. Các u hạt này có thể lành tính và tự tan, một số trường hợp bạn sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để giải quyết tình trạng này. Bạn hãy tái khám theo đúng lịch với bác sĩ và tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay các biện pháp khác để xử lý các biến chứng nếu có.

Chi phí khi tiêm meso

Chi phí tiêm meso khác nhau tùy thuộc vào cơ sở trị liệu, bác sĩ, vùng cơ thể được điều trị cũng như mục đích điều trị. Thông thường, chi phí của liệu pháp được tính theo mỗi lần thực hiện. Do đó, bạn có thể sẽ trả theo mỗi lần tiêm hoặc theo một gói liệu pháp trị liệu từ 3 – 15 lần.

Ở Hoa Kỳ, giá tiêm meso được ước tính vào khoảng 300 – 800 đô la Mỹ cho mỗi lần trị liệu. Trong khi ở Anh, chi phí ước tính cho một lần tiêm meso là từ 200 đến 700 bảng Anh. Ngoài ra, ở mức giá thấp hơn, bạn có thể phải trả 1.500 bảng Anh nếu bạn muốn đăng ký một liệu trình gồm tám lần tiêm meso. Tuy nhiên, vẫn có một số phòng khám có tiêm meso giá chỉ với 50 bảng Anh mỗi buổi.

Mức giá trị liệu bằng tiêm meso ở Việt Nam cũng có sự chênh lệch lớn như ở các nước phát triển nói trên. Mỗi cơ sở da liễu thẩm mỹ đều có các mức giá khác nhau cho các gói trị liệu. Bạn có thể tham khảo bảng giá và hẹn lịch tư vấn tại những cơ sở uy tín trước khi tiến hành liệu trình tiêm meso.

Câu hỏi thường gặp:

Có nên tiêm meso không?

Bạn có thể tiêm meso nếu bạn có nhu cầu trẻ hoá làn da hoặc gặp các vấn đề như rụng tóc, sạm da hay mỡ ở các vùng da và bạn không nằm trong các đối tượng chống chỉ định của phương pháp này.

Tiêm meso có an toàn không?

Phương pháp này được đánh giá an toàn và ít gặp tác dụng phụ nếu được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm cũng như được thực hiện tại cơ sở da liễu thẩm mỹ uy tín và đảm bảo yêu cầu về y tế.

Sau khi tiêm meso cần kiêng gì?

Tránh ánh sáng mặt trời, bụi bẩn, mồ hôi và các hoạt chất có khả năng gây kích ứng da như đồ trang điểm, retinoid,..

Bao lâu tiêm meso 1 lần?

Một liệu trình tiêm meso sẽ được bác sĩ tư vấn tuỳ theo mục tiêu điều trị và tình trạng cải thiện của bạn. Thông thường, lần tiêm sau sẽ cách lần tiêm đầu khoảng 7 – 10 ngày. Sau đó nếu bạn đáp ứng tốt với phương pháp trị liệu, làn da dần cải thiện, lần tiêm tiếp theo sẽ được giãn ra khoảng 2 tuần cho đến 1 tháng. Tổng số lần trị liệu bằng tiêm meso trong khoảng từ 3 – 15 lần.

Tiêm meso mấy ngày hết sưng?

Tuỳ thuộc tình trạng sức khoẻ của mỗi người, kĩ thuật tiêm, loại dược chất đưa vào và vị trí tiêm, thông thường là từ 1-2 ngày.

Tiêm meso khi nào tan?

Tuỳ thuộc tình trạng sức khoẻ của mỗi người, kĩ thuật tiêm, loại dược chất đưa vào và vị trí tiêm, thông thường là từ 1-2 ngày. Nếu có phản ứng u hạt, nổi sần dưới da thì một thời gian sau có thể tự tan hoặc dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Tiêm meso bị sưng phải làm sao

Sưng tấy là phản ứng thường gặp sau khi tiêm meso. Thường khoảng sau 1-2 ngày sẽ hết dấu hiệu này. Nếu kéo dài và gây khó chịu, bạn cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

Có bầu tiêm meso được không

Phụ nữ có thai không được tiêm meso.

Những ai không nên tiêm meso

  • Đối tượng có chỉ số khối cơ thể lớn hơn 30
  • Đối tượng có tiền sử quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong dược chất được đưa vào cơ thể
  • Đối tượng dưới 18 tuổi
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Bệnh nhân dùng các loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc trợ tim (như amiodarone, hydralazine, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn beta )
  • Các đối tượng có các bệnh kèm theo như tiểu đường phụ thuộc insulin, rối loạn và suy giảm chức năng gan và thận, HIV/AIDS, động kinh hay rối loạn co giật và các bệnh miễn dịch như lupus ban đỏ.
  • Đối tượng có tổn thương ngoài da như sưng mủ, trầy xước tại vùng da trị liệu

Hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về tiêm meso cũng như những rủi ro, biến chứng có thể xảy ra. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có nhu cầu tìm hiểu thêm về phương pháp này, xin vui lòng đặt lịch khám với bác sĩ thẩm mỹ trên Docosan.com.

Nguồn tham khảo:

  • Sivagnanam G. Mesotherapy – The french connection. J Pharmacol Pharmacother. 2010 Jan;1(1):4-8. doi: 10.4103/0976-500X.64529. PMID: 21808584; PMCID: PMC3142757.
  • Plachouri KM, Georgiou S. Mesotherapy: Safety profile and management of complications. J Cosmet Dermatol. 2019 Dec;18(6):1601-1605. doi: 10.1111/jocd.13115. Epub 2019 Aug 24. PMID: 31444843.
  • https://www.healthcentre.org.uk/cosmetic-treatments/mesotherapy-cost-of-mesotherapy.html